Tập 12: Cờ lau Vạn Thắng Vương

Khi Đỗ Cảnh Thạc lo giữ Bình Đà thì Đinh Bộ Lĩnh cho quân mình chia làm bốn cánh bí mật tiến đến sát thành Quèn và bất ngờ cho quân tấn công thành.

Lực lượng nhỏ bé của Đỗ Cảnh Thạc để lại giữ thành không thể nào chống đỡ nổi quân Đinh. Thành Quèn bị hạ nhanh chóng. Đinh Bộ Lĩnh cho phá hủy thành quách, lương thực, thuyền chiến, khí giới của Đỗ Cảnh Thạc.

Sau thất bại nặng nề đó, Đỗ Cảnh Thạc cố trở về chỉnh đốn lại binh mã. Tuy nhiên, lực lượng của vị sứ quân này suy yếu đi nhiều. Sau đó, trong một cuộc giao tranh, ông bị trúng tên chết. Số quân còn lại đều theo về với Đinh Bộ Lĩnh.

Nguyễn Siêu ở Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) cũng là một sứ quân có lực lượng hùng mạnh. Khi Đinh Bộ Lĩnh đưa quân đến đánh, Nguyễn Siêu đem hơn một vạn quân ra đắp thành lũy chống cự.

Trong cuộc giao tranh, quân của Đinh Bộ Lĩnh bị thiệt hại nhiều.

Bốn tướng lãnh bị tử trận.

Đinh Bộ Lĩnh sai Nguyễn Bặc, Lê Hoàn tiếp tục đánh phá thành lũy còn mình mang một cánh quân tiến đánh các vùng đất khác của Nguyễn Siêu, khiến Nguyễn Siêu phải dàn trải lực lượng để chống cự. Quá lo sợ, Nguyễn Siêu đưa một phần lực lượng sang bờ bắc sông Hồng định liên kết với các sứ quân khác để chống Đinh Bộ Lĩnh. Chẳng may, thuyền quân Nguyễn Siêu gặp gió lớn bị đắm sạch.

Nắm được thời cơ thuận lợi đó, Đinh Bộ Lĩnh tung ra đòn quyết định. Ông sai người lẻn vào doanh trại của Nguyễn Siêu phục sẵn chờ khi đại binh tấn công thì ở bên trong đột phá doanh trại địch. Nhờ đó, quân của Nguyễn Siêu bị hốt hoảng, rối loạn và bị bại nhanh chóng.

Cứ như thế, trong ba năm (965-967), Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp tan các sứ quân, tiêu diệt tất cả các lực lượng cát cứ; khôi phục sự thống nhất đất nước, lập lại quyền lực của triều đình trung ương. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua tức Đinh Tiên Hoàng.

Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt và xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế. (Trước đó, Ngô Quyền chỉ xưng vương chứ chưa đặt quốc hiệu). Năm 970, nhà vua đặt niên hiệu là Thái Bình).

Các việc làm đó của Đinh Tiên Hoàng nhằm một lần nữa khẳng định nền độc lập dân tộc đối với các triều đại phương Bắc. Từ đó về sau, các vua nước ta đều xưng là Hoàng đế… (*)

(*) Trong chữ Hán, chữ Vương và Đế có nghĩa khác nhau. Đế là vua một nước lớn có quyền tự chủ, còn vương là vua một nước chư hầu.

Đinh Tiên Hoàng không đóng đô ở Cổ Loa nữa mà chọn vùng đất khởi nghiệp của mình để đặt kinh đô. Lúc đầu, nhà vua định chọn quê mẹ là thôn Đàm (nay là thôn Đàm Xá, xã Gia Tiên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nhưng thấy nơi đây chật hẹp, địa thế không mấy thuận lợi cho việc phòng thủ nên cho xây dựng kinh đô mới ở Hoa Lư.

Có kinh đô mới, Đinh Tiên Hoàng tập trung kiện toàn tổ chức triều đình, củng cố hơn nữa chế độ trung ương tập quyền. Vua vừa là người nắm mọi quyền cai trị, vừa là vị quan tòa tối cao xét xử các vụ án và vừa là vị chỉ huy tối cao của quân đội. Đây là một sự đổi mới đáng kể so với thời Ngô vương trị vì trước đó.

Năm 969, Đinh Tiên Hoàng phong cho con trai trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt vương. Trong cung ông cho lập năm hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Vân Nga là con của ông Dương Thế Hiển, một người bạn đồng triều của Đinh Công Trứ. (Cũng có sách cho Dương hoàng hậu tên Dương Thị Ngọc Vân, con gái của Dương Tam Kha).

Nhà vua cho sửa đổi triều nghi định phẩm trật và tước vị cho các quan văn võ. Các công thần được phong chức tước. Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công, Đinh Điền làm Ngoại giáp (chỉ huy quân ở các địa phương), Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân (chỉ huy quân đội trong nước), Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư (coi việc hình pháp ở kinh đô).

Cũng như triều Ngô trước, Đinh Tiên Hoàng ban cho các quan lại đã lập được công trận mỗi người một vùng đất để thu tô thuế làm lợi tức. Vùng đất đó gọi là “thực ấp”. Thí dụ như Trần Lãm được phong thực ấp ở Sơn Nam.

Đinh Tiên Hoàng cũng phong đất cho các thủ lãnh ở địa phương để thu phục và ràng buộc họ với triều đình. Lê Lương là một Hào trưởng ở Thanh Hóa, được phong cho vùng đất bao gồm ba huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa của tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Ngoài ra, các tăng sư và đạo sĩ cũng được bổ nhiệm làm quan trong triều với phẩm trật riêng tạo nên hệ thống tăng quan. Nhà sư Ngô Chân Lưu được phong làm tăng thống với hiệu là Khuông Việt đại sư; Trương Ma Ny được phong làm Tăng lục đạo sĩ.

Về hành chính cũng như về quân sự, Đinh Tiên Hoàng chia nước ra làm 10 đạo. Dưới đạo có các đơn vị như: phủ, châu, huyện. Xã vẫn là đơn vị hành chính căn bản trong nước. Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, số dân đinh của 50 phủ, 41 châu, 10 huyện nước ta thời Đinh lên đến 310 vạn người. (Nhiều nhà nghiên cứu cho số dân đinh ở nước ta thời đó thấp hơn con số này).

Quân đội trong nước cũng được chia làm 10 đạo. Có thể trong bộ máy chính quyền thời Đinh, hành chính và quân sự được kết hợp chặt chẽ với nhau. Đạo là đơn vị hành chính đồng thời cũng là đơn vị quân đội. Mỗi đạo chia ra 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người lính. Như thế tính ra số quân lên đến hàng trăm vạn. Con số này thật quá lớn. Có lẽ nó bao gồm cả số binh lính và số dân đinh được tuyển chọn để sẵn sàng gia nhập vào quân ngũ khi cần.

Năm 974, Đinh Tiên Hoàng qui định trang bị cho quân đội. Sử chép là nhà vua sai làm loại mũ da, phía trên bằng, bốn góc vuông, góc khâu giáp nhau, trên hẹp dưới rộng (gọi là mũ “tứ phương bình đính”) để phát cho binh sĩ.

Vào khoảng thời gian nước ta bị chia cắt vì loạn mười hai sứ quân, Trung Quốc cũng rơi vào thời kỳ chia cắt, loạn lạc kéo dài hơn nửa thế kỷ kể từ khi Chu Toàn Trung cướp ngôi nhà Đường lập nên nhà Lương (907). Ở miền Bắc Trung Quốc, năm triều đại lần lượt thay nhau cai trị. Trong khi đó miền Nam Trung Quốc bị chia cắt thành chín nước. Vì thế thời kỳ này được gọi là “Ngũ đại, thập quốc” (năm đời, mười nước).

Năm 960, tại miền Bắc Trung Quốc, Triệu Khuông Dẫn, một đại thần của nhà Hậu Chu cướp ngôi vua và lập nên nhà Tống. Năm 968, khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua thì nhà Nam Hán vẫn còn tồn tại ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Nam Hán lúc này đã quá suy yếu không còn dám dòm ngó nước ta. Vì thế triều Đinh không cần quan tâm đến việc ngoại giao với Nam Hán mà chỉ tập trung vào việc xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, sau đó, vua Tống đưa quân tiến xuống miền Nam Trung Quốc. Lực lượng Tống ngày càng mạnh lên và thôn tính dần các thế lực cát cứ. Năm 970, quân Tống đánh chiếm Nam Hán. Trước tình thế ấy, Đinh Tiên Hoàng đã có những đường lối ngoại giao hết sức khôn khéo. Nhà vua áp dụng đường lối giao hảo với nhà Tống và năm 972, vua sai Đinh Liễn đi sứ sang Trung Quốc.

Năm 975, vua Tống sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm “Giao Chỉ quận vương”, và phong cho Đinh Liễn làm “Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ”. Tuy tự xưng là Hoàng đế nhưng Đinh Tiên Hoàng vẫn chịu tiến cống, nhận phong vương để thực hiện chiến lược bảo vệ và củng cố nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Đường lối ngoại giao mềm dẻo do Đinh Tiên Hoàng vạch ra đó đã được các triều đại sau này tiếp tục.

Dưới triều Đinh, luật pháp chưa được qui định rõ ràng. Việc xử án tùy vào ý của nhà vua. Lúc bấy giờ đất nước vừa qua thời loạn lạc, nên Đinh Tiên Hoàng phải đặt ra những hình phạt nghiêm khắc để răn đe mọi người.

Vua Đinh cho đặt vạc nấu dầu lớn ở giữa sân triều, nuôi hổ dữ trong chuồng và qui định là người nào làm trái phép nước sẽ bị bỏ vào vạc dầu sôi hay cho hổ ăn thịt. Nhờ thế mà trật tự, kỷ cương và sự ồn định trong nước dần được phục hồi.

Dưới triều Đinh (cũng như các triều Lê, Lý, Trần sau đó), Phật giáo là quốc giáo. Thời này, Phật giáo đã dung hợp, hòa nhập với tín ngưỡng dân gian của người Việt đóng góp tích cực vào hoạt động của xã hội, của nhà nước. Do đó, Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần từ triều đình đến nơi thôn xóm.

Ngoài việc lập một hệ thống tăng quan trong triều đình, để mở mang đạo Phật, vua Đinh cho xây dựng thêm chùa chiền. Năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn cho làm một trăm cột đá trên có khắc những bài kinh Phật để dựng ở nhiều nơi trong nước.

Đinh Tiên Hoàng cũng lo phát triển những hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ở vùng Hồng Châu (Hải Dương) có bà Phạm Thị Trân, hiệu là Huyền Nữ, là người xinh đẹp và giỏi múa hát từ nhỏ. Bà đã tham gia nhiều buổi trình diễn và đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Người xem bà biểu diễn đã phải thốt lời khen:

“Uốn tay lên như muốn hái quả bàn đào Cất tiếng hát như ruổi mây giục gió

Kêu van làm rơi lệ quan sinh Thét mắng làm bở vía kẻ ác”.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã phong bà chức Ưu bà và giao cho việc huấn luyện các nghệ sĩ nhằm trình diễn cho quân sĩ xem. Lời ca của bà thường thúc đẩy tinh thần thượng võ, giục lòng yêu nước như:

“Hãy tòng chinh, hãy tòng chinh

Chẳng diệt quân thù, nguyện chẳng sống trên đời”.

Trước triều Đinh, nhân dân ta phải dùng các loại tiền do Trung Quốc đúc mà chưa có tiền riêng. Để tỏ rõ nền độc lập thực sự cả về chính trị lẫn kinh tế, năm 968, Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền để tiêu dùng trong nước. Đây là những đồng tiền đầu tiên của nước ta. Đồng tiền được đúc bằng đồng, hình tròn, giữa có lỗ vuông, mặt trước có chữ “Thái Bình thông bảo”, mặt sau đúc nổi chữ Đinh.

Tiền Thái Bình thông bảo thời Đinh Mặt trước Mặt sau

Dưới triều Đinh nhiều hoạt động thủ công đã phát triển như nghề dệt đã sản xuất ra các loại sa, the, lụa…; nghề khai khoáng, luyện kim và rèn đúc các loại nông cụ, vũ khí, tiền… nghề gốm sản xuất số lượng lớn gạch, ngói cho việc xây dựng thành quách, cung điện ở kinh đô…

Đất nước thống nhất đã tạo điều kiện cho việc buôn bán của dân chúng giữa các vùng trong nước được thông thương và mở mang. Việc thương mại với nước ngoài cũng phát triển hơn trước. Sách xưa ghi lại là vào năm 976, thuyền buôn các nước đã đến dâng phẩm vật và xin buôn bán ở nước ta.

Năm 978, Đinh Tiên Hoàng lập con thứ là Hạng Lang làm thái tử trong khi con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn đã từng theo cha đánh dẹp các sứ quân, lập được nhiều công trận lại không được chọn. Đinh Liễn tức giận sai người bí mật giết Hạng Lang.

Sang năm sau (979) Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích hành thích. Đỗ Thích là một viên quan nhỏ trong triều. Y nằm mộng thấy ngôi sao rơi vào miệng mình. Cho rằng đấy là điềm trời báo sẽ được làm vua nên Đỗ Thích tìm cơ hội chiếm ngôi.