Tập 16: Nước Đại Việt

Hiện nay còn 82 bia ghi tên các Tiến sĩ thời Lê từ năm 1442 đến 1779 (sau 1779, nhà Nguyễn lại cho xây Văn Miếu tại Huế, nằm gần chùa Thiên Mụ). 82 tấm bia ghi tên 1305 nhân vật, trong đó có 17 Trạng nguyên, 19 Bảng nhãn, 47 Thám hoa, 284 Hoàng giáp và 938 Tiến sĩ. Các tấm bia được khắc lần lượt theo năm tháng suốt từ đầu đời Lê (1428-1458), qua đời Mạc (1528- 1592), đến thời Trịnh Nguyễn (1600-1771) là một chứng liệu quý báu của lịch sử.

Các bia của thế kỷ 15 có những nét chạm khắc đơn sơ với những hoa văn viền bia là những chuỗi hình cong, thấp thoáng một số nét của hoa, lá. Các bia của thế kỷ 17 lại được trang trí thêm các mô típ mới như hoa sen, hoa phù dung, lá phượng, khỉ. Các tấm bia của thế kỷ 18 thì càng phong phú hơn, có mây hóa rồng, cá hóa rồng, lưỡng long chầu nguyệt…

Trán bia (phần trang trí trên đỉnh bia) được chạm khắc công phu với các họa tiết thường dùng là mặt trăng, mây, rồng… Những tấm bia ra đời sớm nhất vào thế kỷ 15 được chạm trổ mặt trăng ở chính giữa với các vòng tròn đồng tâm. Xung quanh là những đám mây đơn giản và đường diềm hoa lá.

Sang thế kỷ 16, các trán bia được trình bày phức tạp, cầu kỳ hơn. Hình tượng mặt trăng lớn hơn, như thoát ra khỏi các họa tiết xung quanh. Hình mây cũng phức tạp hơn với phần đuôi uốn lượn như ngọn lửa cháy.

Họa tiết trang trí văn bia ở thế kỷ 17 và 18 có thêm các hình tượng mới, đó là hình rồng và phượng. Hình rồng đang chầu vào được thể hiện hai bên mặt trăng với tính cách điệu cao. Ngoài hình rồng, ở phần chính trong đường diềm quanh bia còn có những họa tiết hình chim phượng được thể hiện chen giữa đám hoa lá.

Khu tiếp nối là nhà bái đường cùng hữu vu và tả vu. Nhà bái đường là nơi hành lễ, trên có thượng điện là nơi để tượng Khổng Tử Chu Công, Tứ phối và ảnh của 72 vị học trò khác. Hai dãy nhà tả vu và hữu vu ở hai bên dùng làm nơi để các đồ tế khí, cỗ bàn khi làm lễ. Các bậc danh nho Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi… cũng được thờ ở đấy. Ngoài ra, ở bên trái, còn có chiếc chuông lớn tên là “Bích Ung đại chung” (chuông lớn của nhà giám). Chuông này do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phú của thi hào Nguyễn Du) đứng ra điều hành đúc vào năm 1768. Bên phải là một tấm khánh bằng đá hai mặt đều khắc chữ. Một mặt có hai chữ Thọ Xương, mặt kia là một bài minh.

Sau cùng là Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám được đổi thành đền Khải Thánh dưới triều Nguyễn, dùng để thở thân sinh của Khổng Tử. Còn trường Quốc Tử Giám thì được dời vào Huế, kinh đô thời bấy giờ. Đền Khải Thánh bị một trận bom phá hủy vào năm 1947. Khu này chỉ còn là bãi trống với miếu thờ Liễu Hạnh ở bên góc.

Hiện nay, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được tôn tạo lại một phần. Các bia tiến sĩ vốn trước đây để ngoài trời, đã được làm nhà che để chống lại sự xâm thực của thời gian. Các nhà che bia đã được khánh thành vào ngày 28-10- 1994. Giữa các khu nhà che bia có nhà đình bia, bên trong để hai tấm bia cổ nhất của năm 1442 và 1448.

Do yêu cầu hài hòa với cảnh quan cổ kính của khu vườn bia, nhà che bia được tạo dựng với dáng vẻ kiến trúc đời Lê, đồng thời lại thiên về đời Nguyễn để phối hòa với Khuê Văn Các và Thiên Quang Tỉnh.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, tại đây, hàng ngũ trí thức “rường cột” của đất nước được đào tạo từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Nhiều nhân tài đã xuất thân từ đấy và đã có nhiều cống hiến to lớn. Ta có thể kể nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Ích, nhà bác học Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, nhà chính trị Ngô Thì Nhậm, Phạm Công Trứ… Văn Miếu – Quốc Tử Giám thật là một biểu tượng sâu sắc cho tinh hoa lịch sử và văn hóa Việt Nam.

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 16

NƯỚC ĐẠI VIỆT

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT

Biên tập: CÚC HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN

Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN

Trình bày: BÙI NGHĨA