Tâp 15: Xây đắp nhà Lý
Dựng nên nhà Lý là vua Lý Thái Tổ, phát triển mạnh mẽ xã hội Việt Nam dưới thời Lý là Lý Thái Tông. Cả hai vua ở trên ngôi 45 năm, thời gian đủ để thi thố các chính sách bình trị đất nước. Người đời sau đánh giá: gần nửa thế kỷ này cực kỳ quan trọng với lịch sử nước ta bởi nó tạo lập những nền tảng quan trọng cho việc phát triển đất nước.
Vua sáng có tôi hiền, nhà Lý mở đầu theo chiều hướng đó.
Tập này xin giới thiệu vị minh quân thứ hai của nhà Lý.
Vào mùa xuân năm Mậu Thìn (1028), sau 19 năm trị vì, đưa đất nước đến chỗ ổn định và thanh bình, vua Lý Thái Tổ lâm bệnh nặng rồi từ trần. Theo lệ cha truyền con nối, nhà vua đã chuẩn bị người kế vị từ trước. Đó là Lý Phật Mã, người con trưởng, được phong làm Thái tử vào năm 1012.
Lý Phật Mã còn có tên húy nữa là Đức Chính, sinh vào năm 1000 tại Hoa Lư, lúc ấy Lý Công Uẩn còn đang làm quan trong đội cấm quân của vua Lê Đại Hành. Tương truyền rằng vào lúc Lý Phật Mã
ra đời, tự dưng bao nhiêu trâu bò trong phủ đều thay sừng. Thấy thế, có nhà tiên tri nói rằng: “Người này ắt hẳn sẽ làm thiên tử”. Nhưng ai cũng cho đó là lời xằng bậy chẳng đáng tin.
Từ khi được phong làm Thái tử, Lý Phật Mã không được ở tại chốn cung điện tráng lệ, êm đềm trong vòng thành Thăng Long mà phải sống ở ngoài thành, gần gũi và hiểu rõ dân chúng để sau này cai trị cho hợp với lòng người. Chỗ ở của Thái tử được gọi là cung Long Đức, cũng đơn sơ, giản dị như nhà của người trung lưu.
Mỗi khi trong nước có loạn lạc, Thái tử phải trèo đèo, lội suối, chịu đựng gian khổ, cầm quân đánh dẹp và lập nên được nhiều chiến công. Nhờ được rèn luyện như thế, Thái tử Phật Mã trở thành một trang nam tử thông tuệ, uy dũng. Dân chúng và triều thần đều kính phục.
Ngoài Lý Phật Mã, vua Lý Thái Tổ còn có bốn người con trai là Dực Thánh vương, Đông Chính vương, Võ Đức vương, Khai Quốc vương. Các hoàng tử này ai cũng nuôi mộng làm vua. Vì vậy, khi vua cha mới băng hà, họ lợi dụng việc Thái tử phải ở ngoài thành nên ngấm ngầm liên kết cùng nhau, chuẩn bị ngăn chặn Lý Phật Mã lên ngôi.
Linh cữu vua Lý Thái Tổ đặt ở điện Long An, triều thần theo di chiếu tới cung Long Đức mời Thái tử đến để tuyên chiếu truyền ngôi. Đoán trước việc đó, hoàng tử Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chính vương đem quân cả ba phủ tập kích ở cổng thành. Vì thế, lúc Thái tử cùng các tướng tâm phúc là Lý Nhân Nghĩa, Lê Phụng Hiểu đến cửa thì bị cản không vào được.
Trước tình cảnh ấy, Thái tử than:
- Ta không làm điều gì phụ lòng anh em mà sao ba vương lại làm điều bất nghĩa, quên di mệnh của Tiên đế (tức là vua Lý Thái Tổ). Các khanh nghĩ thế nào?
Lý Nhân Nghĩa tâu:
- Anh em thì phải hòa hiệp, nay ba vương làm phản liệu có còn là anh em không? Ta phải bỏ tình riêng mà nghĩ đến nghĩa công. Tôi xin ra quyết chiến một trận.
Thái tử bảo:
- Ta lấy làm xấu hổ. Tiên đế vừa mất chưa chôn cất mà anh
em ruột thịt đã giết hại lẫn nhau. Há chẳng để cho đời sau chê cười sao?
Lý Nhân Nghĩa tâu:
- Tiên đế thấy Điện hạ là người đủ đức tài để nối nghiệp nên đã đem cả thiên hạ phó thác cho. Nay giặc đến cửa cung mà không quyết thì thật là phụ lòng Tiên đế.
Thái tử vẫn chần chừ:
– Ta muốn che giấu tội của ba vương khiến họ tự ý rút quân về để trọn tình anh em.
Nhưng ngay lúc ấy, tình hình hết sức nguy cấp. Ba hoàng tử thúc quân đánh gấp. Lý Phật Mã không còn lần chần được nữa, đành phải quyết định:
– Tình thế đã đến như thế này thì ta giao thác hết cho các ngươi. Còn ta, ta sẽ đến chầu bên linh cữu Tiên đế mà thôi.
Lý Nhân Nghĩa cùng Lê Phụng Hiểu đồng thanh trả lời:
- Chúng tôi xin hết lòng.
Rồi cả hai tả xung hữu đột giữa đám phản loạn. Lê Phụng Hiểu chỉ vào Võ Đức vương thét lớn:
- Các người dòm ngó ngôi cao, khinh rẻ Thái tử; trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này.
Với sức mạnh phi thường, ánh gươm của Phụng Hiểu chỉ vừa loáng lên là Võ Đức vương đã gục chết dưới chân ngựa trong chớp mắt. Quân ba phủ tan vỡ. Hai hoàng tử còn lại hốt hoảng bỏ chạy, Phụng Hiểu vội cùng Lý Nhân Nghĩa đi thẳng đến trước linh cữu Lý Thái Tổ bẩm báo. Thái tử vô cùng cảm động, úy lạo:
– Các ông thật là trung thành còn Phụng Hiểu thật là uy dũng.
Thái tử Phật Mã lên ngôi (1028), tức Lý Thái Tông*, đổi niên hiệu là Thiên Thành. Nhà vua là người nhân từ, liền ra lệnh đại xá kẻ tù tội. Vua cũng thường miễn thuế cho dân chúng mỗi khi trong nước gặp nạn mất mùa hoặc chiến tranh, loạn lạc. Hai hoàng tử đã từng nổi loạn về xin tha tội cũng được vua bỏ qua và phục lại chức tước như cũ.
* Có sách gọi là Tôn.
Nhưng hoàng tử thứ tư là Khai Quốc vương lại chiếm Trường Yên (Hoa Lư) làm căn cứ, buộc nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp. Vốn là người từng quen trận mạc, chẳng mấy chốc, nhà vua vây khốn thành Hoa Lư. Thấy không chống cự nổi, Khai Quốc vương đầu hàng. Nhà vua xuống chiếu tha tội cho em. Trước tấm lòng cao cả ấy, mấy người em cảm động, từ đó hết lòng giúp đỡ anh trong việc trị nước, dẹp loạn.
Tuy sẵn sàng tha thứ cho các em, nhưng nhà vua vẫn không quên giáo dục họ cùng các quan lại biết tôn trọng lòng trung nghĩa. Một hôm, vua kể rằng, vào đêm trước khi ba vương nổi loạn, thần Đồng Cổ đã báo mộng cho biết trước, nhờ thế ngài để phòng sẵn nên không bị hại. Đồng Cổ có nghĩa là trống đồng. Người Việt vốn tôn sùng trống đồng từ thời mới dựng nước nên đã thần linh hóa trống đồng, gán cho trống đồng là một vị thần, gọi là thần Đồng Cổ.
Tục truyền rằng núi Khả Phong ở Thanh Hóa là nơi ngự trị của thần Đồng Cổ. Thần rất linh thiêng, đã từng giúp vua Lý Thái Tổ dẹp yên nhiều cuộc nổi loạn. Nay lấy cớ trả ơn thần đã báo mộng, nhà vua sắc phong cho thần Đồng Cổ tước vương và cho dựng đền thờ ở trong kinh thành, phía sau chùa Thánh Thọ, rồi làm lễ rước thần từ núi Khả Phong về Thăng Long.
Xong xuôi, nhà vua cho tiến hành lễ thề ở đấy. Lễ thề được cử hành rất trang nghiêm. Đàn cao được dựng lên trong đền Đồng Cổ, cờ xí đủ màu rực rỡ cắm trên đàn, còn gươm giáo thì treo trước thần vị. Quần thần, hoàng tử, áo mũ chỉnh tề, từ cửa phía đông đi vào đền, đến quỳ trước đài, cùng uống máu và đọc lời thề: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin thần minh trị tội”.
Từ đó hàng năm, vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, lễ thề ở đền Đồng Cổ được tiến hành đều đặn. Không một ai được quyền vắng mặt. Ai trốn dự lễ sẽ bị phạt 50 trượng. Việc làm này cũng góp phần ổn định trật tự trong triều đình cũng như trong hoàng gia. Ai nấy lo làm phận sự của mình, không dám có ý tiếm đoạt, sợ thần Đồng Cổ quở phạt.
Tục truyền rằng lên ngôi vua được chừng một năm, một hôm, vua chợt thấy rồng xuất hiện ở điện Càn Nguyên. Điện Càn Nguyên vốn là nơi coi chầu của vua Lý Thái Tổ và đã bị bỏ phế vì sét đánh hỏng vào năm 1017. Cho rằng rồng xuất hiện là điềm tốt, nhà vua ra lệnh trùng tu và mở rộng điện, đổi tên là Thiên An. Phía trái còn dựng thêm điện Tuyên Đức, phía phải xây thêm điện Diên Phúc. Trước điện Thiên An là thềm Rồng (Long Trì), phía đông thềm Rồng có điện Văn Minh, phía tây có điện Quảng Võ.
Nhà vua còn cho xây hai lầu chuông đối nhau hai bên thềm Rồng để dân có việc đến kêu oan. Xung quanh thềm Rồng có hành lang để quan lại hội họp và quân lính canh gác. Đằng trước thềm Rồng làm thêm điện Phụng Thiên, trên điện xây lầu Chánh Dương để làm nơi xem giờ khắc. Ngoài ra ở phía sau còn có điện Trường Xuân với gác Long Đồ dùng làm chỗ nghỉ ngơi, ngắm cảnh cho nhà vua sau những buổi lâm triều căng thẳng.
Năm sau (1030), vua lại cho dựng điện Thiên Khánh, cất thêm lầu Phượng Hoàng. Điện Thiên Khánh là nơi vua lâm triều làm việc với các quan. Đất nước càng ngày càng hưng thịnh, vua lại cho mở ba khu vườn Quỳnh Lâm, Thắng Cảnh, Xuân Quang (1048). Rồi để tô điểm cho cảnh quan thêm phong phú, vào năm 1050, vua lại cho đào hồ bán nguyệt Thụy Thanh và ao Ứng Minh tại vườn Thắng Cảnh.
Một lần vào năm 1049, thợ đang đào hồ tại vườn Thượng Uyển thì bỗng nhiên một khối vàng sáng chói trồi lên. Khối vàng nặng đến 50 lượng. Hân hoan trước việc lạ, nhà vua đặt tên cho hồ là Kim Minh Vạn Tuế (vàng sáng vạn năm). Để cho hồ thêm sinh động, nghệ nhân lại xây ba chỏm núi đá ở trên rồi bắc một chiếc cầu uốn lượn qua, gọi là cầu Vũ Phượng, trông chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh, chứng tỏ tâm hồn nghệ thuật phong phú của người Việt thời ấy.
Vua thường đến Hoan châu thăm thú tình hình dân chúng nên cho xây tại đó một hành cung* và đổi tên Hoan châu thành Nghệ An. Từ đấy danh xưng Nghệ An xuất hiện. Nhà vua cũng chú ý đến việc xây cất phục vụ đời sống dân chúng. Ngài cho bắc cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch, cất chợ Tây và chợ Trường Lan (1035), lại còn mở chợ ở phía đông kinh thành. Hàng quán chen chúc sát tới bên đền Bạch Mã, tạo ra một cảnh phồn thịnh chưa từng có.
* Hành cung là ngôi điện dựng lên ở các địa phương để vua nghỉ ngơi khi có dịp đi qua.
Quan tâm đến việc giao thông, năm 1042 nhà vua xuống chiếu cho các lộ đặt trạm gác mỗi nơi, chia đường ra từng đoạn để việc liên lạc, đi lại được dễ dàng. Vua lại cho đóng mấy trăm chiếc thuyền lớn, các thuyền đều có trang trí hình rồng, phượng, cọp, cá, rắn và chim anh vũ (1043). Ngoài ra còn cho chế tạo xe Thái bình, sơn son, thếp vàng, mui lợp lụa, do voi kéo.
Để cai trị đất nước, vua có đông đảo quan lại tài giỏi giúp sức. Vua đặt ra các cuộc sát hạch để chọn người có năng lực. Sau đó, nếu không đủ, mới dùng đến con cái của các quan. Tuy nhiên, việc tuyển chọn vẫn còn nhiều điều không hợp lý. Chẳng hạn như con cháu của thợ thuyền hay con hát dù tài giỏi cũng không được sử dụng, trong khi người có tiền thì được mua chức, hoặc hễ là thân thích của hoàng hậu là được mang chức tước.
Vua phân loại các quan ra làm hai lĩnh vực: quan trong và quan ngoài. Quan trong lo việc quản lý dân chúng với các chức vụ như Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Khu mật, Tả tham tri, Trung thư Thị lang, Hữu tâm phúc. Thời đó có các quan nổi tiếng như Hữu tâm phúc Lý Nhân Nghĩa, Thái sư Lương Nhiệm Văn, Thái phó Đinh Thượng Ngộ…
Quan ngoài thì phục trách về quân sự, binh bị. Mỗi khi trong nước xảy ra chinh chiến, các quan ngoài là người phải xông pha hòn tên mũi đạn để giữ an cho đất nước. Chức Đô thống là để gọi các quan ngoài. Nổi tiếng nhất là Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Ông có sức mạnh phi thường, không ai sánh kịp.
Để cai quản các vùng biên cương, vua đặt ra chức Châu mục và cử những người dân tộc tại chỗ giữ các chức ấy. Các quan Châu mục cai trị những nơi xa xôi thường hay có ý tự lập, muốn tách ra khỏi triều đình trung ương, khiến cho nhà vua vẫn thường phải cất quân đánh dẹp. Nhằm giữ hòa bình, có khi vua phải đem con gái của mình gả cho họ để tạo mối quan hệ thân thiết. Năm Kỷ Tỵ (1029), vua gả công chúa Bình Dương cho quan Châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái.
Năm 1036, công chúa Kim Thành lại được gả cho quan Châu mục châu Phong là Lê Ninh Thuận, rồi sau đó đến lượt công chúa Trường Ninh về làm vợ Tù trưởng Thượng Oai là Hà Thiện Khoan. Những nàng công chúa cành vàng lá ngọc này, vì sự thanh bình của đất nước, vì quyền uy của triều đại; đã phải hy sinh cảnh lầu son gác tía nơi chốn cung đình, về sống nơi xa xôi, hẻo lánh. Sự hy sinh ấy ít người biết đến, nhưng lại vô cùng quý giá vì đã giải trừ được nhiều cảnh chiến tranh.