Tập 3: Huyền sử đời Hùng – Bánh chưng bánh giày – Trầu cau – Quả dưa đỏ

  • Tức các nước trong vùng Đông Nam Á bây giờ.

Lớn lên Mai An Tiêm tỏ ra là một người thông minh, tháo vát và kiên nhẫn. Chàng được vua Hùng tin cậy và thỉnh thoảng hỏi ý kiến những công việc triều chính. Việc gì vua giao chàng cũng tỏ ra am hiểu và làm đến nơi đến chốn. Vì thế vua Hùng càng ngày càng thương yêu và ban cho chàng một người thiếp làm vợ cùng nhiều bổng lộc quí giá.

Một thời gian sau, viên quan cai quản các nô lệ phạm lỗi, vua Hùng bèn bãi chức và cho Mai An Tiêm thay thế. Việc nhà vua đưa một nô lệ lên làm quan khiến cho một số người không thuận. Họ cho rằng vì Mai An Tiêm khéo lấy lòng nhà vua mới được như vậy. Chuyện đến tai An Tiêm, trong bữa tiệc mừng, chàng chỉ mọi thứ quanh mình nói:

– Tất cả của cải trên đời đều do sức lực và đôi bàn tay khéo léo của mình làm nên cả.

Chộp được câu nói cho là ngạo mạn ấy, những kẻ xấu bụng ghen ghét vội vàng tâu lại với nhà vua kèm theo những lời xúc xiểm độc ác. Không biết rõ đầu đuôi câu chuyện, vua Hùng đâm ra nghi ngờ, ngài nghe theo lời bàn của một Lạc hầu, bèn hạ lệnh cho đày cả gia đình An Tiêm ra đảo xa ngoài khơi (nay là cửa biển Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa) và chỉ cho đem theo một ít đồ dùng cùng một bồ lúa đủ ăn trong một thời gian ngắn.

Bước chân xuống hòn đảo hoang vu, bốn bề sóng vỗ, An Tiêm bình tĩnh an ủi vợ con. Như những người dân lần đầu đến vùng đất mới, chàng lấy một nắm gạo, một nắm muối và một bát nước lã thay rượu bày ra trên mặt đất để làm lễ tế thần Đất. Chàng quỳ xuống khấn vái trời đất phù hộ cho gia đình chàng qua cơn hiểm nghèo, làm ăn thuận lợi. Rồi chàng tưới nước xuống đất và vãi gạo muối ra bốn phương.

Sau đó An Tiêm chọn một chỗ đất quang đãng gần suối và cùng vợ con chặt cây, gác tạm một túp liều nhỏ. Vốn tài khéo léo, chỉ với một dụng cụ duy nhất và chiếc rìu trong tay, An Tiêm nhanh chóng hoàn tất ngôi lều có sàn cao và mái lợp bằng lá khá chắn chắn. Chung quanh lều chàng còn làm thêm một vòng rào kiên cố để phòng thú dữ.

Để dành số thóc ít ỏi làm giống, ngày ngày An Tiêm len lỏi trên đảo săn bắt thú. Chàng phát bụi rậm tạo thành một lối mòn, đặt các bẫy dọc theo đường để bắt chồn cáo, chàng lại làm các loại bẫy đè, hầm sụp để bắt heo rừng, nai. Có lần cả đàn heo rừng sa xuống hố bẫy, ăn thịt không hết, chàng phải xả thịt phơi khô hun khói để ăn dần. Hồi còn ở đất liền vốn tháo vát và chịu khó học hỏi, An Tiêm còn biết một số cây củ còn là những thứ thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Trong khi đó vợ con chàng xuống biển mò ốc, bắt cua, cá hoặc đi hái các thứ quả rừng, rau mọc hoang trên đảo, các loại nấm đem về làm thức ăn.

Ngoài những lúc tìm kiếm thức ăn, An Tiêm cùng vợ con khai hoang, vỡ đất gần nhà để làm rẫy tỉa lúa. Những cây bị phạt, bị đốn được để nguyên trên rẫy cho khô nỏ rồi đốt thành tro. Đến mùa mưa, chàng cùng vợ dùng vậy nhọn chọc lỗ tra lúa. Hết mùa măng mọc, mùa heo rừng đẻ con, khi hoa rừng nở tím, nhờ mưa thuận gió hòa, lúa trổ đòng rồi chín. Từ đó bữa ăn của gia đình chàng đã có những bát cơm thơm dẻo bên cạnh các loại rau củ mọc hoang trên đảo được vợ con chàng lấy giống về xới đất trồng khắp nơi quanh lều.

Cuộc sống gia đình An Tiêm tuy vất vả, thiếu thốn nhưng thật sum vầy ấm áp. Những lúc rảnh rỗi, vợ chàng tước những sợi đay dại, đan khố đan áo cho cả nhà. An Tiêm còn dạy cho các con đan lát các loại đồ dùng bằng mây tre… Nhờ lao động cần cù, tháo vát, gia đình An Tiêm vượt qua những khó khăn ban đầu, cuộc sống ngày càng dễ chịu hơn.

Một chiều trên đường trở về nhà sau cả ngày lao động mệt mỏi, ngang qua một mỏm đá, An Tiêm chợt thấy một đám những hạt nhỏ màu đen. Chàng dừng lại, tò mò xem xét, thì ra là những hạt nằm lẫn trong vết phân chim đã khô cứng. Chàng nghĩ: “Đã là hạt cây thì chắc phải nẩy mầm khi ươm, và quả chim ăn được thì ắt hẳn người cũng ăn được”. Vì vậy chàng thận trọng gỡ lấy những hạt nhỏ mang về nhà.

Ngày hôm sau, An Tiêm không đi săn thú. Chàng cùng vợ con xới kỹ mảnh đất trước nhà và ươm vào đấy những hạt giống nhặt được trong đám phân chim. Chàng còn chẻ tre thành những cọc nhỏ rào giậu cẩn thận. Ngày ngày cả nhà thay nhau tưới nước, chăm chút giữ gìn những hạt giống đang ươm.

Không bao lâu, nơi ươm hạt giống, những lá mầm đầu tiên nhú lên. Rồi dần dần những thân dây dài, đầy lá xanh non bò lan khắp mặt đất. Vài tuần trăng trôi qua, trong đám lá xanh đã rợp bóng hoa vàng kết nụ. Chẳng mấy lúc, những trái to lớn bằng đầu người, vỏ xanh bóng thẫm rải đầy cả một khoảng vườn rộng…

An Tiêm hái một quả bổ ra. Bên trong lớp vỏ dày màu xanh là một lớp ruột đỏ hồng, điểm những hạt dẹt đen nhánh. Chàng ăn thử thấy vị ngọt ngào, thơm mát, trong người khỏe khoắn dễ chịu. Sau khi chọn những quả to nhất, mọng nước, cúng tạ ơn trời đất, cả nhà cùng nhau bổ dưa ăn thỏa thích. Vợ chồng An Tiêm mừng vui, vì từ nay có thêm một nguồn sống mới quí giá.

Những ngày sau đó, vợ chồng, con cái An Tiêm ra sức vỡ đất khẩn hoang trên đảo để trồng thêm nhiều dưa. Bãi đất quanh lều phủ đầy một màu xanh ngọc bích, cùng những quả dưa bóng mượt no tròn sắp lớp đó đây trông thật thích mắt.

Một lần, có một chiếc thuyền buôn gặp bão, ghé lại đảo. An Tiêm tiếp đón họ chu đáo và đãi khách những quả dưa lạ, quí hiếm. Tiếng đồn lan xa, từ đó các thuyền buôn tấp nập ghé đảo đổi các hàng hóa, sản vật để lấy dưa mang đi bán khắp nơi.

Cuộc sống của gia đình An Tiêm nhờ nguồn lợi trồng dưa đã thay đổi hẳn. Túp lều lụp xụp ngày xưa đã được thay bằng căn nhà gỗ cao ráo khang trang. Trong nhà đồ đạc vật dụng quý hiếm không thiếu thứ gì. Ngoài sân lợn, gà, gia súc đầy đàn, nương lúa, bãi dưa xanh tốt. Nhiều gia đình ra đảo xin vỡ đất khai hoang biến hòn đảo trở thành một nơi trù phú đông đúc.

Tuy cuộc sống đã thay đổi nhưng An Tiêm vẫn không nguôi nỗi nhớ về đất liền. Lòng biết ơn của chàng đối với vua Hùng vẫn sâu đậm. Dù nhà vua có đày chàng ra đây nhưng bao giờ chàng cũng coi Người là người cha đã sinh ra chàng lần thứ hai. Nếu không có nhà vua, cuộc đời nô lệ của chàng đâu có ngày hôm nay. Nghĩ vậy, khi có thuyền trở về đất liền chàng liền chọn những trái dưa to ngon nhất gửi biếu vua Hùng.

Lại nói ở Phong Châu, sau khi đày An Tiêm đi, tưởng chàng đã chết, vua Hùng cảm thấy hối tiếc vì đã xử oan uổng cho một người tài giỏi.

Những lúc không vừa lòng ai chuyện gì, nhà vua thường trìu mến nhắc đến tên chàng. Một hôm nghe quân lính vào tâu Mai An Tiêm gửi biếu một thuyền dưa, nhà vua vô cùng sửng sốt. Được biết chàng không những còn sống mà lại còn có nhiều của cải, vua Hùng mừng rỡ lệnh cho một đội thuyền tức tốc đi đón gia đình Mai An Tiêm.

Lễ đón tiếp gia đình Mai An Tiêm trở về triều đình được tổ chức trọng thể. Vua Hùng thân chinh ra tận bến sông đón Mai An Tiêm lên bờ trong nỗi hân hoan vui mừng của mọi người dân Lạc Việt.

Trước mặt các Lạc hầu, Lạc tướng, nhà vua tuyên bố phục hồi chức tước, trọng dụng An Tiêm như cũ. Từ đó nhà vua lại giữ An Tiêm bên mình và càng yêu quí chàng hơn trước bội phần. Ngài luôn nhắc tới câu nói ngày trước của chàng và kể về tấm gương lao động kiên trì của chàng trong những buổi lễ thành đinh của trai tráng.

Trở về đất liền, An Tiêm không quên mang theo rất nhiều hạt giống loại dưa quí để dâng vua. Vua Hùng giao cho các Lạc tướng phân bố cho các Bố chính để trồng khắp cả nước. Từ đấy, trên những bãi biển, giồng đất hoang đã mọc đầy một giống dưa gọi là dưa Tây hay dưa đỏ vì ruột dưa thắm màu hồng ngọt mát, sau này dưa đỏ còn được gọi là dưa hấu(*) cho đến bây giờ.

  • Có sách nói chữ “hấu” là do người Tàu ăn thấy ngon và khen “hảo”, nhưng người ta đọc trại thành chữ “hấu”.

Để nhớ ơn Mai An Tiêm, dân Lạc Việt tôn chàng là “Bố Cái Dưa Tây”. Bây giờ, chỗ gia đình An Tiêm sống nơi hải đảo người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Những người kế tiếp công việc của vợ chồng chàng trên đảo vẫn còn dòng dõi đông đúc. Họ lập thành làng gọi là làng Mai An. Ở ngôi nhà cũ của gia đình chàng, họ lập đền thờ vợ chồng Mai An Tiêm.

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 3

HUYỀN SỬ ĐỜI HÙNG

Trần Bạch Đằng chủ biên

Tôn Nữ Quỳnh Trân – Phan An biên soạn

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT

Biên tập: CÚC HƯƠNG – LIÊN HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: VŨ PHƯỢNG