Tập 13: Vua Lê Đại Hành
Thành Ngoại bao quanh một khu đất có diện tích chừng 140ha, gồm hai thôn Yên Thượng và Yên Thành của xã Trường Yên. Thành Nội có diện tích tương đương với thành Ngoại, bao gồm thôn Chi Phong, cũng thuộc xã Trường Yên.

Vì dựa theo thế núi để xây, cho nên cả hai tòa thành đều không có hình dáng rõ rệt, giống nhau ở điểm là hình dài và eo lại ở chính giữa. Và chính ở chỗ eo này là bức thường Vầu, ngăn mỗi thành ra hai phần, làm tăng thêm mức độ quanh co của tòa thành. Tường thành bên trong được xây gạch chắc chắn, dày khoảng 0,45m. Chân tường có kè đá tảng và cọc gỗ chồng chéo.

Ảnh: Phan Bảo
Những chỗ đất dễ lún, móng thường được chôn sâu đến 2m, chất liệu là cây và đất. Các lớp đất này có cọc đóng sâu xuống để giữ cho móng khỏi trôi. Cọc thì có cọc kép và cọc chiếc. Cọc kép gồm hai thanh gỗ nối với nhau bằng đà qua lỗ mộng, trên đà lại có nhiều thanh gỗ dài. Nhờ cách xây móng cẩn thận thế nên các đoạn thành xây bên trên còn tồn tại cho đến ngày nay.

Từ thành Ngoại, theo sông Trường đi về phía Nam sẽ đến một khu vực có địa hình hiểm trở, thường được gọi là thành Nam. Đây là nơi các vua Đinh, Lê bố trí nhiều lực lượng để phòng thủ mặt nam kinh đô.

Ảnh: Đức Hòa
Sông Hoàng Long chảy ngang phía bắc kinh đô Hoa Lư trước khi đổ vào sông Đáy, một phân lưu của sông Hồng. Theo sông này thuyền bè có thể từ kinh đô đi khắp nơi. Năm 990, sứ nhà Tống đã theo đường thủy qua sông Bạch Đằng, vào sông Luộc, sông Đáy để đến Hoa Lư yết kiến vua Lê Đại Hành.

Ảnh: Đức Hòa
Từ Hoa Lư, còn có thể theo sông Trường, sông Vân để ra cửa biển Đại Ác (tức cửa sông Đáy), cửa Tiếu Khang (tức cửa Đại Hoàng). Năm 972, quân Chiêm Thành theo các con sông này để tiến đánh kinh đô nước Đại Cồ Việt.

Ảnh: Đức Hòa
Về đường bộ, có thể theo con đường xuất phát từ cửa đông kinh đô Hoa Lư để ra đường thiên lý, trục lộ giao thông chính chạy từ vùng đồng bằng Bắc bộ vào miền Trung. Một bia đá ở đây còn ghi lại: “Đường cửa Đông Trường Yên này là nơi các quần thần văn võ ngày xưa vẫn ra vào khi lui chầu hoặc tiến triều”. Từ Hoa Lư theo đường phía tây sẽ gặp một trục lộ giao thông quan trọng khác của thời bấy giờ chạy từ Đại La (tức Hà Nội ngày nay) vào Thanh Hóa. Con đường đó được gọi là đường Lai Kinh hay Thượng đạo.

Ảnh: Đức Hòa
Trong kinh thành Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng các cung điện. Đến đời Lê, Lê Đại Hành cho cất thêm nhiều cung điện lộng lẫy. Sách xưa chép là nhà vua cho cất chín điện: điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân có cột dát vàng dát bạc làm nơi các quan đến chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả thêm điện Bồng Lai, bên hữu thêm điện Cực Lạc. Lại còn có lầu Đại Vân, điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, cạnh đó là điện Long Lộc lợp ngói bạc. Ngoài ra còn có điện Càn Nguyên, nơi vào năm 992, vua đã ngự xem hội hoa đăng. Trong thành còn có doanh trại của quân lính đồn trú.

Ảnh: Đức Hòa

1. Gạch lát bên trong cung điện
2. Gạch lát bên ngoài sân cung điện

Dân chúng sống tập trung bên bờ sông Hoàng Long tạo nên khu chợ búa sầm uất. Nơi đây còn có kho chứa thóc gạo và xưởng thủ công như các lò gốm, lò đúc, xưởng chế tạo đồ da (làm mũ cho binh lính)… sản xuất nhiều mặt hàng cho triều đình và dân chúng. Hàng hóa các nơi theo đường bộ, đường thủy được tập trung về đây. Năm 976, thuyền buôn nước ngoài vượt biển đến bến sông này để xin vua Đinh Tiên Hoàng cho phép buôn bán.

Ảnh: Võ Văng Cường
Ảnh bên: Đại hồng chung.
Ảnh: Võ Văng Cường
Ven sông Hoàng Long còn có chùa Tháp nổi tiếng là danh lam ở chốn kinh kỳ. Chùa Nhất Trụ cũng là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hoa Lư. Chùa được vua Lê Đại Hành cho xây cất. Các chùa này là nơi đông đảo nhân dân đến lễ bái, nơi tu hành của nhiều vị cao tăng mà có người còn giữ chức vụ cao trong hàng tăng quan của triều đình.

Ảnh: Võ Văng Cường
Đến nay, hàng ngàn năm đã trôi qua. Những kiến trúc nổi danh một thời của kinh đô Hoa Lư không còn đứng vững với thời gian. Về thăm kinh đô cũ, trên cánh đồng bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi, ta còn thấy được đền vua Đinh (còn gọi là đền tượng) và đền vua Lê (còn gọi là đền Hạ) do nhân dân xây cất ngay trên nền những cung điện tráng lệ ngày xưa để ghi nhớ công ơn những vị vua đã dầy công dựng nước và giữ nước.
Đền vua Đinh có ba gian. Gian giữa có tượng vua Đinh Tiên Hoàng đội mũ binh thiên, mặc áo long cổn. Hai bên là tượng những người con (Đinh Liễn, Đinh Toàn, Hạng Lang) và các công thần. Đền vua Lê nhỏ hơn, trong thờ Lê Đại Hành, hoàng hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh.

Ảnh: Chùa Việt Nam
Ảnh dưới: Đền thồ Đinh Tiên Hoàng từ trên núi nhìn xuống.
Ảnh: Đức Hòa


Ảnh: Đức Hòa
Lần theo những bậc đá trên sườn núi Yên Ngựa gần đấy sẽ đến lăng vua Đinh; còn lăng vua Lê Đại Hành nằm ở chân núi về phía nam. Quanh khu vực nền cũ cố đô Hoa Lư còn có nhiều đền phủ thờ các vị tướng lĩnh, những người có công xây dựng đất nước cùng nhiều địa danh, di tích nhắc lại sự tích của vua triều đình và vua Lê Đại Hành.

Ảnh: Đỗ Huân
Hằng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân Trường Yên tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn các vua Đinh, Lê.
Ai là con cháu Rồng Tiên,
Tháng ba mở hội Trường Yên thì về. Về thăm đền cũ Đinh – Lê,
Non xanh nước biếc bốn bề như xưa.
Lễ tế được tổ chức tại đền vua Đinh và vua Lê vào ban đêm với không khí trang nghiêm, trong tiếng trống trầm hùng và ánh đuốc bập bùng. Đặc biệt trong lễ họi, nhân dân còn tổ chức diễn lại trò chơi “cờ lau tập trận” của Đinh Tiên Hoàng trong thời niên thiếu.
LịCH Sử VIỆT NAM BằNG TRANH TậP 13
VUA LÊ ĐẠI HÀNH
Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT
Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUậT
Biên tập: CúC HƯơNG
Biên tập tái bản: Tú UYÊN
Bìa: BIÊN THÙY
Sửa bản in: ĐìNH QUâN
Trình bày: BÙI NGHĩA
