Tập 20: Nhà Lý suy vong

Lúc bấy giờ, quan hệ của nước ta với nước Chiêm Thành có lúc không được tốt đẹp. Năm 1152, một người Chiêm tên là Ung Minh Tạ Diệp đến Thăng Long xin Lý Anh Tông cho quân sang giúp để tranh ngôi vua. Anh Tông sai Lý Mông đem 5000 quân đưa Ung Minh Tạ Diệp về nước nhưng bị vua Chiêm là Chế Bì La Bút đánh bại. Từ đó, Chiêm Thành tuy vẫn sai sứ sang cống nhưng luôn đe dọa vùng biên giới phía Nam.

Vì thế, năm 1161, Lý Anh Tông lại giao cho Tô Hiến Thành lo việc bình ổn vùng đất này. Ông được phong làm Đô tướng, cùng Đỗ An Di dẫn 2 vạn quân đi tuần khu vực tiếp giáp với nước Chiêm Thành. Khi đoàn quân lên đường, Anh Tông đã đi thuyền tiễn đến cửa Đại An mới quay về. Đến nơi, Tô Hiến Thành xem xét và tổ chức chu đáo việc phòng thủ, nhờ thế vùng biên giới được yên ổn một thời gian.

Mấy năm sau, quân Chiêm lại sang quấy rối. Lần này, mượn cớ đưa sứ vào nước ta, binh thuyền Chiêm kéo đến cướp phá các làng mạc. Năm 1167, Tô Hiến Thành lại đem quân xuống miền Nam. Vua Chiêm hoảng sợ vội sai sứ đến Thăng Long dâng trân châu cùng các sản vật địa phương và xin thần phục như cũ. Anh Tông xuống chiếu gọi Tô Hiến Thành rút quân về. Từ đó, Chiêm Thành giữ lệ cống đều đặn.

Lúc bấy giờ, triều đình nhà Lý ngày càng đi sâu vào con đường suy sụp. Vua và các vương hầu đua nhau ăn chơi xa xỉ. Đến nỗi sử gia Ngô Thì Sĩ khi chép đến đây đã phải kêu lên: “Ơn trạch của nhà Lý đến đây tiêu ma hết cả”. Thái tử Long Xưởng, con trưởng của Anh Tông, khi lớn lên còn chơi bời lãng phí hơn hẳn vua cha. Không những vậy, Xưởng còn nổi tiếng là hiếu sắc và vô đạo, dám tư thông với cả cung phi của cha mình.

Đã vậy, việc làm tồi tệ đó của Xưởng lại được Hoàng hậu Chiêu Linh khuyến khích. Sử chép là Lý Anh Tông rất yêu mến bà Nguyên phi họ Từ. Hoàng hậu ghen muốn nhà vua xa lánh bà phi ấy nên xui Long Xưởng tìm cách quyến rũ. Nhưng bà Nguyên phi họ Từ không chịu và đem chuyện đó tâu với Anh Tông.

Biết chuyện, Anh Tông rất giận dữ, lập tức phế bỏ Long Xưởng xuống làm thứ dân. Lúc này, nhà vua tuy chưa đến 40 tuổi nhưng rất ốm yếu. Sợ để trống ngôi Thái tử lâu không có lợi, Lý Anh Tông bèn lập người con thứ sáu mới 2 tuổi, tên là Long Trát (còn có tên là Long Cán) làm Thái tử (1175). Vua còn thăng cho Tô Hiến Thành chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, lại phong cho ông tước vương và giao nhiệm vụ giúp đỡ Thái tử.

Mấy tháng sau, vua Anh Tông lâm bệnh nặng. Hoàng hậu Chiêu Linh trước đây đã xui Long Xưởng làm điều vô đạo nay lại cố tâu xin nhà vua phục chức cho con mình được nối ngôi báu. Anh Tông không chịu và bảo: “Làm con bất hiếu thì trị dân sao được?” Nói rồi vua sai lập di chiếu, sai Tô Hiến Thành phò tá Long Trát lên kế vị và giúp vua nhỏ theo phép cũ trị nước.

Sau khi vua Anh Tông băng hà, bà Chiêu Linh – lúc này đã là Thái hậu – vẫn mưu tính đưa con mình là Long Xưởng lên nối ngôi. Hiểu rõ Tô Hiến Thành là bậc trung thần, thanh liêm và ngay thẳng, không dễ gì mua chuộc được, Thái hậu bèn sai người đem nhiều vàng bạc đến gặp riêng vợ ông mà đưa. Biết được việc đó, Tô Hiến Thành bảo: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế giúp vua còn nhỏ, nay lại lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng nữa?” Rồi ông sai người đem trả lại tất cả.

Chưa từ bỏ ý định, Thái hậu lại cho gọi Tô Hiến Thành đến phủ dụ rằng lòng trung của ông, vua còn nhỏ sẽ chẳng biết được, chi bằng nếu ông bằng lòng lập Long Xưởng lên ngôi, bà và vua mới rất biết công lao của ông, chắc chắn ông sẽ được giàu sang mãi mãi. Tô Hiến Thành thẳng thắn đáp: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời tiên đế còn ở bên tai… Thần không dám vâng lệnh”.

Sau đó, Tô Hiến Thành theo đúng di chiếu lập Long Trát lên làm vua tức Lý Cao Tông. Chiêu Linh Thái hậu biết không lung lạc được ông nên định nhân lúc mọi việc chưa ổn định, có thể dùng võ lực đoạt ngôi. Vì vậy, bà lập tức sai người mời gấp Long Xưởng vào cung để bàn kế hoạch. Nghe tin ấy, Tô Hiến Thành họp các quan lại bảo: “Tiên vương tin vào ta và các ngươi nên phó thác ấu chúa. Nay Bảo Quốc vương (Long Xưởng) nghe lời Thái hậu muốn phế bỏ vua mới để tự lập lên ngôi. Các ngươi phải hết lòng gắng sức, tuân lệnh ta truyền bảo. Ai vâng lệnh, ta thưởng cho suốt đời; còn ai làm trái, ta sẽ giết giữa chợ”. Các quan đều nhất nhất nghe theo ông.

Khi Long Xưởng vào đến cửa cung, các quan tuân theo lệnh của Tô Hiến Thành chặn lại. Xưởng quát tháo, đòi phải tránh ra cho mình vào. Các quan bảo: “Chưa có chiếu chỉ, chúng tôi không dám tuân lệnh. Nếu vương cứ cố vào thì kẻ phạm đến vương không phải chúng tôi mà là quân lính đấy”. Long Xưởng vừa sợ vừa thẹn phải bỏ đi. Âm mưu của Thái hậu Chiêu Linh hoàn toàn thất bại.

Những năm cuối đời, Tô Hiến Thành làm Phụ chính, hết lòng chăm lo việc triều chính. Để trao chức vụ cho đúng tài sức của mỗi người, ông xin vua cho khảo xét công trạng, tài năng các quan để phân ra từng loại: Loại người vừa có tài cán và vừa có học thức; loại người siêng năng tài cán nhưng không thông chữ nghĩa; hoặc loại người tuổi cao, đức độ, đã từng trải, biết rõ việc nước… Ông dựa vào sự phân loại đó mà giao trách vụ trong việc quân cũng như việc cai trị. Tô Hiến Thành còn quản lĩnh cả cấm binh. Hiệu lệnh của ông rất nghiêm, thưởng phạt công minh, mọi người đều phục.

Giữa năm 1179, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng và qua đời. Đây là một tổn thất lớn cho nhà Lý vì lúc này vua Cao Tông chỉ mới 8 tuổi, chưa quyết đoán được việc nước trong khi nội bộ triều đình đang có nhiều lục đục. Ngay trong lúc cận kề cái chết, Tô Hiến Thành vẫn hết lòng vì dân vì nước, chọn người vì việc chung, không nệ tình riêng. Sử chép, lúc ông bệnh nặng, quan Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu cận bên cạnh, trong khi Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận lo việc triều chính không lúc nào rảnh rỗi để đến thăm hỏi.

Khi Đỗ Thái hậu, mẹ đẻ vua Lý Cao Tông, đến thăm và hỏi ai có thể thay ông giữ chức Thái úy, Tô Hiến Thành trả lời ngay đó là Trần Trung Tá.

Thái hậu ngạc nhiên bảo: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang cho ông sao không thấy ông nhắc đến?”. Tô Hiến Thành đáp: “Vì Thái hậu hỏi người có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa”.

Tiếc rằng, ý kiến sáng suốt, khôn ngoan đó của ông không được Thái hậu họ Đỗ nghe theo.

Còn Lý Cao Tông khi lớn lên cũng không màng việc nước, chỉ ham thích ăn chơi, phụ lòng mong mỏi và phí công sức phò tá của vị quan thanh liêm, hết lòng vì nước Tô Hiến Thành. Sử gia đời sau đã ghi chép về vua Cao Tông như sau: “Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Người kiện tụng, tranh nhau ruộng đất, tài sản, hễ đem của dâng nạp, vua chẳng hỏi tình lý phải trái thế nào, đều thu mà sung công cả. Vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán, giặc cướp nổi lên như ong”.

Năm 1203, Cao Tông cho xây nhiều cung điện, đền đài làm chỗ vui chơi. Vua còn sai dựng gác Kính Thiên và nghe lời của hoạn quan Phạm Bỉnh Di bắt dân phu phải gấp rút hoàn thành khiến dân chúng vô cùng khổ cực. Trong những năm sau, việc xây dựng càng không ngớt. Hàng ngày, Cao Tông chỉ lo dạo chơi cùng cung nữ. Nghe báo ngoài thành có trộm cướp thì nhà vua lờ đi như không biết.

Từ khi trong nước loạn lạc nổi lên nhiều, không thể du ngoạn xa, Cao Tông sai xây cất hành cung Ứng Phong và Hải Thanh ở ao Ứng Minh để hàng ngày cùng bọn cận thần và cung nữ ăn chơi, múa hát. Vua sai lấy thuyền to làm thuyền ngự, các thuyền nhỏ chia làm hai đội do cung nữ và phường tuồng chèo, bắt chước nghi vệ giống như lúc vua ngự đi chơi xa. Vì vậy, sự lãng phí xa hoa không hề giảm.

Cao Tông còn cho người lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật để không bị thấm nước rồi đem thả xuống ao. Sau đó, vua đi chơi trong hồ sai người lặn xuống mang những món ấy lên dâng, làm như vừa tìm được ở dưới Long cung. Vua lấy thế làm thích.

Các quan trong triều thấy vua chỉ lo ăn chơi nhưng không ai dám mở lời khuyên can. Một người kép hát tên Vũ Cao muốn tìm cách ngăn Cao Tông nên nói dối với quan Thượng phẩm phụng ngự Trịnh Ninh rằng ao đó là nơi trú ngụ của một vị thần rất linh thiêng mà Cao đã từng gặp. Ninh nghe nói rất sợ và tâu lại với Cao Tông. Thế nhưng Cao Tông chẳng những không sợ còn sai lấy sắt để yểm thần và vẫn tiếp tục các trò vui.

Nhưng Cao Tông lại rất sợ tiếng sấm. Vào những lúc mưa gió, sấm sét làm vua vô cùng kinh hãi. Trong bọn quan lại hầu cận siểm nịnh được Cao Tông yêu thích có tên Nguyễn Dư muốn làm vừa lòng vua nên nói dối là mình có phép cấm được sấm. Thế mà Cao Tông cũng tin lời và sai y ngăn không cho sấm nổ nữa. Dư làm phép nhưng sấm vẫn to thêm. Y lại trâng tráo bảo: “Thần đã răn cấm mãi rồi, nhưng vì trời cao nên nó còn dữ tợn như thế.”

Năm 1207, thấy loạn lạc nổi lên khắp nơi, Cao Tông lo sợ phải xuống chiếu tạ lỗi: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa đổi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại”. Tuy nhiên đó chỉ là một việc làm giả dối để tìm cách xoa dịu lòng dân mà thôi. Vua vẫn tiếp tục con đường cũ, không hề sửa đổi.

Tháng 9 năm 1207, Đoàn Thượng, Đoàn Chủ nổi dậy ở Hồng Châu (thuộc Hải Dương). Thượng và Chủ cho xây thành đắp lũy và xưng vương. Cao Tông sai Đàm Dĩ Mông, Phạm Bỉnh Di, Trần Hinh và Bảo Trinh hầu cùng đem quân đánh dẹp.

Đoàn Thượng liệu thế không chống nổi nên sai người đem của cải đút lót cho quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du. Phạm Du dùng lời nói khéo tâu xin khiến Cao Tông buộc Dĩ Mông, Bỉnh Di phải đem quân về.

Năm 1209, Cao Tông sai Phạm Du trông coi việc quân ở Nghệ An. Du có ý làm phản, chiêu tập bọn đầu trộm đuôi cướp, lập lực lượng riêng gọi là hậu binh, ngang nhiên đi cướp bóc. Giặc cướp do đó càng nổi lên như ong. Cao Tông thấy tình hình nguy khốn, sai Phạm Bỉnh Di đem quân lính đánh dẹp.

Lúc đầu, Phạm Du liên kết với Đoàn Thượng, Đoàn Chủ đánh thắng Bỉnh Di nhiều trận. Bỉnh Di một mặt chấn chỉnh lại lực lượng một mặt giữ kỷ luật rất nghiêm, kẻ nào nhút nhát toan bỏ trốn sẽ bị chém. Vì thế trong những trận sau, Phạm Du bị thua to phải chạy trốn. Bỉnh Di tịch thu tài sản của Du, đốt hết đồn trại; sau đó, đem quân đánh Hồng Châu, giết được Đoàn Chủ.