Tập 20: Nhà Lý suy vong
Nhà Lý suy tàn từ thời vua Lý Cao Tông (1175-1210), tuy rằng đã có những dấu hiệu từ thời Lý Anh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: “vua Cao Tông chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy”.
Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thành công chúa, gọi là Lý Chiêu Hoàng, sau lại ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và ép Thượng hoàng Lý Huệ Tông tự vẫn. Nhà Lý chấm dứt, nhà Trần thay thế từ đó.
Vua Lý Nhân Tông không có con nên lúc sinh thời đã lập Dương Hoán, con của Sùng Hiền hầu em ruột mình, làm thái tử. Khi Nhân Tông mất, Dương Hoán lúc bấy giờ mới được 12 tuổi, nối ngôi tức Lý Thần Tông (1128). Thần Tông tôn Sùng Hiền hầu làm Thái Thượng hoàng và mẹ là Đỗ thị làm Hoàng thái hậu.
Không như các vua đời trước chuyên tâm vào việc trị nước, vua Lý Thần Tông chỉ mải mê sưu tập những vật lạ trong dân gian để thỏa mãn những ham thích của mình. Biết tính vua, nhiều người dâng các con thú lạ như ngựa trắng bờm đen, bốn chân có cựa hay chim sẻ trắng… để được ban thưởng. Có kẻ được phong chức tước nhờ dâng hươu trắng hoặc báo nơi có hươu trắng để quân lính tìm bắt đem về.
Có người còn dâng lên vua con rùa có nét vằn trên mai giống chữ Hán. Vua cho là điềm lành, bảo các quan thử đọc xem đó là những chữ gì. Nhiều vị quan đọc thành cả một câu dài ca ngợi nhà vua. Sử gia Ngô Sĩ Liên khi chép về việc này đã bảo: “Còn như trên ức rùa có nét chữ chỉ là những vết trắng, nét đen xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu”.
Năm 1136, vua Thần Tông lâm bệnh nặng, các quan ngự y ra sức chạy chữa cho vua mà vẫn không khỏi. Cuối cùng, phải nhờ đến sư Minh Không chữa trị. Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, sinh năm 1066, mất năm 1141, quê ở Đàm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình. Theo truyền thuyết dân gian thì Thần Tông là do Từ Đạo Hạnh thác sinh ra, mà Từ Đạo Hạnh và Minh Không vốn là bạn thân từ bé*. Cả hai cùng xuất gia tu hành và học được pháp thuật cao cường.
- Cũng có tài liệu ghi chép Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh.
Một lần, hai người đang đi trên đường, Đạo Hạnh muốn thử tài của Minh Không nên vượt lên trước, hóa thành hổ, núp trong bụi rậm. Khi Minh Không đi đến, hổ nhảy ra vồ. Minh Không nhìn biết ngay là do Từ Đạo Hạnh biến hóa nên ung dung bảo: “Đạo huynh đấy à? Đạo huynh lại muốn hóa làm thú dữ để hại người ư? Khỏi cần làm thế, kiếp sau huynh sẽ được toại nguyện mà”.
Từ Đạo Hạnh biết mình còn thua bạn nên hiện nguyên hình, chắp tay bái Minh Không và khẩn khoản nói: “Ngu đệ không tự biết mình nên trót xúc phạm, xin đạo huynh tha thứ. Sau này nếu đệ có sa vào nghiệp chướng ấy thì xin huynh ra tay cứu giúp”. Về sau, Từ Đạo Hạnh thác sinh vào làm con của Sùng Hiền hầu và lên ngôi vua tức Thần Tông. Còn Nguyễn Minh Không trở về quê cũ, trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ trong làng.
Lý Thần Tông bị mắc chứng bệnh lạ lùng, khắp người mọc lông lá như hổ, không ai chữa khỏi được. Nghe tin, Minh Không dạy cho trẻ con hát câu đồng dao: “Dục y Lý cửu trùng, tu cầu Nguyễn Minh Không” (Muốn chữa bệnh vua Lý, phải cầu Nguyễn Minh Không). Câu hát đó được bọn trẻ truyền nhau và cuối cùng lan đến cung vua.
Minh Không được mời về triều để chữa bệnh. Ông sai nấu một vạc dầu sôi rồi nhúng tay vào, vẩy dầu khắp thân nhà vua. Chỉ lát sau lông lá trên người vua đều trôi sạch. Thần Tông khỏi bệnh, phong cho Minh Không làm quốc sư và sai dựng một tòa nhà cạnh chùa Sùng Khánh để làm nơi cho ông nghỉ ngơi mỗi khi có việc lên kinh đô*.
* Sau khi quốc sư viên tịch, tòa nhà này trở thành nơi thờ ông, gọi là đền Lý Quốc Sư.
Vua cũng ban thưởng cho ông nhiều tiền bạc. Tương truyền, ông dùng số vàng đó để cất ngôi chùa Quỳnh Lâm (ở Đông Triều, Quảng Ninh) và đúc tượng Phật lớn bằng đồng. Văn bia chùa còn ghi lại là tượng, kể cả đế, cao đến 6 trượng. Tượng được đặt trong tòa điện lớn, cao đến 7 trượng. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là một trong bốn vật lớn (tứ đại khí) của nước ta thời xưa*. Tương truyền Minh Không đã chỉ bảo, hướng dẫn cho thợ đúc hoàn thành công trình vĩ đại đó. Vì thế cũng như Dương Không Lộ, thợ đúc tôn ông làm tổ nghề mình.
- Xem phần phụ lục tập Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông.
Thần Tông mất sớm (năm 1138), lúc mới 23 tuổi. Thái tử Thiên Tộ vừa tròn 3 tuổi lên ngôi, tức Lý Anh Tông. Hoàng hậu họ Lê trở thành Thái hậu, nắm quyền nhiếp chính. Đỗ Anh Vũ là em của bà Thái hậu họ Đỗ (mẹ của Thần Tông) được cử giữ chức vụ quan trọng quyết định mọi việc lớn nhỏ trong triều.
Đỗ Anh Vũ lại tư thông với cháu dâu là Lê thái hậu vì thế càng thêm kiêu căng, hống hách. Tại triều đình, y lớn tiếng la hét mọi người. Khi sai bảo quan lại làm việc thì chỉ hất hàm ra hiệu chứ không thèm nói. Các quan tuy rất ghét nhưng chẳng ai dám hé môi.
Năm 1150, Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Cát Đái cùng phò mã Dương Tự Minh và một vài quan lại khác không chịu nổi những hành vi quá lộng quyền của Anh Vũ, cùng dẫn quân đến cửa cung hô to lên: “Anh Vũ ra vào cung cấm, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi để khỏi mối lo về sau”.
Anh Tông, lúc bấy giờ đã 14 tuổi, sai cấm quân bắt Anh Vũ để tra xét. Lê thái hậu rất lo lắng, tìm cách gỡ tội cho y. Thái hậu sai người ngầm để vàng trong đồ đựng thức ăn của Anh Vũ để y đút lót cho Vũ Cát Đái và những người có nhiệm vụ canh giữ.
Nguyễn Dương, một trong những người chống Anh Vũ, thấy thế bảo: “Các ông tham của đút lót, tôi và các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng giết hắn trước cho khỏi tai họa về sau”. Nói xong, Dương cầm giáo xông vào ngục định đâm chết Anh Vũ.
Lúc ấy, Đàm Dĩ Mông nhảy đến ôm chặt lấy Dương để ngăn lại. Dĩ Mông giật lấy giáo bảo phải chờ lệnh vua, không được tự tiện. Nguyễn Dương giận lắm quát: “Điện tiền Vũ Cứt Đái chứ chẳng phải Cát Đái*. Sao quá tham của đút lót đến độ không tiếc đến mạng mình thế”. Biết trước sau gì cũng sẽ bị hại nếu Anh Vũ còn sống nên Nguyễn Dương nhảy xuống giếng tự vẫn.
- Chữ Hán Cát Đái đọc theo âm chữ Nôm là Cứt Đái.
Sau đó, Đỗ Anh Vũ bị vua Anh Tông kết tội và đày làm Cảo điền nhi nghĩa là phu cày ruộng công của Nhà nước. Lê thái hậu lo buồn, tìm mọi cách để giải thoát cho y. Nhiều lần bà ta cho mở hội lớn và nhân cơ hội đó để xin xá tội cho tù nhân. Lần nào Anh Vũ cũng được hưởng ân huệ và giảm dần số năm tù tội. Cuối cùng, y được thả ra.
Nhờ sự giúp sức của Thái hậu, y không những lại được giữ chức Thái úy phụ chính như cũ mà lần này còn được tin dùng hơn trước. Do đó, Anh Vũ càng tác oai tác quái, tìm mọi cách để trả thù riêng. Quả như Nguyễn Dương đã dự báo, những người bắt Anh Vũ khi trước, trong đó có Vũ Cát Đái đều bị giết hại một cách thảm khốc hoặc bị lưu đày đến những nơi xa xôi, hiểm trở.
Năm 1158, Nguyễn Quốc* đi sứ Trung Hoa trở về, xin vua Anh Tông theo cách của nhà Tống đặt một hòm lớn ở giữa sân để ai có việc trình báo mà ngại không dám nói ra thì viết thư bỏ vào đấy. Anh Tông y chuẩn. Thư bỏ vào hòm rất nhiều, trong số đó có lá thư nặc danh kể tội Anh Vũ làm loạn triều đình.
- Có sách chép là Nguyễn Quốc Dĩ.
Anh Vũ ấm ức lắm quyết tìm cho ra kẻ dám chống đối mình. Tuy nhiên, y tra xét mãi vẫn không biết ai là tác giả bức thư ấy. Nghi ngờ Nguyễn Quốc bày ra chuyện đặt hòm để làm việc đó, Anh Vũ cho đày ông ra Thanh Hóa. Ít lâu sau y lại cho đòi ông về kinh, đưa thuốc độc bắt phải uống. Nguyễn Quốc biết trước sau gì cũng không khỏi bị y bức hại nên đành uống thuốc độc mà chết.
Sau khi Anh Tông lên ngôi được vài năm thì nổ ra cuộc nổi dậy của Thân Lợi. Thân Lợi vốn là một thầy bói, tự xưng là con riêng của vua Lý Nhân Tông, nổi lên muốn tranh ngôi với Anh Tông. Hàng ngàn người ở châu Thượng Nguyên (Thái Nguyên) bị đói khổ vì sự bóc lột của quan lại đã theo về với Thân Lợi. Dân các tộc ít người ở trong vùng cũng tham gia rất đông.
Thân Lợi tự xưng là Bình vương, thành lập triều đình riêng, phong cho thê thiếp làm hoàng hậu và con cái làm vương hầu. Lợi còn cho người đến Quảng Tây xin nhà Tống đưa quân sang giúp nhưng không được chấp thuận.
Triều đình sai quan quân theo hai đường thủy bộ tiến đánh căn cứ của Lợi nhưng bị thua to. Thừa thắng, Thân Lợi cho quân chiếm phủ Phú Lương (Thái Nguyên) và chuẩn bị tiến vào tận kinh thành Thăng Long. Anh Tông sai Thái úy Đỗ Anh Vũ đem quân đánh dẹp.
Trong một trận đánh lớn, quân nổi dậy bị thất bại nặng, chết trận rất nhiều. Thân Lợi chạy về châu Lục Lệnh rồi trốn lên vùng Lạng Sơn và cuối cùng bị Tô Hiến Thành bắt giao cho Anh Vũ giải về kinh. Do thắng lợi đó, Đỗ Anh Vũ được ban thưởng rất nhiều.
Thời gian này, việc buôn bán với các nước cũng khá nhộn nhịp. Dưới đời Lý Thánh Tông đã thấy ghi chép việc thương gia Trảo Oa (Java, thuộc Indonesia ngày nay) đến bán ngọc dạ quang. Nhưng từ năm 1149, dưới triều vua Lý Anh Tông, thuyền buôn các nước Trảo Oa, Xiêm La (Thái Lan) đến vùng Hải Đông xin cư trú để buôn bán ngày càng nhiều. Triều đình nhà Lý đã cho họ lập cơ sở ở đảo Vân Đồn (tức đảo Vân Hải ngày nay, gần đảo Cái Bàn).
Việc buôn bán ở đây ngày càng thịnh vượng. Các đảo lân cận Vân Đồn cũng lập nhiều bến đậu cho thuyền buôn và lôi kéo các thương gia đến tập trung buôn bán. Trong suốt mấy trăm năm sau đó, Vân Đồn không chỉ là nơi trao đổi của thương gia nước ta với thương gia nước ngoài mà còn là một trạm quan trọng trên con đường hàng hải nối các nước trong vùng.
Năm 1164, vua nhà Tống bắt đầu gọi nước ta là “An Nam quốc” và phong cho Lý Anh Tông làm “An Nam quốc vương”. Đây là một thay đổi đáng kể trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trước đây, các triều đại phong kiến phương Bắc gọi nước ta là “Giao Chỉ quận” vì chỉ coi nước ta là một quận của Trung Quốc. Vua nước ta cũng chỉ được phong làm “Giao Chỉ quận vương” có nghĩa như một tước vương cai quản một quận, chứ không phải là hoàng đế một nước.
Dưới đời Anh Tông, tuy Đỗ Anh Vũ lộng quyền làm nhiều điều tàn ác, nhưng cũng còn những vị quan cương trực, hết lòng vì nước, trong đó có Tô Hiến Thành. Sử sách không ghi ông sinh năm nào, quê quán và cuộc đời riêng ra sao, chỉ biết rằng khi Anh Tông làm vua thì ông là một võ quan có tài thao lược. Năm 1159, quân Ngưu Hống và Ai Lao đánh phá ở vùng biên giới, ông vâng mệnh triều đình đem quân đánh dẹp và đã thắng lớn.
Trở về, Tô Hiến Thành được vua Anh Tông phong chức Thái úy (lúc này Đỗ Anh Vũ đã chết). Ông đem hết tâm sức để chỉnh đốn lại binh bị, tuyển thanh niên khỏe mạnh sung vào quân ngũ và tổ chức luyện tập. Ông còn chọn những người thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ để cất nhắc và giao nhiệm vụ cầm quân.