Tập 16: Nước Đại Việt

* Kỳ lân trong bộ “tứ linh” (xem tập Thăng Long buổi đầu) tượng trưng cho thánh nhân và được tưởng tượng hình dáng gần giống con sư tử. Có lẽ ở đây Lý Thánh Tông muốn ngầm ý nói với vua Tống: Đại Việt đã có thánh nhân?

Sau, một viên quan nhà Tống là Điền Huống cho rằng đấy không phải là kỳ lân, bèn tâu lên vua Tống:

– Đó chỉ là con thú lạ, chứ không phải con lân.

Điều này khiến các quan khác bàng hoàng tức giận, muốn trả đũa Đại Việt.

Nhưng đại thần Tư Mã Quang phân tích:

– Ta chưa chắc chắn rằng đây là kỳ lân thực hay giả. Nhưng nếu quả con lân thực mà xuất hiện không đúng lúc cũng không phải là điềm lành. Còn nếu đúng là con lân giả, ta làm lớn chuyện thì chỉ tổ cho người phương xa có dịp cười ta thôi.

Thế là, để giữ sĩ diện, nhà Tống đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt(*), vả lả, tặng quà cho sứ giả rồi làm lễ tiễn về.

(*) Quả bồ hòn gần giống quả nhãn, có vị rất đắng. Trước kia chưa có xà phòng, dân chúng thường dùng quả này để giặt quần áo. Thành ngữ “ngậm bồ hòn làm ngọt” để chỉ trạng thái miễn cưỡng phải chấp nhận một chuyện không vừa lòng.

Đối với quan lại Trung Quốc cai trị tại các khu vực gần biên giới Đại Việt, vua Thánh Tông tỏ ý coi thường. Vào năm 1060, tại châu Lạng có một đảng cướp chạy sang huyện Như Ngao, thuộc đất nhà Tống trốn lánh. Quan Châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái, chồng công chúa Bình Dương, đem quân vào địa giới nhà Tống để truy lùng. Thân Thiệu Thái bắt được cả đảng cướp cùng trâu ngựa không kể xiết.

Nhưng trong nhóm bị bắt lại có lẫn một viên quan của nhà Tống là Dương Lữ Tài. Nhà Tống bèn sai người đi thương nghị, lấy Ung châu làm nơi họp bàn. Vua Lý cũng sai sứ tới Ung châu. Quan nhà Tống đem nhiều của cải ra đút lót cho sứ của Đại Việt và gửi thư nhờ mang về dâng lên vua. Trong thư, quan nhà Tống xin vua Lý trả lại Dương Lữ Tài. Nhà vua không đồng ý trao trả, quan nhà Tống đành phải chịu, không dám gây hấn.

Dù biết Lý Thánh Tông không cung thuận, nhưng nhà Tống vẫn gia phong thêm cho nhà vua vài tước hàm nữa, như năm 1064 phong là Đồng Binh Chương Sự, đến năm 1068 lại phong làm Nam Bình vương. Bằng mặt nhưng không bằng lòng, nhà Tống vẫn có ý xâm lấn Đại Việt. Trong khi ấy thì ở phía Nam, vua Chiêm Thành cũng đang nuôi mộng trả thù cho cuộc thất trận năm 1047 dưới thời vua Lý Thái Tông.

Vua Chiêm Thành là Chế Củ (Rudravarman III) tổ chức vũ bị, luyện tập quân lính và có ý muốn dựa thế của nhà Tống chống Đại Việt, Chế Củ cho người sang cống nhà Tống phương vật(*) để xin thần phục và xin mua ngựa. Vua Tống nắm lấy cơ hội, kết liên cùng Chiêm Thành, tặng cho vua Chiêm một con ngựa bạch và cho phép mua lừa ở Quảng Châu.

(*) Sản phẩm của địa phương.

Để đánh tan liên minh Tống – Chiêm Thành, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (ngày 24 tháng 2 năm 1069), vua xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đề phòng sự cố soán nghịch trong khi vua vắng mặt ở kinh thành, ngày 5 tháng 3 năm ấy, vua cho cử hành lễ thề trọng thể tại sân Long Trì(*). Vua phong cho Lý Thường Kiệt làm Đại tướng quân, lãnh ấn tiên phong, kiêm chức Nguyên soái. Em của Lý Thường Kiệt là Thường Hiến cũng tham gia trong đoàn quân chinh phạt.

(*) Lễ thề này thường gọi là lễ thề đền Đồng Cổ, đã được tổ chức thường xuyên dưới triều vua Lý Thái Tông (xem tập Xây đắp nhà Lý).

Sau khi giao quyền bính cho Ỷ Lan Nguyên phi và Thái sư Lý Đạo Thành, vào ngày 8-3-1069, vua hạ lệnh xuất quân và xuống thuyền, rẽ sóng ra biển Đông. Thuyền lướt gió, trực chỉ hướng Nam trong vòng nửa tháng thì đến cửa Nhật Lệ (Quảng Bình). Tại đây, thủy quân Chiêm Thành đã đón đánh nhưng không chặn được bước tiến của quân Đại Việt.

Ngày 3 tháng 4, đoàn thuyền của nhà vua đến Thị Nại (Quy Nhơn). Bỗng nhiên có hai con chim cùng bay theo như thể dẫn đường cho thuyền vậy. Đại quân đổ bộ ở bờ sông Tu Mao(*), sau nhiều trận xáp chiến ác liệt đã chiếm được quốc đô Phật Thệ. Chế Củ dẫn gia đình chạy về phía nam. Lý Thường Kiệt đem quân đuổi đến biên giới Chân Lạp thì bắt được.

(*) Theo cụ Hoàng Xuân Hãn, thì đấy có thể là nhánh cực nam của hạ lưu sông Tam Huyện (còn gọi là Tân An) ở Bình Định, theo Lý Thường Kiệt, Sài Gòn, 1966, tr.63.

Vua khải hoàn trở về, được tiếp rước vô cùng long trọng. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay). Vua Lý Thánh Tông chấp nhận và sai sứ sang nhà Tống báo tin. Trong lời biểu có viết: “Nước Chiêm Thành đã lâu không tới cống. Tôi tự đem quân đánh…”. Vua Tống tuy không bằng lòng nhưng cũng đành chấp nhận, đồng thời từ bỏ ý đồ liên minh với Chiêm Thành.

Sau chiến thắng, vua Lý Thánh Tông ban thưởng cho các quan quân có công trong cuộc chinh chiến vừa qua. Lý Thường Kiệt được phong lên làm Phụ quốc Thái phó. Ông còn được nhà vua nhận làm con nuôi (tức là được đứng vào hàng vương). Vua còn ghi công Thái sư Lý Đạo Thành và Nguyên phi Ỷ Lan đã giữ yên được đất nước trong lúc vua vắng mặt.

Đất nước ngày càng hưng thịnh. Hàng năm, nhà vua vẫn giữ lệ cày Tịch Điền, không hề trễ nải. Chiếu khuyến nông được ban ra (1056). Ruộng nương xanh ngắt cây trái. Mỏ vàng mỏ bạc được tích cực khai thác. Các ngành nghề đều mở mang và phát triển. Ngân khố của nhà vua đầy ắp đến nỗi có năm vua miễn thuế (1055), hoặc có khi hủy cả một loại thuế quan trọng như thuế cau (1066).

Nghề dệt truyền thống càng thêm phong phú nhờ du nhập nghề dệt lĩnh Chiêm Thành. Nghề này do một người con gái Chiêm Thành tên là Phan Thị Ngọc Đô truyền vào. Nhờ có tay nghề độc đáo, nàng cùng 24 thị nữ được nhà vua đưa đến ở làng Trích Sài cạnh bờ hồ Tây để sản xuất. Tại đây nàng truyền nghề dệt lĩnh cho dân làng và tạo nên được một vùng chuyên nổi tiếng về lĩnh Chiêm Thành. Khi nàng mất, dân làng lập miếu thờ, gọi nàng là bà chúa Lĩnh và tôn làm tổ nghề của làng mình.

Tỉnh lỵ ngày nay

CHÚ THÍCH

Chùa Thày Tháp Báo Thiên

  1. Chùa Lý Triều Quốc sư Chùa một cột
  2. Chùa Láng
  3. Chùa Tam Sơn Chùa Dặn
  4. Đền Lý Bát Đế Chùa Tiêu Sơn
  5. Chùa tháp Phật tích Chùa Bách Môn Chùa Giạm
  6. Biên giới ngày nay Chùa Hàm Long
  7. Chùa Bà Tấm Chùa Hương Lăng Chùa Đậu
  8. Chùa tháp Long Đọi
  9. Chùa Côn Sơn Chùa Quỳnh Lâm
  10. Chùa Phù Vân Yên Tử
  11. Chùa Non nước
  12. Chùa Sùng Nghiêm diện thánh
  13. Chùa tháp Tường Long Chùa trăm gian Hà Nội

Vua Lý Thánh Tông cũng là người sùng đạo Phật. Ngài cho xây thêm rất nhiều chùa, tháp và đúc nhiều tượng Phật, như chùa Đông Lâm, chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu – Bắc Ninh (1055), chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ (1057), chùa Sùng Nghiêm Báo Đức ở châu Vũ Ninh (1059), chùa Nhị Thiên Vương ở Đông Nam thành Thăng Long (1070)… Nay một số chùa còn dấu tích như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa tháp Đồ Sơn (Hải Phòng)… đều được dựng vào năm 1057.

Trên núi Lan Kha (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) có một tượng Phật A Di Đà bằng đá, cao hai thước rưỡi do nhà vua sai Lang tướng Quách Mãn thực hiện năm 1057. Đặc biệt có chùa Sùng Khánh Báo Thiên (gọi tắt là Báo Thiên), dựng vào năm 1056 ở trong thành Thăng Long rất độc đáo. Chùa xây xong, vua cho lấy 12.000 cân đồng trong kho để đúc chuông và thảo một bài văn để khắc vào đó.

Năm sau, vào mùa xuân, vua lại cho xây tháp ngay trong khuôn viên chùa, gọi là tháp Báo Thiên. Tháp có 12 tầng, cao hai mươi trượng (gần 70m), được người đời sau xưng tụng như một chiếc cột chống trời ở giữa đất kinh kỳ, trấn an được sơn hà. Tầng trên cùng của tháp được đúc bằng đồng. Tháp Báo Thiên về sau được liệt vào một trong bốn bảo vật của Đại Việt mà người Trung Quốc gọi là An Nam tứ khí(*).

(*) Ba bảo vật còn lại là tượng Phật Quỳnh Lâm cao 20m (Đông Triều, Quảng Ninh), vạc chùa Phổ Minh (Nam Định), chuông Quy Điền chùa Một Cột ở Thăng Long.

Tháp Báo Thiên ngày nay không còn nữa vì vào năm 1414, tướng nhà Minh là Vương Thông bị nghĩa quân Lê Lợi vây khốn trong thành, đã phá đi lấy gạch dùng trong xây dựng quân sự. Các bảo vật bằng đồng cũng bị quân Minh phá hủy để đúc đạn đồng. Về sau, vào năm 1791, khi đào nền tháp, người ta còn tìm thấy 8 pho tượng Kim Cương đứng trấn 4 cửa. Những viên gạch thu lượm được đều có khắc niên hiệu “Long Thụy Thái Bình” tức là niên hiệu đầu tiên của vua Lý Thánh Tông (1054-1058).

Theo sử cũ, hai vị cao tăng có công trong việc đúc tượng, đúc chuông thời Lý là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Truyền thuyết kể rằng, Dương Không Lộ không những tinh thông Phật pháp mà còn giỏi phép thuật. Có lần Thái tử nhà Tống bị bệnh nan y phải nhờ ông sang chữa. Sau khi chữa khỏi, được ban thưởng vàng bạc, ông không nhận chỉ xin một ít đồng đen. Vua

Tống hỏi:

  • Sư nước Nam muốn xin bao nhiêu đồng đen.

Không Lộ chỉ vào tay nải:

  • Bần tăng chỉ cần đầy bao này là đủ.

Thấy chiếc tay nải cỏn con, vua Tống không ngần ngại chuẩn y ngay. Không ngờ bao nhiêu đồng cho vào mà tay nải vẫn không đầy. Cả một kho đồng lớn thoáng chốc đã hết nhẵn không còn một thỏi. Được bẩm báo, vua Tống tức tốc cho quân đuổi theo đòi lại nhưng Không Lộ đã đi đến bờ sông. Nhà sư lấy chiếc nón trên đầu bỏ xuống nước rồi bước lên ung dung bơi đi, chỉ một lát đã mất hút.

Về nước, nhà sư dùng đồng đúc một tượng Phật to lớn cao 6 trượng và một chiếc đỉnh to mười người ôm. Số đồng còn lại, ông đúc một chiếc chuông khổng lồ gọi là hồng chung. Chuông đúc xong, ông cầm dùi đánh thử. Với sức mạnh của ông, thêm chiếc chuông lại rất to, nên tiếng chuông vang đến tận Trung Hoa.

Tiếng chuông dội vào tai con trâu vàng ở bên Trung Hoa. Tưởng mẹ(*) gọi nên trâu thức dậy. Sau vài tiếng nghé ọ, trâu ve vảy đuôi rồi vươn mình phóng đi, bất kể rừng núi, sông suối. Trâu tìm đến chiếc hồng chung, rúc vào nằm bên cạnh.

* Người xưa quan niệm đồng đen là mẹ của vàng.

Vua thấy quyền lực kỳ lạ ấy thì lo rằng chiếc hồng chung sẽ hút hết vàng của thiên hạ, họa chiến tranh không tránh khỏi, bèn sai Không Lộ đem vứt đi để trừ hậu hoạn. Không Lộ vâng mệnh, xách hồng chung lên núi. Ông nhìn ngắm khắp nơi, chỉ thấy hồ Dâm Đàm (hồ Tây) là nơi sâu nhất, liền vung tay, xoay người ba vòng lấy đà, rồi liệng xuống.

Khi chạm mặt nước, hồng chung vang lên một tiếng rền trời. Con trâu vàng choàng dậy, chạy theo tiếng chuông vang, nhảy lọt xuống theo. Chỗ con trâu vàng nhảy xuống được gọi là vực Kim Ngưu. Hiện nay tại Hà Nội vẫn còn tồn tại địa danh Kim Ngưu và miếu Trâu Vàng(*). Đời vua Lý Thần Tông sau này có nhà sư Nguyễn Minh Không cũng có nhiều đóng góp trong việc xây chùa đúc chuông. Hai ông đều được tôn là ông tổ nghề đúc đồng.

(*) Miếu Trâu Vàng ở xóm Cung, Tây, Hồ, quận Ba Đình.

Việc xây chùa và đúc chuông chứng tỏ Phật giáo dưới thời vua Lý Thánh Tông vô cùng phát triển. Đặc biệt, thời này còn xuất hiện phái thiền Thảo Đường. Tính theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì đây là phái thiền thứ ba, do thiền sư Thảo Đường thành lập. Việc ra đời của phái thiền này tại nước Đại Việt cũng là một sự tình cờ.