Tập 2: Huyền sử đời Hùng – Con rồng cháu tiên – Thánh Gióng

Sau bao nhiêu lần thử đi thử lại, họ lấy than gỗ chất cao đốt thành lò lửa cuồn cuộn hơi nóng, rồi thả các mẩu quặng sắt xù xì vào. Khi nhắm chừng đã được, họ lấy miếng sắt xốp còn đỏ mềm ra đập lia lịa. Sắt nguội, họ lại nung mềm và tiếp tục đập. Cứ thế, họ đã tạo được một thứ sắt cứng hơn.

Họ lấy sắt rắn đúc đi đúc lại ba lần mới vừa sức Gióng. Vua Hùng còn phái hàng ngàn quan quân đem ngựa sắt đến làng Phù Đổng để theo giúp sức Gióng. Mọi thứ đã sẵn sàng cho Gióng lên đường. Cả làng bày tiệc tiễn chân Gióng. Sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, Gióng hét lên một tiếng như sấm:

  • Ta là tướng nhà Trời!

Rồi vươn vai biến thành một người khổng lồ uy nghi, cao to sừng sững.

Gióng đội nón, mang giáp, đeo gươm, nhảy lên mình ngựa. Lạ thay, ngựa sắt tung cao vó mà phun ra một luồng lửa hừng hực.

Gióng quay đầu ngựa chào mẹ, chào cả làng, từ biệt dân làng và thúc ngựa ra đi. Ngựa phi như bay, vó câu rung chuyển, xoáy trên nền đất thành những dãy hố chạy dài. Quan quân rầm rộ theo sau, khí thế ầm ầm như thác đổ.

Đến chân núi Vũ Ninh, Gióng gặp ngay giặc đang đóng trại la liệt cả một vùng.

Tướng giặc là Ân vương, hình dung cổ quái, mặt to vành vạnh, râu tóc tua tủa, giết người không gớm tay. Gióng thúc ngựa lao vào trận địa, vung gươm loang loáng. Ân vương thúc quân chống cự. Giặc Ân tiến lên trùng trùng, điệp điệp, nhưng lớp trước, lớp sau chết như ngả rạ dưới lưỡi gươm của Gióng. Ngựa Gióng lại hý vang, phun lửa cháy cả rừng tre. Ân vương xông tới quyết chiến, nhưng chẳng mấy chốc bị Gióng phóng gươm giết chết. Gươm Gióng bị gãy theo.

Gióng mất khí giới, thấy giặc vẫn chưa chịu đầu hàng, tuy đã mất chủ tướng, chúng cứ ào ào tràn lên. Không một chút bối rối, Gióng nhổ các bụi tre bên đường, quật tới tấp vào giặc. Quân giặc hoảng sợ, lớp quỳ xuống xin hàng, lớp chạy trốn. Nhưng chạy đâu cho thoát, quan quân cùng dân làng trói chúng lại… Gióng đuổi đến núi Sóc Sơn (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thì không còn một mống giặc nào.

Gióng xuống ngựa ngồi nghỉ dưới chân núi Sóc. Bên chân núi có giếng nước trong. Gióng cởi giáp, treo nón lên một cành cây, đoạn cúi xuống uống một hơi cạn cả giếng. Sau đó, để nón và giáp lại thay lời từ biệt, Gióng lên ngựa bay thẳng lên trời. Khi quan quân kéo đến thì chỉ thấy hình bóng Gióng khuất dần sau những đám mây ngũ sắc, rồi biến mất. Họ đành mang giáp, nón của Gióng về trình vua Hùng.

Thanh bình lại về với đất nước Văn Lang, nhưng người anh hùng đã ra đi không trở lại. Để tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn, vua Hùng cho lập đền thờ Gióng bên cạnh vía lúa ở đền Thượng. Vua phong cho Gióng tước hiệu Thiên Vương và lấy tên nơi chôn nhau cắt rốn của Gióng để gọi: Phù Đổng Thiên Vương. Về sau, vua Lý Thái Tổ (10101028) lại phong thêm hai chữ: Xung Thiên. Nhân dân thì suy tôn Gióng thành bậc thánh: Thánh Gióng.

Dưới chân núi Sóc Sơn ngày nay có những dãy ao tròn, nối nhau đến tận các làng chung quanh. Nhân dân truyền tụng rằng, đó là vết chân ngựa của Gióng để lại. Còn khu rừng tre bị phun lửa cháy thì đã trở thành một làng, nhưng cái tên vẫn còn mang dấu ấn của sự kiện lịch sử ấy: làng Cháy. Tre ngà, còn gọi đằng ngà, có màu vàng, tương truyền rằng đó là do bị lửa liếm trong trận quyết chiến kia.

Bên cạnh công trừ giặc Ân, nhân dân còn gắn thêm công trừ nạn lụt cho Thánh Gióng. Truyền thuyết thường được kể trong các hội Gióng thêm rằng khi ngựa Gióng bay qua sông Hồng, Gióng nhìn xuống và thấy sông cuồn cuộn sóng dữ, hai con thuồng luồng to lớn đang vẫy vùng xô nước tràn bờ.

Giữa những cơn sóng phũ phàng là mẹ Gióng đang ngụp lặn, tuyệt vọng, Gióng lao xuống diệt thuồng luồng, cứu mẹ, giúp dân trừ nạn lụt.

Gióng luôn luôn là hình ảnh người anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên của nước nhà, là ước mơ, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Dân chúng đã thờ Gióng ngay trong vườn nhà, nơi Gióng đã trải qua thời thơ ấu khác thường của mình.

Hàng năm, nhân dân tổ chức ngày hội để nhớ ơn Gióng vào ngày mồng chín tháng tư âm lịch.

Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi, như tại Sóc Sơn, nơi Gióng từ biệt ra đi, hay tại Đông Bộ Đầu (Hà Nội) nơi Gióng được thờ làm Thành hoàng, nhưng long trọng nhất là tại làng Phù Đổng, quê hương Gióng.

Từ ngày mồng bảy, mâm cỗ gồm có cơm và cà, được rước lên đền Thượng. Đến mồng chín mới là ngày chính Hội. Hôm ấy, sự tích Thánh Gióng được diễn lại bằng những hình ảnh tượng trưng rất sinh động. Mọi người chia ra hai phe, một bên là quân của Gióng, một bên là giặc Ân, ba chiếc chiếu được trải ra giữa sân tượng trưng cho cánh đồng, trên chiếu có một chiếc tô úp trên một tờ giấy, tô là đồi núi, giấy là mây trắng.

Người cầm đầu phe của Gióng, được gọi là ông Hiệu, cầm cờ lệnh phất lên. Từ trong cờ bay ra hàng ngàn mảnh giấy nhỏ sặc sỡ, dân chúng xô nhau cướp cho được một mẩu giấy để lấy hên. Ông Hiệu tiến lên chiếu ba bước, lấy chân khều cái tô và tờ giấy. Như thế là Gióng đã tiến quân vượt qua mây núi, ông Hiệu lại nhảy lên hai lần, rồi lùi khỏi chiếu. Quân Gióng tràn lên xé chiếu, khi chiếc chiếu thứ ba xé xong, cũng là lúc giặc Ân tan tác.

Thua trận, giặc Ân bị điệu về làng Phù Đổng, quân Gióng cũng kéo về đấy để cùng nhau mở tiệc khao quân cho đến tối. Một vở hát chèo do các nghệ nhân điêu luyện vang lên, ca ngợi công ơn của Gióng. Để nhắc nhở mọi người đừng quên ngày Hội, trong dân gian có câu ca:

“Ai ơi mồng chín tháng tư Không đi Hội Gióng cũng hư mất đời”.

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 2

HUYỀN SỬ ĐỜI HÙNG

CON RỒNG CHÁU TIÊN – THÁNH GIÓNG

Trần Bạch Đằng chủ biên

Tôn Nữ Quỳnh Trân biên soạn

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT Biên tập: CÚC HƯƠNG – LIÊN HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: VŨ PHƯỢNG