Tập 7: Nhụy Kiều Tướng Quân Bà Triệu
“Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem như vậy, thì Bắc sử chép truyện thành Phu Nhân Quân nương tử, há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu?”
(Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển III)
Vào đầu thế kỉ thứ III, nước ta bị nhà Ngô đô hộ. Bọn quan lại nhà Ngô tham tàn bạo ngược, cai trị hà khắc, cướp bóc, vơ vét của cải, ức hiếp và nhũng nhiễu dân lành. Đất nước ta tiêu điều xơ xác, nhân dân ta oán hận căm thù.
Để có nhiều quân đánh nhau với Ngụy và Thục, quân Ngô bắt hàng nghìn hàng vạn trai tráng đất Việt sang Ngô đi lính, xông pha sa trường. Khắp đất nước, xóm làng diễn ra cảnh biệt ly, vợ khóc chồng, con khóc cha… vô cùng thảm thiết.
Khi xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh) vì thiếu thợ giỏi, nhà Ngô đã bắt hàng ngàn thợ thủ công giỏi đất Giao Chỉ, Cửu Chân, cưỡng bức đưa sang làm thợ. Họ làm việc dưới đòn roi của quan binh nhà Ngô đến kiệt sức bỏ mạng nơi công trường. Nhiều người ra đi là vĩnh viễn không trở về được với quê hương đất tổ.
Bọn quan lại tham tàn còn bắt dân ta vào rừng bắt voi, tê giác lấy ngà, tìm trầm hương, quế và những lâm sản quí hiếm làm lễ vật cống nạp cho chúng.
Chúng còn bắt dân ta lặn xuống biển sâu mò ngọc trai và các hải sản quí khác. Nhiều người đã làm mồi cho sóng dữ, cá mập.
Không cam chịu áp bức bất công, tham tàn bạo ngược ấy, một người con gái anh hùng đã phất ngọn cờ nghĩa ở núi Tùng quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) để đánh đuổi quân xâm lược. Nhân dân phấn khởi cổ vũ và hưởng ứng rất đông.
Người con gái ấy là Bà Triệu, hay Nàng Trinh (Triệu Trinh Nương hay Triệu Thị Trinh). Theo truyền thuyết dân gian, Triệu Thị Trinh cất tiếng khóc chào đời ngày mồng 2 tháng 10 năm Kỷ Dậu (năm 229) ở một bản làng thuộc vùng núi Quân Yên (Cửu Chân). Bà sinh ra trong tiếng trống bập bùng của ngày hội săn và sự hân hoan chào đón của gia đình, bà con quanh vùng.
Họ Triệu là một hào trưởng nổi tiếng giàu có và hào hiệp trong quận Cửu Chân. Nhân dân trong vùng rất kính trọng, thường hỏi ý kiến ông trong công việc làm ăn và vấn kế ông để đối phó với quan quân Ngô tham tàn, sách nhiễu.
Khi Triệu Thị Trinh đã lớn được cha cho cùng anh là Triệu Quốc Đạt theo học cả văn lẫn võ. Cả hai anh em đều khỏe mạnh, thông minh, khiến hào trưởng họ Triệu hết sức hài lòng.
Cô bé Trinh xinh xắn, nhưng có cá tính mạnh mẽ, thích thao duyệt võ nghệ hơn là may vá thêu thùa. Những lúc rảnh rỗi cô thường theo các bạn chăn trâu thả diều, đá dế và bày trò tập trận giả đánh nhau. Quê hương với cánh đồng Nếp Bắt bạt ngàn nằm trên bờ sông Mã dưới núi Quân Yên đã khắc ghi trong trái tim thơ dại của cô tình yêu thương vô bờ.
Chẳng mấy chốc, nàng Trinh đã trở thành thiếu nữ. Nàng thích nhất là những đêm trăng giã gạo, cùng các bạn trong bản làng kể chuyện, hát đối về chiến công lẫy lừng của hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Tuy là con gái nhưng nàng Trinh rất khỏe mạnh, thông minh và hiếu động. Nàng bắn cung rất giỏi, thường theo các trai tráng phường săn đi săn thú. Một hôm nàng bắn hạ một con beo gấm trước sự thán phục và ngưỡng mộ của trai tráng quanh vùng.
Nàng Trinh học võ rất mau tiến bộ. Trong luyện tập, khi thi đấu với trai tráng trong làng, nàng tỏ ra rất kiên cường và không chịu nhường bất cứ ai.
Lớn lên, hàng ngày chứng kiến cảnh nhân dân cực khổ, rách rưới bị quan quân nhà Ngô bắt trói, đánh đập, bắt đi phu, đi dịch, Nàng Trinh rất buồn rầu và uất hận. Nhất là khi trong đám người ấy có bạn bè, trai tráng và người quen trong vùng.
Nàng càng đau lòng khi thấy cha và anh mình vốn là những Hào trưởng quyền uy nhất vùng, vậy mà hàng ngày phải lo lắng, bôn ba cùng dân làng tìm kiếm, đánh bắt đủ phẩm vật dâng cống theo định kỳ cho tên Thái thú Cửu Chân. Dù vậy, chúng ngày càng đòi hỏi thái quá và hoạnh họe đủ điều.
Từ đó, nàng Trinh suy nghĩ rất nhiều và trong đầu nàng nung nấu ý chí trả thù nhà nợ trước, quyết theo gương Hai Bà Trưng quét sạch bọn giặc Ngô ra khỏi bờ cõi, trả lại thanh bình, tự do cho nhân dân.
Hào trưởng họ Triệu và Quốc Đạt đồng cảm với nàng Trinh, họ bàn: “Muốn lo việc lớn phải chuẩn bị lực lượng, tích trữ lương thảo và chờ đợi thời cơ”. Sau đó họ phân nhau mỗi người một việc, tích cực chuẩn bị.
Nhưng không may chẳng bao lâu sau đó Hào trưởng họ Triệu lâm trọng bệnh qua đời. Quốc Đạt thay cha làm Hào trưởng vùng núi Quân Yên. Từ đó, anh gánh lấy trách nhiệm lo cho dân và càng thấm thía thân phận người dân nô lệ.
Tuy đang phải chịu tang nhưng Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh vẫn nung nấu ý chí khởi nghĩa. Quốc Đạt đem việc lớn bàn với vợ, nhưng mụ không đồng tình, hèn nhát van xin Quốc Đạt đừng nghĩ đến việc đó vì sợ sự trả thù tàn bạo của quân Ngô.
Từ đó, Quốc Đạt không bàn với vợ nữa. Anh ngầm bảo Thị Trinh: “Em đem người về quê mẹ ở núi Tùng tập hợp hào kiệt, rèn luyện binh mã, chuẩn bị địa thế hiểm yếu cùng anh tạo thế liên hoàn chờ đợi thời cơ khởi nghĩa…”.
Núi Tùng có một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc là Châu Lộc, dãy phía nam là Tam Đa. Dưới chân núi Châu Lộc là sông Lèn, dưới chân núi Tam Đa là sông Âu. Từ thung lũng này có thể ngược lên liên hệ với các bộ tộc miền núi, vừa có thể mở ra đồng bằng xuống biển. Thật là một cảnh đẹp nên thơ vừa là căn cứ quân sự hiếm có.
Anh em họ Triệu mở rộng cửa để chào đón hào kiệt, đem của cải ra để sắm sửa khí giới, quân dụng. Cả ở núi Tùng lẫn Quân Yên đều tổ chức đội ngũ như những phường săn, hàng ngày họ giả đi săn để vào rừng luyện tập võ nghệ và cách đánh phá các thế trận.
Mặt khác, Triệu Quốc Đạt cho người mang rượu thịt cùng những đồ quý hiếm mà ông săn bắt được như nai, heo rừng, da hổ, chim trĩ, và trầm hương, quế… đến cống cho bọn quan lại cai trị để lấy lòng và tỏ thái độ thuần phục cho chúng không nghi ngờ.
Tương truyền, lúc bấy giờ ở vùng núi Tùng xuất hiện một con voi trắng một ngà rất dữ tợn. Con voi thường về phá hoại mùa màng, quật chết trâu bò. Nó còn quật chết, dày xác những người nào đến gần săn bắt.
Triệu Thị Trinh cùng các bạn mưu trí dùng voi nhà dụ con voi một ngà hung dữ xuống một đầm lầy rồi ở xung quanh hô hoán. Voi càng vùng vẫy càng bị lún sâu. Lúc đó, bà nhảy lên cưỡi đầu voi, lúc cứng rắn lúc vỗ về để thu phục voi. Cuối cùng, con voi hung dữ chịu khuất phục.
Ở một vùng sơn cước xa xôi có một lão nài voi giàu kinh nghiệm nghe tin Bà Triệu thu phục con voi một ngà, ông rất lấy làm khâm phục nên lặn lội đến tình nguyện làm nài voi trắng cho Bà. Từ đó, chú voi trắng, lão nài trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu.
Để gây thanh thế cho nghĩa quân, Bà Triệu đã sai đục núi Quân Yên, cho người chui vào đọc bài đồng dao:
“Có Bà Triệu tướng, Vâng lệnh trời ra.
Trị voi một ngà, Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước, Theo gót bà Vương.”
Nhờ vậy, cả vùng đồn đại về hòn đá biết nói và tin rằng Bà Triệu là “thiên tướng giáng trần” giúp dân, cứu nước. Từ đó trai tráng trong vùng càng nô nức tham gia hàng ngũ nghĩa quân.
Có ba anh em họ Lý là tộc trưởng một bộ tộc ở miền núi cao đầu nguồn sông Mã. Ba anh em đều dũng cảm và tinh thông võ nghệ. Người anh cả có tài bắn cung trăm phát trăm trúng, người thứ hai phóng lao chính xác không sai một ly, người thứ ba múa cây búa sắt to, nặng làm gió lộng ào ào.
Ba anh em họ Lý rất ngưỡng mộ Bà Triệu, họ dẫn theo tráng đinh của bộ tộc tìm về gia nhập nghĩa quân và tự nguyện tôn Bà Triệu làm chủ tướng. Về sau, họ trở thành những vị tướng tài ba và bất khuất của nghĩa quân.
Các truyền thuyết đều cho thấy nhân dân khắp nơi một lòng tôn kính Bà Triệu và nhiệt liệt hưởng ứng phong trào khởi nghĩa của Bà. Chẳng hạn, một ông già mù đi khắp nơi hát kể về dòng giống, tổ tiên, về các vị anh hùng dân tộc và về đức độ của Bà Triệu để cổ vũ mọi người tham gia nghĩa quân.
Lại có một cụ già hàng nước, chống gậy ra giữa đường chặn đoàn quân lại xin gặp Bà Triệu. Bà có một người con gái duy nhất, xinh xắn, giỏi giang, bà muốn con gái được theo gót Bà Triệu tòng quân giết giặc. Bà Triệu cảm kích nhận lời.
Bà cụ còn tặng tất cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa quân giải khát trong lúc quân hành. Nghĩa cử của bà cụ thể hiện sự ủng hộ của nhân dân và là nguồn động viên rất lớn cho nghĩa quân Bà Triệu.
Thời đó, sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân.
Ngày nay ở xã Hà Ngọc (Hà Trung,Thanh Hóa) còn có ngôi đền gọi là đền Cô Thị. Dân trong vùng còn kể lại một truyền thuyết rất cảm động về đôi vợ chồng một nghĩa quân của Bà Triệu. Người chồng trẩy quân theo Bà Triệu một thời gian thì người vợ ở nhà lâm bệnh nặng. Khi chết nàng biến thành cây thị.
Đặc biệt, cây thị này chỉ có một trái to, tròn rất đẹp, nhưng không ai hái được, vì hễ ai thò tay bẻ thì cành thị lại vút lên cao. Cành ấy luôn ngả về hướng đông nam theo hướng người chồng đang ở trong quân dinh Bà Triệu.
Một ngày thắng trận, người chồng được phép Bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng. Thương tiếc người thiếu phụ chết rồi vẫn một dạ chờ chồng, dân chúng lập đền thờ ở ngay gốc thị.
Tin đồn về sự chuẩn bị khởi nghĩa của anh em Bà Triệu lan xa trên toàn quận Cửu Chân. Viên Thái thú Cửu Chân lo sợ phái một tên ngụy quan về do thám tình hình. Tên này là bà con với vợ Triệu Quốc Đạt.
Tên ngụy quan về mật bàn với vợ Triệu Quốc Đạt. Mụ nghĩ ra một độc kế vừa phá vỡ được cuộc khởi nghĩa, vừa ly gián tình anh em họ Triệu, vừa cột chặt Triệu Quốc Đạt với bọn quan lại đô hộ. Mụ nói: “Hãy về tâu Thái thú một mặt đòi hỏi bức bách nhiều đồ cống vật quí hiếm ngoài khả năng của Quốc Đạt, mặt khác xoa dịu, vỗ về nếu Quốc Đạt đồng ý gả Thị Trinh thì sẽ xí xóa kết thành thân thuộc”.
Tên ngụy quan về thưa lại với tên Thái thú. Hai tên chắc mẩm phen này mọi chuyện sẽ thành công tốt đẹp. Bởi vậy chúng hể hả tổ chức ăn mừng vừa tán thưởng lẫn nhau.
Sau đó tên Thái thú cho mời Quốc Đạt đến quận đường. Y và tên ngụy quan sai bày tiệc tiếp đãi Quốc Đạt rất linh đình. Rượu được vài hồi, tên Thái thú bắt đầu đưa ra những yêu sách, nếu Hào trưởng họ Triệu không đáp ứng sẽ bị bắt giải về kinh đô nhà Ngô. Nhưng y hứa sẽ tha cho Quốc Đạt nếu ông bằng lòng gả em gái là Triệu Thị Trinh cho viên ngụy quan của y.