Tập 20: Nhà Lý suy vong
Ảnh 2: Chiếc nén hình bông sen nở trên chân đế hình cánh hoa sen. Đồ án trang trí mô phỏng bông hoa sen đang nở này được dùng khá nhiều trong các sản phẩm gốm Lý. Niên đại thế kỷ 11-12. Đào được ở Thanh Hóa. Đường kính 13cm. Sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử hoàng gia Bỉ – Brussel.
Gốm thời Trần: Cách tạo dáng món đồ thường chắc chắn, cốt gốm dày hơn, hoa văn trang trí thường được viền khung khúc chiết. Đặc biệt gốm thời Trần quan tâm nhiều hơn đến men độc sắc: trắng, lục, nâu mật… Bắt đầu phát triển mạnh loại gốm vẽ hoa văn lam hoặc chàm dưới men (gốm hoa lam) với nhiều loại bát, chén có chân đế cao, lọ hình đàn tỳ bà, chân đèn… Cách tạo dáng khỏe, bề thế; nét hoa văn điêu luyện, tinh xảo; phân bố hoa văn có phần dày đặc, chặt chẽ. Cũng vào thời Trần, đồ gốm đã được dùng phổ biến trong dân chúng và vào khoảng thế kỷ 14, gốm Việt Nam phục vụ thị trường trong nước chuyển sang sản xuất xuất khẩu.
Tiếp tục dòng chảy của gốm Lý (gốm Lý nhẹ nhàng uyển chuyển, nặng tính lý tưởng hóa và huyền bí), gốm thời Trần mạch lạc, mạnh mẽ, nặng tính biểu cảm và hiện thực.
Đồ gốm thời Lý – Trần đã để lại cho chúng ta những tác phẩm mỹ thuật quý báu, trong đó chứa đựng một phần tinh hoa văn hóa của dân tộc.
- Đĩa gốm vẽ vết chân chim. Kho Văn Miếu – Hà Nội.
- Đĩa gốm men da lươn, khắc chìm, phủ men. Bảo tàng Lịch sử – thành phố Hồ Chí Minh.
- Đĩa nông lòng men trắng ngà, họa tiết hoa cúc cách điệu bằng kỹ thuật khắc vạch bằng que tre, đường nét uyển chuyển, điêu luyện, nét khắc mềm mại có cảm giác như được dùng bằng bút lông, mực Tàu trong tranh thủy mặc. Niên đại thế kỷ 12-13. Đường kính 25cm. Đào được ở Thanh Hóa. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Bát miệng lượn hình lá sen, vẽ màu nâu sắt phủ men trắng tro, một loại men khá phổ biến ở các sản phẩm gốm bình dân thế kỷ 13-14. Vẽ theo lối phóng bút của nghệ thuật thư họa, đề tài hoa văn trang trí được đơn giản đến mức tối thiểu. Đường kính 14cm. Thế kỷ 13-14. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Ấm chuyên rượu hình đàn tì bà, men màu nâu mật. Thân ấm đắp nổi họa tiết rồng cuộn tròn, khá phổ biến thời Lý. Thế kỷ 11-12. Cao 12cm. Đào ở Hải Dương. Sưu tập cá nhân.
- Ấm men ngọc hình quả hồng tạo thành 6 múi, quai nhỏ dùng để trang trí, vòi ấm có họa tiết hình mây cách điệu, nắp lượn hình lá sen. Cao 18cm. Thế kỷ 13-14. Đào ở Thanh Hóa. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Ấm và chén men màu nâu mật, bụng phình to, cổ ấm thu nhỏ, miệng loe, vòi ấm trang trí hình lá hoa cúc cách điệu. Lớp men phủ chảy tự nhiên, chỗ đậm chỗ nhạt mềm mại. Trong các sản phẩm gốm của người Việt, có lẽ phong phú nhất về kiểu dáng vẫn là các dạng ấm. Cao 18,5cm. Thế kỷ 13-14. Đào được ở Hà Tây. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Ấm thân chia làm nhiều múi, men trắng ngà, vòi dài có nhiều cạnh, miệng cuộn tròn, vai ấm hình cánh sen đắp nổi, hai tay cầm dùng để trang trí, đế thắt hình đôn. Thế kỷ 11-13. Cao 13,5cm. Sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Boston – Mỹ.
- Lọ dáng đàn tỳ bà, bụng phình, cổ thắt nhỏ, miệng loe, vẽ màu sắt dưới men trắng. Đây là sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, ảnh hưởng của gốm thời Nguyên – Trung Quốc. Sản phẩm được trau chuốt kĩ lưỡng, nhịp nhàng về tỉ lệ. Thân lọ vẽ chia làm tám ô, viết bốn chữ “kim hồ đắc ngọc”, có nghĩa là cái lọ vàng đựng nước ngọc. Giữa các ô chữ là ô vẽ hoa văn hình sóng nước. Đối lập với sự chắt lọc trong cách tạo dáng chiếc lọ là nét vẽ phóng bút mềm mại mang nặng tinh thần nghệ thuật thư pháp. Cao 35,5cm. Thế kỷ 13-14. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Chân đèn gốm hoa lam, vai và cổ đèn đắp nổi hình đầu voi giữa hai đường viền phủ men màu nâu sắt. Giai đoạn này, gốm hoa lam Việt Nam đã đạt trình độ cao về kỹ thuật men và kỹ thuật cũng như nghệ thuật thể hiện. Cách tạo dáng đầy đặn, chắc chắn, hoa văn nhiều tầng lớp, nét vẽ tinh xảo. Thế kỷ 14. Cao 16,5cm. Sưu tập cá nhân – Hà Nội.
- Liễn gốm men rạn, hoa nâu. Thế kỷ 14. Cao 32,5cm. Bảo tàng Lịch sử – Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hai bát gốm men hoa lam. Thế kỷ 13-14. Bảo tàng Nam Định. Ảnh: Sách Mỹ thuật thời Trần.