Tập 13: Vua Lê Đại Hành

Để tổ chức việc cai trị trong nước, Lê Đại Hành đặt lại các khu vực hành chính. Nước được chia ra làm nhiều “lộ” (dưới thời nhà Đinh được gọi là “đạo”). Lộ được chia ra làm nhiều “phủ”. Phủ chia ra nhiều “châu”. Châu chia ra nhiều “hương”. Mỗi cấp đều có đặt chức quan cai trị. Hầu hết quan lại đều là võ tướng.

Lê Đại Hành phong vương cho các con và đưa đi trấn nhậm các vùng đất quan trọng, hiểm yếu. Họ được thu thuế một số hương giáp trong vùng để làm lợi tức (gọi là “thực ấp”).

Con trưởng của Lê Đại Hành là Long Thâu được phong làm Kình Thiên Đại vương. Các hoàng tử khác là Ngân Tích làm Đông Thành vương, Long Việt làm Nam Phong vương, Long Đĩnh làm Khai Minh vương và trấn nhậm ở Đằng Châu (Hải Hưng)…

Cũng như triều đại trước, nhà Lê tiến hành việc kiểm kê số dân chúng trong nước. Nắm biết được số dân các hạng là điều rất cần thiết cho nhà nước trong việc tổ chức cai trị. Cũng trên cơ sở đó, nhà vua cho tuyển chọn trai tráng để sung vào quân ngũ.

Về tổ chức quân đội, lực lượng thường trực của nhà Lê có cấm quân và quân của các vương hầu. Khi có việc chinh chiến, nhà vua cho gọi thêm dân đinh vào lính để tăng cường lực lượng quân đội.

Cấm quân (còn gọi là Thân quân) là lực lượng đóng ở kinh thành có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua. Họ được tuyển chọn trong số những tráng đinh khỏe mạnh. Trên trán các Cấm quân thích ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các binh lính khác. (Về sau, các triều Lý, Trần theo lệ này nên các cấm quân cũng thích chữ vào người). Nhà vua còn cho chế tạo hàng loạt mũ đầu mâu bằng kim loại để cấp cho binh sĩ.

Ngoài bộ binh, quân đội nhà Lê còn có lực lượng thủy quân hùng mạnh. Thủy quân đã góp công sức quan trọng trong chiến thắng quân Tống và Chiêm Thành.

Cũng như thời Đinh, dưới thời Lê luật pháp vẫn chưa được qui định rõ ràng. Việc xử phạt còn tùy theo ý của vua hay các viên quan đứng đầu các địa phương. Vua Lê vẫn giữ các hình phạt nặng nề được đặt ra dưới triều Đinh như ném tội nhân vào vạc dầu sôi hay cho hổ ăn thịt.

Nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu của đất nước. Để khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy, trồng trọt, năm 987, nhà vua làm lễ cày tịch điền. Trong buổi lễ mở đầu mùa cày cấy đó, nhà vua tự mình cầm cày cày ruộng để làm gương cho mọi người. Ở nước ta, đây là lần đầu tiên vua cày tịch điền và tục lệ này được các triều đại sau tiếp tục.

Trong hoạt động thủ công nghiệp, các nghề thủ công cổ truyền của nhân dân như nghề dệt, kéo tơ. cũng phát triển hơn trước.

Nhà nước lập xưởng tập trung những thợ thủ công lành nghề để sản xuất những thứ phục vụ cho nhu cầu của nhà nước và của vua, quan như đúc tiền, chế tạo vũ khí, làm mũ áo, xây dựng cung điện đền đài…

Để mở mang hoạt động kinh tế trong nước, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua bán thông thương hàng hóa, nhà Lê cho sửa sang, mở mang thêm hệ thống giao thông trong nước. Năm 992, Lê Đại Hành cho huy động ba vạn người đắp con đường từ Nam Giới (Hà Tĩnh) đến Địa Lý (Quảng Bình). Ngoài ra vua Lê còn cho lập những bến đò sang sông để việc đi lại được thuận tiện.

Về đường thủy, nhiều kênh rạch được đào thêm hoặc nạo vét: Lê Đại Hành cho đào kênh Đồng Cổ (ở Thanh Hóa), vét kênh Đa Cái (ở Nghệ Tĩnh). Hệ thống sông ngòi, kênh đào đó cho phép thuyền bè đi lại tránh được sóng gió trên biển. Các triều đại sau đã tiếp tục hoàn chỉnh và nối dài thêm hệ thống đường thủy đó về phương nam.

Vua Lê Đại Hành còn cho đúc tiền để dân chúng tiêu dùng. Loại tiền này đúc bằng đồng, trên có bốn chữ “Thiên Phúc trấn bảo”. Trước đây, nước ta không có tiền riêng mà phải dùng tiền của Trung Quốc. Vì thế nhà Lê, cũng như nhà Đinh trước đó, cho đúc tiền ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế còn có ý muốn tỏ rõ nền độc lập thật sự của nước Đại Cồ Việt cả về chính trị lẫn về kinh tế.

Tiền thời vua Lê Đại Hành Mặt trước Mặt sau

Trong buôn bán, ngoài việc dùng tiền đồng để trang trải, dân chúng còn dùng vàng, bạc hoặc trao đổi vật này lấy vật kia. Trong ba hình thức đó, tiền đồng được dùng phổ biến nhất.

Cùng với sự phát triển của nội thương, dân nước Đại Cồ Việt còn buôn bán với các nước khác, nhiều nhất là với Trung Quốc. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quí Đôn cho biết nhiều địa điểm như phủ Kinh Môn, lộ Quảng Yên là những nơi thuyền bè các nước tụ hội, mang hàng hóa đến buôn bán.

Trên đường bộ, qua các cửa ải ở biên giới, nhân dân thường qua lại buôn bán với nhau.

Trong xã hội Đại Cồ Việt, Phật giáo có một vị thế quan trọng. Nhiều nhà sư vừa tinh thông kinh kệ vừa giỏi nho học. Các chùa cũng là những trung tâm văn hóa giáo dục. Nhà chùa đồng thời là trường học. Nhiều người tài giỏi đã xuất thân từ các trường này. Chẳng hạn như Lý Công Uẩn lúc còn nhỏ đã theo học tại chùa Lục Tổ ở Tiên Sơn (Hà Bắc).

Nhiều chùa được xây cất trong các làng mạc do sự đóng góp của dân trong vùng. Ở kinh đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ được xây dựng dưới triều Lê Đại Hành. Theo truyền thuyết, đây là ngôi chùa lớn nhất kinh thành. Ngày nay cột đá lớn và một số di tích khác của chùa vẫn còn.

Nhiều trò vui, lễ hội được tổ chức nhân những ngày Tết, lễ mừng để nhân dân cùng vui: Mùa thu năm 985, nhân ngày sinh của mình, vua Lê Đại Hành cho thả thuyền giữa sông, trên dùng tre kết làm giả núi gọi là Nam Sơn. Nhà vua cũng cho tổ chức đua thuyền trên sông. Từ đấy, năm nào lễ hội cũng được tổ chức nhân ngày sinh của vua.

Mùa xuân năm Nhâm Thìn (992), vua Lê cho tổ chức hội hoa đăng lớn. Vua ngự trên lầu Càn Nguyên để cùng hoàng hậu và các quan ngắm xem cảnh dân chúng thả hàng ngàn đèn hoa trên mặt nước làm sáng rực cả một khúc sông.

Trong lần đánh Chiêm Thành năm 982, quân Đại Cồ Việt khi rút về, đã đem theo hàng trăm ca kỹ phục vụ trong cung vua Chiêm Thành. Những người này đã mang âm nhạc, điệu múa Chiêm Thành đến cung đình vua Lê, tạo điều kiện cho sự giao tiếp giữa âm nhạc Chiêm Thành và âm nhạc Việt.

Năm 1005, Lê Đại Hành mất tại Hoa Lư, sau 24 năm ở ngôi vua nước Đại Cồ Việt, thọ 64 tuổi. Trước đây nhà vua đã lập Long Việt làm Thái tử (1004). Tuy nhiên, ngay sau khi vua cha mất, các hoàng tử Ngân Tích, Long Đĩnh, Long Kính đem quân về tranh ngôi với Thái tử Long Việt.

Vì cuộc chiến giành ngôi, mãi tám tháng sau khi vua Lê Đại Hành mất, Thái tử Long Việt mới lên được ngôi vua (tức vua Lê Trung Tông). Tuy nhiên, nhà vua chỉ ở ngôi được ba ngày thì bị em là Long Đĩnh sai người lẻn vào cung giết chết. Lê Long Đĩnh tự lập mình lên ngôi.

Lê Long Đĩnh mắc bệnh trĩ nên không thể ngồi được mà phải nằm trong các buổi coi chầu. Cũng có người cho rằng vì ông vua này ăn chơi quá độ, mắc bệnh không ngồi được. Vì thế, người ta thường gọi ông là Ngọa Triều.

Trong triều, Lê Long Đĩnh cho sửa lại quan chế, qui định triều phục của các quan văn võ và tăng đạo dựa theo cách thức của triều đình nhà Tống. Ông cũng sai sứ sang nhà Tống xin sách Nho học và bộ kinh Đại tạng của Phật giáo đem về phổ biến trong nước.

Dưới triều Lê Long Đĩnh, hệ thống giao thông trong nước được tiếp tục mở rộng. Nhà vua sai năm ngàn quân sửa sang lại con đường đi vào Quảng Bình mà vua Lê Đại Hành đã cho đắp khi trước và cho đào sông, mở đường ở châu Di, châu Ái (vùng Thanh Hóa ngày nay).

Để mở rộng hoạt động thương mại với Trung Quốc, năm 1007 Lê Long Đĩnh sai em sang đề nghị nhà Tống cho dân ta sang Ung Châu (Quảng Tây) buôn bán. Tuy nhiên, vua Tống không đồng ý, chỉ chịu cho đến buôn bán ở châu Liêm và trấn Như Hồng (Quảng Đông).

Tuy đã lên ngôi vua, Lê Ngọa Triều vẫn mang lòng oán giận vua cha trước kia đã không lập mình làm thái tử. Có lần, bắt được tù binh, Ngọa Triều sai người đánh đập. Những người này đau quá, kêu tên vua Lê Đại Hành ra mắng chửi. Lê Long Đĩnh nghe thế lấy làm hả hê lắm.

Lê Long Đĩnh tính tình hung bạo, thích lấy việc hành hạ người khác để tiêu khiển. Vì vậy, ông bị nhân dân oán ghét. Nhiều quan lại có tâm huyết với đất nước cũng không khỏi bất bình chán ngán. Lê Long Đĩnh làm vua được bốn năm thì băng. Không những thế, Lê Long Đĩnh còn biến buổi chầu tại triều đình thành trò bỡn cợt, khiến các buổi chầu mất hẳn vẻ trang nghiêm. Ông cho bọn hề vào sân chầu. Các quan lại có ai tâu điều gì thì các tên hề nói chêm vào những câu chọc cười hoặc nhại lại để làm trò vui cho nhà vua.

Sự ác độc, bạo ngược của Lê Long Đĩnh đã khiến lòng dân không còn hướng về nhà Lê nữa. Vì thế, khi Lê Long Đĩnh mất, con lại còn bé, triều thần tôn Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Triều Lê chấm dứt, triều Lý được thành lập năm (1009).

Ảnh trên: Một góc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh ra và lớn lên của Lê Hoàn. Xuân Lập cách đây 1.000 năm là làng Trung Lập, trước đó là sách Khả Lập và trước đó nữa là Kẻ Sập thuộc bộ Cửu Chân. Ảnh: Phan Bảo
Ảnh dưới: Lăng Hoàng Khảo cách phía sau đền 100m truyền là mộ cha đẻ của Lê Hoàn, thờ cúng vào 15-12 âm lịch (cha đẻ của Lê Hoàn tên là Lê Mịch, do không rõ tông tích mà gọi là Mịch). Ảnh: Phan Bảo

Ảnh trên: Lăng Quốc mẫu (còn gọi là lăng Mẫu hậu) nay thuộc xã Phú Yên (trước kia cũng thuộc xã Xuân Lập sau mới tách ra vào ngày 11- 12-1974) tức lăng của mẹ đẻ Lê Hoàn tên là Đặng Thị Liên cách đền thờ Lê Hoàn 2km. Chữ trên bia là “Tiền Lê thái hậu Đặng thị tôn lăng”.
Ảnh: Phan Bảo
Ảnh dưới: Nền sinh thánh (sinh thánh chỉ) truyền là nơi bà Đặng thị đẻ ra Lê Hoàn.
Ảnh: Phan Bảo

Bia lớn cao 2m, rộng 1,40m niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) do Phương Lan hầu Nguyễn Thực soạn, nói về quê hương và công lao của vua Lê Đại Hành.
Ảnh: Phan Bảo

Hai bia đá còn lại ở đền Lê Hoàn:
1. Bia nhỏ cao 1,10m rộng 0,90m niên hiệu Hoằng Định nhị niên (1602) do Mai Lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn, nói về việc chuẩn cấp 67 mẫu ruộng thờ cúng vua Lê Đại Hành.
2. Bia lớn ảnh trên.
Đền thờ Lê Hoàn ở tây bắc làng trung Lập – nhìn từ cổng vào.
Hình tượng vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) để thờ trong hậu tẩm đền.

Đền thờ Lê Hoàn ở tây bắc làng Trung Lập – nhìn phía tả (tiền đường và hậu tẩm hình chữ I).

Đền này có từ thời Lý, đến thời Hậu Lê các năm Hồng Đức thứ 15 (1485) và Vĩnh Tộ thứ 8 (1628) thì tôn tạo và dựng bia, vẫn còn đến nay.

Ảnh lụa chân dung vua Lê Đại Hành thế kỷ 19.
Ảnh: Phan Bảo

Chiếc đĩa truyền rằng của vua nhà Tống, tặng cho Lê Hoàn trong một lần bang giao. Dĩa bằng đá trắng, đường kính 0,5m dày khoảng trên dưới 1cm, đã được chôn giấu nhiều lần, chữ khắc trên đĩa theo lối thảo: Giang Nam nhất phiến tuyết trách khí vạn niên trân – một miếng tuyết trắng của xứ Giang Nam, đẽo nên của báu vạn năm.

Ảnh: Phan Bảo

Ảnh trên: Từ đền vua Đinh nhìn sang đền vua Lê. Ảnh: Đức Hòa Ảnh dưới: Toàn cảnh đền Lê Hoàn.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh trên: Từ trong nhìn ra ngoài cửa đền Lê Hoàn, qua hai lần tam quan.
Ảnh dưới: Sập rồng đền Lê Hoàn.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh trên: Sân phụ (phía trước) cửa đền Lê Hoàn. Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Từ ngoài nhìn vào sân trong và chính diện đền thờ Lê Hoàn.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh trên: Cổng chính vào đền Lê Hoàn (phía trước có sập rồng). Ảnh dưới: Bên cạnh đền Lê Hoàn, hướng nhìn ra đằng sau.
Ảnh: Đức Hòa

Tượng vua Lê Đại Hành, đền Lê Hoàn, Hoa Lư.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh trên: Tượng thái hậu Dương Vân Nga, đền Lê Hoàn, Hoa Lư.
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Tượng vua Lê Ngọa Triều đền Lê Hoàn, Hoa Lư.
Ảnh: Đức Hòa

Gạch và gốm khai quật năm 1998 phía sau đền Lê Hoàn.
Ảnh: Đức Hòa
Bát bửu trong đền Lê Hoàn.
Ảnh: Đức Hòa

PHỤ LỤC

KINH ĐÔ HOA LƯ

Toàn cảnh Hoa Lư – Ninh Bình.
Ảnh: Du lịch Ninh Bình

Hoa Lư nay nằm trong xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã là kinh đô của nước ta trong suốt hai triều Đinh và Tiền Lê, từ năm 968 đến năm 1010.

Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp tan 12 sứ quân, thống nhất đất nước đã quyết định dời đô về quê hương và cũng là nơi khởi nghiệp của mình. Lúc đầu, nhà vua định chọn quê mẹ là thôn Đàm nhưng thấy nơi đó không thuận lợi nên quyết định xây dựng kinh đô mới ở Hoa Lư vì nơi đây không quá chật chội lại có thế hiểm, thuận lợi cho việc phòng thủ.

Kinh đô Hoa Lư nằm lọt trong một thung lũng bên rìa một vùng núi trùng điệp kéo dài từ miền tây bắc Bắc bộ đến miền tây Trung bộ. Đó là một thung lũng bằng phẳng trông thẳng ra phía nam châu thổ sông Hồng rộng lớn. Vây quanh Hoa Lư là những dãy núi đá vôi hiểm trở.

Thành Dền ở Hoa Lư.
Ảnh: Đức Hòa

Đinh Tiên Hoàng đã cho xây dựng những tường thành nối liền những dãy núi đá vôi, tạo thành một khu vực phòng thủ chắc chắn. Có tất cả 10 đoạn tường thành được đắp nối các núi. Đoạn dài nhất là 500m. Đoạn ngắn nhất 65m, cao khoảng 10m, rộng chừng 15m.

Kinh đô Hoa Lư có hai khu vực chính: Khu phía Đông thường được gọi là thành Ngoại, khu phía Tây là thành Nội. Hai tòa thành chạy gần nhau ở ngách núi Quền Vòng (phía Tây của thành Ngoại và phía Đông của thành Nội). Ngách núi quền Vòng cũng là nơi thông thương của hai vòng thành.