Tập 14: Thăng Long buổi đầu

Bên cạnh quốc hiệu Đại Việt, Thăng Long cũng chính là điểm sáng trong những thành tựu của nhà Lý trong lịch sử nước ta. Năm 1010 tháng 8, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, hay “rồng bay lên” theo nghĩa Hán Việt. Việc định đô ở Thăng Long, một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa lúc bấy giờ đã thể thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà Lý cho sự gìn giữ và phát triển đất nước.

Mùa đông năm 1009, vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) chết. Sau thời gian trị vì độc ác của Lê Long Đĩnh, dân chúng oán ghét sự tàn bạo, muốn tìm một vị vua nhân từ, biết lo cho dân, yêu nước. Bấy giờ, vì đề cao lòng nhân ái, thương người, Phật giáo rất được dân chúng lẫn triều thần hâm mộ. Giới tăng sĩ Phật giáo có uy tín trong xã hội. Các vị cao tăng thời ấy như Sư Vạn Hạnh được tầng lớp quan lại trọng vọng.

Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, người châu Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh), say mê đạo Phật từ nhỏ. Năm 21 tuổi, ông đi tu ở chùa Lục Tổ(*), là thế hệ thứ mười ba của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông không những thông tuệ Phật pháp mà còn am hiểu về chính trị, nhạy bén về thời cuộc. Chính ông đã tích cực bày mưu tính kế cùng Lê Đại Hành trong việc chống quân Tống xâm lược. Vì thế, ông được Lê Đại Hành tin cậy, thường mời bàn việc nước.

(*) Chùa Lục Tổ tức là chùa Cổ Pháp, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Sư Vạn Hạnh tiếp tục được triều đình trọng vọng, trở thành cố vấn cho các quan đại thần. Sư Vạn Hạnh kết rất thân với quan đại thần Đào Cam Mộc, đang giữ chức Chi hậu trong triều. Hai ông trở thành một thế lực lớn, rất có uy tín và được các quan lại nghe theo.

Sư Vạn Hạnh cùng Đào Cam Mộc biết lòng dân oán hận Lê Long Đĩnh, dòng họ Lê không còn ai được dân tin cậy, nên cố ý tìm người họ khác để tôn lên làm vua. Trong triều có quan Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn là người tài giỏi mà nhân đức, lại đang nắm hết binh quyền trong tay, uy thế cũng không thua gì Sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc. Mọi người đều hướng đến ông để tìm một giải pháp cho tình thế lúc bấy giờ.

Lý Công Uẩn cũng người châu Cổ Pháp như Sư Vạn Hạnh. Ông sinh vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Tương truyền, một hôm tối trời, mưa to gió lớn, có người đàn bà đang mang thai đến chùa Ứng Tâm xin trú nhờ. Đêm đó bà trở dạ sinh ra một cậu con trai. Sau khi bà qua đời, chú bé được nhà chùa cưu mang. Năm lên ba, chú được nhà sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi nên được mang họ Lý, lấy tên là Công Uẩn.

Bấy giờ Sư Vạn Hạnh đang tu ở chùa Lục Tổ, thấy Lý Công Uẩn thông minh bèn nhận làm học trò, cho theo học ở chùa. Từ đó, ngoài việc giúp thầy các việc vặt, cậu chuyên tâm học tập. Vốn hiếu học, lại có chí lớn, chẳng bao lâu cậu đã làu thông sách vở, binh pháp. Lớn lên, Lý Công Uẩn đến Hoa Lư, ra làm quan cho nhà Tiền Lê, giữ một chức nhỏ trong đội cấm quân của vua Lê Đại Hành.

Sau khi vua Lê Đại Hành băng hà (1005), dù đã có Thái tử là Lê Long Việt, nhưng các hoàng tử khác là Long Tích, Long Kính, Long Ngân, Long Đĩnh cứ tranh ngôi. Họ đem quân đánh nhau suốt 8 tháng làm cho đất nước rối loạn. Rồi thái tử Long Việt lên làm vua (tức Lê Trung Tông) nhưng chưa ổn định được gì thì ba ngày sau đã bị người em là Lê Long Đĩnh sát hại. Triều thần hoảng loạn chạy tứ tán, để thi hài vua nằm lăn lóc ở sân chầu.

Riêng Lý Công Uẩn không hề sợ hãi, chạy đến ôm thây vua mà khóc. Lê Long Đĩnh không những không trừng phạt hành động ấy mà còn khen là trung nghĩa và cho ông giữ chức Phó chỉ huy đội quân bảo vệ các cổng thành. Lần lần, nhờ tài ba trong việc cầm quân, Lý Công Uẩn được thăng dần lên làm Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, đứng đầu lực lượng quân sự của Đại Cồ Việt thời bấy giờ.

Theo truyền thuyết, lúc ấy ở làng Cổ Pháp có một cây gạo bỗng dưng bị sét đánh, vỏ cây bị tước ra làm lộ mấy câu sấm với ý nghĩa như sau:

Vua thì non yếu Tôi thì cường thịnh Họ Lê mất

Họ Lý lên

Hướng Đông mặt trời mọc Hướng Tây sao lặn đi Trong khoảng sáu bảy năm Thiên hạ sẽ thái bình.

Sư Vạn Hạnh cho đấy là điềm nhà Lý lên ngôi, nên khuyên Công Uẩn rằng:

  • Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ(*). Thân vệ là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nằm trong tay, người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa!

(*) Thân vệ: vệ binh của vua, để chỉ Lý Công Uẩn đang giữ chức Tả Thân vệ Điện tiền đô Chỉ huy sứ dưới triều Tiền Lê.

Sư Vạn Hạnh còn thổ lộ:

  • Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, nhưng vẫn mong còn được sống thêm nữa để xem đức của ông như thế nào. Nếu được vậy thì thực là sự may muôn đời mới gặp một lần.

Lý Công Uẩn nghe xong, lòng dạ phân vân. Tuy thế, vốn là người đa mưu túc trí, tính khí cẩn thận, ông e ngại sự việc sẽ bại lộ bèn đưa Sư Vạn Hạnh đến tránh ở núi Ba Sơn, tức là Tiêu Sơn, thuộc châu Cổ Pháp. Quan đại thần Đào Cam Mộc vốn là người thức thời cũng ủng hộ việc Lý Công Uẩn lên ngôi.

Chờ lúc vắng vẻ, Đào Cam Mộc khuyên Công Uẩn:

  • Vừa qua, chúa thượng u mê, bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa, trời chán ghét ông ta thất đức nên không cho hưởng hết tuổi thọ(*). Con nối dõi còn thơ ấu, chưa kham nổi tình thế khó khăn hiện nay. Muôn việc phiền nhiễu, quỷ thần không đoái hoài, hạ dân nhao nhác ngóng tìm bậc chân chúa.

(*) Lê Long Đĩnh chết lúc mới 24 tuổi.

Đào Cam Mộc nói tiếp:

  • Thân vệ sao không nhân lúc này, đem kỳ mưu, dùng quyết đoán, xa thì theo dấu cũ của Thang Vũ(*), gần thì xem việc làm của Đinh Lê (ý nói chính Lê Đại Hành cũng chiếm ngôi của Đinh Toàn, con vua Đinh Tiên Hoàng). Trên thuận ý trời, dưới chiều lòng người, hà cớ gì cứ khư khư giữ tiểu tiết.

(*) Ý nói ở bên Trung Hoa, vua Thang diệt vua Kiệt, còn vua Vũ thì diệt vua Trụ. Cả Kiệt – Trụ đều là những hôn quân vô đạo.

Lý Công Uẩn cũng xuôi lòng, nhưng chưa tin hẳn Đào Cam Mộc, nên thử ý:

  • Sao ông lại nói thế? Tôi phải bắt ông lên nộp quan mới được. Đào Cam Mộc bình tĩnh đáp:
  • Cam Mộc này thấy cơ trời, việc người đã an bài, nên mới nói ra.

Nếu ông tố giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết.

Lý Công Uẩn vội vàng bày tỏ:

  • Tôi đâu có lòng dạ cáo giác ông. Chỉ sợ tiết lộ ra thì bị giết cả thôi.
  • Người trong nước ai cũng bảo họ Lý sẽ dấy lên, mà lời sấm thì cũng hiện ra rồi. Đây chính là lúc trời trao, người theo, Thân vệ còn nghi ngờ gì?

Lý Công Uẩn bèn cho Đào Cam Mộc biết đó cũng là ý của Sư Vạn Hạnh, đồng thời hỏi kế sách hành động. Đào Cam Mộc đáp:

  • Hiện nay trăm họ bị quẫn bách, Thân vệ nên nhân tình thế đó lấy nhân đức mà vỗ về thì người ta tất đua nhau theo về như nước chảy vào chỗ trũng. Không ai ngăn được sức mạnh ấy.

Vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009) Đào Cam Mộc và Sư Vạn Hạnh tập hợp các quan cùng tướng sĩ tại triều đường. Đào Cam Mộc lên tiếng kêu gọi mọi người:

  • Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét Tiên đế (Lê Long Đĩnh) hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối (tức con của Lê Long Đĩnh) mà đều có lòng tôn phò quan Thân vệ.

Rồi ông hô hào:

– Bọn ta nên nhân lúc này cùng nhau tôn phù Thân vệ làm Thiên tử. Nếu phút chốc có xảy ra biến cố nào, bọn ta có giữ được đầu không?

Các quan lại đồng thanh hưởng ứng, đưa Lý Công Uẩn vào chính điện lập làm vua, tức Lý Thái Tổ. Dân chúng thoát được ách bạo tàn của Lê Long Đĩnh vô cùng hân hoan, một lòng hướng về vua mới.

Qua năm sau (1010) Lý Thái Tổ đặt niên hiệu riêng là Thuận Thiên. Vì thế, sử sách vẫn lấy năm này làm năm bắt đầu thời nhà Lý. Nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, vị trí hiểm trở, chỉ thuận tiện cho việc phòng ngự khi bị tấn công. Còn một đất nước muốn phát triển cần phải có một kinh đô hội tụ được mọi ưu điểm về chính trị, kinh tế và văn hóa. Vì thế, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô. Mùa thu năm 1010, sau cuộc khảo sát địa hình khắp nơi, thành Đại La (tức vùng đất Hà Nội ngày nay) được chọn làm kinh đô mới.

Lời chiếu dời đô của nhà vua có đoạn viết: “Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, lại tiện hình thế núi sông sau trước, địa thế rộng mà bằng phẳng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt… Thực là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Tục truyền rằng khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy có con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong làn mây. Vì thế, vua xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra Thăng Long (có nghĩa là rồng bay).

Bên ngoài thành Thăng Long có con sông Tô Lịch được tín ngưỡng dân gian tôn thờ là thần sông Long Đỗ. Để cho thành Thăng Long thêm vẻ uy linh, nhà vua lại phong cho thần Long Đỗ làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.

Từ đó, con rồng càng trở thành vật thiêng của người Việt. Người Việt tôn thờ con rồng vì cho rằng đấy là tổ tiên của dòng giống mình (Lạc Long Quân là con rồng) và đồng thời rồng còn tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, niềm mơ ước của cư dân nông nghiệp, mong mùa màng bội thu. Hình tượng con rồng trải qua bao đời, vẫn không phai mờ cho đến ngày nay.

Ở phía bắc kinh thành, ven hồ Tây, vua Lý Thái Tổ còn lập đền thờ Thánh Gióng, vị anh hùng tuổi trẻ đã đuổi được giặc Ân dưới thời Hùng Vương thứ sáu. Nhà vua phong cho Thánh Gióng tước hiệu Xung Thiên thần vương, lại gọi thêm là Sóc (có nghĩa là phương bắc) tức là vua có ý nhờ Thánh Gióng trấn giữ mặt bắc phòng quân xâm lược tràn xuống. Tiếc rằng đền thờ này đến nay không còn nữa.

Kinh đô Thăng Long gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoài là La Thành. Đây chính là vòng thành Đại La cũ do Cao Biền, một tiết độ sứ Giao Châu đắp vào khoảng những năm 866-868, nay được nhà Lý tu bổ và sử dụng. Dấu tích của vòng thành này chính là con đê La Thành ở Hà Nội ngày nay.

Thành trong có hào nước bao quanh, có bốn cửa đông tây nam bắc. Bên trong xây nhiều cung điện, lầu đài như điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên trái là điện Tập Hiền, bên phải là điện Giảng Võ. Phía chính nam có điện Cao Minh. Các điện đều có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt.

Phía sau điện Càn Nguyên là nơi vua, hoàng hậu ở; có hai điện Long An và Long Thụy dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho nhà vua. Bên trái, bên phải là điện Nhật Quang và Nguyệt Minh. Ngoài ra còn có các cung Thúy Hoa và Long Thụy dùng làm chỗ ở cho các cung nữ. Trong thành cũng có chùa Hưng Thiên Ngự và có những tòa nhà cao đến bốn tầng.

Ngoài thành có các phường thủ công, có chợ búa và nhà cửa đông đúc. Thương nhân, thợ thủ công và dân ở các nơi đổ về đây làm ăn, sinh sống nên vùng đất này ngày càng được mở rộng. Thời này đã hình thành một số phường thủ công quan trọng như dệt, gốm, đan lát… Đền thờ các tiền nhân anh hùng như Hai Bà Trưng, Phùng Hưng… được xây dựng, hàng năm đều có tế lễ. Kinh đô Thăng Long trở thành nơi đô hội không đâu bằng.

Để được yên ổn xây dựng đất nước, vua Lý Thái Tổ thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo. Đối với nhà Tống ở Trung Hoa, theo thông lệ, vua cho người sang xin sắc phong. Nhà Tống phong cho vua làm Giao Chỉ Quận vương. Dân Đại Cồ Việt và dân Tống có thể qua lại buôn bán với nhau ở vùng biên giới. Tuy nhiên, nếu nhà Tống lấn đất đai, vua đều cho sứ cương quyết đòi lại và nếu cần thì cho quân đánh trả.

Đối với các nước láng giềng nhỏ như Chân Lạp và Chiêm Thành, nhà vua chủ trương giữ hòa hiếu. Mỗi khi sứ các nước ấy sang tặng phẩm vật vua đều tiếp đãi ân cần và biếu xén lại quà cáp cho các quốc vương của họ rất chu đáo. Thuyền buôn các nước Xiêm, Java thường xuyên cập bến, trao đổi hàng hóa. Cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) là nơi tàu thuyền nước ngoài tấp nập đến buôn bán.

Về nội trị, vua Lý Thái Tổ quyết tâm cải tổ lại đất nước. Trước tiên, nhà vua ban chiếu đại xá cho thiên hạ. Các hình cụ tra tấn tù phạm đều được đốt hết sạch. Vua còn cấp quần áo, lộ phí cho 28 người lính Man (Nam Chiếu, Vân Nam) bị Lê Long Đĩnh giam trước đây, cho họ về quê làm ăn, sinh sống.

Những người mồ côi, cô quả, già yếu thiếu thuế trước đây không những đều được nhà vua xóa nợ mà còn được chu cấp tiền bạc để sinh sống. Ngoài ra, vua Lý Thái Tổ còn miễn thuế cho dân trong vòng ba năm (1010-1012).