Tâp 15: Xây đắp nhà Lý

Với nhà Tống bên Trung Hoa, vua Lý Thái Tông giữ quan hệ thuận thảo, cũng nhận tước phong là Nam Bình vương và thường cho sứ qua thông hiếu. Có khi nhà vua cho đem một con voi đã dạy dỗ thuần thục sang tặng vua Tống, vua Tống biết vua Lý sùng đạo Phật, gửi tặng lại kinh Đại Tạng. Tuy vậy, để không có mâu thuẫn tại biên giới hai nước, vua Lý Thái Tông cho tiến hành việc phân ranh, xác định đất nào là đất Tống, đất nào là đất Việt.

Các nước láng giềng nhỏ như Chân Lạp, Ai Lao cũng thường xuyên cho sứ thần đến thông hiếu và cống các sản vật địa phương. Để các sứ thần có chỗ lưu trú và nghỉ ngơi sau các cuộc hành trình gian nan, vào năm 1044, Lý Thái Tông cho xây sứ quán, gọi là trạm dịch Hoài Viễn, ở Gia Lâm (Hà Nội ngày nay). Năm sau, vì nhu cầu ngày càng tăng do việc đối ngoại phát triển, vua cho xây đến 7 trạm dịch. Sự chu đáo trong tiếp xúc ngoại giao như thế làm cho sứ thần các nước rất kính nể.

Để dạy dân tôn trọng phép nước và đề phòng quan lại tham ô, cậy quyền cậy thế hà hiếp dân lành, vua ra lệnh thành lập một ban biên soạn luật pháp. Bộ luật đầu tiên của đất nước được viết ra dưới triều Lý Thái Tông (1042), gọi là Hình Thư. Tiếc rằng, bộ luật này hiện nay đã thất truyền, ta chỉ còn biết được một số điều của nó nhờ các sách sử cũ khác nói đến.

Theo các sách ấy thì vua phân hình phạt ra nhiều loại, tội nào chịu theo hình phạt ấy. Có điều lệ cấm không cho mua bán con trai làm nô tỳ*. Ngoài ra, luật thời ấy còn cho phép những người già hay trẻ con được chuộc tội bằng tiền khi phạm tội nặng. Đáng kể nhất là luật cấm mổ trâu bò ăn thịt vì trâu bò là sức kéo trên đồng ruộng.

  • Từ nô tỳ lúc này là chỉ nô lệ cả trai và gái.

Để đánh dấu sự kiện nước ta có luật pháp, Lý Thái Tông đổi niên hiệu* thành Minh Đạo (nghĩa là con đường sáng) và cho đúc tiền mới, cũng gọi là tiền Minh Đạo. Bên cạnh bộ luật ấy, vua vẫn duy trì hai lầu chuông kêu oan. Không những thế, vào năm 1053, vua lại cho đúc thêm chuông kêu oan đặt ở Long Trì và truyền rằng hễ có người dân nào đến đánh chuông ấy để bày tỏ, đích thân nhà vua sẽ đứng ra phân xử.

  • Các vua triều Lý nhân một sự kiện gì đó thường hay thay đổi niên hiệu.

Nước đã có luật pháp, từ đấy chấm dứt lối cai trị tùy tiện, bất công. Mọi người vô cùng hân hoan, an tâm sinh sống. Vua cũng đặt ra luật lệ trong cung, định rõ ràng số phi, cung nữ, nhạc kỹ như sau: hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 100 người. Các cung nữ cũng theo phẩm cấp để có tôn ti trật tự. Những cô gái trẻ đẹp này không phải chỉ suốt ngày lo việc điểm trang phấn son, sống nhàn rỗi trong cung cấm mà hết thảy đều được học nghề dệt nghề thêu.

Sản phẩm của họ làm ra đẹp không kém gì của Trung Hoa. Vua lập ra một kho riêng để chứa số lụa gấm ấy, gọi là “quyến khố ti” và trực tiếp trông coi. Để quan lại và dân chúng hướng tới việc dùng hàng hóa trong nước, ngài quyết định không dùng gấm vóc nhà Tống nữa nên ra lệnh đem hết gấm Tống trong kho ra phát cho các quan lại. Quan ngũ phẩm trở lên thì được áo gấm, dưới ngũ phẩm được áo vóc.

Sau đó, trong triều đình, từ vua đến quan đều dùng lụa gấm do các cung nữ hoặc dân chúng dệt. Nhờ vậy, nghề trồng dâu, dệt lụa trong nước phát triển chưa từng có. Những nơi dệt lụa nổi tiếng của thời ấy là làng Nghĩa Đô bên bờ sông Tô Lịch, làng Nghi Tàm bên cạnh Hồ Tây (Hà Nội ngày nay).

Để khuyến khích nông dân lo việc đồng ruộng, hàng năm, vào đầu vụ mùa, Lý Thái Tông vẫn đi làm lễ Tịch Điền*. Có năm, ruộng vua cày cho giống lúa nở đến 9 bông làm ngài hết sức vui mừng. Ngoài ra, vua thường đi về các làng quê xem nhân dân cày cấy, gặt hái, nhất là vào những năm cả nước đều được mùa.

  • Tức là nhà vua cày một đường cày tượng trưng. Lễ này đã được hình thành từ thời vua Lê Đại Hành với mục đích khuyến khích nông nghiệp.

Tuy thế, có những nịnh thần lại muốn can vua đừng làm lễ Tịch Điền. Chẳng hạn vào năm 1038, nhà vua ngự ra Bố Hải Khẩu (huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình ngày nay) để làm lễ cày ruộng. Sau khi vua tế Thần nông xong, đang cầm cày xuống ruộng định cày mấy đường thì có quan can rằng:

  • Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm thế!

Vua đáp:

  • Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì để xướng xuất thiên hạ?

Thế rồi vua tiếp tục thúc trâu kéo cày cho đến khi mệt mới nghỉ. Ngoài ra, vua còn lập xã đàn ở ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi cầu cúng thần Lúa bốn mùa (1048).

Được sự quan tâm của vua, trong nước liên tiếp trúng mùa to. Dân chúng vô cùng sung sướng. Ai nấy lo việc đồng áng. Ruộng đất trở nên rất quý, là thứ của cải sáng giá nhất thời ấy. Ai có công lớn đều được vua đem ruộng cấp cho. Ruộng cấp cho công thần được gọi là “thác đao điền” (ruộng ném đao). Tên gọi này phát khởi ra từ người tướng vũ dũng Lê Phụng Hiểu.

Lê Phụng Hiểu là người làng Băng Sơn, Ái châu (nay là Dương Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), nổi tiếng có sức khỏe hơn người. Từ nhỏ ông đã ăn uống khác thường, mỗi bữa phải vài đấu gạo mới lửng bụng, còn sức uống thì không chừng. Nhà nghèo, Phụng Hiểu sống bằng nghề đốn củi. Tương truyền rằng, khi kiếm củi, ông chỉ dùng tay không nhổ bật cây to cả ngọn lẫn rễ, hay nhổ cả bụi tre rồi cứ thế vác về nhà.

Trong dân gian còn lưu truyền một giai thoại về sức khỏe của ông như sau: Bấy giờ có dân làng Đàm Xá tranh cướp ruộng đất của làng Cổ Bi. Hai làng đánh nhau liên tục, bất phân thắng bại. Sau cùng có người dân làng Cổ Bi nghe truyền tụng về sức mạnh của Phụng Hiểu, tay không có thể đánh thắng cả một đội quân, bèn mời về thết đãi và nhờ vả. Vốn yêu công bằng, Phụng Hiểu sẵn sàng giúp đỡ làng Cổ Bi.

Sau khi ăn một nồi cơm to và uống cạn một vò rượu lớn, Phụng Hiểu nhổ một cây cổ thụ ven đường rồi xông vào đám trai tráng làng Đàm Xá. Chỉ nhìn thấy thế là tất cả cong lưng chạy dài, không còn dám bén mảng đến nữa. Dân Cổ Bi hân hoan lấy lại ruộng. Từ đấy tiếng tăm của Phụng Hiểu nổi lên như cồn.

Một hôm đang gánh củi từ rừng về, giữa đường, nghe tin nhà vua tuyển quân, ông mừng quá, vội quăng hai bó củi đi hai nơi, hối hả đến ghi tên. Dân làng bảo rằng hai bó củi ông ném đi, rơi cách xa nhau đến nửa ngày đường. Nơi bụi tre rơi xuống là thôn Hạ Đình (bây giờ là làng Từ Trọng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), sau này trở thành một rừng tre tươi tốt, được gọi là rừng Trúc Cương.

Thấy ông có sức khỏe hơn người, vua Lý Thái Tổ đưa ông vào toán quân Túc vệ; dần dần nhờ giỏi võ, ông được thăng làm Võ vệ Tướng quân. Về sau, khi loạn ba vương nổi lên, ông phù trợ Thái tử trừ yên được. Khi đã lên ngôi, Lý Thái Tông phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân, coi hết quân đội của triều đình.

Ông thường theo vua Lý Thái Tông đi tiễu trừ những kẻ nổi loạn, cướp bóc, đem bình yên cho đất nước. Vì công lao đó, một hôm nhà vua bảo:

  • Ta định ban thưởng cho ngươi. Vậy hãy cho ta biết ngươi muốn chức tước hay vàng bạc?
  • Tâu bệ hạ, thần không muốn quan tước, vàng bạc gì, chỉ xin được đứng trên núi Băng Sơn ở quê nhà, ném thanh đại đao, hễ đao rơi đến đâu thì xin nhận đất đến đấy, để giữ đời truyền cho con cháu.

Vua y cho. Lễ ném đao được tổ chức trên hòn Băng Sơn, dân chúng kéo đến xem đông như đi hội. Dứt ba hồi trống, Lê Phụng Hiểu cởi trần, đóng khố, tay cầm thanh đại đao nặng chình chịch quay tít mấy vòng lấy đà rồi dang thẳng tay ném. Sức mạnh của ông làm thanh đao bay xa đến 10 dặm mới rơi xuống đất làng Đa My. Giữ lời hứa, vua lấy vùng đất ấy ban cho ông. Từ đó, ruộng do có công mà được thưởng thì gọi là “ruộng ném đao”.

Lê Phụng Hiểu mất năm 77 tuổi, được phong làm Phúc thần, được lập miếu thờ. Nơi thờ chính là đền Mã Cương ở thôn Hạc Đình, chỗ mà bụi tre năm xưa ông ném để đầu quân đã rơi xuống. Hàng năm, vào ngày 4 đến 7 tháng Giêng, dân chúng mở hội để tưởng nhớ đến ông, gọi là hội đền Lê Phụng Hiểu.

Tục lệ đặc biệt nhất của lễ hội Lê Phụng Hiểu là cuộc thi tuyển nữ nấu cơm để dâng cúng Thành hoàng. 48 cô gái được tuyển phải là chưa chồng, giỏi nội trợ và hát hay. Cuộc thi được tổ chức ở bãi là đầm Giang Đình rộng, lộng gió. Các cô gái dự thi được nhận một chiếc thuyền thúng có ông táo, gạo nếp, gạo tẻ và những lóng mía để làm chất đốt.

Một hồi trống lệnh dồn dập cất lên, các cô đồng loạt chèo thuyền ra giữa đầm để nấu cơm, đồ xôi. Thật không dễ chút nào khi phải nấu trong một điều kiện như thế: đầm lộng gió, thuyền chòng chành, bã mía vừa ăn vừa nấu nên rất ẩm ướt. Không những thế, trên bờ mọi người chen chúc bình phẩm, la ó, trêu chọc.

Các cô phải bình tĩnh, nhanh nhẹn, vừa róc mía ăn – mà phải hít kiệt nước để bã dễ cháy, vừa khéo léo kê bếp cho vững vàng, rồi nhóm lửa mà trổ tài khéo léo. Có khi ban giám khảo còn đặt vào thuyền mỗi cô một con cóc. Các cô vừa phải thổi cơm, vừa phải canh thế nào cho cóc không nhảy ra khỏi thuyền. Khó khăn là thế mà các cô vẫn nấu được những nồi cơm dẻo, thơm. Ai nấu ngon nhất và nhanh nhất thì được trúng giải. Cả gia đình họ hàng được thơm lây.

Nhờ những tướng giỏi như Lê Phụng Hiểu, vua Lý Thái Tông đã có một đội quân rất tinh nhuệ. Đó là Điện tiền cấm quân, gồm 10 vệ. Mỗi vệ chia làm tả, hữu và lập trại đóng quanh cấm thành để bảo vệ kinh đô. Ngoài ra còn có Tùy xa Long quân, tức là quân đi theo xe vua. Đội quân này đã cùng nhà vua đánh đông dẹp bắc vì dưới thời vua trị vì, trong nước hay loạn lạc, nhất là các châu mục ở vùng biên giới xa xôi.

Tuy thế, vốn là người nhân từ, ngay cả với kẻ nổi loạn không phải là thân thích, có khi nhà vua cũng không quá nghiệt ngã. Như trường hợp Nùng Tồn Phúc, nổi lên làm phản ở Quảng Yên, tự xưng là Chiêu Thánh hoàng đế. Phúc lập ra nước riêng, đặt tên là Trường Sinh, phong cho vợ là A Nùng làm hoàng hậu, phong cho con trưởng là Nùng Trí Tông làm Nam Nhai vương*.

  • Nam Nhai là châu Vạn Nhai, thuộc hai huyện Võ Nhai và Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Vua thân chinh đi đánh dẹp. Nùng Tồn Phúc đốt sào huyệt bỏ trốn. Vua cho quân đuổi theo, bắt được hai cha con Phúc và Thông đem về kinh đô xử tử. A Nùng cùng con thứ là Nùng Trí Cao chạy thoát và mưu phục thù. Năm 1041, cả hai quy tụ bè đảng, chiếm được châu Thảng Do (gần châu Quảng Nguyên), lập thành nước Đại Lịch. Lý Thái Tông sai quân đi tiễu trừ, bắt sống được Trí Cao.

Nghĩ rằng cả Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Thông đều đã bị giết, nhà vua tha chết cho Trí Cao, lại phong cho làm Quảng Nguyên mục. Năm 1043 nhà vua còn trao ấn Quận vương và gia phong thêm tước Thái bảo nên từ đó, Nùng Trí Cao thần phục. Nhưng chẳng bao lâu, vào năm 1044, họ Nùng lại kình chống triều đình, xưng là Nhân Huệ hoàng đế, đặt ra nước Đại Nam.

Vua Lý Thái Tông sai tướng Quách Thịnh Dật đi tiễu trừ. Nùng Trí Cao bèn chạy sáng đánh chiếm đất Ung châu của nhà Tống rồi lần lượt chiếm một số đất khác.

Tướng giỏi nhà Tống là Địch Thanh đi đánh, nhưng chống phá mãi không được. Vua Tống toan cho người sang nhờ vua Lý giúp đỡ, nhưng sau lại giữ thể diện, cứ chần chừ để họ Nùng có cơ hội hùng cứ. Mãi sau này, nước Đại Lý* lừa bắt được Nùng Trí Cao, đem chém rồi nộp cho nhà Tống thì loạn mới yên.

  • Một nước nhỏ ở phía nam Trung Quốc.

Vua Lý Thái Tông lên ngôi đã lâu mà nước Chiên Thành vẫn không chịu cho người sang thông hiếu. Vì vậy vào năm 1044 vua bèn thân chinh đi đánh. Quân của vua vào đất Chiên Thành, bắt được 30 con voi và 5000 tù binh, trong đó có cung nữ và vợ của vua Chiêm. Thấy một số quân lính thừa cơ làm ẩu, giết chết rất nhiều người, vua xót thương, xuống chiếu: Hễ ai giết người Chiêm thì bị chém. Nhờ thế, máu mới ngừng chảy.