Tâp 15: Xây đắp nhà Lý

Sau khi đi đánh về, vua xuống chiếu xá thuế cho dân chúng. Chiếu viết: “Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn? Vậy xã cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo”.

Cũng giống như vua cha Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông rất sùng đạo Phật, vua thường đi thăm cảnh thiền, khuyến khích việc xây chùa, đúc tượng. Trong suốt thời gian trị vì, nhà vua đã cho xây cả thảy chừng 950 ngôi chùa. Có lần ngài cho tô hơn 1000 pho tượng Phật, đến khi khánh thành thì đặt hội La Hán ở sân rồng. Nhân dịp đó vua đại xá cho những người bị phát lưu.

Năm 1034, vua đi thăm chùa Trùng Quang ở núi Tiên Du thuộc Bắc Ninh ngày nay) và cho đúc một chiếc chuông lớn cho chùa này. Tương truyền rằng, khi đúc xong, chuông tự động lăn vào chùa mà không cần phải nhọc công vác, đẩy. Nhà sử học danh tiếng Ngô Thời Sĩ (1726- 1780) khi viết về chuyện này cho rằng: Chuông là vật tròn, dễ lăn, chứ chẳng có gì lạ. Chung quy cũng là một số kẻ lợi dùng lòng tin của vua và dân, đã bịa đặt ra để tăng thêm vẻ huyền bí mà thôi.

Cũng một chuyện huyền bí tương tự được lưu truyền quanh ngôi chùa Pháp Vân ở Cổ Pháp, nơi Lý Công Uẩn sống khi còn nhỏ.

Người sư tên là Hưu, tu tại chùa, tâu với vua rằng: “Trong chùa chợt phát một luồng sáng. Theo chỗ ánh sáng ấy đào xuống thì được một cái hòm bằng đá.

Mở hòm đá ra thì có một hòm bằng bạc. Mở hòm bạc có hòm vàng. Mở hòm vàng có bình ngọc lưu ly. Trong bình lưu ly đựng xá lợi”*.

  • Xá lợi là tro, cốt của Phật còn lại sau khi thiêu.

Thời ấy, cả vua và quan đều rất tin điềm này, điềm nọ, vì thế câu chuyện huyễn hoặc về xá lợi cũng có lắm người nghe theo. Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049 cũng để giải điềm xui kiểu như vậy. Nguyên do là, một đêm vua Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen hiện ra và dắt vua lên. Thức dậy, vua đem giấc mộng kể lại cho bá quan văn võ nghe. Thế là mỗi người giải mộng theo một cách.

Người cho đấy là điềm lành, người cho là điềm gở. Cuối cùng phe cho là điềm gở thắng thế, họ khuyên vua nên xây một ngôi chùa để cầu phúc. Thế là ngôi chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột danh tiếng, ra đời. Chùa phải được thể hiện cho thật giống một đóa sen, vì hoa sen là biểu tượng của đạo Phật. Do đó, với sức tưởng tượng phong phú cùng tài hoa truyền thống, các nghệ nhân thời Lý đã xây nên một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa là một ngôi đền nhỏ màu đỏ sẫm, bên trong thờ tượng Phật Bà Quan Âm.

Toàn thể đền hoa ấy chỉ đứng trên một chiếc trụ duy nhất, trông giống như một cuống sen từ dưới nước nhô lên. Bên dưới là ao Bích Trì đầy hoa sen thơm ngát và một cây cầu lượn bắc ngang. Xung quanh cây cối sum sê, không khí thanh tịnh. Chùa xây xong, nhà vua cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh, cầu cho vua được sống lâu và đặt tên chùa là Diên Hựu, nghĩa là phúc lành dài lâu. Hàng tháng, vào ngày rằm và mồng một, nhà vua thường đến đấy thưởng lãm…

Chùa Diên Hựu thời Lý, trải qua nhiều thế kỷ, đã bị hư hại rồi được trùng tu nhiều lần. Đáng kể nhất là ngôi chùa đầy giá trị mỹ thuật này bị quân Pháp phá hủy khi phải rút khỏi Thủ đô. Ngôi chùa hiện nay được làm lại vào năm 1955 đúng theo kiểu cũ từ thế kỷ 19*.

  • Xem thêm phần phụ lục.

Nhìn trên toàn cục, chùa vẫn còn thấp thoáng hình ảnh của ngôi chùa Diên Hựu xưa, thể hiện nét thanh thoát thẩm mỹ của người Việt cùng sự phồn thịnh của đất nước Đại Cồ Việt dưới thời Lý Thái Tông. Sự phồn thịnh ấy còn thể hiện qua việc phục hồi trò chơi Trúc Sơn*, vốn đã bị hủy bỏ dưới thời vua Lý Thái Tổ.

  • Xem tập “Thăng Long thuở ban đầu”.

Trò chơi Trúc Sơn được cử hành hàng năm vào ngày 26 tháng 6 âm lịch, tức là vào ngày sinh của vua Lý Thái Tông. Lễ hội được tiến hành tại ao Long Trì trong kinh thành. Trên bè, người ta kết đến năm chỏm núi, chỏm ở giữa có treo bức tranh Trường Thọ Tiên, hai bên là hai con hạc cao mảnh và trắng toát. Trên núi lại có hình các nàng tiên đang tha thướt bay. Vờn quanh sườn núi là một con rồng thần uốn lượn. Rải rác đây đó là các loài chim, thú, cây cối.

Cờ xí, ngọc bích được treo khắp nơi. Trên một khoảnh cao là các nghệ nhân biểu diễn. Họ diễn tuồng hay thổi sáo, thổi sênh, ca hát, nhảy múa rất điệu nghệ. Để phụ họa cho trò chơi này, vua cho tổ chức cuộc đua thuyền. Đích thân vua ngự ra bờ sông để xem và cổ vũ các tay đua. Hoàng hậu cùng các công chúa, hoàng tử đều được thưởng lãm. Còn dân chúng thì được dịp vui chơi thoải mái sau những ngày làm nông mệt nhọc.

Cuộc đua thuyền thường được tổ chức trên sông Cái (sông Hồng). Các tay đua được tuyển chọn từ những người có tài bơi, lặn để phòng nạn đắm thuyền. Họ phải tập luyện cả tháng trước khi mở hội. Thuyền đua dài khoảng 20m, rộng gần 2m, có hình dáng giống con cá. Hai con mắt cá đắp nổi ở mũi thuyền, còn đuôi thuyền thì cong vút lên. Mỗi thuyền có 14 tay đua, cùng đội khăn và đóng khố một màu giống nhau để phân biệt với đội khác.

Bốn chiếc thuyền to lớn có tên là Long Phượng, Ngũ Xà, Hổ Báo, Long Vũ do các thủy quân mặc nhung phục điều khiển, len lỏi trên sông, khua cồng, kiểm soát cuộc chơi. Một hồi pháo nổ vang. Đấy là hiệu lệnh xuất phát. Các thuyền đua lao vụt đi trong hồi trống thúc giục, trong tiếng reo hò dậy sóng. Các chàng trai trổ hết tài năng để thuyền không bị lật và giữ cho khăn quấn đầu được khô ráo. Nếu không, họ sẽ bị loại. Thuyền nào thắng cuộc sẽ được vua thân hành ban thưởng.

Suốt khoảng thời gian trị vì, vua Lý Thái Tông đã hết lòng vì dân vì nước, làm cho dân chúng được sống no đủ, an vui. Những đám giặc cỏ đều bị trừng trị. Nơi nơi được mùa. Vì thế, khi vua băng hà (1054), trăm họ đều thương tiếc. Người đời sau tôn vua là bậc minh quân. Vua Lý Thái Tông mãi mãi là tấm gương cho các đời sau noi theo.

Tượng thờ vua Lý Thái Tông ở đền Lý Bát Đế, xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đức Hòa.

Lăng Cả, dấu tích còn lại của lăng vua Lý Thái Tông ở xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh: Ngọc Hải.
Tiền thời vua Lý Thái Tông (1023 – 1054)
Thiên Thánh nguyên bảo
Minh Đạo nguyên bảo Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Ảnh: Đức Hòa.

Ngai thờ thần Đồng Cổ.
Ảnh: Đức Hòa.
Đền Đồng Cổ đường Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ảnh: Đức Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Làng xã ngoại thành Hà Nội, Bùi Thiết, Hà Nội, 1980
  • Nam quốc vĩ nhân truyện, Cung Thúc Thiềm, Sài Gòn, 1968
  • Việt Sử khảo lược, Dương Kỵ, Thuận Hóa, 1971
  • Đt ại Việ sử ký toàn thư, Bản dịch, Hà Nội, 1971
  • Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Sài Gòn, 1961.
  • Danh nhân nước nhà, Đào Văn Hội, Dài Gòn, 1951.
  • Thành cổ Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, Hà Nội, 1983.
  • Tổ tiên ta đánh giặc, Học viện quân sự, Tây Ninh, 1975.
  • Việt sử kinh nghiệm, Lạc Tử Nguyễn Văn Hầu, Sài Gòn, 1957.
  • Đại cương lịch sử Việt Nam, Lê Mậu Hân (chủ biên), Hà Nội, 1998.
  • Lịch sử Việt Nam tập I, Nhiều tác giả, Hà Nội, 1971.
  • Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sỹ, Bản dịch, Sài Gòn, 1960.
  • Danh tướng Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, TP Hồ Chí Minh, 1996.
  • Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Hà Nội, 1995.
  • Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ biên), TP Hồ Chí Minh, 1993.
  • Lịch sử Việt Nam, giáo trình dành cho ngành du lịch, Tôn Nữ Quỳnh Trân, TP Hồ Chí Minh, 1997.
  • Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Sài Gòn, 1964.

PHỤ LỤC

THÀNH THĂNG LONG

Ngay sau khi được tôn lên làm vua (tháng 1 năm 1010), Lý Thái Tổ đã làm được một việc lớn cho đất nước, đó là chọn chỗ để định đô. Nhận thấy thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) nằm giữa vùng đồng bằng rộng lớn, cao ráo, dân cư đông đúc, giao thông thủy bộ thuận lợi, có thể đi lên phía bắc, phía nam hoặc các vùng xung quanh đều dễ dàng. Trong Chiếu dời đô, nhà vua nhận định: “Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi nam, bắc, đông, tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, mà muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Tháng 7 năm Canh Tuất, chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, việc dời đô được thực thiện. Đoàn thuyền của nhà vua xuất phát từ sông Hoàng Long dưới chân thành Hoa Lư đi qua sông Đáy, sông Luộc vào sông Cái, từ từ tiến đến thành Đại La. Bỗng nhiên từ đám mây trên thành có hình một con rồng đang bay lên. Cho đó là điềm lành, nhà vua hết sức vui mừng liền đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Cái tên Thăng Long bắt đầu từ đó.

Thành Thăng Long có quan hệ chặt chẽ với La Thành do Cao Biền đắp năm 866-868. Trải qua các triều Lý, Trần, Lê, tên thành có thay đổi: Thăng Long (Lý), Đông Đô (cuối đời Trần), Đông Kinh (Lê).

Bản đồ địa hình địa mạo vùng Hà Nội ngày nay (Thăng Long xưa). (Dựa theo sách Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa).
Bậc thềm tích tụ
Bãi bồi cao của sông suối
Bãi bồi hiện đại
Bãi cát ven lòng sông
Thung lũng
Hồ di tích của lòng sông cổ
Lòng sông lớn
Vách xâm thực trong đá gốc
Đồng bằng tích tụ sông hồ đầm.
Một viên gạch thời Lý (1057), dài 28,5cm. Ảnh: Sách Vietnamese ceramics in the museum of Vietnamese history Ho Chi Minh City.

Về cấu trúc, thành Thăng Long đời Lý gồm có hai vòng thành bao bọc lấy nhau. Vòng thành ngoài chính là La Thành của Cao Biền. Dấu vết La Thành ngày nay còn khá rõ. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng La Thành mặt phía Đông cũng là đê sông Hồng lên tới Hồ Tây, tiếp là đoạn đường Hoàng Hoa Thám, rồi chạy dọc tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến ô Cầu Giấy, qua Giảng Võ đến ô Chợ Dừa, Kim Liên, đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân cho tới ô Đồng Mác rồi lại gặp đê sông Hồng.

La Thành là vòng tường thành khép kín, cơ bản dựa theo địa thế tự nhiên mà xây đắp. Thời Lý, ngay từ lúc dời đô ra Thăng Long đã lợi dụng toàn bộ vòng thành này làm vòng thành ngoài. La Thành được bồi đắp, sửa chữa trong suốt quá trình đóng đô tại đây của triều Lý. Vòng thành này đắp bằng đất, phía ngoài có lợi dụng sông Hồng, sông Tô Lịch và nhiều đầm hồ làm hào tự nhiên.

Đường đê La Thành đoạn Liễu Giai – Cống Vị phía tây thành Thăng Long xưa.
Ảnh: Đức Hòa.

Những cửa thành tuy không có tư liệu gì nói tới, song có thể nghĩa rằng đó là những đoạn khuyết của tường thành mà không xây cửa hay lầu cửa (vọng lâu) như những tòa thành các đời sau. Tất nhiên ở những cửa này phải có nơi đóng quân canh gác.

Hoàng Thành (1) và Kinh Thành (2) được chọn đặt trên vị trí đất cao ven sông Hồng và Hồ Tây. (Dựa theo sách Thăng Long – Hà Nội mười thế kỉ đô thị hóa).
Vẹt gốm Đại La (Hà Nội) thế kỉ 11-12.

Vòng thành trong được xây đắp hoàn toàn mới kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô. Vòng thành này bao quanh một loạt cung điện mới dựng. Thành đắp bằng đất, có đào hào ngoài, mở bốn cửa Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng và Diệu Đức ở bốn mặt đông, tây, nam, bắc. Hiện không còn dấu vết nào để khẳng định bốn cửa thành xây dựng ra sao, song cứ lý mà suy thì vòng thành trong là công sự trực tiếp bảo vệ các cơ quan đầu não của triều đình cùng thân thích của vua nên cửa ra vào tất phải đóng mở nghiêm ngặt, cửa thành chắc phải được xây dựng kiên cố và ít nhất ở cửa chính (cửa Tiền) phải có dựng vọng lâu uy nghi đẹp đẽ.

Phạm vi của vòng thành thứ hai cho đến nay vẫn còn chưa có ý kiến khẳng định, nhưng cũng có thể đoán rằng phạm vi tất không nhỏ, bởi vì vòng thành đó phải bao bọc hàng trăm kiến trúc cung điện, lầu gác, chùa tháp xây dựng liên tiếp suốt đời Lý.

Hai vòng thành ngoài và trong đã nói trên đây cho dù trước sau xây dựng khác nhau, nhưng được các vua nhà Lý tiếp nhận vào đồ án kiến trúc chung của kinh thành triều đại mình. Như vậy, một bình đồ kiến trúc gồm hai vòng thành bao bọc lẫn nhau lần đầu tiên xuất hiện trong kiến trúc thành Việt Nam.

Theo sử cũ, hai vòng thành này mang tên gọi khác nhau. Vòng ngoài gọi là Đại La thành với hàm nghĩa là vòng thành lớn bao xung quanh Cung thành.

Vòng thành trong được gọi là Cung thành (theo Đại Việt sử ký toàn thư) với ý nghĩa là một tường thành bao quanh cả khu vực các cung điện nhà vua vừa xây dựng từ khi dời kinh đô tới. Cung thành ở đây chưa mang ý nghĩa là Hoàng thành hay Tử Cấm thành như những thành xuất hiện đời sau nữa. Một chứng cứ quan trọng là năm 1012, nhà vua đã “sắc phong hoàng tử Phật Mã làm Khai Thiên vương, làm cung Long Đức ở ngoài thành cho ở, có ý muốn cho biết việc dân gian”.

Nói tóm lại bình đồ kiến trúc của kinh thành Thăng Long thời Lý có tiến bộ hơn so với thành Hoa Lư. Hai lớp tường thành bao bọc lẫn nhau tăng cường sức kiên cố và thế hiểm trở cho công trình. Hai lớp vòng thành cũng có ý nghĩa phân biệt rõ ràng thêm một bước trật tự phong kiến giữa các cư dân trong thành, tuy nhiên cũng phải thấy trật tự phong kiến lúc này vẫn chưa thành luật lệ quá phiền phức và hà khắc.