Tập 18: Lý Thường Kiệt
Gần đây, vua Tống cử Vương An Thạch làm Tể tướng. An Thạch đưa ra Tân pháp nhằm thu thêm thuế để bù vào khoản thiếu của công khố nên bị nhiều người chống đối. Bí thế, y xui vua Tống xâm lăng Đại Việt nhằm tìm chiến thắng để lấy lại uy tín.
Theo lệnh của Vương An Thạch, các vùng ở phía nam Trung Quốc ráo riết chuẩn bị binh mã. Để có nhiều lương thực cho quân lính và ngựa chiến, nhà Tống bắt dân chúng ở đây phải nộp thuế bằng lúa gạo và cỏ khô. Vì thế, không bao lâu, nhà Tống đã có một lượng lớn lương thảo chất đầy các kho ở thành Ung châu.
Ở hai cửa biển Khâm châu và Liêm châu, nhà Tống còn bắt các thuyền buôn, thuyền chuyên chở của dân chúng phải tập họp lại theo đội ngũ và phải luyện tập thủy chiến. Đồng thời, triều đình nhà Tống còn sai đóng thêm nhiều thuyền chiến và tuyển thêm nhiều quân lính ngày đêm luyện tập.
Vua Tống còn sai người đem vàng bạc, của cải đến mua chuộc các tù trưởng dân tộc ít người ở vùng biên giới Đại Việt. Và rồi, quan lại nhà Tống dường như sợ ta biết việc chuẩn bị này nên đã ra lệnh cấm người Đại Việt sang Trung Quốc buôn bán… Qua những tin cấp báo ấy, Lý Thường Kiệt hiểu ngay rằng triều đình nhà Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lăng nước ta.
Lúc này, triều đình nhà Lý đang có sự chia rẽ sau vụ chọn người nhiếp chính, Lý Đạo Thành đang bị biếm vào tận Nghệ An. Tình hình đó khiến Lý Thường Kiệt hết sức lo lắng. Muốn chống được quân xâm lăng, trước hết phải tạo sự đoàn kết trong nước; mà như vậy, việc xóa tan sự bất hòa trước đây là điều cần phải làm ngay. Nghĩ vậy, ông vội vào triều yết kiến Linh Nhân Thái phi Ỷ Lan để bàn bạc.
Bản thân Lý Thường Kiệt làm gương cho mọi người về tinh thần hòa giải đó. Ông sai người vào Nghệ An rước Lý Đạo Thành về và tâu xin vua phong cho Lý Đạo Thành làm Thái phó Bình chương Quân quốc Trọng sự, tức vị Tể tướng thứ hai. Vốn là người trung thành với triều đình, Lý Đạo Thành lại hết lòng trông nom việc triều chính. Nhờ đó, Lý Thường Kiệt tập trung sức lực vào việc tăng cường binh bị.
Lý Thường Kiệt ra lệnh cho các quan ở các địa phương, các làng xã lập sổ ghi tên thanh niên tuổi từ 18 trở lên (lứa tuổi này được gọi là hoàng nam) và dựa theo đó để tuyển quân. Quan địa phương phải đốc thúc quân lính thường xuyên luyện tập võ nghệ, tập cho quen trận mạc. Lý Thường Kiệt cũng cho chọn nhiều thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ nghệ để sung vào 18 vệ cấm binh bảo vệ kinh thành.
Trong khi đó, Lý Thường Kiệt lại nhận được tin cấp báo gởi về cho biết Vương An Thạch đang âm mưu xúi giục Chiêm Thành đánh nước ta để lấy lại vùng đất đã nhường cho Đại Việt trước đây. Hai bên ước hẹn khi nào nhà Tống tiến quân thì Chiêm Thành cũng đánh vào biên giới phía nam của Đại Việt làm hậu thuẫn.
Lý Thường Kiệt lập tức đích thân dẫn quân đi tuần tra và tổ chức phòng bị biên giới phía nam. Ông cho vẽ bản đồ ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý. Tại các vị trí hiểm yếu, ông sai đào hào đắp lũy, xây đồn và đặt quân trú phòng.
Sau khi củng cố lực lượng và yên tâm về mặt bố phòng, Lý Thường Kiệt chợt nảy ra một ý định táo bạo: “Không lẽ ta cứ lo phòng bị và chờ quân giặc chuẩn bị xong xuôi kéo đến tàn phá đất nước rồi mới đánh trả. Làm như thế sao bằng ta đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc, phá thế mạnh của chúng”. Ông thận trọng cân nhắc kỹ mọi điều lợi hại rồi lập tức vào triều để bàn bạc. Linh Nhân Thái hậu và các trọng thần đều thấy cần thiết phải tấn công trước để tự vệ.
Lý Thường Kiệt hoạch định kế sách tiến công và trực tiếp chỉ huy đại quân. Mục đích cuộc ra quân của ông là tập kích vào các thành Ung châu, Khâm châu và Liêm châu để phá hủy các kho dự trữ vũ khí, lương thực mà nhà Tống tích trữ để tiến hành xâm lược Đại Việt; sau đó rút về phòng thủ đất nước chờ đón đánh quân giặc kéo sang. Để chắc thắng, Lý Thường Kiệt đã huy động hơn 10 vạn quân chia làm hai cánh thủy, bộ cùng phối hợp tấn công vào các cứ điểm quan trọng này.
Ở cánh quân bộ, Lý Thường Kiệt sử dụng lực lượng chủ yếu là quân lính các dân tộc ít người do tù trưởng của họ chỉ huy: Lưu Kỷ cầm quân vùng Quảng Nguyên, Hoàng Kim Mãn nắm vùng Môn châu, vùng Lạng châu có phò mã Thân Cảnh Phúc… Các toán quân này sẽ chịu sự thống lĩnh chung của tù trưởng – phó tướng Tông Đản, theo nhiều ngả đánh vào các trại quân Tống ở dọc con đường từ biên giới đến Ung châu, sau đó bao vây thành, chờ quân thủy đến tiếp ứng.
Còn cánh quân thủy, cũng là cánh quân chủ lực do Lý Thường Kiệt đích thân chỉ huy, tập trung ở châu Vĩnh An (nay thuộc Móng Cái, Quảng Ninh), rồi theo đường thủy đánh vào Khâm châu, Liêm châu. Cuối cùng đại quân sẽ tiến đến thành Ung châu để hợp lực với cánh quân bộ.
Mọi việc chuẩn bị đã xong, Lý Thường Kiệt cho lực lượng bộ binh xuất phát trước. Một loạt các trại quân Tống nằm dọc biên giới đều bị tấn công. Các tướng Tống chống cự rất quyết liệt nhưng cuối cùng đều đại bại, không thể ngăn được các mũi tiến công của quân Đại Việt. Cứ thế, Tông Đản thúc quân vừa đánh, vừa tiến về phía thành Ung châu như kế sách đã định.
Cuối tháng 11 năm Ất Mão (tức cuối tháng 12 năm 1075), Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho đại quân lên thuyền vượt biển tiến vào nước Tống. Đoàn thuyền chiến đi qua các đảo nằm dọc bờ biển và chỉ một ngày đã vào đến vịnh Khâm châu.
Khi quân Lý đổ bộ vào thành, quân Tống hoàn toàn bị bất ngờ. Quan giữ thành là Trần Vĩnh Thái, mặc dầu trước đó đã được cấp báo tin tức về việc hội quân của quân Đại Việt nhưng cho rằng lúc này đang mùa gió lớn, quân Việt không thể vượt biển lúc gió ngược được nên không phòng bị, lo bày tiệc vui chơi. Vì thế, quân ta hạ thành một cách dễ dàng, bắt sống Trần Vĩnh Thái cùng tất cả quân Tống ở đấy.
Sau khi hạ thành Khâm, Lý Thường Kiệt cho một lực lượng quân thủy tiến dọc bờ biển về phía bắc để đánh vào Liêm châu. Quân Tống ở đây đều đã biết tin chiến sự xảy ra ở Khâm châu nên tăng cường phòng bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trước sức tấn công ồ ạt của quân Đại Việt, chỉ một vài ngày sau, thành Liêm cùng các thành nhỏ quanh đó đều nhanh chóng thất thủ.
Để được sự ủng hộ của dân Tống, Lý Thường Kiệt viết bài Phạt Tống lộ bố văn, nêu rõ mục đích chính nghĩa của cuộc tập kích, đồng thời vạch trần tội ác của Vương An Thạch và triều đình nhà Tống đã làm “trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập” rồi sai đem niêm yết các nơi. Dân chúng địa phương vốn khổ cực vì sưu cao thuế nặng và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại, hết sức vui mừng. Họ gọi ông là người cha họ Lý. Phạt Tống lộ bố văn chứng tỏ ngoài thiên tài về quân sự, Lý Thường Kiệt còn có tài năng về văn học.
Sau khi phá hủy chiến thuyền, chiến cụ và thu toàn bộ lương thảo mà Vương An Thạch cho tích chứa ở các thành này, Lý Thường Kiệt đem đại quân tiến về hướng thành Ung châu. Quân Đại Việt đi đến đâu cũng được dân địa phương đem trâu, rượu ra khao nên cuộc hành binh thêm phần thuận lợi, nhanh chóng. Sau hơn nửa tháng, Lý Thường Kiệt đã dẫn quân đến Ung châu mà không gặp một sự kháng cự nào.
Ung châu là một vị trí quan trọng nên nhà Tống cho xây thành lũy rất kiên cố. Chính Vương An Thạch từng huênh hoang: “Nhất định không ai có thể phá nổi thành Ung châu”. Trọng trách giữ thành được giao cho viên tướng dầy dạn trận mạc là Tô Giám. Khi Tông Đản tiến đánh, Tô Giám cho người đến Quế châu cách đấy 14 ngày đường xin viện binh và đóng chặt cửa thành cố thủ. Y giữ quân lệnh rất nghiêm, ai dao động hoặc tìm cách trốn chạy đều bị chém.
Lý Thường Kiệt tiến đến Ung châu phối hợp với cánh quân của Tông Đản đánh phá thành. Quân Đại Việt lớp dùng máy bắn đá, bắn tên lửa vào trong; lớp dùng thang cố trèo lên. Tô Giám chỉ huy quân Tống kháng cự, dùng vũ khí phun lửa đốt cháy thang và ngăn được quân ta. Lý Thường Kiệt lại sai đào đường hầm vào thành nhưng vẫn không thành công. Cứ thế, hai bên giằng co rất quyết liệt.
Trong lúc quân ta vây chặt và không ngớt tấn công vào thành Ung châu, Lý Thường Kiệt được tin Trương Thủ Tiết từ Quế châu đem quân đến giúp Tô Giám. Do đã dự kiến trước, ông lập tức phái một lực lượng chọn chỗ hiểm yếu mai phục. Tiết nghe tin quân Lý vừa đông, vừa thiện chiến nên trù trừ không dám tiến nhanh. Đến ải Côn Lôn (phía bắc Ung châu), quân của y lọt vào nơi phục binh của quân Việt và bị tiêu diệt.
Vây hãm hơn một tháng trời mà vẫn không hạ được thành Ung châu khiến Lý Thường Kiệt lo lắng. Cuộc chiến càng kéo dài càng bất lợi vì Vương An Thạch có thể đưa lực lượng lớn đến tiếp viện. Quan sát bức tường thành cao như thách thức đó, đột nhiên, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu vị tướng soái. Ông lập tức sai lính đổ đất vào những bao nhỏ vừa sức người mang. Sau đó, cứ vài người khiêng một tấm ván dày để chắn tên đạn từ trên thành bắn xuống cho số khác mang bao đất vào đặt cạnh chân thành. Những bao đất chồng chất dần lên cao tạo nên con đường cho quân Lý tràn lên. Nhờ thế, cuối cùng, sau 42 ngày vây hãm, thành Ung châu đã bị hạ.
Với con mắt nhìn xa trông rộng, Lý Thường Kiệt sai san bằng thành lũy, lấy gạch đá lấp sông ngăn đường tiến của thủy quân Tống sau này. Vậy là sau gần năm tháng kể từ lúc chuẩn bị tập kết quân đến nay, cuộc tấn công bất ngờ, chủ động để tiêu diệt sinh lực chiến tranh của địch đã hoàn toàn thắng lợi. Lý Thường Kiệt cho rút quân về nước.
Biết nhà Tống tuy mất một phần sinh lực chiến tranh nhưng chưa từ bỏ tham vọng xâm lược; vì thế, ngay sau khi về nước, Lý Thường Kiệt cùng triều đình nhà Lý lo chuẩn bị việc phòng thủ. Cuộc tập kích vào đất Tống đại thắng khiến từ triều đình đến dân chúng Đại Việt đều hồ hởi. Khắp cả nước, đâu đâu cũng sôi nổi không khí chuẩn bị chiến đấu. Thanh niên trai tráng các nơi nô nức tòng quân. Các lò rèn ngày đêm đỏ lửa đúc thêm khí giới.
Lý Thường Kiệt cho sửa sang thành lũy, lập đồn trại phòng thủ tại những nơi hiểm yếu như ải Quyết Lý (ở phía bắc châu Quang Lang) và ải Giáp Khẩu (tức ải Chi Lăng). Lại cho quân thủy chốt chặn trên con đường biển từ Trung Quốc sang. Đặc biệt, ở bờ nam sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu), ông cho lập một phòng tuyến quan trọng gồm nhiều dãy cọc tre đóng thành những hàng rào liên tiếp nhau rộng hàng trăm mét. Sau rào tre là lũy đất dày, chạy dài theo bờ sông. Đó là phòng tuyến cuối cùng chặn quân giặc ngay trước lối vào kinh thành.
Quả nhiên, tuy bị cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt đẩy vào thế bị động, phải điều quân từ miền bắc xuống, vua Tống vẫn cử Quách Quỳ làm Nguyên soái, Triệu Tiết làm phó, đem đại quân sang đánh Đại Việt. Trước khi xuất quân, Tống Thần Tông nói rõ ý đồ xâm chiếm nước ta: “Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt quận huyện như ở nội địa”.