Tập 3: Huyền sử đời Hùng – Bánh chưng bánh giày – Trầu cau – Quả dưa đỏ

Trò chơi ưa thích nhất của Tân và Lang là đổi khố giả dạng lẫn nhau để trêu bạn bè. Những buổi biểu diễn vừa thổi kèn vừa cõng nhau nhảy múa của Tân và Lang luôn luôn là trọng tâm của các lễ hội. Tuổi niên thiếu của Tân và Lang trôi qua êm đềm trong tình thương yêu của cha mẹ. Thấm thoắt hai anh em đã đến tuổi trưởng thành.

Sau buổi lễ thành đinh(*), ông bà Cao gửi Tân và Lang theo học đạo sĩ Lưu Huyền. Chẳng bao lâu sau ông Cao lâm bịnh nặng và từ trần. Theo phong tục thời ấy, Tân giã vào cối. Âm thanh lẻ loi của một chiếc chày va vào cối vang qua núi đồi khe suối trong đêm thanh vắng là tín hiệu trông tin cho láng giềng, làng xã biết có người lìa đời và tang quyến cần sự giúp đỡ.

  • Lịch sử Việt Nam bằng tranh tập 2: phần Con Rồng Cháu Tiên.

Lòng nặng trĩu buồn đau, hai anh em nhờ hàng xóm giúp mẹ trông nom nhà cửa rồi đi sâu vào rừng. Họ cố tìm cho được một cây cổ thụ vừa ý rồi đốn xuống. Suốt ngày trời họ cắt nhánh tỉa cành rồi đẽo đục. Họ khoét rỗng thân cây để làm cho cha một chiếc quan tài. Đến chiều thì hoàn thành. Đó là chiếc quan tài có hình dáng như một chiếc thuyền. Họ khiêng về để cùng bà Cao tiến hành việc khâm liệm.

Ở nhà bà Cao cũng đã sửa soạn mọi thứ sẵn sàng. Bà gom lại những vật dụng mà ông Cao vẫn thường dùng hàng ngày như nồi niêu, chén bát, mâm đồng, lọ đồng, chiếc rìu, chiếc cuốc… và đặc biệt cả bộ cung tên vì ông vốn là một thợ săn bắn bách phát bách trúng. Những thứ ấy được để trong quan tài chôn theo ông Cao. Đấy là tục lệ chia gia tài cho người chết. Con người trong khi sống đã lao động để có được của cải thì khi chết có quyền đem theo một số thứ cần thiết. Con người thời ấy quan niệm về của cải vật chất và về sự công bằng như thế.

Chôn cất ông Cao xong, do lòng thương nhớ chồng, bà Cao phát bạo bệnh và chỉ vài tháng sau là đi theo ông Cao về suối vàng. Trở nên côi cút, Tân và Lang ở hẳn bên nhà của đạo sĩ họ Lưu. Tân và Lang hiền lành, chăm chỉ, vì thế họ được gia đình họ Lưu thương yêu. Đặc biệt cô Lưu Liêu, con gái của ông bà Lưu Huyền quan tâm săn sóc hai anh em từng bữa cơm.

Lưu Liêu cũng cùng trong lứa tuổi với Tân và Lang. Cô xinh xắn, lanh lợi và vẫn thường quẩy gùi theo hai anh em vào rừng mỗi khi họ đi săn để giúp thu lượm thú. Tuy gần gũi với Tân và Lang nhưng cô vẫn không phân biệt được ai là anh và ai là em, bởi vì từ khi mẹ mất, Tân và Lang lại dùng khố lẫn với nhau và không hề thổ lộ cho biết mình là ai. Liêu vô cùng tò mò và muốn khám phá ra sự thật.

Cuối cùng cô cũng đã tìm ra một cách. Nguyên vào thời bấy giờ cuộc sống trong gia đình người dân Văn Lang đã có trên có dưới: Cha mẹ lo cho con, con cái vâng lời cha mẹ; anh thương em, em nhường anh. Biết như vậy, một hôm cô Liêu dọn cơm cho hai anh em ăn nhưng trớ trêu chỉ để trên mâm một cái chén và một đôi đũa. Sau đó, cô lùi vào trong và núp sau bức vách để quan sát.

Tân và Lang vô tình không biết, ngồi vào mâm để ăn. Thấy chỉ có một đôi đũa và một cái chén, Lang bèn cầm lên mời anh ăn trước. Liêu trông thấy và từ đấy phân biệt được anh em.

Thấy con gái đã đến tuổi lập gia đình, ông bà Lưu Huyền muốn chọn Tân hoặc Lang làm rể. Một hôm ông bà Lưu hỏi ý kiến con gái. Liêu cho mẹ biết là cô muốn lấy người anh. Tân lâu nay cũng đã để ý tới Liêu. Biết Liêu thương mình, chàng thấy không còn gì hơn nữa.

Để chuẩn bị cho đám cưới, Tân và Lang đi chặt cây dựng một căn nhà mới tinh còn thơm mùi tre gỗ. Giống như những căn nhà khác vào lúc ấy, nhà của họ cũng được làm bằng gỗ, tre, nứa, lá. Mái cong hình thuyền chấm sát sàn nhà tạo nên không gian ấm cúng cho những bữa cơm gia đình. Họ còn làm thêm một căn nhà nhỏ để làm kho bên cạnh căn nhà chính. Nơi đây họ chứa lúa và các vật dụng làm ruộng, săn bắt.

Sau đám cưới Tân đón vợ về căn nhà mới, Lang cũng ở chung với anh và chị dâu. Từ khi có vợ, bận rộn với tình cảm gia đình, Tân không còn chăm sóc Lang chu đáo như xưa dù vẫn rất thương yêu em. Những ngày đầy ắp hạnh phúc của tuổi thơ không còn đến với Lang nữa. Điều ấy làm cho Lang không ngăn được tâm trạng tủi hờn. Anh trở nên ít nói, dễ buồn, dễ giận, thường lang thang một mình trong rừng, nhưng những điều ấy vẫn không được Tân để tâm đến.

Một hôm Tân và Lang cùng đi săn. Ông mặt trời sắp đi ngủ, nhưng Tân vẫn đang say mồi, anh bèn bảo Lang về trước báo tin cho Liêu còn mình thì đuổi theo con thú.

Lang lủi thủi quay trở về một mình trong ánh sáng chập choạng của buổi hoàng hôn. Lúc ấy Lưu Liêu đang đứng cạnh cầu thang trông ngóng. Thoáng thấy bóng người, Liêu vội vàng chân thấp chân cao chạy ra đón. Trong khi hối hả, vả lại trời cũng đã tối đen, Liêu cứ ngỡ là chồng nên nàng âu yếm ôm lấy Lang, thủ thỉ:

  • Chàng về muộn, em mong quá!

Biết chị dâu lầm mình với anh trai, Lang rất bối rối. Chàng gỡ tay chị dâu kêu lên:

  • Thưa chị, em là Lang đây.

Sững sờ, Liêu rụt tay lại. Không biết phải làm gì, nàng im lặng quay trở vào nhà.

Lang cảm thấy vừa khó xử, vừa ngượng ngùng: “Anh ta đã lợt lạt với ta, bây giờ thêm chuyện này nữa, chắc anh ấy sẽ hất hủi ta thêm thôi. Chi bằng ta hãy rời bỏ chốn này”.

Thế là Lang quyết ra đi. Nhắm hướng về làng quê cũ, anh đi mãi, đi mãi. Đêm đã khuya, sương đã xuống, một con sông sâu chắn bước chân anh. Không một bóng người, không một chiếc thuyền, chỉ có làn sương mờ lãng đãng trên mặt nước lạnh lùng. Lang ngồi xuống bên bờ gục đầu khóc nức nở. Trả lời anh là tiếng chim đêm lẻ loi. Nước mắt càng chảy, Lang càng tủi thân.

Những hình ảnh hạnh phúc của quá khứ xuất hiện chập chờn trước mắt anh. Cảnh hai chú bé Tân, Lang nghịch ngợm, cõng nhau nhảy múa cuốn hút anh vào cơn mê. Và cứ như thế, anh chìm dần, chìm dần vào cõi hư không. Anh đã biến thành hòn đá cô đơn bên cạnh bờ nước. Nước vẫn vô tình róc rách trôi. Lá rừng vẫn vô tình xào xạc lay. Có ai hay chăng nỗi lòng cay đắng của Lang?

Về phần Tân, sau khi Lang đã trở về, anh cũng bắn hạ được con mồi. Đó là một con nai non với cặp gạc mới nhú và bộ lông mượt mà. Anh sung sướng thốt lên:

“Ta sẽ dành cho em Lang bộ lông để may áo cho mùa lạnh tới. Đã lâu rồi hình như ta không chăm sóc em”. Lòng hớn hở, Tân quẩy con thú lên vai quay về nhà, Liêu đang ngồi buồn bã bên bếp lửa heo hắt.

Thấy Tân, Liêu vội vàng đứng lên, nước mắt lưng tròng, kể lại chuyện xảy ra:

  • …thế rồi chú ấy quày quả đi, đến bây giờ vẫn chưa thấy về. Tân bàng hoàng ngồi xuống, cố gượng nói:
  • Chắc là chú ấy đi đâu đó, ta chờ xem.

Hai người ngồi bên bếp lửa ngóng chờ. Bếp lụi, trời hừng sáng vẫn không thấy Lang đâu. Lòng Tân vô cùng lo âu và hối hận.

Tân tê tái nhận thấy mình đã vô tình hững hờ cùng em lâu nay, anh đau đớn thốt lên:

  • Bây giờ em ở đâu Lang ơi! Anh đi tìm em đây.

Tân đi theo lối mòn mà hôm trước Lang đã đi qua. Những cành cây gãy, những vết chân trên cỏ chỉ lối cho anh. Anh lần theo dấu vết cho đến bờ sông thì thấy bóng Lang vẫn còn ngồi bên bờ nước. Tân mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy em, nhưng than ôi, Lang đã hóa thành hòn đá vô hồn.

Đau đớn cực độ, Tân ngã xuống chết, hóa thành một cây thân cao mọc thẳng tắp, có tán lá phía trên như chiếc lọng. Cây xòe lá như muốn ôm choàng che chở cho người em ở dưới khỏi nắng mưa. Lại nói Liêu ở nhà đợi mãi không được, cô cũng lên đường đi kiếm chồng và em. Đến bờ sông thấy bên cạnh hòn đá mang dáng hình của Lang và một cây cao lạ lùng chưa từng có, Liêu ngồi xuống ôm lấy thân cây khóc than rồi chết và biến thành một loại dây leo âu

yếm quấn quanh thân cây.

Ông bà Lưu Huyền không thấy ba người về cũng bổ đi tìm. Họ đến được bên bờ sông thì thấy hòn đá và hai cây lạ. Họ hỏi thăm và được dân trong vùng kể lại chuyện. Hai ông bà đau xót lập miếu thờ ba người. Trước tấm gương anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa, dân chúng quanh vùng thường xuyên thờ cúng hương khói. Một năm vào tiết tháng bảy nóng rực, trời khô hạn, cây cỏ chết héo nhưng hai cây lạ vẫn xanh tươi um tùm.

Vua Hùng đi tuần du ngang đấy, thấy lạ, vua hỏi thăm thì được nghe kể lại câu chuyện thương tâm kia. Vua bồi hồi nhớ lại vị Quan lang mà vua đã từng ban cho họ Cao. Vua sai người trèo lên cây hái trái, đoạn vua thân hành nhai trái lạ cùng lá dây leo. Lá cay và trái chát hợp thành một vị nồng thơm ngát làm vua ngây ngất như vừa uống xong ly rượu nếp thơm. Vua lại nhổ nước xuống hòn đá thì một màu đỏ như máu xuất hiện. Vua cảm động kêu lên:

  • Quả đúng là họ. Chỉ có tình yêu của họ mới nồng nàn như men rượu và son sắt như máu đào thế này.

Vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải trồng loại cây ấy. Dần dần dân Lạc Việt ưa thích ăn trầu cau. Nhất là các cô gái, bởi vì miếng trầu cau có quệt tí vôi từ hòn đá, khi ăn vào họ thấy người vui vẻ, môi đỏ má hồng, xinh đẹp hẳn lên, ăn nói thì lại hoạt bát ra. Từ đó ăn trầu thành thói quen, cứ gặp nhau là mời nhau ăn trầu, sau đó mới bắt đầu câu chuyện. Vì thế trong dân gian có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Về sau vua Hùng ra lệnh dùng trầu cau và vôi vào các cuộc cưới hỏi. Trầu cau và vôi trở thành những thứ không thể nào thiếu được trong bất kỳ hôn lễ nào. Tục lệ ấy vẫn còn cho đến bây giờ. Dân chúng ca tụng tính chất nồng nàn của trầu cau như sau:

“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng

Cau khô ăn với trầu vàng xứng không?”

Sự tích quả dưa đỏ, hay còn gọi là dưa hấu kể về Mai An Tiêm, một người lao động biết tin vào bản thân, kiên trì và sáng tạo đã đạt được vinh quang lớn lao, tìm ra một loại dưa mới quí giá đem lại cho đất nước nguồn lợi lớn. Cũng thông qua câu chuyện các em sẽ biết các hoạt động kinh tế dưới thời vua Hùng. Nghề nông lúc bấy giờ không chỉ phổ biến trên vùng đồng bằng mà còn có xu hướng mở rộng ra ven biển và các hải đảo. Ngoài việc trồng lúa, ông cha ta còn thuần hóa thêm nhiều loại cây trồng mới có năng suất chất lượng cao trong đó có dưa hấu. Sự trao đổi hàng hóa bằng đường biển với các nước khác đã mở rộng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy xã hội cuối thời các vua Hùng đã có sự phân hóa, ngoài tầng lớp vua quan, thứ dân còn có tầng lớp thấp kém nhất là nô lệ. Số nô lệ này là những người vi phạm luật lệ trong công xã hoặc do nước khác đem đến trao đổi. Công việc chủ yếu của họ là hầu hạ trong gia đình vua và các lạc hầu, lạc tướng. Nhưng họ vẫn có điều kiện vươn lên các tầng lớp trên nếu họ kiên trì chịu khó và thông minh sáng tạo.

Hình ảnh Mai An Tiêm cũng là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước. Trải qua bao gian nan, khó khăn, nhờ cần cù dũng cảm và thông minh, nhân dân ta đã đứng vững và không ngừng đi lên.

Vào cuối thời Hùng Vương, từ khi trống đồng và các sản vật như ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai… được đem trao đổi trong vùng(*), nhiều nơi biết tiếng nước Văn Lang, thường cho tàu buôn chở hàng hóa qua lại trao đổi. Một lần, có thuyền buôn từ phương Nam tới dâng lên vua một chú bé bị bắt làm nô lệ. Thấy chú bé khôi ngô, nhanh nhẹn, vua Hùng rất yêu đặt tên là Mai An Tiêm và cho hầu hạ bên mình.