Tập 18: Lý Thường Kiệt

Lực lượng của Quách Quỳ có cả quân bộ, quân kỵ và quân thủy, tổng cộng lên đến 10 vạn người và 1 vạn ngựa. Ngoài ra, còn có 20 vạn dân phu đi theo để vận chuyển lương thảo. Vì số lương chuẩn bị cho đội quân xâm lược tích lũy bấy lâu nay đã bị quân Lý phá hủy, nên nhà Tống tăng cường trưng thu thóc lúa khiến dân Tống vô cùng khốn đốn, nhiều nơi không nộp nổi số lượng đã quy định. Số còn thiếu, chúng hy vọng sẽ cướp được từ những vùng đất Đại Việt mà chúng chiếm đóng.

Khoảng tháng 10 năm 1076, Quách Quỳ kéo quân đến Tư Minh gần biên giới Đại Việt. Y đóng quân ở đấy suốt 70 ngày để dò la động tĩnh và tìm cách mua chuộc một số tù trưởng người dân tộc. Đến tháng 12 năm ấy, Quách Quỳ dẫn quân tràn sang nước ta. Gặp thôn làng nào, chúng đều cướp phá, giết chóc và triệt hạ không thương tiếc. Thủy quân Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Hiên chỉ huy cũng lên đường để phối hợp với quân bộ.

Quân Đại Việt chống trả quyết liệt. Tại ải Quyết Lý, tiền quân do Phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy dùng voi trận xông vào giữa đám quân Tống. Voi chiến rống vang, dùng vòi cuốn, dùng chân dẫm chết vô số giặc. Quân của Phò mã thừa cơ xáp tới nhưng vì lực lượng nhỏ yếu, không thể chặn được đại quân Tống. Phò mã cho rút quân vào rừng và tiếp tục chặn đánh những toán quân địch di chuyển lẻ tẻ khiến chúng vô cùng khiếp sợ.

Sau ải Quyết Lý, đường tiến quân của Quách Quỳ phải qua ải Chi Lăng. Đoạn đường hiểm trở đó là nơi gần một trăm năm trước, Hầu Nhân Bảo đã bị Lê Hoàn đánh cho không còn manh giáp. Việc xảy ra đã lâu nhưng vẫn làm cho Quách Quỳ kinh hãi. Y không dám đi ngang qua ải mà dẫn quân đánh vòng, vượt dãy Bắc Sơn. Vì thế quân Tống thoát khỏi quân mai phục do Lý Thường Kiệt bố trí sẵn chờ chúng tại đấy. Tuy nhiên, đoàn quân của Quách Quỳ phải tốn nhiều sức lực vì đường đi vòng rất gian khổ. Cuối cùng, ngày 18 tháng 1 năm 1077, chúng đã đến điểm hẹn với quân thủy tại bờ bắc sông Như Nguyệt.

Lúc này quân Tống đã đứng trước ngưỡng cửa đồng bằng Bắc bộ và không xa nữa là Kinh đô Thăng Long. Vào được vùng này, chúng có thể cướp được nhiều của cải và nhất là lương thực, thứ mà chúng đang thiếu thốn. Tuy nhiên, trước mặt chúng không phải là con đường rộng mở mà là dòng sông rộng và sừng sững bên kia bờ sông là một lũy đất cao, dày đặc tre gai, thấp thoáng sau đó là đồn trại của quân Đại Việt. Trong khi đó, quân thủy Tống vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Sơ đồ trận phản công chống Tống ở phòng tuyến Như Nguyệt.

Là viên tướng giàu kinh nghiệm và thận trọng, Quách Quỳ ra lệnh cho đại quân dừng lại đợi quân thủy. Y và Triệu Tiết chia quân chốt ở hai nơi, còn lại hạ trại rải dọc bờ sông. Ít ngày sau vẫn không thấy quân thủy đến, mà quân Đại Việt ở bờ nam cũng không có động tĩnh gì, các thuộc tướng dưới quyền hối thúc Quách Quỳ cho đánh vì sợ lương ít, đóng lâu sẽ bất lợi. Quách Quỳ đành phải đồng ý, sai Vương Tiến làm cầu phao để vượt sông. Quân Tống tỏa ra các nơi, chặt tre, kết thành nhiều chiếc bè nhỏ để ghép lại làm cầu.

Quân Tống vốn thông thạo công việc này nên chẳng bao lâu cầu phao đã ghép xong và đã nối được với bờ nam. Thấy phía phòng tuyến quân Đại Việt vẫn im lìm, đội quân xung kích do tướng giặc Miêu Lý chỉ huy hí hửng nhanh chóng vượt qua sông và cố gắng chọc thủng chiến tuyến của quân ta để vượt qua.

Bất chợt, một hồi trống vang lên. Quân của Lý Thường Kiệt từ chỗ mai phục xông ra cắt cánh quân giặc làm hai và vây đánh dữ dội. Quân Tống ít ỏi nên không thể chống đỡ, định quay lại bờ sông theo cầu phao rút chạy thì cầu phao đã bị chặt đứt từ lúc nào. Đã vậy, quân Đại Việt đuổi rát phía sau. Bí thế, quân Tống lao bừa xuống sông, bị dòng sông cuốn trôi vô số. Cuộc tiến công mở màn của giặc bị thất bại thảm hại, phần lớn đội quân xung kích bị tiêu diệt, chỉ còn Miêu Lý và số ít tàn binh thoát được về bờ bắc.

Sau trận này, Quách Quỳ không dám cho quân vượt sông ngay mà chờ thủy quân đến phối hợp. Thế nhưng số phận của thủy quân Tống do Hòa Mẫn và Dương Tùng Hiên thống lãnh chẳng hơn gì cánh quân bộ. Chiến thuyền của chúng men theo bờ biển định vào sông Bạch Đằng thì gặp ngay thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên chỉ huy chặn đánh. Sau nhiều trận giao chiến, chiến thuyền Tống không thể nào tiến sâu vào nội địa được.

Dương Tùng Hiên sai người sang Chiêm Thành bảo vua Chiêm đánh vào phía nam của Đại Việt như đã định ước trước đó. Thế nhưng Chiêm Thành không dám tiến sang, chỉ đem quân đến đóng ở vùng gần biên giới, nghe ngóng tình hình quân Tống ra sao. Vậy là kế hoạch cùng một lúc tấn công Đại Việt từ hai phía của quân Tống cũng không thành.

Không hề biết điều này, Quách Quỳ vẫn ngày ngày mỏi mắt chờ đợi thủy quân Tống. Trong khi đó, lương thảo mỗi ngày một vơi, bệnh dịch cũng bắt đầu phát sinh. Đã vậy, dân binh Việt thường xuyên đột kích từ phía sau lưng. Suy tính mãi, cuối cùng Quách Quỳ cho quân đóng những chiếc bè lớn có thể chở mỗi lần 50 tên để chuẩn bị vượt sông lần thứ hai.

Lý Thường Kiệt thấy rõ chỗ yếu trong kế hoạch tấn công của Quách Quỳ, đợi lúc bè của chúng chở quân tới, ông cho lính bắn hàng loạt tên và đá xuống. Bè lớn nên di chuyển chậm chạp, nhiều bè bị vỡ khiến hàng ngàn tên giặc tiếp tục vùi thây xuống dòng sông. Số quân Tống đã đổ bộ được lên bờ, đang loay hoay chặt phá và đốt những lớp rào tre dày đặc thì bị quân Đại Việt từ các chiến lũy tràn xuống đánh trả quyết liệt.

Toán quân Tống bị rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn đốn vì muốn đánh cũng không được mà rút chạy thì không có bè. Quân ta chỉ việc quây chúng lại mà tiêu diệt. Số còn lại đều phải đầu hàng. Trận thua đau đó làm cho Quách Quỳ không dám nghĩ đến chuyện vượt sông nữa. Y dứt khoát ra lệnh phải chờ thủy quân đến hỗ trợ và tuyên bố với thuộc hạ: “Ai còn bàn việc đánh sẽ chém!”.

Thời gian trôi qua, Quách Quỳ vô cùng lo lắng vì chẳng có một chút tin tức gì về toán quân thủy. Lúc này, lương thực mang theo đã cạn, ý định bổ sung phần lương thực thiếu bằng cướp bóc cũng không được vì dân cư quanh đó thưa thớt và đều tránh đi nơi khác. Đã vậy, lúc này thời tiết thay đổi, bệnh dịch bắt đầu hoành hành. Tuy lúc xuất quân, vua Tống đã cho quân y viện chọn 75 bài thuốc trị lam chướng mang theo nhưng số quân ốm đau vẫn ngày một nhiều.

Nắm được tình hình của giặc, Lý Thường Kiệt chia quân làm hai mũi, tập kích vào hai chốt cứ điểm quan trọng của chúng. Một mũi do hai Hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn từ Vạn Xuân, ngược sông tiến công vào đại bản doanh của Quách Quỳ. Quân Tống dùng súng bắn đá làm vỡ nhiều thuyền chiến của ta. Hai hoàng tử đều tử trận. Tuy nhiên quân Tống cũng bị nhiều thiệt hại và chống đỡ khá vất vả.

Trong khi đó, mũi tập kích thứ hai do Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh thẳng vào trại quân của phó tướng Triệu Tiết. Đêm ấy, trước khi xuất quân, để động viên tinh thần chiến đấu của quân sĩ, ông sai người thân tín vào đền thờ Trương Hát, Trương Hống bên bờ sông, giả tiếng thần nhân đọc to lên bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở Rành rành định phận ở sách trời Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.

(Khuyết danh)

Quân sĩ tin tưởng đấy là lời thần, hăng hái chiến đấu, xông thẳng vào trại giặc. Quân Triệu Tiết đang lo lắng theo dõi trận đánh bên đại bản doanh để chờ ứng chiến thì bị tấn công bất ngờ, trở tay không kịp. Quân Lý càng đánh càng hăng, phóng hỏa đốt trại quân Tống, cắt hết đường rút, dồn quân Tống xuống bờ sông mà tiêu diệt. Quân Tống vô cùng hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau, không còn sức chiến đấu, cuối cùng bị đại bại, mười phần chết hết năm, sáu.

Trận tập kích của quân Đại Việt vào cuối mùa xuân năm 1077 khiến Quách Quỳ bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Ở lại lâu, nếu không chết vì bị tập kích cũng chết vì đói khát, bệnh tật. Còn rút lui thì triều đình Tống chắc chắn sẽ không tha tội cho y. Càng nghĩ, Quách Quỳ càng thấy bí. Biết rõ tình hình, Lý Thường Kiệt cùng triều đình Lý quyết định mở cho y con đường thoát danh dự để sớm chấm dứt chiến tranh. Ông sai người sang trại quân Tống xin giảng hòa. Quách Quỳ lập tức đồng ý và nhanh chóng rút quân.

Tuy chủ trương giữ mối giao hảo với nhà Tống, nhưng trong việc bang giao, Lý Thường Kiệt không hề nhượng bộ. Sau khi rút lui, quân Tống còn chiếm giữ một số đất của ta ở vùng biên giới. Ông dùng mọi cách, cả quân sự lẫn ngoại giao, đòi Tống phải trả lại. Cuối cùng, triều đình Lý lấy lại được tất cả phần đất bị mất.

Chiến tranh chấm dứt, Tể tướng Lý Thường Kiệt bắt tay ngay vào việc khôi phục lại đất nước. Ông cho tu bổ thành quách, đê điều, cầu cống, đường sá và các đền chùa bị giặc tàn phá. Năm 1082, được cử ra trấn nhậm phủ Thanh Hóa, ông hết lòng lo lắng, khuyến khích, giúp đỡ dân chúng trong việc sản xuất. Do đó, nghề nông cũng như các nghề thủ công, lâm nghiệp, thương nghiệp đều phát triển. Ông còn trừng trị bọn vô lại cướp bóc tiền của, trộm trâu bò, nhờ thế dân được sống yên vui. Lúc rảnh rỗi, Lý Thường Kiệt thường đi đến nhiều nơi trong phủ để tìm hiểu sinh hoạt và cuộc sống của dân. Nơi nào cảnh trí xinh tươi, ông cho chọn chỗ để xây dựng đình, chùa.

Bia (mặt trước và sau) dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126), đời Lý Nhân Tông (1072-1127), tại chùa Linh Xứng, làng Ngọ Xá, Hà Trung, Thanh Hóa, khắc thân thế, sự nghiệp Lý Thường Kiệt. Đặc biệt có tư liệu về các trận đánh châu Ung, châu Khiêm và phòng tuyến sông Cầu.
Ảnh: Đức Hòa

Chùa Linh Xứng được Lý Thường Kiệt cho xây trên núi Ngưỡng Sơn (Thanh Hóa). Ngày nay chùa không còn nhưng tấm bia còn lại cho biết: “Chùa ở phía nam núi. Trai phòng ở hai bên. Tượng đức Phật Như Lai sơn vàng, ngồi cao trên tòa sen… Sau chùa xây bảo tháp, đặt tên là Chiêu Ân. Tháp cao chín tầng bốn mặt mở cửa, xung quanh có bao lơn, bốn góc treo chiêng vàng, rung trước gió… Trước có cửa chính để treo chuông. Chày kinh gõ đánh, tiếng chuyển bay xa, thức kẻ mê, phá kẻ tục, khuyên kẻ thiện, răn kẻ ác. Trước cửa một đường thẳng xuống sông… Kề sông có một đình nhỏ. Thuyền bè qua lại, dừng ở đó nghỉ ngơi…”.

Năm 1101, vua Lý Nhân Tông cho vời Lý Thường Kiệt về triều và lại giao cho ông chức Tể tướng. Lúc bấy giờ ông đã 83 tuổi. Hai năm sau đó, Lý Giác ở Diễn Châu (Nghệ An) nổi dậy chống triều đình. Lý Thường Kiệt tuy tuổi đã cao nhưng vẫn xin được đem quân đánh dẹp. Lý Giác chạy sang Chiêm Thành, xui vua Chiêm Chế Ma Na đem quân sang chiếm lại những vùng đất Chế Củ đã nhường cho Đại Việt trước kia.

Mùa xuân năm 1104, Chế Ma Na đem quân sang đánh phá vùng biên giới phía nam nước ta. Một lần nữa, vị lão tướng Lý Thường Kiệt lại lên đường dẹp giặc để giữ vững cõi bờ. Nghe tin ông đến, Chế Ma Na vội vàng rút quân về nước và sau đó sai sứ tới Thăng Long xin được nạp cống như trước. Tháng 6 năm