Tập 20: Nhà Lý suy vong

Lúc bấy giờ Phạm Du ngầm sai người về triều đem vàng bạc mua chuộc một số quan lại. Bọn này vu cho Bỉnh Di là người tàn ác, hiếu sát. Đồng thời Phạm Du không ngớt kêu oan. Cao Tông chẳng phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, cho gọi cả hai về triều. Phạm Du nhanh chân về trước, hết lời vu tội cho Bỉnh Di; những tên quan ăn của đút cũng thêm bớt vào khiến Cao Tông tin lời Phạm Du là thật.

Khi Bỉnh Di về đến kinh đô, định vào triều yết kiến Cao Tông, có người can ngăn và cho biết: “Vua đã nghe lời Phạm Du, giận ông chưa nguôi đâu”. Bỉnh Di không tin, cho rằng xưa nay mình vẫn được vua tin dùng, nay lại chẳng làm gì sai mà phải sợ lời dèm pha nên vẫn cứ đi. Không ngờ, vừa trông thấy hai cha con ông ta, Cao Tông đã sai lính bắt giam vào ngục.

Quách Bốc, tướng dưới trướng của Bỉnh Di, nghe tin rất tức giận, đem quân đến cứu. Đến cửa Đại Thành, bị lính canh chặn lại, Bốc tức giận phá cửa thành mà vào. Phạm Du vội vàng giết hai cha con Bỉnh Di rồi đưa Cao Tông chạy trốn.

Thái tử Sảm, con trưởng của Cao Tông mới 15 tuổi, cũng chạy lánh nạn ra vùng Hải Ấp (Thái Bình). Nơi đây có nhà Trần Lý, tổ tiên vốn làm nghề chài lưới ở An Bang, sau dời qua làng Tức Mặc (nay thuộc Mỹ Lộc, Nam Định) và trở nên giàu có. Họ Trần mua ruộng đất lập trang trại ở Hải Ấp, chiêu mộ binh lính và trở thành một dòng họ có thế lực mạnh ở địa phương.

Trần Lý gả con gái là Trần Thị Dung cho Thái tử Sảm và mộ quân đánh chiếm lại Thăng Long. Cuối năm 1209, quân Trần rước Cao Tông về kinh đô. Trần Tự Khánh, con thứ của Trần Lý, anh của Trần Thị Dung được phong là Thuận Lưu bá.

Năm 1210, Cao Tông chết. Thái tử Sảm (16 tuổi) lên ngôi tức Lý Huệ Tông. Vừa lên ngôi, Huệ Tông lập tức cho đón Trần Thị Dung về kinh lập làm Nguyên phi và phong tước cho người họ Trần. Huệ Tông giao việc triều chính cho Thái úy Đàm Dĩ Mông trông coi. Nhưng Dĩ Mông là người không có học thức, không tài cán lại nhu nhược. Vì thế chính sự ngày càng suy sụp.

Một số quan lại, hào trưởng địa phương nhân đó nổi lên chống triều đình nhà Lý và thôn tính lẫn nhau. Bấy giờ có ba thế lực lớn là họ Đoàn ở Hồng Châu, họ Trần ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và họ Nguyễn ở Quốc Oai. Ba thế lực đó tìm cách tiêu diệt nhau nên chiến tranh xảy ra liên miên, nhất là giữa họ Trần và họ Đoàn đang chiếm giữ các vùng đất nằm cạnh nhau.

Triều đình Lý đã quá suy yếu nên phải tìm một thế lực mạnh mẽ để dựa cậy. Một số cựu thần sợ họ Trần cướp ngôi nên khuyên Lý Huệ Tông dựa vào họ Đoàn. Lợi dụng danh nghĩa phò vua, họ Đoàn đem quân đánh họ Trần và giành thắng lợi. Đoàn Thượng được vua Lý phong tước hầu và đem quân về Thăng Long.

Trần Tự Khánh thua, phải liên kết với quân của Nguyễn Tự ở Quốc Oai để chống họ Đoàn. Cho rằng Khánh có ý phản nghịch, lại bị mẹ đẻ là Thái hậu họ Đàm dèm pha nên Lý Huệ Tông giáng Nguyên phi Trần Thị Dung xuống làm Ngự nữ (1211). Sau đó, thấy lực lượng liên quân ngày càng mạnh, Huệ Tông sợ hãi không dám ra mặt chống lại, nên cũng phải phong cho Tự Khánh tước hầu.

Tháng 2 năm 1212, Nguyễn Tự bị trúng tên chết trong một trận giao chiến. Lợi dụng tình hình đó, Huệ Tông thân chinh đem quân đánh vào căn cứ của y nhưng bị thua phải chạy sang Đông Ngạn (Bắc Ninh) và sau đó tìm đường lên châu Lạng. Trần Tự Khánh được tin, cho người chặn đường đón Huệ Tông và rước về kinh đô.

Sống dưới sự bảo trợ của Trần Tự Khánh nhưng Huệ Tông cùng Thái hậu và một số cận thần vẫn mưu diệt trừ y. Tuy nhiên, lần này cũng lại thất bại. Vua cùng Thái hậu và những kẻ tâm phúc phải bỏ kinh thành chạy lên châu Lạng lần nữa. Trần Tự Khánh vẫn đóng ở Thăng Long và sai người đến châu Lạng rước vua về. Nhưng Huệ Tông nghe theo lời Thái hậu, không về với Tự Khánh mà đến Nam Sách tiếp tục tìm cách trừ họ Trần.

Không đón được Huệ Tông về, Tự Khánh lập Huệ Văn vương (con của Lý Anh Tông) lên ngôi vua (tức Nguyên vương). Lúc ấy, một số tướng của Tự Khánh như Nguyễn Nộn, Đỗ Bị làm phản, kéo quân về uy hiếp Thăng Long. Tự Khánh đốt kinh thành rồi đưa vua mới đến ở tại hành cung Lý Nhân (Phủ Lý, Hà Nam).

Lúc bấy giờ, chính quyền nhà Lý ở nhiều nơi hầu như đã tan rã. Nhiều tướng tâm phúc với triều Lý lại trở mặt làm phản. Vì vậy, Huệ Tông và Thái hậu tuy vẫn muốn tiếp tục chống Trần Tự Khánh nhưng không biết dựa cậy vào ai. Trước tình thế đó, Huệ Tông đành phải đưa Thái hậu quay về nương nhờ họ Trần.

Mùa xuân năm Bính Tý (1216), Huệ Tông sách phong cho Trần Thị Dung từ Ngự nữ lên làm Phu nhân Thuận Trinh. Thái hậu họ Đàm tuy phải nương nhờ họ Trần nhưng vẫn luôn mang lòng thù ghét. Vì vậy, việc Trần Thị Dung ở trong cung như là cái gai trước mắt. Nhiều lần bà mắng Trần phu nhân là giặc và bảo Huệ Tông đuổi đi. Thái hậu còn sai bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của phu nhân. Huệ Tông biết ý, mỗi bữa đều chia thức ăn của mình cho bà và sai hầu hạ bên mình, không dám cho đi đâu.

Lén bức hại mãi không được, Thái hậu tức giận, không cần giấu diếm, thẳng thừng sai người đem thuốc độc đến buộc Trần thị uống. Huệ Tông hết sức can ngăn mới thoát được. Sợ rằng cứ kéo dài tình trạng này thì có lúc vợ yêu phải chết dưới tay mẹ đẻ, đêm ấy Huệ Tông đành phải đưa bà trốn khỏi Thăng Long đến với Trần Tự Khánh. Khánh lập tức phế Huệ Văn vương để đón Huệ Tông.

Giữa năm 1216, phu nhân Thuận Trinh sinh hạ công chúa Thuận Thiên. Cuối năm đó, Huệ Tông lập bà làm Hoàng hậu và phong cho Trần Tự Khánh là Thái úy. Tự Khánh lần lượt đánh thắng các nhóm cát cứ khác và đưa Huệ Tông về kinh đô. Từ đó, triều đình đã có thể kiểm soát được các địa phương trong nước. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết. Người anh là Trần Thừa được làm Phụ quốc thái úy. Em họ là Trần Thủ Độ được giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, thống lĩnh cấm quân của triều đình.

Thời gian này, Huệ Tông thường nổi cơn điên, múa may quay cuồng, tự xưng là thiên tướng giáng hạ. Khi hết cơn lại uống rượu ngủ li bì, nên quyền hành thật sự nằm trong tay họ Trần. Huệ Tông không có con trai, chỉ có hai người con gái: công chúa Thuận Thiên đã gả cho Trần Liễu (con cả của Trần Thừa) và công chúa Chiêu Thánh kém chị 2 tuổi. Năm 1224, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, mới lên 7 tuổi, tức Lý Chiêu Hoàng. Quyền hành trong triều nằm trong tay của Trần Thủ Độ, một con người đầy mưu lược.

Trần Thủ Độ tìm cách lấy ngôi của nhà Lý về cho nhà Trần nên đưa Trần Cảnh, 8 tuổi, con thứ của Trần Thừa vào cung hầu hạ vị vua nhỏ. Lúc đầu Cảnh làm các công việc bên ngoài thánh cung. Sau đó, Cảnh được giao việc bưng nước cho Chiêu Hoàng rửa mặt nên vào hầu bên trong.

Chiêu Hoàng thấy Trần Cảnh cùng lứa tuổi nên thường trêu chọc, đùa giỡn. Có lần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng lấy tay vốc nước lên té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu. Khi Trần Cảnh bưng trầu thì Chiêu Hoàng lấy khăn ném vào Cảnh để đùa vui.

Những lúc như thế, Trần Cảnh không dám nói gì, nhưng khi về đều thuật lại cho Trần Thủ Độ nghe. Thấy đó là một cơ hội tốt để đoạt ngôi báu của họ Lý, Thủ Độ vừa mừng vừa lo, bảo: “Nếu thực như thế thì họ ta hoặc thành hoàng tộc hoặc là bị diệt”. Rồi ông căn dặn Trần Cảnh cách xử sự nếu Chiêu Hoàng lại tiếp tục đùa giỡn như thế.

Một hôm, Chiêu Hoàng lại ném khăn trầu vào Trần Cảnh. Nhớ lời chú họ đã dặn, Cảnh vội sụp lạy và thưa: “Bệ hạ có tha tội cho hạ thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười bảo: “Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó”.

Lập tức Trần Thủ Độ cho tập họp gia tộc họ Trần vào cung, đóng hết cửa thành, cấm không được ai ra vào và loan báo Chiêu Hoàng đã kết hôn với Trần Cảnh. Ít lâu sau, Trần Thủ Độ cho họp bá quan tại triều và theo sự sắp xếp của ông, vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng không chỉ kết thúc một năm làm vua của mình mà còn chấm dứt cả triều đại nhà Lý với 8 đời vua trị vì tổng cộng 216 năm.

Ảnh trên: Tượng vua Lý Thần Tông thờ tại đền Đô tức đền Lý Bát Đế ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Vết tích lăng Đường Gio (vua Lý Thần Tông), xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Ngọc Hải

Ảnh trên: Tượng vua Lý Anh Tông thờ tại đền Đô tức đền Lý Bát Đế, xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Vết tích lăng Đường Thuẫn (vua Lý Anh Tông), xã Đình Bảng, Bắc Ninh
Ảnh: Ngọc Hải

Ảnh trên: Tượng vua Lý Cao Tông thờ tại đền Đô tức đền Lý Bát Đế, xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Vết tích lăng Thủ Sơn (vua Lý Cao Tông), xã Đình Bảng, Bắc Ninh
Ảnh: Ngọc Hải

Ảnh trên: Tượng vua Lý Huệ Tông thờ tại đền Đô tức đền Lý Bát Đế, xã Đình Bảng, Bắc Ninh
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới: Vết tích lăng Long Trì (vua Lý Huệ Tông), xã Đình Bảng, Bắc Ninh
Ảnh: Ngọc Hải

Ảnh trên: Lăng Cửa mả tương truyền là lăng của Lý Chiêu Hoàng, xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh dưới: Tượng Lý Chiêu Hoàng thờ trong đền Rồng, xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh trên: Đền rồng thờ Lý Chiêu Hoàng, nhìn phía trước mặt, xã Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ảnh: Đức Hòa
Ảnh dưới:
+ Tiền “Đại Định thông bảo” đời vua Lý Anh Tông (1136-1175).
+ Tiền “Trị Bình nguyên bảo” đời vua Lý Cao Tông (1175-1210).
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Ảnh: Đức Hòa

Ảnh 1: Hang Thánh Hóa tương truyền là nơi Từ Đạo Hạnh đã đập đầu để hóa thân. Di tích trên núi chùa Thầy. Ảnh: Đức Hòa
Hình 2: Tượng thân mẫu Từ Đạo Hạnh chạm đá, tại chùa Lý Triều Quốc Sư, Hà Nội.
Hình 3: Tượng Từ Đạo Hạnh chạm đá, tại chùa Lý Triều Quốc Sư, Hà Nội.
Sách: Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam.

Khu di tích đền Đô, nơi thờ 8 đời vua Lý. (theo tài liệu trưng bày tại đền)

  1. Nhà hậu cung
  2. Nhà chuyển bồng
  3. Nhà tiền tế
  4. Nhà vuông
  5. Năm cửa rồng
  6. Nhà kiệu
  7. Nhà ngựa
  8. Nhà bia
  9. Đền vua Bà
  10. Nhà khách 1,2
  11. Nhà chủ tế H.C
  12. Hồ bán nguyệt
  13. Nhà múa rối nước
  14. Nhà bia
  15. Nhà thủy tạ
  16. Văn chỉ
  17. Võ chỉ
  18. Nhà hiệu
  19. Cột trụ
  20. Ngoại thất nội thành
  21. Ngoại thất ngoại thành
  22. Cổng nội thành
  23. Voi quỳ

Tài liệu Tham khảo

  1. Đại Việt Sử Ký toàn thư(bản dịch). Tập 1. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  2. Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao thời Lý, Hoàng Xuân Hãn, NXB Văn học, Hà Nội, 1994.
  3. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1992.
  4. Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Trung tâm học liệu.
  5. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1, Trần Quốc Vượng và Trần Văn Tấn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1987.
  6. Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.
  7. Danh nhân Hà Nội, Hội văn nghệ Hà Nội, 1973.
  8. 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Thạch Phương, Lê Trung Vũ, NXB Khoa học xã hội, 1995.
  9. Hà Nội – thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Sự thật, 1984.
  10. Hà Sơn Bình – di tích và thắng cảnh, Sở VHTT Hà Sơn Bình, 1985.

Phụ lục

Nghệ thuật gốm Lý – trần

Đế gốm men ngọc dùng để đỡ ly rượu hoặc bát cơm. Thế kỷ 11-12. Cao 3cm. Hoa văn lòng đĩa khắc chìm.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Nghề gốm ở Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời. Từ thế kỷ 11, cùng với việc nhà Lý lên ngôi, kỷ nguyên độc lập và thịnh vượng của Đại Việt bắt đầu. Và cũng từ đây, Việt Nam đã có nghệ thuật chế tác gốm mang bản sắc dân tộc độc đáo. Do việc dời đô về Thăng Long năm 1010, nhiều trung tâm sản xuất gốm đã xuất hiện ở châu thổ sông Hồng và tiếp tục phát triển đến nhiều thế kỷ sau như Bát Tràng, Phủ Lãng, Thổ Hà, Hương Canh…

Đầu tiên phải nói đến những sản phẩm gốm phục vụ cho nhu cầu xây dựng, kiến trúc rất lớn thời bấy giờ. Với nhiều kỹ thuật tạo khối, trổ thủng, dập nổi, chìm v.v… phối hợp với hoa văn trang trí cúc, sen, rồng, đầu đao, tượng tròn, con giống… cho ta hình dung một phần sự tráng lệ của các công trình kiến trúc thời đó. Đồ gốm dân dụng cũng có nhiều loại, gốm hoa nâu, gốm men ngọc, gốm độc sắc, sành không men… Có nhiều đồ gốm khá lớn, kiểu dáng tinh tế chứng tỏ sự chuyên môn hóa cao của các nghệ nhân gốm thế kỷ 11-12. Gốm hoa nâu (là loại gốm kết hợp giữa kỹ thuật khắc vạch họa tiết bằng cào tay, hoặc que tre, điểm men nâu sắt sau đó phủ men trắng hoặc ngà) thường được làm các loại đồ đựng lớn như thạp, chum, ang, chậu… Về kiểu dáng, phổ biến nhất vẫn là các loại thạp, chum: vai đắp nổi hình cánh sen, thân vẽ men nâu hình nhân vật, chim, thú đến hoa văn hình dây leo sen, cúc. Nói chung cái đẹp của gốm hoa nâu là sự thống nhất đến dung dị, hài hòa giữa đồ án trang trí, kiểu dáng và thấm đậm tinh thần Phật giáo. Ngược lại, gốm men ngọc thanh nhã, sang trọng, mang nhiều tính chất cung đình, hình dáng thường chắt lọc mẫu từ hoa, quả tự nhiên.

Ảnh 1: Hình gốm con vẹt trên chân đế hình cánh sen, men màu trắng ngà. Đây có lẽ là loại men có sớm nhất trong các loại men gốm thời Lý. Chiếc bình này có thể dùng làm đèn dầu. Niên đại thế kỷ 11-12. Dài 17,2cm. Sưu tập của Hội gốm Đông Nam Á – Nhật Bản.

Hay gặp nhất là loại bát, đĩa có chân đế rất nhỏ, miệng loe rộng, uốn lượn hình lá sen hoặc thân bát, lòng bát vuốt gờ hình cánh hoa sen, hoa súng. Màu men xanh trong như ngọc bích, họa tiết hoa dây lúc khắc chìm, khi dập nổi, ẩn hiện như gấm, như mây rất tinh xảo. Phải nói trong 200 năm phát triển dưới vương triều nhà Lý, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chế tác gốm nói riêng đã đạt được nền móng vững chắc cho sự kế thừa nghệ thuật thời Trần và cả sự tiếp nối cho những thế kỷ sau. Nó đã khẳng định chỗ đứng cho một nền nghệ thuật dân tộc độc đáo, đó là sự kết hợp hài hòa ảnh hưởng bên ngoài với truyền thống bản địa, giữa tôn giáo, vương quyền và thực

tế đời sống của nhân dân. Nó mở đầu cho một giai đoạn văn hóa rực rỡ trong lịch sử, dòng chảy văn hóa Lý – Trần, mà gốm Lý – Trần có thể nói là đỉnh cao của nghệ thuật gốm trong lịch sử phong kiến Việt Nam.