Tập 14: Thăng Long buổi đầu

Bên cạnh quốc hiệu Đại Việt, Thăng Long cũng chính là điểm sáng trong những thành tựu của nhà Lý trong lịch sử nước ta. Năm 1010 tháng 8, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, hay “rồng bay lên” theo nghĩa Hán Việt. Việc định đô ở Thăng Long, một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa lúc bấy giờ đã thể thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà Lý cho sự gìn giữ và phát triển đất nước.

Mùa đông năm 1009, vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) chết. Sau thời gian trị vì độc ác của Lê Long Đĩnh, dân chúng oán ghét sự tàn bạo, muốn tìm một vị vua nhân từ, biết lo cho dân, yêu nước. Bấy giờ, vì đề cao lòng nhân ái, thương người, Phật giáo rất được dân chúng lẫn triều thần hâm mộ. Giới tăng sĩ Phật giáo có uy tín trong xã hội. Các vị cao tăng thời ấy như Sư Vạn Hạnh được tầng lớp quan lại trọng vọng.

Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, người châu Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh), say mê đạo Phật từ nhỏ. Năm 21 tuổi, ông đi tu ở chùa Lục Tổ(*), là thế hệ thứ mười ba của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông không những thông tuệ Phật pháp mà còn am hiểu về chính trị, nhạy bén về thời cuộc. Chính ông đã tích cực bày mưu tính kế cùng Lê Đại Hành trong việc chống quân Tống xâm lược. Vì thế, ông được Lê Đại Hành tin cậy, thường mời bàn việc nước.

(*) Chùa Lục Tổ tức là chùa Cổ Pháp, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Sư Vạn Hạnh tiếp tục được triều đình trọng vọng, trở thành cố vấn cho các quan đại thần. Sư Vạn Hạnh kết rất thân với quan đại thần Đào Cam Mộc, đang giữ chức Chi hậu trong triều. Hai ông trở thành một thế lực lớn, rất có uy tín và được các quan lại nghe theo.

Sư Vạn Hạnh cùng Đào Cam Mộc biết lòng dân oán hận Lê Long Đĩnh, dòng họ Lê không còn ai được dân tin cậy, nên cố ý tìm người họ khác để tôn lên làm vua. Trong triều có quan Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn là người tài giỏi mà nhân đức, lại đang nắm hết binh quyền trong tay, uy thế cũng không thua gì Sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc. Mọi người đều hướng đến ông để tìm một giải pháp cho tình thế lúc bấy giờ.

Lý Công Uẩn cũng người châu Cổ Pháp như Sư Vạn Hạnh. Ông sinh vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Tương truyền, một hôm tối trời, mưa to gió lớn, có người đàn bà đang mang thai đến chùa Ứng Tâm xin trú nhờ. Đêm đó bà trở dạ sinh ra một cậu con trai. Sau khi bà qua đời, chú bé được nhà chùa cưu mang. Năm lên ba, chú được nhà sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi nên được mang họ Lý, lấy tên là Công Uẩn.

Bấy giờ Sư Vạn Hạnh đang tu ở chùa Lục Tổ, thấy Lý Công Uẩn thông minh bèn nhận làm học trò, cho theo học ở chùa. Từ đó, ngoài việc giúp thầy các việc vặt, cậu chuyên tâm học tập. Vốn hiếu học, lại có chí lớn, chẳng bao lâu cậu đã làu thông sách vở, binh pháp. Lớn lên, Lý Công Uẩn đến Hoa Lư, ra làm quan cho nhà Tiền Lê, giữ một chức nhỏ trong đội cấm quân của vua Lê Đại Hành.

Sau khi vua Lê Đại Hành băng hà (1005), dù đã có Thái tử là Lê Long Việt, nhưng các hoàng tử khác là Long Tích, Long Kính, Long Ngân, Long Đĩnh cứ tranh ngôi. Họ đem quân đánh nhau suốt 8 tháng làm cho đất nước rối loạn. Rồi thái tử Long Việt lên làm vua (tức Lê Trung Tông) nhưng chưa ổn định được gì thì ba ngày sau đã bị người em là Lê Long Đĩnh sát hại. Triều thần hoảng loạn chạy tứ tán, để thi hài vua nằm lăn lóc ở sân chầu.

Riêng Lý Công Uẩn không hề sợ hãi, chạy đến ôm thây vua mà khóc. Lê Long Đĩnh không những không trừng phạt hành động ấy mà còn khen là trung nghĩa và cho ông giữ chức Phó chỉ huy đội quân bảo vệ các cổng thành. Lần lần, nhờ tài ba trong việc cầm quân, Lý Công Uẩn được thăng dần lên làm Tả Thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, đứng đầu lực lượng quân sự của Đại Cồ Việt thời bấy giờ.

Theo truyền thuyết, lúc ấy ở làng Cổ Pháp có một cây gạo bỗng dưng bị sét đánh, vỏ cây bị tước ra làm lộ mấy câu sấm với ý nghĩa như sau:

Vua thì non yếu Tôi thì cường thịnh Họ Lê mất

Họ Lý lên

Hướng Đông mặt trời mọc Hướng Tây sao lặn đi Trong khoảng sáu bảy năm Thiên hạ sẽ thái bình.

Sư Vạn Hạnh cho đấy là điềm nhà Lý lên ngôi, nên khuyên Công Uẩn rằng:

  • Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ(*). Thân vệ là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nằm trong tay, người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa!

(*) Thân vệ: vệ binh của vua, để chỉ Lý Công Uẩn đang giữ chức Tả Thân vệ Điện tiền đô Chỉ huy sứ dưới triều Tiền Lê.

Sư Vạn Hạnh còn thổ lộ:

  • Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, nhưng vẫn mong còn được sống thêm nữa để xem đức của ông như thế nào. Nếu được vậy thì thực là sự may muôn đời mới gặp một lần.

Lý Công Uẩn nghe xong, lòng dạ phân vân. Tuy thế, vốn là người đa mưu túc trí, tính khí cẩn thận, ông e ngại sự việc sẽ bại lộ bèn đưa Sư Vạn Hạnh đến tránh ở núi Ba Sơn, tức là Tiêu Sơn, thuộc châu Cổ Pháp. Quan đại thần Đào Cam Mộc vốn là người thức thời cũng ủng hộ việc Lý Công Uẩn lên ngôi.

Chờ lúc vắng vẻ, Đào Cam Mộc khuyên Công Uẩn:

  • Vừa qua, chúa thượng u mê, bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa, trời chán ghét ông ta thất đức nên không cho hưởng hết tuổi thọ(*). Con nối dõi còn thơ ấu, chưa kham nổi tình thế khó khăn hiện nay. Muôn việc phiền nhiễu, quỷ thần không đoái hoài, hạ dân nhao nhác ngóng tìm bậc chân chúa.

(*) Lê Long Đĩnh chết lúc mới 24 tuổi.

Đào Cam Mộc nói tiếp:

  • Thân vệ sao không nhân lúc này, đem kỳ mưu, dùng quyết đoán, xa thì theo dấu cũ của Thang Vũ(*), gần thì xem việc làm của Đinh Lê (ý nói chính Lê Đại Hành cũng chiếm ngôi của Đinh Toàn, con vua Đinh Tiên Hoàng). Trên thuận ý trời, dưới chiều lòng người, hà cớ gì cứ khư khư giữ tiểu tiết.

(*) Ý nói ở bên Trung Hoa, vua Thang diệt vua Kiệt, còn vua Vũ thì diệt vua Trụ. Cả Kiệt – Trụ đều là những hôn quân vô đạo.

Lý Công Uẩn cũng xuôi lòng, nhưng chưa tin hẳn Đào Cam Mộc, nên thử ý:

  • Sao ông lại nói thế? Tôi phải bắt ông lên nộp quan mới được. Đào Cam Mộc bình tĩnh đáp:
  • Cam Mộc này thấy cơ trời, việc người đã an bài, nên mới nói ra.

Nếu ông tố giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết.

Lý Công Uẩn vội vàng bày tỏ:

  • Tôi đâu có lòng dạ cáo giác ông. Chỉ sợ tiết lộ ra thì bị giết cả thôi.
  • Người trong nước ai cũng bảo họ Lý sẽ dấy lên, mà lời sấm thì cũng hiện ra rồi. Đây chính là lúc trời trao, người theo, Thân vệ còn nghi ngờ gì?

Lý Công Uẩn bèn cho Đào Cam Mộc biết đó cũng là ý của Sư Vạn Hạnh, đồng thời hỏi kế sách hành động. Đào Cam Mộc đáp:

  • Hiện nay trăm họ bị quẫn bách, Thân vệ nên nhân tình thế đó lấy nhân đức mà vỗ về thì người ta tất đua nhau theo về như nước chảy vào chỗ trũng. Không ai ngăn được sức mạnh ấy.

Vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009) Đào Cam Mộc và Sư Vạn Hạnh tập hợp các quan cùng tướng sĩ tại triều đường. Đào Cam Mộc lên tiếng kêu gọi mọi người:

  • Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét Tiên đế (Lê Long Đĩnh) hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối (tức con của Lê Long Đĩnh) mà đều có lòng tôn phò quan Thân vệ.

Rồi ông hô hào:

– Bọn ta nên nhân lúc này cùng nhau tôn phù Thân vệ làm Thiên tử. Nếu phút chốc có xảy ra biến cố nào, bọn ta có giữ được đầu không?

Các quan lại đồng thanh hưởng ứng, đưa Lý Công Uẩn vào chính điện lập làm vua, tức Lý Thái Tổ. Dân chúng thoát được ách bạo tàn của Lê Long Đĩnh vô cùng hân hoan, một lòng hướng về vua mới.

Qua năm sau (1010) Lý Thái Tổ đặt niên hiệu riêng là Thuận Thiên. Vì thế, sử sách vẫn lấy năm này làm năm bắt đầu thời nhà Lý. Nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, vị trí hiểm trở, chỉ thuận tiện cho việc phòng ngự khi bị tấn công. Còn một đất nước muốn phát triển cần phải có một kinh đô hội tụ được mọi ưu điểm về chính trị, kinh tế và văn hóa. Vì thế, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô. Mùa thu năm 1010, sau cuộc khảo sát địa hình khắp nơi, thành Đại La (tức vùng đất Hà Nội ngày nay) được chọn làm kinh đô mới.

Lời chiếu dời đô của nhà vua có đoạn viết: “Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, lại tiện hình thế núi sông sau trước, địa thế rộng mà bằng phẳng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt… Thực là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Tục truyền rằng khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy có con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong làn mây. Vì thế, vua xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra Thăng Long (có nghĩa là rồng bay).

Bên ngoài thành Thăng Long có con sông Tô Lịch được tín ngưỡng dân gian tôn thờ là thần sông Long Đỗ. Để cho thành Thăng Long thêm vẻ uy linh, nhà vua lại phong cho thần Long Đỗ làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.

Từ đó, con rồng càng trở thành vật thiêng của người Việt. Người Việt tôn thờ con rồng vì cho rằng đấy là tổ tiên của dòng giống mình (Lạc Long Quân là con rồng) và đồng thời rồng còn tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, niềm mơ ước của cư dân nông nghiệp, mong mùa màng bội thu. Hình tượng con rồng trải qua bao đời, vẫn không phai mờ cho đến ngày nay.

Ở phía bắc kinh thành, ven hồ Tây, vua Lý Thái Tổ còn lập đền thờ Thánh Gióng, vị anh hùng tuổi trẻ đã đuổi được giặc Ân dưới thời Hùng Vương thứ sáu. Nhà vua phong cho Thánh Gióng tước hiệu Xung Thiên thần vương, lại gọi thêm là Sóc (có nghĩa là phương bắc) tức là vua có ý nhờ Thánh Gióng trấn giữ mặt bắc phòng quân xâm lược tràn xuống. Tiếc rằng đền thờ này đến nay không còn nữa.

Kinh đô Thăng Long gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoài là La Thành. Đây chính là vòng thành Đại La cũ do Cao Biền, một tiết độ sứ Giao Châu đắp vào khoảng những năm 866-868, nay được nhà Lý tu bổ và sử dụng. Dấu tích của vòng thành này chính là con đê La Thành ở Hà Nội ngày nay.

Thành trong có hào nước bao quanh, có bốn cửa đông tây nam bắc. Bên trong xây nhiều cung điện, lầu đài như điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên trái là điện Tập Hiền, bên phải là điện Giảng Võ. Phía chính nam có điện Cao Minh. Các điện đều có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt.

Phía sau điện Càn Nguyên là nơi vua, hoàng hậu ở; có hai điện Long An và Long Thụy dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho nhà vua. Bên trái, bên phải là điện Nhật Quang và Nguyệt Minh. Ngoài ra còn có các cung Thúy Hoa và Long Thụy dùng làm chỗ ở cho các cung nữ. Trong thành cũng có chùa Hưng Thiên Ngự và có những tòa nhà cao đến bốn tầng.

Ngoài thành có các phường thủ công, có chợ búa và nhà cửa đông đúc. Thương nhân, thợ thủ công và dân ở các nơi đổ về đây làm ăn, sinh sống nên vùng đất này ngày càng được mở rộng. Thời này đã hình thành một số phường thủ công quan trọng như dệt, gốm, đan lát… Đền thờ các tiền nhân anh hùng như Hai Bà Trưng, Phùng Hưng… được xây dựng, hàng năm đều có tế lễ. Kinh đô Thăng Long trở thành nơi đô hội không đâu bằng.

Để được yên ổn xây dựng đất nước, vua Lý Thái Tổ thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo. Đối với nhà Tống ở Trung Hoa, theo thông lệ, vua cho người sang xin sắc phong. Nhà Tống phong cho vua làm Giao Chỉ Quận vương. Dân Đại Cồ Việt và dân Tống có thể qua lại buôn bán với nhau ở vùng biên giới. Tuy nhiên, nếu nhà Tống lấn đất đai, vua đều cho sứ cương quyết đòi lại và nếu cần thì cho quân đánh trả.

Đối với các nước láng giềng nhỏ như Chân Lạp và Chiêm Thành, nhà vua chủ trương giữ hòa hiếu. Mỗi khi sứ các nước ấy sang tặng phẩm vật vua đều tiếp đãi ân cần và biếu xén lại quà cáp cho các quốc vương của họ rất chu đáo. Thuyền buôn các nước Xiêm, Java thường xuyên cập bến, trao đổi hàng hóa. Cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) là nơi tàu thuyền nước ngoài tấp nập đến buôn bán.

Về nội trị, vua Lý Thái Tổ quyết tâm cải tổ lại đất nước. Trước tiên, nhà vua ban chiếu đại xá cho thiên hạ. Các hình cụ tra tấn tù phạm đều được đốt hết sạch. Vua còn cấp quần áo, lộ phí cho 28 người lính Man (Nam Chiếu, Vân Nam) bị Lê Long Đĩnh giam trước đây, cho họ về quê làm ăn, sinh sống.

Những người mồ côi, cô quả, già yếu thiếu thuế trước đây không những đều được nhà vua xóa nợ mà còn được chu cấp tiền bạc để sinh sống. Ngoài ra, vua Lý Thái Tổ còn miễn thuế cho dân trong vòng ba năm (1010-1012).

Đến năm 1013, thấy đời sống dân chúng đã ổn định, nhà vua mới ban hành chính sách thuế khóa mới. Có tất cả 6 dạng thuế:

  1. Đầm, ao, ruộng.
  2. Đất trồng dâu và bãi phù sa.
  3. Sản vật trên núi và cao nguyên.
  4. Mắm muối buôn bán với các nước.
  5. Trầm hương, sừng tê, ngà voi.
  6. Tre, gỗ ở rừng.

Nhưng sau đó, khi ngân khố đã dồi dào, nhà vua lại cho miễn thuế thêm ba năm nữa. Ngoài ra, nhà vua còn cấp cho chùa Hưng Thiên 310 lạng vàng để đúc chuông, hoặc trích 800 lạng bạc trong kho để đúc chuông treo ở lầu Ngũ Phụng.

Cố đô Hoa Lư lúc này được đổi thành phủ Trường Yên. Làng Cổ Pháp, quê hương của nhà vua, trở thành phủ Thiên Đức và được vua ưu đãi. Vua ban tặng cho làng hai vạn quan để thuê thợ xây dựng 8 ngôi chùa và lập bia ghi lại công đức.

Cả nước được chia làm 24 lộ, phủ rồi đến huyện và sau hết là hương, giáp. Miền núi thì gọi là châu, miền xa như Hoan châu (Nghệ An) và Ái châu (Thanh Hóa) thì gọi là trại. Các hương làng được tự quản lý, tự bầu lấy người đứng đầu, nhưng có bổn phận đóng thuế, cung cấp binh lính đầy đủ cho triều đình.

Vua đứng đầu triều đình. Theo gương các triều vua trước, Lý Thái Tổ nắm mọi quyền hành và trực tiếp giải quyết mọi việc, từ hành chính đến quân sự, cả quan chế, luật lệ, ngoại giao và tư pháp… Nhưng về sau, nhận thấy cách làm ấy không hiệu quả, nhà vua bèn giao bớt việc cho các quan, chỉ giữ quyền quyết định chung. Giúp vua bàn việc nước có các đại thần, bên dưới là các quan văn võ chia làm chín bậc.

Những người có nhiều công lao được phong tước công hầu. Sư Vạn Hạnh được phong làm Quốc sư. Đào Cam Mộc được phong làm Nghĩa Tín hầu và được vua Lý Thái Tổ đem công chúa An Quốc gả cho. Tầng lớp quý tộc là những người trong họ với vua và các công thần. Tầng lớp này nắm giữ các chức vụ chủ yếu trong triều đình cũng như ở tại các địa phương.

Các hoàng tử được nhà vua phong tước vương và đều có bổn phận đi đánh dẹp các cuộc nổi loạn nên ai cũng giỏi việc quân. Riêng thái tử nối ngôi là Lý Phật Mã thì phải ở ngoài thành, gần gũi và hiểu rõ dân chúng, để sau này cai trị cho hợp với lòng người. Mười ba nàng công chúa con vua cũng không được ở không, nhàn rỗi. Họ được phân công trông coi việc trưng thu các thứ thuế.

Vua Lý Thái Tổ coi trọng nghề nông. Hàng năm, nhà vua đều cử hành lễ Tịch Điền, tức là lễ vua cày một đường cày đầu tiên trong năm. Lễ này được hình thành từ thời vua Lê Đại Hành, để chứng tỏ sự quan tâm của triều đình, đồng thời cũng khuyến khích nông nghiệp.

Nhà vua ban hành nhiều chính sách thúc đẩy việc trồng lúa. Quân lính được luân phiên về làm ruộng. Đó là chính sách “Ngụ binh ư nông”, có nghĩa là gửi quân lính ở nhà nông. Chính sách này vừa đảm bảo được quân số cần thiết mỗi khi có chiến tranh, vừa tận dụng được sức người để tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực trong nước.

Những người trước đây bị ức hiếp, hoặc nợ nần quá nhiều phải bán vợ, đợ con, bỏ xứ mà đi; cũng có trường hợp phạm pháp phải phiêu bạt, trốn tránh… nay đều được kêu gọi trở về làng cũ. Tất cả đều được tha thứ, xóa nợ và nhất là được nhận ruộng để cày cấy, ổn định lại cuộc sống.

Lý Thái Tổ cũng rất chú trọng đến việc bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp. Vua ban chiếu cấm dân chúng không được tự do mổ trâu bò ăn thịt và quy định cứ ba nhà hợp thành một nhóm gọi là “bảo” để kiểm soát lẫn nhau, cùng nhau chịu trách nhiệm bảo vệ trâu bò. Ai trộm trâu sẽ bị trừng phạt thích đáng. Nhờ biện pháp tích cực ấy, thu hoạch mùa màng ngày càng tăng, đất đai trồng trọt ngày càng mở rộng.

Phần lớn ruộng đất ở nông thôn là ruộng đất công của làng xã. Ruộng đất của làng xã nào thì do làng xã ấy quản lý. Người nông dân sống trong trật tự của làng xã. Họ tự bầu lấy người đứng đầu. Các người già được kính trọng và được mọi người nghe theo. Dân làng sống trong cảnh đùm bọc, tương thân tương ái. Ai có việc tang, việc hỉ đều được cả làng quan tâm giúp đỡ.

Hàng năm, theo tục lệ, các đinh nam (từ 18 đến 60 tuổi) họp làng bàn bạc mọi việc và phân chia ruộng đất công để cày cấy. Họ phải nộp thuế, làm lao dịch và đi lính cho nhà vua. Mức thuế được định là 100 thăng mỗi mẫu. Một số nông dân nghèo phải cày ruộng nộp tô. Hầu như làng nào cũng có chùa riêng (đất vua, chùa làng). Con em các nhà khá giả cũng phải đi lính, đi phu. Nông dân nghèo có thể rời làng để đi khai hoang lập nghiệp ở các vùng ven biển, ven sông.

Để tăng diện tích canh tác, vua Lý Thái Tổ khuyến khích việc khai khẩn đất hoang. Một số quan lại cao cấp đứng ra khai hoang và dần dần sở hữu nhiều ruộng đất, trở thành địa chủ. Nhà nước có ruộng riêng gọi là ruộng quốc khố. Lao động cày ruộng quốc khố là phạm nhân hoặc tù binh. Tô thuế ruộng quốc khố rất nặng so với các loại ruộng khác.

Giao thông thủy bộ đều được phát triển. Năm 1013, thấy đường biển đi lại khó khăn nguy hiểm, vua Lý Thái Tổ cho đào vét các con kênh, nối liền sông Cái (sông Hồng) cho đến Hoan châu (Nghệ An). Nhờ thế dân chúng, thương nhân có thể theo đường thủy đi đến tận biên giới phía bắc hoặc về phía nam rất thuận lợi.

Dọc các đường bộ quan trọng đều có nhà trạm và các ụ đất cắm biển gỗ ở trên để chỉ phương hướng cho người đi đường (giống như cột cây số của chúng ta hiện nay). Giao thông phát triển thúc đẩy thương mại lên theo. Chợ họp suốt các trục đường bộ cũng như đường thủy, nối với Thăng Long làm cho sinh hoạt trao đổi càng nhộn nhịp.

Để việc trao đổi hàng hóa được dễ dàng, vua Lý Thái Tổ cho đúc tiền rồi lấy niên hiệu Thuận Thiên của mình đặt tên cho loại tiền này. Đó là tiền Thuận Thiên đại bảo. Đồng tiền này có hình dáng tròn nhỏ, đường kính chỉ nhích hơn 2cm. Phía bề mặt có khắc chữ “Thuận Thiên đại bảo”, phía lưng để trơn. Có lỗ hình vuông ở giữa để có thể xâu lại.

“ Thiềunận thiên đại bảo”

được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ảnh: Đức Hòa

Thủ công nghiệp cũng phát triển. Nghề dệt đã sản xuất nhiều loại sản phẩm từ gấm, đoạn, lụa cho đến vải sợi, người trong nước rất ưa dùng. Ngói gạch cũng đủ kiểu, đủ cỡ như ngói tráng men, ngói sứ trắng, gạch cỡ lớn có trang trí hoa văn và có khắc niên hiệu nhà Lý để phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa, lâu đài, cung điện. Đồ dùng bằng sành sứ được chế tạo tinh xảo với các lớp men nâu, men ngọc, men trắng ngà cùng những hoa văn trang nhã, khắc chìm nổi rất công phu.

Quân đội gồm hai bộ phận là quân cấm vệ và quân của các lộ. Quân cấm vệ ở kinh đô có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua và kinh thành. Đội quân này rất tinh nhuệ và có kỷ luật cao. Chỉ những chàng trai khỏe mạnh, can cường mới được sung vào hàng ngũ này. Họ đều xăm vào ngực, vào chân những dấu hiệu riêng. Quân các lộ là quân ở địa phương, có nhiệm vụ bảo vệ các châu, lộ, phủ, trại…

Việc tuyển lính tiến hành khá chặt chẽ. Thanh niên và đàn ông được chia thành từng hạng, từ 18 đến 20 tuổi là hoàng nam, từ 20 đến 60 tuổi là đại hoàng nam. Đó là các dân đinh có nghĩa vụ quân sự. Nhà nước căn cứ vào sổ đinh của từng làng xã để kêu lính. Khi có chiến tranh thì họ ra chiến trường, khi thời bình, họ luân phiên nhau về làm ruộng.

Lúc đó trong nước có vài nơi nổi loạn, nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp. Như cuộc loạn ở Diễn châu (Nghệ An), vua đi tiễu trừ được, nhưng cảnh máu chảy đầu rơi khiến ngài thấy đau lòng. Trên đường thắng trận kéo quân trở về, qua vũng Biện (cửa Biện Sơn, Thanh Hóa) bỗng nhiên đoàn thuyền của nhà vua gặp mưa to, sóng lớn vô cùng nguy hiểm.

Nghĩ rằng Trời Phật trừng phạt mình, vua bèn khấn:

“Tôi là kẻ không có đức, không dám cậy có quân mạnh, chỉ vì Diễn châu không theo giáo hóa, không thể không đánh được. Đến lúc giao chiến, kẻ hay kẻ dở đều chết cả. Tôi dẫu bị quở phạt, chết cũng không dám oán trách. Chỉ có quân sĩ không có tội tình gì, xin Thượng đế rộng lòng tha thứ”. Quân sĩ nghe vua khấn hết sức cảm động, ai nấy ra sức chèo chống, vượt qua được cơn bão dữ.

Vua Lý Thái Tổ tôn sùng Phật giáo và trọng đãi người đi tu. Dù đã lên làm vua rồi, ngài vẫn hay đi thăm viếng các chùa, nhất là chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng (ngoại thành Hà Nội). Ngài thường đối đáp văn thơ với sư trụ trì Đa Bảo và được đáp lại bằng câu thơ còn lưu truyền đến nay:

Đức sánh ngang trời đất Uy làm bặt bốn phương Hang sâu nhuần mưa móc Ơn thấm đến thần vương.

Muốn khuếch trương Phật giáo, nhà vua cấp phát hàng vạn quan và cho xây nhiều chùa ở Thăng Long. Đặc biệt có chùa Chân Giáo ở ngay trong hoàng cung để vua dễ dàng đến tụng kinh hằng ngày. Khắp nơi chùa chiền mọc lên. Không năm nào mà không xây chùa, đúc chuông, đúc tượng mới. Quan lại, quý tộc thi nhau cúng tiền bạc, ruộng đất cho nhà chùa.

Năm 1018, vua Lý Thái Tổ sai các quan Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang Trung Hoa thỉnh kinh Tam Tạng. Bộ kinh này do nhà sư nổi tiếng đời Đường là Huyền Trang đem về từ Ấn Độ. Nhà sư Huyền Trang sau này đã được Ngô Thừa Ân huyền thoại hóa qua nhân vật Đường Tăng trong bộ truyện Tây Du Ký nổi tiếng.

Bộ kinh Tam Tạng ghi lại những lời dạy của đức Phật, gồm có ba pho. Pho thứ nhất gọi là Kinh chép lại các bài thuyết pháp của Phật. Pho thứ hai là Luật là các kỷ luật và nghi lễ mà các tăng sư phải theo. Pho thứ ba là Luận ghi lại những điểm tranh luận, bàn cãi. Nhà vua cho xây kho Đại Hưng để cất kinh gọi là nhà tàng kinh.

Hệ thống tăng già (tức là hàng ngũ các thiền sư giúp việc cho nhà vua) có từ các đời trước, nay vẫn được duy trì và ưu đãi. Các nhà sư có lễ phục riêng. Họ được cấp bằng, được miễn lao dịch và miễn đi lính. Ở Thăng Long có đến hàng ngàn nhà sư được cấp bằng. Sử sách chép lại là vào thời ấy nhân dân quá nửa làm sư. Chùa còn là nơi hội họp, vui chơi của nhân dân mỗi khi có lễ hội.

Sư Vạn Hạnh đứng đầu hàng ngũ Tăng già, tiếp tục giúp vua Lý Thái Tổ trị nước và có nhiều công lao đối với nhà Lý. Vì vậy, tám năm sau, khi ông mất (1018), nhà vua và triều thần vô cùng thương tiếc. Vua thân hành đến viếng và lập đàn làm lễ siêu độ.

Sư Vạn Hạnh không những là vị chân tu mà còn là nhà thơ, đã để lại cho hậu thế nhiều vần thơ thâm thúy, trong đó có bài: “Bảo các đồ đệ”(*) :

Thân như bóng chết, có rồi không Cây cối xuân tươi, thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Bản dịch từ chữ Hán của Ngô Tất Tố)

* Bài thơ có ý nghĩa rằng: Đời người như chiếc bóng, khi thịnh, khi suy, cũng như sương trên ngọn cỏ, có rồi lại tiêu tan ngay.

Dưới thời Lý Thái Tổ, các sinh hoạt văn nghệ được coi trọng. Mười năm sau khi cầm quyền, nhà vua đặt ra chức quan giáp để trông coi đội ngũ hát múa. Bấy giờ có một ca nữ tên là Đào, ca hay, múa giỏi rất nổi tiếng, thường được vời vào trình diễn cho vua và triều đình xem. Những khi hài lòng, vua đều thưởng tiền cho người con gái tài hoa ấy. Lần lần thiên hạ mộ danh tiếng của cô, nên từ đó các ca nữ được gọi là Đào nương.

Dân chúng cũng thích ca hát, nhảy múa. Hát chèo, múa rối nước phát triển. Dàn nhạc có trống, đàn, sáo, nhị. Những màn vũ nữ dâng hoa hay vũ công vừa múa vừa đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn rất được mọi người tán thưởng. Dân chúng còn ham chuộng các môn thể thao như đánh phết, đá cầu, đấu vật, đua thuyền.

Vào những ngày hội lớn, Thăng Long và các nơi thường tổ chức những trò vui chơi như đua thuyền, múa rối, đánh đu, tung còn, đấu vật, thi nấu cơm. Hội Dâu ở làng Khương Tự (Thuận Thành, Bắc Ninh) ngoài trò cờ tướng, đấu vật, kéo co còn làm lễ cầu mưa cho mùa màng được tươi tốt. Hội Gióng ở Sóc Sơn (phía bắc Hà Nội) thì có chọi gà, đánh đu, cướp lộc hoa tre…

Đấy cũng là dịp cho thanh niên nam nữ gặp gỡ, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Các chàng trai khoe sức mạnh qua những trận đấu vật, kéo co; các cô gái khoe tài nấu cơm. Họ cùng nhau chơi trò “tung còn tìm bạn tình”, hoặc vừa ướm ý mở lời vừa cùng nhau quay tít trên giàn đu tiên. Cuộc vui hồn nhiên đã nối kết được nhiều mối nhân duyên.

Hội đua thuyền có nhà vua tham dự, đặc biệt hào hứng. Hàng trăm chiếc thuyền lướt nhanh như chớp giữa dòng, hòa nhịp với tiếng trống dồn dập, nước dậy sóng cuộn. Một con rùa vàng rẽ nước nổi lên, đội ba quả núi, xòe bốn chân, nhe răng, trợn mắt, phun nước biểu diễn, đoạn hướng tới ngai vua cúi đầu chào. Đây là một dạng của trò múa rối nước.

Ngoài ra còn có trò chơi Trúc Sơn, phát khởi từ thời vua Lê Đại Hành. Đó là một bè nổi lớn có đan hòn núi giả bằng tre, gọi là Vạn Thọ Nam Sơn. Quanh núi được trồng các loại cây thật, tạo nên vẻ um tùm của một vùng sơn lâm hoang dã, soi bóng lung linh trên mặt nước. Chen giữa cây cối là các con vật giả như voi, hổ, tê giác, khỉ… được kết bằng mây, vải, gấm trông như thật.

Và để tạo nên khung cảnh sống động, một số nghệ nhân còn nhái tiếng loài vật, nên thỉnh thoảng từ hòn giả sơn lại vang lên tiếng hổ gầm, tiếng voi rống, tiếng sấu kêu rất hấp dẫn. Vào ban đêm, muôn vàn hoa đăng lênh đênh quanh giả sơn. Trong khi ấy thì ở thuyền rồng, yến tiệc bày ra linh đình, thâu đêm suốt sáng.

Vào mùa xuân năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tổ lâm bệnh nặng rồi từ trần ở điện Long An, trị vì được 19 năm, hưởng thọ 55 tuổi. Nhà vua là người nhân từ, tài đức, đã đưa xã hội rối ren cuối thời Tiền Lê đi đến ổn định, mở đầu cho thời kỳ thịnh trị của đất nước. Linh cữu nhà vua được an táng tại quê hương của ngài. Bảy vì vua Lý kế tiếp cũng được an táng ở đây. Ngày nay dấu tích các lăng mộ này không còn, chỉ còn lại ngôi đền thờ chung là đền Lý Bát Đế.

Nhớ ơn người đã khai sáng ra nhà Lý, một triều đại đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đất nước sau này, hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Lý Thái Tổ), dân chúng mở “Lễ hội Đăng quang” để kỷ niệm cuộc lên ngôi lịch sử của Lý Công Uẩn. Cuộc lễ được tiến hành trước tiên ở chùa Cổ Pháp (còn gọi là chùa Dặn) rồi sau mới tiếp tục ở đền Lý Bát Dế.

Đền Lý Bát Đế (hay còn gọi là đền Đô, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh)
Ảnh: Đức Hòa

Một lễ rước kiệu long trọng được cử hành. Số kiệu được rước là tám chiếc, tượng trưng cho tám vị vua nhà Lý. Sau đó là các trò chơi như đấu vật, đu dây, chọi gà, làm cho con người cứ ngỡ đang số trong thời nhà Lý.

Ảnh: Kiệu thờ của các vua Lý ở đền Lý Bát Đế
Nguồn: Nguyễn Huy Khôi

1. Tượng Lý Công Uẩn trong chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng Ảnh: Sách Chùa Việt Nam
2. Tượng mẹ Lý Công Uẩn Ảnh: Sách Chùa Việt Nam
3. Tượng thiền sư Vạn Hạnh Ảnh: Sách Nhưng ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam
Tam quan chùa Tiêu, nơi ngày xưa sư Vạn Hạnh trụ trì.
Ảnh: Đức Hòa

Tháp Lý Khánh Văn ở làng Đình Bảng.
Ảnh: Đức Hòa

1. Nơi sinh Lý Công Uẩn
2. Đền thờ mẹ Lý Công Uẩn ở phía sau chùa Cổ Pháp Ảnh: Đức Hòa
3. Tượng mẫu (mẹ Lý Công Uẩn) Ảnh: Đức Hòa
4. Cổng đình Sấm làng Dương Lôi, Từ Sơn, Bắc Ninh Ảnh: Phạm Hoài Thanh

Khu mộ ông bà ngoại của Lý Công Uẩn ở cánh đồng Miễu, tục truyền là “mộ tổ” nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ảnh: Phạm Hoài Thanh

Đền thờ mẹ Lý Công Uẩn ở làng Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ảnh: Phạm Hoài Thanh

Tượng thờ Lý Công Uẩn trong đình Sấm.
Ảnh: Phạm Hoài Thanh

Lăng Lòng Chảo (gò đất tương truyền xưa là lăng Lý Công Uẩn tại Bắc Ninh).
Ảnh: Ngọc Hải

Tài liệu tham khảo

  • Làng xã ngoại thành Hà Nội, Bùi Thiết, Hà Nội, 1980.
  • Nam quốc vĩ nhân truyện, Cung Thúc Thiềm, Sài Gòn, 1968.
  • Việt Sử khảo lược, Dương Kỵ, Thuận Hóa, 1971.
  • Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Hà Nội, 1971.
  • Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Sài Gòn, 1961.
  • Danh nhân nước nhà, Đào Văn Hội, Sài Gòn, 1951.
  • Thành cổ Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, Hà Nội, 1983.
  • Tổ tiên ta đánh giặc, Học viện quân sự, Tây Ninh, 1975.
  • Việt sử kinh nghiệm, Lạc Tử Nguyễn Văn Hầu, Sài Gòn, 1957.
  • Đại cương lịch sử Việt Nam, Lê Mậu Hân (chủ biên), Hà Nội, 1998.
  • Lịch sử Việt Nam tập I, nhiều tác giả, Hà Nội, 1971.
  • Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sỹ, Bản dịch, Sài Gòn, 1960.
  • Danh tướng Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, TP. Hồ Chí Minh, 1996.
  • Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Hà Nội, 1995.
  • Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ biên), TP Hồ Chí Minh, 1993.
  • Lịch sử Việt Nam, giáo trình dành cho ngành du lịch, Tôn Nữ Quỳnh Trân, TP Hồ Chí Minh, 1997.
  • Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Sài Gòn, 1964.

PHỤ LỤC

HÌNH TƯỢNG CON RỒNG VIỆT NAM

Rồng (chùa Thái Lạc thời Trần).
Ảnh: Sách Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (thế kỷ 11-12) của Tống Trung Tín

Con rồng là một hình tượng có địa vị đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước Tây phương, con rồng Việt Nam hiền lành, là hình tượng của mưa thuận gió hòa, niềm mơ ước của cư dân trồng lúa nước. Về sau, con rồng Việt Nam trở thành biểu trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên tử qua các thuật ngữ như: bệ rồng, mình rồng…

Rồng Trung Quốc – Sách: Peking a tale of three cities
Rồng Nhật – Sách: Mỹ thuật Châu Á
Rồng Châu Âu – Sách: The fountains of Petrodvorets near Leningrad
Những hình tượng sơ khai của rồng Việt Nam trên trống đồng Đông Sơn (giao long – cá sấu).
Ảnh: Sách Drum Đông Sơn.

Hình tượng rồng đã được người Việt hình dung lên từ thời đại Long Vương. Đó là một con vật thân dài có vẩy, được chạm trổ trên các đồ đồng của thời ấy. Tuy thế, con rồng thời này vẫn còn là hình ảnh của con vật giống như cá sấu. Lần lần, cuộc sống hiếu hòa của người Việt đã biến con cá sấu hung dữ thành con rồng hiền hòa, phù hộ cho người dân nông nghiệp.

Ảnh trên: Hình rồng thời Lý
Ảnh dưới: Rồng chạm nổi mặt bên bia đá chùa Long Đọi – Hà Nam (Bản rập)
Nguồn: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam

Đến đời nhà Lý, bắt đầu bằng hình tượng “rồng lên” (thăng long) thì con rồng được thần thánh hóa, mang đậm nét linh thiêng. Lý Thái Tổ đem hình ảnh rồng bay lên để đặt tên cho đất đế đô, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc. Vì rồng thời Lý mang mơ ước của cư dân nông nghiệp, nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý được biểu tượng bằng một con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ. Nếu là con lớn thì thân có vẩy và lưng có vây. Thân rồng uốn cong nhiều lần, uyển chuyển theo hình sóng lượn, mềm mại và thoải dần về đuôi.

Ảnh trên: Rồng đuổi nhau, chạm nổi trên bệ đá tượng Adiđà chùa Phật Tích, Bắc Ninh
Nguồn: Sách Chùa Việt Nam
Ảnh dưới: Rồng đất nung, thế kỷ 11-12
Nguồn: Sách Artisanat du Vtet Nam của Nguyễn Khắc Viện – Lê Thanh Đức – Lê Vượng

Rồng thời Lý có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng với hai hàm răng nhỏ, đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi rồng thoát ra ngọn lửa, đó là mào lửa. Trên trán rồng có hoa văn hình chữ “S”. Nhiều nhà khoa học cho rằng đấy là dạng cổ tự của chữ “lôi”, tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Mái chùa, cung điện, thuyền… đều được hình tượng rồng tô điểm.

Rồng chạm trên cốn gỗ chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) thời Trần.
Nguồn: Sách Mỹ thuật thời Trần

Sang đời Trần (1225-1400), hình tượng con rồng có nhiều biến đổi. Rồng thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước, mà trở nên uy nghi và quyền lực hơn. Dạng tự chữ S biến thành hình cong hoặc mất đi, đồng thời trên đầu rồng xuất hiện cặp sừng và đôi tai. Đầu rồng nghiêm trang, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng thẳng và nhọn. Các vẩy trở nên đa dạng hơn. Có khi chỉ là những đường cong nhẹ nhàng, có khi lại như những nửa hình hoa tròn có nhiều cánh đều đặn.

Cánh cửa gỗ chạm rồng chùa Phổ Minh thời Trần (1262).
Bảo tàng Nam Định
Nguồn: Đức Hòa

Rồng chạm nổi bệ tam thế, đá, chùa bối Khê (Thanh Oai – Hà Tây)
Nguồn: Sách Mỹ thuật thời Trần

Rồng cũng là hoa văn mà các vua triều Trần phải xăm lên đùi mình để giữ truyền thống của cư dân ven biển, là con cháu của dân Lạc Việt. Tục lệ vua xăm rồng lên đùi được kéo dài cho đến đời vua Trần Anh Tông mới chấm dứt (1293-1314). Vua Trần Anh Tông không thích việc xăm mình, mỗi lần Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhắc nhở, nhà vua lại lẩn tránh; nhắc mãi không được, Thượng hoàng cũng đành thôi.

1. Chuông chùa Bình Lâm (Vị Xuyên – Hà Giang) 1296 đời Trần Anh Tông Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
2. Rồng gỗ (chùa Thái Lạc thời Trần)
3. Rồng đá cụt đầu hai bên cổng thành nhà Hồ Ảnh: Sách Điêu khắc cổ Việt Nam

Rồng đá nhìn chính diện, giữa trán bia Vĩnh Lăng
(Lăng vua Lê Lợi – Lê Thái Tổ), thế kỷ 15 (1443), bản rập giấy dó
Nguồn: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam

Rồng thời Hậu Lê (thế kỷ 15) tượng trưng cho quyền uy phong kiến và có hình dáng thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là con vật dài, mình rắn uốn lượn đều đặn nữa mà được diễn tả trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là chiếc mũi to. Thân rồng thường cuộn lớn. Chân có nắm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.

Ảnh trên: Rồng đá thềm bậc điện Kính Thiên (thành Hà Nội) thời Lê sơ -1467
Nguồn. Sách Mỹ thuật thời Lê sơ

Ảnh dưới: Rồng lăng vua Lê Hiến Tông ở Lam Sơn, Thanh Hóa Bản rập trên bia đá, 1505
Nguồn: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam
Rồng đá, bệ tượng Phật chùa Mễ Sở, Châu Giang, Hưng
Yên Thời Mạc, 1573. Bản rập. Ảnh: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam

Thành bậc đá chạm rồng thời Mạc, chùa Nhân Trai, Hải Phòng Ảnh: Sách Mỹ thuật thời Mạc
Rồng đôi bằng gốm men trắng hoa lam thế kỷ 16 thời Mạc – trên một tháp mô hình Phật giáo. Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh: Sách Mỹ thuật thời Mạc
Rồng chạm nổi trên gốm hoa lam (Bát Tràng) thế kỷ 15-16 (Lê Lợi – Lê Thánh Tông – Mạc) Ảnh: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19 5-6. Rồng vẽ trên gốm hoa lam Bát Tràng. Thế kỷ 16 thời Mạc Ảnh: Gốm Bát Trùng thế kỷ 14-19
Rồng chạm nổi trên gốm Bát Tràng thế kỷ 17-18 (vua Lê chúa Trịnh)
Ảnh: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19

Chân đèn gốm màu Bát Tràng thế kỷ 16-17 (Mạc – Lê Trịnh)
Ảnh: Sách Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19

Thời Lê xuất hiện biểu tượng của bốn con vật thiêng (tứ linh) là “long, ly, quy, phụng”. Rồng đứng đầu trong bộ này, tượng trưng cho vua chúa và uy quyền. Sau đó là ly (kỳ lân), tượng trưng cho thánh nhân. Rồi đến quy (rùa), tượng trưng cho sự bền vững lâu dài của xã tắc. Cuối cùng là phụng (chim phượng), tượng trưng cho nữ giới và văn học.

Cưỡi trên rồng xem đấu vật. Trích đoạn vằn gió đình Phù Lưu, Bắc Ninh đầu thế kỷ 17 (thời vua Lê chúa Trịnh). Bản rập.
Ảnh: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam.

Tiên cưỡi rồng và mặt trời- trán bia (mặt sau) chùa Reo, Hành Thiện, Nam Định (thời Trịnh Nguyễn phân tranh 1671). Bản rập trên bia đá. Ảnh: Sách Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam.
Mả táng Hàm Rồng (gỗ), nửa sau thế kỷ 17. Đình Chu Quyến huyện Ba Vì, Hà Tây. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ảnh trên: Cặp chân nến “trúc hóa long” gốm men rạn Bát Tràng thế kỷ 18 (thời Lê Trịnh – Tây Sơn). Sách: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19.
Ảnh dưới: Đầu đao chùa Tây Phương. Sách Chùa Việt Nam.

Rồng nóc điện Thái Hòa (Huế) thời Nguyễn.
Ảnh: Báo Văn Nghệ Trẻ số Xuân 1999.

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được biểu hiện ở nhiều tư thế, khi thì ẩn mình trong mây hay ngậm chữ thọ, hoặc là hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằng mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng thường được uốn sóng từ dưới mắt rồi chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua thì có năm móng, còn lại thì bốn móng.

Ảnh trái: Đỉnh gốm men rạn vẽ nhiều màu Bát Tràng (thế kỷ 19 – thời Nguyễn)
Sách: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19
Ảnh phải: Hình rồng trên mái cửa Ngọ Môn (Huế)

Rồng trên áo đại triều của Hoàng Thái tử Đồng Khánh (trước khi lên ngôi)

Tượng rồng gốm men trắng ngà Bát Tràng (thế kỷ 19, thời Nguyễn) Ảnh: Sách Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19
Trên: Hình rồng trên nóc Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh)
Dưới: Tượng rồng tại khu vui chơi Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh
Ảnh: Nguyễn Thành Công

Hiện nay hình tượng con rồng tuy không còn tính chất tối thượng, thiêng liêng, nhưng cũng được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm khắc nghệ thuật… Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh có khu vui chơi Suối Tiên cũng xây một con rồng khá lớn đang trong tư thế vươn mình dậy. Có thể nói, ở thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.

Rồng hai đầu trên một chiếc vòng đeo cổ của người Thái. Theo M. Colani, sách Người Mường ở Hòa Bình
Động vật hai đầu trên một vòng đeo cổ Mường. Theo sách Người Mường ở Hòa Bình của Từ Chi
Rồng Mường dệt trên thổ cẩm (cạp váy, chăn…). Theo sách Người Mường ở Hòa Bình của Từ Chi

LịCH Sử VIỆT NAM BằNG TRANH TậP 14

THĂNG LONG BUỔI ĐẦU

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUậT

Biên tập: CúC HƯơNG

Biên tập tái bản: Tú UYÊN

Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐìNH QUÂN Trình bày: BÙI NGHĩA