Tập 6: Hai Bà Trưng

Không để quân giặc vào được Mê Linh, Hai Bà Trưng đã chủ động dàn quân chặn đánh giặc ở Cổ Loa. Quân Hán nhiều lần công kích đều bị quân Hai Bà Trưng đánh bật ra. Dân binh các làng bên ngoài thành đều tham gia chiến đấu bảo vệ làng, bảo vệ thành khiến quân Hán bị tiêu hao nhiều sinh lực.

Không dám đóng quân bên ngoài Cổ Loa, Mã Viện kéo quân về Lãng Bạc nằm ở đông bắc Cổ Loa (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đây là vùng gò đồi xung quanh là đồng trũng, hồ sâu lại có sông, có thể xây dựng thành một căn cứ quân sự quan trọng. Biết chưa thể đánh ngay được Mê Linh, Mã Viện thay đổi chiến thuật, chuyển sang phòng thủ củng cố lực lượng chờ thời cơ.

Lúc này thời tiết đã vào hè, khí trời nóng bức, lính Hán ốm đau rất nhiều, lại bị quân binh Hai Bà liên tục tập kích nên tinh thần sa sút. Chính Mã Viện nhiều lúc tỏ ra hoang mang lo ngại. Có lần y đã than thở: “Dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thấy diều hâu đang bay bỗng sa xuống nước chết, nằm nghĩ đến lời Thiếu Du(*) mới thấy là chí lý…” (Hậu Hán thư).

* Thiếu Du là em họ Mã Viện đã từng khuyên y: “Ham giàu sang thích công danh sự nghiệp là tự mình làm khổ mình…”

Không để Mã Viện có đủ thời gian củng cố lực lượng, Hai Bà Trưng quyết định mở cuộc tiến công lớn vào Lãng Bạc. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Nhưng vì lực lượng ít ỏi, lại chưa quen cách đánh dàn thế trận giữa ban ngày nên không tiêu diệt được Mã Viện cùng lực lượng chủ chốt của giặc. Hai Bà phải rút lui về Cẩm Khê (nay thuộc Hà Nội).

Đây là một vùng thung lũng hiểm trở, có đồi núi sông suối án ngữ tạo nên thành lũy tự nhiên. Cẩm Khê lại có nhiều ngả đường thông thương với vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vào tận Cửu Chân. Một mặt Cẩm Khê giáp với Mê Linh, quê hương của Hai Bà. Bởi vậy, Hai Bà cùng nghĩa quân ngày đêm xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến.

Mã Viện nhiều lần đem quân tiến đánh Cẩm Khê nhưng Hai Bà cùng các tướng một lòng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ căn cứ. Biết kéo dài cuộc chiến sẽ gặp nhiều bất lợi, Mã Viện phái người về nước xin thêm viện binh, vũ khí, quân lương để dồn sức đánh trận sống mái hòng tiêu diệt quân Âu Lạc và bắt sống Hai Bà.

Giữa năm 43, Mã Viện bao vây căn cứ Cẩm Khê. Cuộc chiến đấu lần này trở nên ác liệt, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất lớn lao. Trong một trận đánh vào ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão (43), liệu thế không địch nổi quân Hán, không chịu để sa vào tay giặc, Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn, bảo toàn khí tiết.

Hai Bà đã hy sinh nhưng nghĩa quân vẫn kiên quyết chiến đấu giữ vững căn cứ Cẩm Khê trong một thời gian dài. Có tài liệu sử ghi lại hai, ba năm sau Mã Viện mới dẹp yên. Một số tướng lĩnh của Hai Bà đưa quân vào Cửu Chân (Thanh Hóa) tiếp tục xây dựng căn cứ kháng chiến.

Tháng 11 năm Quý Mão (43), Mã Viện lại đem đại quân cùng chiến thuyền chia hai đường thủy bộ tiến vào miền Cửu Chân để truy kích nghĩa quân của Hai Bà. Quân giặc đi đến đâu, triệt hạ làng xóm, giết hại dân thường vô số kể. Sử cũ chép rằng: “Viện đem lâu thuyền lớn bé hơn 2000 chiếc, binh lính hơn hai vạn, tiến đánh dư đảng của Trưng Trắc ở Cửu Chân… chém giết bắt bớ hơn năm ngàn người…” (Mã Viện truyện trong Hậu Hán thư).

Dọc đường quân Hán phải đào sông khoét núi làm đường tiến quân. Đến vùng Cư Phương (nay thuộc Thiệu Hóa, Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) quân của Mã Viện bị rơi vào ổ phục kích của các toán nghĩa quân Hai Bà đang cố thủ nên bị thiệt hại nặng nề. Cứ như thế, phải mất một thời gian dài Mã Viện mới bình định xong Giao Chỉ.

Tuy đã dìm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong bể máu và tiếp tục tổ chức bộ máy đô hộ tàn bạo, nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và nhất là tiếng trống đồng của quân binh Âu Lạc không ngừng ám ảnh Mã Viện. Tức tối và hèn hạ, hắn cho cướp bóc nhiều trống đồng, đúc thành con ngựa để dâng lên vua Hán hòng xóa bỏ văn hóa Âu Lạc.

Mùa thu năm 44 Mã Viện thu quân về phương Bắc. Sử cũ chép rằng: “Quân đi mười phần, quân về chỉ còn bốn năm phần. ”

(Hậu Hán thư). Đó là cái giá phải trả của bọn xâm lược và cũng là bài học đầu tiên để chúng hiểu rằng: Một dân tộc, dù nhỏ bé cũng thà chết để giành độc lập chứ không chịu cam tâm làm nô lệ.

Tượng Hai Bà ở Đồng Nhân (Hà Nội)
Ảnh của Bảo tàng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và nhân dân Âu Lạc tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi nhưng đó chính là một bản anh hùng ca mở đầu cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta suốt trong mười thế kỷ chống bọn phong kiến phương Bắc. Để tưởng nhớ Hai Bà và các tướng lĩnh, nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi. Riêng Hai Bà có ba ngôi đền chính: Đền Hạ Lôi ở Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội), đền Hát Môn ở Phúc Thọ (Hà Nội) và đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Đền Hạ Lôi, tương truyền là làm trên nền nhà cũ của Hai Bà. Hội mở vào ngày mồng 6 tháng giêng, theo truyền thuyết là ngày Hai Bà khao quân. Trung tâm hội là đám rước Hai Bà và Thi Sách do hàng trăm thanh nữ xinh đẹp, trang phục rực rỡ và hàng chục chàng trai trẻ khỏe mạnh vừa khiêng kiệu vừa hát đối đáp.

Còn Hát Môn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử thời Hai Bà Trưng. Bởi vậy, hội đền Hát Môn được tổ chức mỗi năm ba lần vào các ngày: mồng 8 tháng 3 âm lịch (ngày Hai Bà tuẫn tiết), mồng 4 tháng 9 âm lịch (ngày lập đàn thề) và ngày 24 tháng chạp (ngày mừng chiến thắng). Ở lễ hội mồng 6 tháng 3 âm lịch, để nhắc nhở Hai Bà là dòng dõi Hùng vương, lễ cúng là 100 chiếc bánh trôi hình trứng chim tượng trưng cho các con của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Sau đó 49 chiếc được bỏ vào hoa sen thả xuống sông Hát, tượng trưng cho những anh em của Hùng vương thứ nhất theo cha xuống biển.

Cổng đền thờ Hai Bà
tại Hát Môn
Ảnh lấy từ sách Lịch sử Việt Nam tập 1
NXB. Khoa học Xã hội

Riêng đền Đồng Nhân được dựng lên theo một huyền thoại. Tương truyền, sau khi gieo mình xuống sông, Hai Bà hóa thành tượng đá rực sáng, nổi lên mặt nước trôi đi. Dân các làng đều ra khấn để đón về thờ nhưng tượng trôi đến làng Đồng Nhân (nay là Thanh Trì Hà Nội) mới dừng lại. Dân làng rước lên dựng đền thờ nơi bãi sông. Năm 1819, bãi sông bị lở, đền dời về Hoa Viên (nay là quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Lễ hội Hai Bà Trưng

Hội đền Đồng Nhân mở 4 ngày, từ ngày mồng 3 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch nhưng chính hội là mồng 5, tương truyền là ngày dân làng đón tượng Hai Bà ở dưới sông lên. Vì thế hôm ấy dân làng tổ chức một đám rước kiệu linh đình. Đi đầu là đôi voi gỗ do các trai tráng điều khiển, theo sau là hai cỗ kiệu do các cô gái chưa chồng, xinh đẹp được chọn từ các làng để rước. Đến bến sông cỗ kiệu được dừng lại để tiến hành nghi lễ lấy nước tắm tượng.

Trong lễ hội có tiết mục múa đèn thờ. Khoảng chục cô gái xinh đẹp, hai tay cầm hai đài nến uyển chuyển múa theo tiếng bập bùng của một hoặc hai “cô gái” đánh bồng(*) đi đầu. Cô gái đánh bồng thực chất là nam giới đóng giả nữ, vừa uốn éo nhún nhảy vừa gõ bồng điều khiển đám múa đèn. Ánh nến rọi qua lớp giấy màu khi chụm vào khi dãn ra, khi uốn khi lượn một cách huyền hoặc trong khi dân chúng cúi đầu bái tưởng.

Hai Bà Trưng đã sống mãi với dân tộc Việt trong những lễ hội cổ truyền ấy.

* Bồng tức là trống cơm.

Tượng bà Lê Chân tại đền thờ ở Hải Phòng.
Ảnh của Bảo tàng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.
Đền thờ Hai Bà Trưng, Hạ Lôi, Hà Nội.

Trưng Vương trừ giặc Hán (Tranh Đông Hồ).
Chữ trên tranh: Phía trái trên Trưng Vương trừ giặc Hán.
Phía trái dưới Tô Định.
Chữ trong cờ: Trưng. Phía phải: Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Sắc phong của vua Quang Trung cho các tướng của Hai Bà Trưng là Nguyệt Thái và Nguyệt Độ (Văn Lâm, Hưng Yên).

Miếu Mèn, nơi thờ bà Man Thiện.
Ảnh của Bảo tàng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.
Mả Dạ.
Ảnh của Bảo tàng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch của NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.
  3. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964.
  4. Đinh Văn Nhật, Đất Cẩm Khê, căn cứ cuối cùng của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa Mê Linh năm 4043, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 148 12/1973.
  5. Lê Thước, Trần Huy Bá, Tấm bia đá trước sân đền Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 491973.
  6. Nguyễn Ngọc Chương, Bước đầu giới thiệu một số nguồn tư liệu xung quanh di tích lịch sử thuộc về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1461972.
  7. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng và các tác giả, Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB. Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991.

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 6

HAI BÀ TRƯNG

Trần Bạch Đằng chủ biên

Phan An biên soạn

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT

Biên tập: CÚC HƯƠNG – LIÊN HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: VŨ PHƯỢNG