Tập 6: Hai Bà Trưng

Ở phía đông, có bà Lê Chân ở trấn An Biên (nay là thành phố Hải Phòng),

bà Bát Nàn vốn từ Phong châu lánh nạn về vùng Thái Bình cũng nhanh chóng tập hợp binh sĩ, tích trữ lương thảo, xây dựng lực lượng, phất cao cờ nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của Hai Bà Trưng. Nghĩa quân của các vị nữ tướng này đã đánh đuổi bọn quan quân nhà Hán, giải phóng một vùng rộng lớn phía đông Giao Chỉ.

Ở phía bắc, nơi có đường bộ thông thương với nhà Hán, có đội nghĩa quân của bà Thánh Thiên cùng cậu ruột ở Ngọc Lâm (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã nổi dậy chiếm cứ một vùng, nay cũng kéo về hợp với quân của Hai Bà.

Về phía nam huyện Mê Linh, có các đội nghĩa quân dưới sự chỉ huy của bà Chu Tước ở Miếu Môn (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phối hợp với đạo quân của bà Trinh Thục (ở Ngọ Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cùng lúc nổi dậy tiến công các lỵ sở, đồn trại quân Hán trong vùng…

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, mà số nghĩa binh tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã đông tới hơn 5 vạn người (dân số quận Giao Chỉ lúc bấy giờ là 740.000 người). Mê Linh, vùng đất bản bộ của vua Hùng xưa, giờ trở nên náo nức, là nơi tụ hội của các cánh nghĩa quân đang ngày đêm kéo về mưu nghiệp lớn.

Một ngày mùa xuân năm Canh Tý, tức năm 40 sau Công nguyên trên cửa sông Hát(*) (thuộc Hà Nội) nghĩa quân bạt ngàn đứng kín cả các cánh bãi bồi, dưới sông neo dài những đoàn chiến thuyền với những chiến binh tay rìu tay giáo đang đứng tề chỉnh mắt hướng về đàn tế dựng giữa trung quân. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng ngựa hí, voi rống vang động. Hai Bà Trưng làm lễ tế cáo trời đất, ra quân giết giặc cứu nước.

* Tức sông Đáy bây giờ.

Trước đó, có người khuyên Trưng Trắc mặc tang phục để làm lễ xuất quân. Nhưng Trưng Trắc đã khẳng khái trả lời: “Mặc áo tang sẽ làm mất nhuệ khí binh sĩ”. Trong bộ giáp binh sáng lấp lánh, Trưng Trắc long trọng thề:

“Một xin rửa sạch nước nhà, Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.

Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.”

(Thiên Nam Ngữ Lục – Sử ca dân gian thế kỷ XVII)

Sau đó Hai Bà cầu xin sự phù hộ của các vua Hùng rồi lên voi trận dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa tiến thẳng về huyện lỵ Mê Linh. Các tướng của Hai Bà cũng chia nhau, dẫn quân bao vây huyện lỵ theo nhiều hướng khác.

Mê Linh lúc ấy là nơi đóng trị sở của Đô úy, cơ quan chỉ huy quân sự trong vùng của giặc Hán. Bị bất ngờ, quân Hán hoàn toàn bị động. Thoắt chốc huyện lỵ Mê Linh ngập chìm trong biển người. Nhân dân trong huyện nổi dậy cùng nghĩa quân phá tan mọi đồn binh của giặc, làm chủ huyện sở.

Lấy được Mê Linh, Hai Bà Trưng thừa thắng kéo quân tiến thẳng về thành Luy Lâu, trị sở đầu não của giặc Hán, đại bản doanh của Tô Định. Thành nằm trên bờ sông Dâu rất kiên cố bởi quân giặc bắt dân từ nhiều nơi trong vùng về đào hào sâu, đắp lũy cao để bảo vệ.

Trong thành có nhiều trại quân, tàu ngựa, kho lương, kho cỏ cho ngựa… ngày đêm quân lính thay nhau tuần tiễu quanh thành. Trên sông, thuyền giặc đi lại tuần thám. Việc phòng bị thành vô cùng cẩn mật.

Trên đường tiến quân từ Long Biên về Luy Lâu, nghĩa quân đã nhanh chóng đánh chiếm Cổ Loa, tiêu diệt cứ điểm phòng thủ quan trọng của giặc Hán và chặt đứt lực lượng tiếp ứng cần thiết của Luy Lâu.

Từ Cổ Loa, Hai Bà chia quân làm nhiều cánh. Một cánh do tướng Sa Lương chỉ huy, dùng thuyền nhẹ ngược sông Đuống để qua sông Dâu. Trên đường hành quân, thuyền của nghĩa quân luồn lách trong các khe nước, nhánh sông nhỏ, tránh giao chiến với thuyền giặc, bí mật áp sát chân thành Luy Lâu.

Đội nữ binh của nữ tướng Phùng Thị Chính vùng đất Ba Vì được Hai Bà giao nhiệm vụ cho người cải trang thành quân Hán bí mật trà trộn vào trong thành để dò la các vị trí và tình hình quân giặc sau đó sẽ đánh vào phía tây Luy Lâu.

Một cánh quân dưới sự chỉ huy của Ả Lã, Nàng Đê vốn nổi dậy ở vùng Hoài Đức (Hà Nội), theo lệnh của Hai Bà vòng lên mai phục phía bắc Luy Lâu.

Ở phía bắc, nhiều toán quân của các dân tộc miền núi, được lệnh của Hai Bà, bố trí ngăn chặn bọn giặc tháo chạy về nước. Nơi đây có nhiều dãy núi cao, nhiều cửa ải hiểm trở rất thuận lợi cho việc phục kích. Các nghĩa binh miền núi lại rất thông thạo địa hình, cơ động chiến đấu.

Nghĩa quân của Hai Bà Trưng ngày càng khép chặt vòng vây quanh thành Luy Lâu. Tô Định đã mấy lần cho các đội quân tinh nhuệ mở đường máu về nước xin cứu viện nhưng đều thất bại. Tô Định ngày nào còn hung hăng hống hách, giờ đây trở nên vô cùng khiếp sợ. Đống của cải châu báu ăn cướp được chưa kịp chuyển về nước nằm lù lù trước mặt khiến y thêm tiếc của, càng cuống cuồng, tuyệt vọng.

Bất chợt có tiếng trống đồng vang rền từ bốn phía thành Luy Lâu, rồi tiếng hò reo vang dậy. Như nước vỡ bờ, nghĩa quân Hai Bà ào ạt tiến lên mặt thành tràn vào bên trong, mở đầu cuộc tiến công thành Luy Lâu.

Các kho lương, kho cỏ ngựa bốc cháy ngùn ngụt, khói lửa mù mịt, quân lính nhà Hán nhốn nháo hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, tìm đường tháo thân. Người ngựa dẫm đạp lên nhau, tiếng kêu khóc vang trời dậy đất.

Tại dinh Thái thú, Tô Định loay hoay mãi trước đống của cải. Bọn lính hầu đã bỏ chạy sạch. Tiếng quân khởi nghĩa reo hò mỗi lúc một gần. Tô Định hốt hoảng không dám nấn ná, vội vã cắt bỏ râu tóc, cải trang rồi thay đổi y phục trốn ra khỏi thành, lẻn nhanh vào đám loạn quân.

Quân Hán nhằm hướng bến sông Dâu cố mở đường thoát thân. Nhưng những chiến thuyền của quân Hán đã bị thủy quân do tướng Sa Lương chỉ huy phục kích đốt cháy. Đám tàn quân đành nhảy ào xuống nước cố bơi sang bờ bên kia để chạy về phương bắc. Nước sông chảy xiết cuốn trôi nhiều xác giặc.

Thành Luy Lâu thất thủ. Nghĩa quân của Hai Bà đã làm chủ khắp nơi trong thành. Hai Bà uy nghi trên các thớt voi cùng các tướng tiến vào thành còn nghi ngút khói lửa chưa kịp tắt. Nhìn đám tù binh Hán lôi thôi lốc thốc bị giải tới. Hai Bà đã ra lệnh phóng thích cho chúng về nước.

“Trưng binh vào đến Tô dinh, Chiêu an sĩ tốt, dỗ dành quan quân…”

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Thành Luy Lâu bị hạ, Tô Định trốn chạy nhục nhã, chính quyền đô hộ của nhà Hán trên đất Âu Lạc cũ bị sụp đổ hoàn toàn. Cuộc khởi nghĩa dấy lên từ đất Mê Linh được từ dân chúng cho đến các quý tộc Lạc Việt khắp nơi hưởng ứng rầm rộ, nổi dậy san bằng các trị sở, đánh đuổi quan quân nhà Hán tháo chạy. Sử cũ chép rằng: “Trưng Trắc Trưng Nhị hô một tiếng mà các quận Cửu Nhân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng…” (Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu).

Chỉ chưa đầy một tháng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã giành hoàn toàn thắng lợi. Nhân dân Âu Lạc vui mừng, cùng các Lạc tướng suy tôn Trưng Trắc làm vua. Kinh đô đóng tại Mê Linh, nơi đất cũ cội nguồn của các vua Hùng thủa trước.

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…”

(Đại Nam Quốc sử diễn ca)

Một trong những việc đầu tiên của chính quyền Trưng vương là xuống lệnh miễn thuế cho nhân dân trong hai năm. Sau bao năm cơ cực đói nghèo dưới ách thống trị của giặc Hán, nghe lệnh miễn thuế, trăm họ đều vui mừng phấn khởi.

Về chính quyền Trưng vương, các sử cũ không ghi chép được nhiều, chỉ biết rằng Bà Trưng đã tổ chức quản lý đất nước theo truyền thống tập tục truyền lại từ thời các vua Hùng. Một số lạc tướng trở lại tham gia quyền bính. Các tập tục ứng xử, sinh hoạt của người Việt như ăn ở, cưới xin, tang ma… được khôi phục. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội lại được xem trọng.

Chính quyền Trưng vương cũng rất chú trọng đến việc phòng thủ đất nước, đề phòng nguy cơ trở lại xâm lược của nhà Hán. Theo các thần tích, thần phả thì Bà Trưng đã bố trí một tuyến phòng thủ phía Bắc do nữ tướng Thánh Thiên của đạo tiền quân gồm phần lớn quân lính là người của các dân tộc vùng núi phía bắc đồn trú và quản lý.

Tuyến phòng thủ ở phía đông, đông bắc cũng được bố trí cẩn mật. Các quân lý đồn trú dưới sự chỉ huy của bà Lê Chân vừa khai khẩn đất hoang lập làng xã, vừa lo việc canh phòng tập luyện. Vùng đất Hải Phòng ngày nay chính là do quân lính của bà Lê Chân khai khẩn và tạo dựng từ thủa xa xưa.

Đất nước sau hơn hai trăm năm bị đô hộ giờ đây đang trở lại cuộc sống thanh bình. Ruộng lạc lại theo nước triều lên xuống mà canh tác, gieo trồng, cây trái sum sê, nương lúa bãi dâu xanh tốt. Làng chạ khắp nơi vang tiếng dệt cửi xa quay; gái trai lại hát đối đáp trong tiếng giã cối, tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Bên vò rượu cần, các bô lão kể lại chuyện Hai Bà Trưng dấy nghĩa trong ánh lửa bập bùng…

Đất Giao Chỉ tách khỏi nhà Hán trở lại là nước độc lập khiến vua Hán là Hán Quang Vũ vô cùng cay đắng. Tức tối vì mộng bành trướng xuống các nước phía nam bị cuộc nổi dậy của nhân dân Âu Lạc dập tan; lại nhìn thấy Tô Định tả tơi trốn về, râu tóc cụt lủn, mất cả uy thế của “thiên triều”, vua Hán rắp tâm phục hận.

Mặc dù nước Hán lúc ấy đang có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân nhưng vào năm Kiến Vũ thứ 17 (năm 41 sau Công nguyên) chưa đầy một năm sau ngày thất bại ở Giao Chỉ, Hán Quang Vũ đã ra lệnh gấp rút chuẩn bị ngựa xe, lương thảo, thuyền chiến, vũ khí và tập trung binh lực để chuẩn bị tiến đánh Giao Chỉ.

Vào đầu năm 42 sau Công nguyên, vua Hán lại xuống chiếu phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân và Lưu Long làm Phó tướng cùng Đoàn Chí làm Lâu thuyền Tướng quân cầm đầu hai đạo thủy bộ tập kết quân tại Hợp Phố (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc). Khi Đoàn Chí bị bệnh chết, Mã Viện được giao thống lĩnh cả hai đạo quân. Viên tướng già 56 tuổi từng trải, nổi tiếng gian hiểm, lại có nhiều kinh nghiệm đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân Hán nên được vua Hán rất tin dùng.

Giữa năm 42 sau Công nguyên, đội quân chinh phạt của nhà Hán gồm hơn hai vạn tên và 2.000 thuyền, xe từ Hợp Phố hùng hùng hổ hổ tiến vào bờ cõi nước ta. Sử cũ chép rằng: “Quân của Mã Viện ven theo biển mà tiến, phát cây rừng mở đường đi hơn nghìn dặm…” (Hậu Hán thư).

Các cánh quân phòng thủ vùng đông bắc phần lớn là người dân tộc, thông thạo địa hình, giỏi luồn rừng trèo núi, chia nhau mai phục những đoạn hiểm yếu tập kích vừa làm tiêu hao quân giặc vừa làm chậm bước tiến quân của chúng.

Trong khi đó, cánh quân thủy của Mã Viện men theo bờ biển tiến vào Giao Chỉ cũng gặp phải sự chống cự quyết liệt của các cánh quân do nữ tướng Lê Chân và Bát Nàn chỉ huy. Vì thế, sau mấy tháng tiến quân khó nhọc, hai cánh quân thủy bộ của Mã Viện mới hội được với nhau để cùng tiến sâu vào đất Giao Chỉ.