Tập 19: Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông

Việc thương thuyết rất gay go, căng thẳng. Nhà Tống vin cớ đây là đất được họ Nùng giao nộp chứ không phải là đất đánh lấy nên nhất định không chịu trả cho Đại Việt cả hai châu mà chỉ bằng lòng giao về cho vua Lý một phần rất nhỏ. Đào Tông Nguyên không đủ lý lẽ để nói nên tức giận bỏ hội nghị về nước.

Năm sau, vua Lý sai Thị lang Bộ binh Lê Văn Thịnh, sang Trung Quốc để tiếp tục việc thương thuyết. Nhà Tống lại đưa ra việc họ Nùng dâng đặt để thoái thác. Nhưng Lê Văn Thịnh bẻ lại: “Đất thì có chủ, bọn thuộc lại giữ đất ấy đem dâng nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được; mà ăn trộm của hay tàng trữ của ăn trộm, pháp luật cũng không dung…”. Lý lẽ sắc bén của ông khiến quan lại nhà Tống không ai tranh cãi được. Cuối cùng, tuy không chịu giao lại toàn bộ hai động trên nhưng nhà Tống phải trả cho Đại Việt một số huyện nằm ở biên giới hai nước.

Trở về, Lê Văn Thịnh được vua Lý phong chức Thái sư, đứng đầu các quan lại. Ông đảm đương chức vụ này trong 11 năm và có nhiều công lớn. Tuy nhiên sau đó ông bị kết tội và phải đày đi Thao Giang (Phú Thọ) vì một việc có vẻ hoang đường.

Sử cũ viết rằng một lần cùng vua Lý Nhân Tông đi chơi trên hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây), Lê Văn Thịnh đã hóa hổ để hại vua. Câu chuyện vô lý chứng tỏ vào thời ấy, việc tin vào phép thần thông biến hóa vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong mọi tầng lớp xã hội. Dù sao, công lao của vị Trạng nguyên đầu tiên này vẫn được nhân dân ghi nhớ. Nhiều làng ở vùng Bắc Ninh thờ ông, có nơi tôn ông làm thần hoàng của làng mình.

Trong cuộc chiến tranh với nhà Tống, đất nước bị tàn phá rất nhiều. Ngay sau khi quân Tống rút về, triều đình nhà Lý tổ chức dân chúng xây dựng lại đất nước. Nhiều đền đài thành quách bị phá hủy nay được sửa chữa lại. Đặc biệt con đê sông Như Nguyệt đã bị hư hại nhiều trong thời gian qua được triều đình cho tu sửa ngay.

Triều đình cũng xuống chiếu cho dân đắp đê ngăn nước lũ. Trước đây vào mùa bão lụt, kinh thành Thăng Long thường bị ngập nước. Năm 1108, Lý Nhân Tông sai đắp đê ở phường Cơ Xá để phòng lụt. Đây là lần đầu tiên sử chép việc đắp đê phòng lụt trên sông Hồng.

Vua Lý Nhân Tông tiếp tục cho mở các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài. Kỳ thi chọn người viết chữ tốt, làm toán giỏi và thông hiểu luật lệ được mở năm Đinh Tỵ (1077). Đến năm Bính Dần (1086) triều đình lại cho mở khoa thi chọn người giỏi văn học để bổ vào Hàn lâm viện. Mạc Hiển Tích đỗ đầu và trở thành vị Trạng nguyên thứ hai trong lịch sử Việt Nam. Ông được bổ làm Hàn lâm Học sĩ, sau đó thăng đến chức Thượng thư. Năm sau vua sai lập Bí thư các để lưu trữ sách quí.

Lý Nhân Tông cũng là người tôn sùng đạo Phật. Nhà vua cùng Linh Nhân Thái hậu cho xây cất thêm nhiều chùa tháp ở khắp nơi trong nước, lại phong cho sư Khô Đầu làm quốc sư để tham vấn khi xét đoán việc triều chính.

Đến mùa thu năm Giáp Thân (1104), vua Nhân Tông sai sửa chữa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cho đẹp hơn. Chùa được cất vào năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông, có dạng đóa hoa sen trên một cột đá duy nhất dựng trên nền đất. Nay, Nhân Tông cho đào quanh cột đá một hồ nước dưới Liên hoa đài (hồ dưới đài hoa sen), đặt tên là hồ Linh Chiểu. Quanh hồ có hành lang chạm vẽ. Ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu để đi qua.

Cảnh trí chùa Diên Hựu so với trước quả đẹp hơn rất nhiều. Trước sân chùa, vua Nhân Tông lại cho xây bảo tháp. Mỗi tháng, cứ ngày rằm và mồng một, vua ngự đến chùa để lễ Phật. Hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, vua đến đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật.

Nông nghiệp, nghề căn bản của nhân dân trong nước, rất được triều đình quan tâm. Để thúc đẩy mọi người chăm lo sản xuất, vua Nhân Tông vẫn theo đúng việc làm của các vua trước, hàng năm đi cày ruộng tịch điền. Ngoài ra, những năm được mùa, vua thường đi ra ngoài thành xem nông dân thu hoạch.

Nghe theo lời khuyên đúng đắn của Linh Nhân Thái hậu, nhà vua không chỉ ban lệnh cấm giết trâu bò nhằm bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp như dưới thời vua cha Lý Thánh Tông mà còn quy định những biện pháp thực hiện rất nghiêm ngặt: Nhà nào mổ trộm trâu thì cả chồng và vợ đều bị đánh 80 trượng và bị phạt tội đồ, láng giềng biết mà không tố cũng bị tội như vậy.

Dưới triều Lý Nhân Tông, nhiều vùng đất hoang quanh thành Thăng Long tiếp tục được khai phá. Trước kia, nơi đây chỉ toàn là đầm lầy, cây cối hoang vu rậm rạp. Từ đời nhà Lý, vùng đất này bắt đầu được khai phá và trồng trọt. Đặc biệt, khu vực phía tây thành Thăng Long đã trở nên một vùng nông nghiệp trù phú do công lao của chàng trai họ Hoàng ở làng Lệ Mật(*).

*làng nổi tiếng về tài bắt rắn và nuôi rắn xuất khẩu thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay.

Tương truyền, có lần, một nàng công chúa con vua Lý(*) đi thuyền chơi trên sông Thiên Đức (sông Đuống) chẳng may gặp thủy quái gây sóng dữ lật đổ thuyền. Chàng trai họ Hoàng lúc đó đang cày cuốc ven sông, thấy thế vội nhảy xuống đánh yêu quái và cứu được công chúa. Nhà vua ban thưởng chức tước, vàng bạc chàng đều khước từ, chỉ xin được đến vùng đất hoang ở phía tây kinh thành khai phá, trồng trọt. Điều chàng tâu xin được vua chấp thuận ngay.

*có tài liệu ghi chép là con vua Lý Thái Tông (1028-1054).

Chàng về làng Lệ Mật chiêu mộ người nghèo sang khai phá đất đai. Từ đó, dân chúng đến ngày một đông và lập nên thập tam trại (mười ba trại). Các trại này dần dần trở thành những vùng nông nghiệp trù phú nổi tiếng đến ngày nay như: Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Vị, Vạn Bảo (sau đổi là Vạn Phúc), Thủ Lệ, Cống Yên, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Kim Mã, Xuân Biểu.

Sau khi chàng mất, những trại này đều thờ phụng làm Thành hoàng để ghi nhớ công ơn người đã có công khai hoang lập ấp. Làng Lệ Mật cũng lập đàn để thờ chàng. Từ đó, hàng năm, vào ngày giỗ kỵ 20 tháng 3 âm lịch, dân Thập tam trại (kinh quán) mang lễ vật về Lệ Mật (cựu quán) để cúng tế, dần dần trở thành một lễ hội đặc sắc. Dân Thập tam trại luôn xem làng Lệ Mật là quê cũ của mình:

Đến ngày hăm ba tháng ba,

Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê. Kinh quán, cựu quán đề huề,

Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Năm 1103, Lý Giác nổi lên chống triều đình ở Diễn châu (Nghệ An). Giác phao trong dân chúng là y có pháp thuật cao cường, có thể biến cây cỏ thành người, thành binh lính do y điều khiển. Được một số người trong vùng theo, Lý Giác cho đắp thành chống lại nhà Lý. Vua Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đánh dẹp, lực lượng của Lý Giác nhanh chóng tan rã.

Lý Giác trốn sang Chiêm Thành. Trước đây, khi Quánh Quì xâm lược nước ta, nghe lời nhà Tống xúi giục, vua Chiêm cũng đem quân đến biên giới phía nam nhưng không dám gây sự. Sau khi quân Tống thua phải rút về nước, vua Chiêm lại sang Đại Việt tiến cống như cũ.

Nay nghe Lý Giác khích bác, vua Chiêm là Chế Ma Na lại đem quân đánh Đại Việt để chiếm lại Lâm Bình (tức Địa Lý), Bố Chính và Minh Linh (vùng Bình Trị Thiên) mà Chế Củ đã dâng cho nhà Lý khi trước. Một lần nữa, Lý Thường Kiệt lại đem quân vào vùng biên cương phía nam. Chế Ma Na thua phải trả lại ba châu cho Đại Việt.

Năm Kỷ Hợi (1119), tù trưởng động Ma Sa ở vùng biên giới phía tây bỏ việc nộp cống, tỏ ý không chịu qui thuận triều đình. Lúc này Lý Thường Kiệt đã mất, Lý Nhân Tông tuy đã ngoài năm mươi nhưng vẫn sửa soạn thân chinh cầm quân đi đánh dẹp.

Nhà vua ra lệnh cho các xưởng đóng tàu gấp rút đóng nhiều thuyền chiến. Đó là loại thuyền mông đồng được dùng phổ biến trong lực lượng thủy quân nước ta dưới thời Lý. Thuyền khá to, dài khoảng 20m, rộng 4m, vừa hoạt động trong sông vừa có thể đi lại trên biển.

Ngoài ra vua còn ra lệnh đóng hai thuyền to, trang trí đẹp như một cung điện nổi để vua ngự lúc đi chinh chiến phương xa. Vua đặt tên cho hai thuyền ngự này là Cảnh Hưng và Thanh Lan.

Việc chuẩn bị xong xuôi, Lý Nhân Tông ban chiếu xuất quân. Vua ngự thuyền Cảnh Hưng, dẫn đầu đoàn thuyền chiến ngược lên vùng biên giới phía tây. Nhân Tông chiến thắng nhanh chóng. Vua sai quan chiêu dụ dân chúng trở về làm ăn sinh sống. Vùng đất phía tây từ đấy lại yên ổn.

Trong những năm đất nước thái bình, vua Nhân Tông cũng thường mở những hội lớn với nhiều trò vui, khuyến khích sáng chế ra các hình nộm có máy móc điều khiển khá tinh xảo.

Vào ngày trung thu và ngày Tết, nhà vua cho tổ chức đua thuyền trên sông Lô. Vua ra ngự ở tòa điện bên bờ để xem. Dưới sông hàng nghìn thuyền gióng trống, phất cờ đua bơi.

Lúc bấy giờ một con rùa vàng do các nghệ nhân chế tạo, lưng ba hòn núi nổi lên ở giữa sông. Rùa từ từ lội trên mặt nước, lộ rõ vân trên mai và rề ở bốn chân. Vừa bơi, rùa máy vừa quay đầu nhìn lên bờ, miệng phun nước. Khi ngang nơi vua ngự, rùa hướng tới ngai vua mà cúi đầu chào.

Mùa xuân, nhà vua lại cho tổ chức hội đèn Quảng Chiếu. Ngài sai dựng đài Quảng Chiếu cao bảy tầng, trang trí lộng lẫy với rồng cuốn quanh, rèm che… bên trong đốt đèn sáng rực. Dưới đất có đặt máy móc làm cho đài quay như bánh xe. Cạnh đấy làm hai tòa lầu có treo chuông đồng và hình nộm chú tiểu mặc áo cà sa, biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo thổi biết quay mặt lại và khi thấy nhà vua đến, biết cúi đầu chào…

Giống như vua cha khi trước, Lý Nhân Tông cũng hiếm muộn đường con cái, mặc dù nhà vua cho lập tới 3 hoàng hậu, 36 cung nhân. Ngài đã cùng Thái hậu Ỷ Lan đi đến khắp các chùa để cầu tự nhưng không được may mắn như vua cha. Đến khi tuổi đã ngoài 50, Lý Nhân Tông phải chọn Dương Hoán (mới 1 tuổi) con của em mình làm con nuôi và lập làm thái tử.

Tương truyền Dương Hoán chính là Từ Đạo Hạnh thác sinh ra. Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, quê ở làng Yên Lãng (làng Láng) huyện Từ Liêm (Hà Nội), con của quan Đô sát Từ Vinh. Khi tuổi còn nhỏ, Từ Lộ đã tỏ ra là người có chí lớn. Tuy nhiên, thấy con kết bạn với các đạo sĩ, con hát và ngày nào cũng thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc vui chơi, Từ Vinh rất lo lắng và thường xuyên la rầy.

Tuy nhiên, một đêm nọ, Từ Vinh vào phòng ngủ để xem con làm gì thì thấy đèn chong, sách vở bày la liệt, Từ Lộ tựa án thư ngủ mà tay không rời quyển sách. Từ đó, Từ Vinh biết là ban ngày con mình vui chơi nhưng đêm đến lại học rất nhiều nên không lo lắng nữa.

Khi cha mất, Từ Lộ bỏ học định cùng một số nhà sư sang Ấn Độ học đạo nhưng chỉ đi đến xứ Mán Kim Xỉ (Mán răng vàng, có lẽ là vùng Thượng Lào hay Vân Nam bây giờ) thì phải quay về vì đường sá quá hiểm trở. Ông trở về tu ở núi Từ Sơn, sau về tu tại chùa Thiên Phúc ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), lấy hiệu là Từ Đạo Hạnh.