Tập 16: Nước Đại Việt

Thảo Đường vốn là một nhà sư uyên thâm người Trung Hoa. Ông đi hành đạo khắp nơi, rồi dừng chân tại Chiêm Thành. Vào năm 1069, trong chuyến vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chế Củ, Thảo Đường bị bắt lẫn trong đám tù binh và bị đưa về Thăng Long cùng những tù nhân khác. Chẳng người nào biết ông là ai. Ngẫu nhiên, Thảo Đường được chia giúp việc cho một tăng lục.

Ngày ngày, Thảo Đường lo quét dọn thư phòng, sắp xếp sách vở, mài mực, rửa nghiên(*) cho tăng lục. Một hôm vị tăng lục đi vắng, Thảo Đường tò mò xem cuốn sách đang viết dở trên bàn thì thấy có nhiều chỗ sai. Không dừng được, Thảo Đường tiện tay cầm bút sửa.

(*) Đồ dùng để mài mực viết chữ Hán.

Vị tăng lục về, thấy những chỗ sửa thật thích hợp, bèn bàn luận cùng ông về đạo Phật. Ông đối đáp trôi chảy làm vị tăng lục vô cùng khâm phục và đem chuyện ấy tâu lên vua. Vua vời ông đến hỏi rõ ngọn nguồn. Biết được Thảo Đường là một vị thiền sư có đạo hạnh uyên thâm, vua trọng dụng, đưa ông tham dự vào việc triều chính.

Sau một thời gian thử tài thử sức, vua phong ông làm Quốc sư và cho trụ trì tại chùa Khai Quốc, một ngôi chùa được xây dựng từ khi đất nước còn mang tên Vạn Xuân dưới thời Lý Nam Đế. Thiền phái Thảo Đường được thành lập từ đấy và có rất nhiều tín đồ theo học. Vua Lý Thánh Tông cũng theo phái thiền này. Dù nhà vua không xuất gia, nhưng các phật tử phái Thảo Đường vẫn xem ngài như là vị tổ thứ hai của phái mình.

Tuy là người trọng đạo Phật, nhưng vua Lý Thánh Tông lại không xem thường Nho giáo do Khổng Tử sáng lập(*). Vì Nho giáo đòi hỏi con người phải sống có khuôn phép, trật tự. Con phải nghe lời cha, vợ nghe lời chồng. Mỗi người phải lo đầy đủ nhiệm vụ của mình, để cho xã hội được trật tự, ổn định. Mẫu người lý tưởng của Nho giáo là người quân tử. Người quân tử làm điều gì cũng là để phục vụ cho thiên hạ, là mẫu mực cho mọi người.

(*) Xem tập Mai Hắc Đế.

Nho giáo rất đề cao chữ trung. Vua là con trời, là đấng Thiên tử. Một lời vua phán là trăm họ phải nghe theo. Tội bất trung với vua là tội lớn nhất trên đời. Vua Lý Thánh Tông hiểu rằng Nho giáo giúp cho việc cai trị được dễ dàng hơn, góp phần ổn định đất nước, đồng thời củng cố quyền uy của nhà vua. Vì vậy, vua cho phổ biến tư tưởng của Nho giáo khắp nơi. Quan lại và những người có học bắt đầu chú ý đến việc học Nho giáo.

Để đánh dấu sự kiện này, nhà vua cho lập Văn Miếu, làm tượng Khổng Tử và 4 người học trò giỏi (Tứ phối), ngoài ra còn vẽ tranh 72 học trò khác của ông để thờ cúng. Đất nước từ đấy có Văn Miếu. Nho giáo từ đấy có cơ sở để phát triển. Có thể nói rằng vua Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên chính thức đề cao Nho giáo, làm nền tảng cho các vua đời sau noi theo.

Vua Lý Thánh Tông không những có công phát triển đạo Phật, khuyến khích đạo Nho, mà cũng rất tích cực trong lĩnh vực văn hóa. Vua rất thích âm nhạc. Bản thân nhà vua thường phối âm các nhạc khúc và điệu trống Chiêm rồi giao cho nhạc công biểu diễn để cùng thưởng thức với chư thần cùng hoàng hậu, công chúa.

Nhà vua cũng là một nhà thể thao cự phách, điêu luyện trong môn múa khiên và đánh cầu. Múa khiên và đánh cầu là hai tiết mục được trình diễn để ăn mừng vào các dịp hội lớn. Chính vua Lý Thánh Tông, những khi ngẫu hứng vẫn đứng ra biểu diễn cho quần thần xem. Muốn múa được môn này, người trình diễn phải là những người thông thạo võ thuật, tay cầm khiên, múa theo các bài võ, che kín thân mình, còn chân thì di động uyển chuyển.

Môn đánh cầu thì phức tạp hơn và chỉ dành cho các bậc vương hầu, hoàng tử, đại thần. Cầu là một quả bóng hình tròn, màu đỏ, làm bằng da, bên trong nén chặt lông cho bóng được căng mà lại nhẹ. Người chơi cưỡi ngựa, tay cầm cương, tay cầm gậy có đầu cong mà bẹt, cố gắng đánh sao cho bóng lọt vào được cầu môn trước sự truy cản của đối phương. Trò chơi này tương tự như môn pôlô mà hiện nay hoàng gia nước Anh rất ưa chuộng.

Sân chính điện ở trước thềm cung vua được dùng để chơi trò chơi này. Hai cầu môn bằng gỗ dựng ở hai phía Đông và Tây. Cầu môn cao hơn 3 mét, trên có chạm rồng, dưới có tòa sen bằng đá được phủ vải vóc. Cầu môn ở bên Đông treo cờ có chữ Nhật ( ), bên Tây treo cờ có chữ Nguyệt ( ). Trước thềm có hai giá cờ để phe bên nào được thì lấy cờ cắm vào giá của mình.

Người chơi chia làm hai phe, mỗi phe mặc áo vóc màu khác nhau: bên đông màu vàng, bên tây màu tía. Đuôi ngựa của mỗi phe cũng được thắt cùng màu áo. Vua đứng ra khai mạc cuộc chơi. Ngựa được đem đến dâng cho vua trong tiếng nhạc dồn dã. Vua lên ngựa xong rồi gọi tên từng vương hầu, quan lại cho phép họ lần lượt lên ngựa. Các quan sắp hàng ở phía tây, vua đứng ở góc tây nam.

Khi mọi người đã chỉnh tề hàng ngũ, viên quan nội thị mở một chiếc hộp, lấy quả cầu ra và ném xuống sân. Một viên thông sự xướng lên: – Phe Hoàng thượng đánh vào cửa Đông!

Vua liền cầm trượng, phóng ngựa đuổi theo quả cầu trong tiếng nhạc nổi lên hỗ trợ. Khi vua đánh cầu lọt vào cầu môn thì cờ phất lên, chiêng trống đánh vang lừng.

Vua hớn hở, quay ngựa trở về ban rượu cho các quan rồi lại lên ngựa đánh tiếp.

Bấy giờ các quan mới ruổi ngựa tranh cầu. Có tiếng trống họa theo khi nhanh, khi chậm. Nếu quả cầu vào gần đến cầu môn thì tiếng trống càng thúc giục. Cầu lọt vào thì trống đánh ba hồi, tiếng nhạc nhẹ đi. Nếu vua được thì mọi người hô “vạn tuế”, còn các quan được thì hô “hảo”. Phe được lấy cờ cắm vào giá của phe mình, gọi là được một thỉ. Xong ba thỉ, vua lại ban rượu. Mỗi phe có 24 cờ. Phe nào được 24 thỉ trước thì thắng.

Trò chơi đánh cầu đòi hỏi người chơi không những là một kỵ sĩ tài ba mà còn phải nhanh mắt, nhanh tay; huy động hết sức lực, mưu trí, luồn lách giữa các đối thủ để đưa bóng vào cầu môn. Bầu không khí lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc, rất là hưng phấn. Các đời vua sau vẫn duy trì môn thể thao hứng thú này. Có khi sứ thần các nước cũng được mời tới xem.

Vào tháng chạp năm Tân Hợi (1071), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh rồi khỏe lại. Nhưng qua tháng sau (tháng giêng năm Nhâm Tý 1072), vua bệnh nặng rồi qua đời ở điện Hội Tiên, thọ 50 tuổi. Vua được đưa về an táng tại Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (đền Lý Bát Đế, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Tuy thời gian trị vì không lâu, chỉ có 17 năm, nhưng vua Lý Thánh Tông đã làm được nhiều điều lợi ích cho dân, cho nước. Nhà vua đã xây dựng đất nước có kỷ cương vững chắc, có nền kinh tế ngày một phồn thịnh, văn hóa ngày càng phong phú, đem lại ấm no cho muôn dân, xứng đáng với cái tên Đại Việt mà ngài đã đặt. Uy danh Đại Việt nhờ đó được các nước lân bang kính nể.

Dân chúng không những thờ nhà vua ở đền Lý Bát Đế, mà còn lập hội tưởng nhớ đến ngài vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Riêng các nho sĩ, để đánh dấu sự khai sáng của vua Lý Thánh Tông cho nền Nho học đất nước, cũng đến hội cùng nhau thưởng hoa; bình văn đầu xuân.

Tượng vua Lý Thánh Tĩng ở đền Lý Bát Đế
Lăng Con tức lăng vua Lý Thánh Tĩng
Ảnh: Ngọc Hải

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Làng xã ngoại thành Hà Nội, Bùi Thiết, Hà Nội, 1980
  2. Nam quốc vĩ nhân truyện, Cung Thúc Thiềm, Sài Gòn, 1968
  3. Việt Sử khảo lược, Dương Kỵ, Thuận Hóa, 1971
  4. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Hà Nội, 1971
  5. Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Sài Gòn, 1961
  6. Danh nhân nước nhà, Đào Văn Hội, Sài Gòn, 1951
  7. Thành cổ Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, Hà Nội, 1983
  8. Tổ tiên ta đánh giặc, Học viện quân sự, Tây Ninh, 1975
  9. Việt sử kinh nghiệm, Lạc Tử Nguyễn Văn Hầu, Sài Gòn, 1957
  10. Đại cương lịch sử Việt Nam, Lê Mậu Hân (chủ biên), Hà Nội, 1998
  11. Lịch sử Việt Nam tập I, Nhiều tác giả, Hà Nội, 1971
  12. Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sỹ, Bản dịch, Sài Gòn, 1960
  13. Dành tướng Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, TP. Hồ Chí Minh, 1996
  14. Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Hà Nội, 1995
  15. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ biên), TP Hồ Chí Minh, 1993
  16. Lịch sử Việt Nam, giáo trình dành cho ngành du lịch, Tôn Nữ Quỳnh Trân, TP Hồ Chí Minh, 1997
  17. Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Sài Gòn, 1964

PHỤ LỤC

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

Văn Miếu tại Hà Nội, nơi tượng trưng cho Nho học Việt Nam, được xây dựng dưới đời vua Lý Thánh Tông vào mùa thu, tháng tám, năm Canh Tuất (1070). Đồng thời, tượng của Khổng Tử và bốn đồ đệ giỏi nhất của ông cũng được tạc và thờ tại đây. Sáu năm sau (1076), vua Lý Nhân Tông lại lập thêm Quốc Tử Giám để làm nơi dạy học. Thoạt đầu, đấy chỉ là nơi học tập của các hoàng tử, dần dần về sau mở rộng ra đến con quan và con dân. Sang đời nhà Trần, vào năm 1243, Văn Miếu và Quốc Tử Giám được sửa sang lại. Đến đời nhà Lê, là một nhà nước trọng Nho, xem Nho giáo như là quốc giáo, thì Văn Miếu và Quốc Tử Giám lại càng được chú trọng hơn nữa. Kiến trúc này được trùng tu cả thảy 4 lần vào các năm 1511, 1567, 1762, 1785, và nhiều công trình mới được thực hiện, trong đó có bia đá đề tên Tiến sĩ.

Qua đến đời nhà Nguyễn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng được trùng tu và bổ sung thêm Khuê Văn Các, điện Khải Thánh. Hiện trạng di tích này đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, thâm nghiêm. Toàn thể di tích có diện tích là 24.000m2. Tường bao quanh Văn Miếu cũng như các bức tường ngăn chia từng khu bên trong đều được xây bằng gạch Bát Tràng. Không tính phần Tiền án, thì có tất cả năm khu.

  1. Văn Miếu Môn
  2. Đại Trung Môn

3b. Súc Văn Môn

4. Thiên Quang Tỉnh

  1. Tả Vu – Hữu Vu
  2. Bái đường Đại Thành Điện
  1. Miếu Thổ Thần
  2. Nhà Quan Cư

2a. Ngọc Trấn Môn

5. Nhà Bia

9. Phương Đình

15. Nhà Thủ Từ

2b. Kim Thành môn

6.Đại Thành Môn

10.Đại Thành Điện

16. Đại bái Khải Thánh Điện

3. Khuê Văn Các 6a.

Đại Tài Môn

11. Khải Thánh Môn

17. Khải Thánh Điện

3a. Bỉ Văn Môn

6b. Thành Đức Môn

12. Đông Môn

 
Tứ trụ trước Văn Miếu Môn
Ảnh: Sách Vietnam a fascinating Destination une destination exotique.

Mọi kiến trúc ở đây đều được xếp đặt đối xứng qua trục Bắc – Nam. Phần Tiền án là từ Tứ trụ cho đến tường ngoài bao quanh các kiến trúc bên trong. Thật ra, trước đây, Tứ trụ được nối liền về phía trước với một bối cảnh thiên nhiên là Thái hồ và gò Kim Châu ở giữa. Nhưng về sau, vì nhu cầu giao thông, người ta không để ý đến việc duy trì di tích văn hóa, đã phóng một con đường, tách Thái hồ với toàn cục của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trên cùng đường thẳng với Tứ trụ, nằm ở hai góc là hai tấm bia hạ mã. Sau Tứ trụ là đến cổng Tam quan với chữ “Văn Miếu Môn”. Cổng Tam quan có một cấu trúc bề thế, gồm hai tầng, cửa cuốn tròn cùng cửa thông gió hình chữ thọ, kết hợp với lan can và các hoa văn tạo nên một giá trị nghệ thuật cao. Qua khỏi cổng Tam quan là một vùng cây cao bóng mát cùng các loài hoa chen chúc khoe thắm. Trong dịp tu sửa cách đây 10 năm, Văn Miếu được đào thêm hai hồ nước trong xanh được thả hoa súng rực rỡ màu hồng tía đối xứng hai bên lối đi.

Cổng “Đại Trung Môn” bắt đầu khu thứ hai. Hai từ “Đại” và “Trung” là do việc ghép chữ đầu của hai pho sách trong bộ Tứ thư là Đại học và Trung dung mà ra. Sách Đại học do học trò của Khổng Tử là Tăng Sâm soạn, nói về cái đạo của các bậc danh nho, học rộng. Sách Trung dung, do cháu nội của Khổng Tử viết, nói về cách sống dung hòa, không thiên lệch, không cực đoan. Đỉnh mái “Đại Trung Môn” có trang trí hai con cá chép chầu hai bên bầu rượu. Hình tượng cá chép nhắc đến sự tích cá vượt Vũ môn để hóa rồng, còn bầu rượu nói lên tinh hoa của Khổng giáo.

Hai bên “Đại Trung Môn” có hai cổng nhỏ đề chữ “Thành Đức” và “Đạt Tài “ (thành đạt về tài đức). Theo cổng Đại Trung đi thẳng vào là “Khuê Văn Các” (Gác Khuê Văn – sao Khuê tượng trưng cho văn học). Hai bên Khuê Văn Các cũng có hai cổng nhỏ có tên là “Súc Văn” (văn chương hàm súc) và “Bỉ Văn” (văn chương sáng đẹp). Khuê Văn Các được xây dựng vào thời nhà Nguyễn năm 1805. Khuê Văn Các bằng gỗ, nhẹ nhàng tựa trên bốn cột gạch lớn, có tám mái cong, bốn mặt có bốn cửa sổ hình tròn, dáng dấp rất thanh thoát.

Tiếp đến là “Thiên Quang Tỉnh” (giếng ánh sáng của trời). Thiên Quang Tỉnh là một chiếc hồ hình vuông, mỗi cạnh 28m. Hồ lộng bóng Khuê Văn Các với các cửa sổ tròn, nói lên quan niệm trời tròn, đất vuông, âm dương hòa hợp của người xưa. Hai bên hồ là khu vườn bia đá Tiến sĩ. Những bia này được dựng dưới thời nhà Lê, để biểu dương những người thi đậu. Tất cả bia đều dựng trên lưng rùa, tượng trưng cho sự vĩnh cửu.