Tập 8: Nước Vạn Xuân

Triệu Quang Phục nghe tin Trần Bá Tiên phải về nước liền chớp thời cơ, đem quân từ đầm Dạ Trạch tiến về đánh Long Biên. Dương Sàn chết tại trận còn quân Lương tan tác rút chạy. Triệu Quang Phục chiếm được thành Long Biên, lập lại quyền tự chủ cho đất nước (550). Từ đấy nhà vua với sự giúp sức của hai anh em danh tướng họ Trương, lo toan cuộc sống cho dân chúng.

Bấy giờ ở động Dã Năng, Lý Thiên Bảo vẫn xưng vương nhưng đến năm 555 thì ông mất, tộc tướng(*) là Lý Phật Tử lên thay. Lý Phật Tử tìm cách phát triển lực lượng. Vì là người thuộc dòng dõi của Lý Nam Đế nên Lý Phật Tử lôi kéo được dân chúng ở Thái Bình. Năm 557, Lý Phật Tử đem quân đánh với Triệu Việt Vương để tranh ngôi.

  • Viên tướng cùng họ tộc với Lý Thiên Bảo.

Hai bên đánh nhau năm lần không phân thắng bại. Về phía Triệu Việt Vương, vì Lý Phật Tử là người trong họ của Lý Nam Đế nên không nỡ tuyệt diệt. Thấy đánh mãi mà không thắng được Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử nghi là Triệu Việt Vương có phép thuật nên xin ăn thề để giảng hòa. Không muốn cảnh nồi da nấu thịt, người trong một nước giết chóc lẫn nhau, Triệu Việt Vương bằng lòng cho giảng hòa.

Triệu Việt Vương chia nước ra làm hai, lấy bãi Quân Thần (nay là vùng Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm) làm giới hạn. Triệu Việt Vương ở phía Tây, đóng tại Long Biên còn Lý Phật Tử thì đóng ở thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm). Trương Hống và Trương Hát can gián vua đừng cắt đất nhưng không được.

Ngoài ra, để tỏ lòng hòa hiếu cùng Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương còn đem con gái là Cảo Nương gả cho con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang. Trương Hống và Trương Hát nhớ đến chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, lại can ngăn nhưng cũng như lần trước đều không được nhà vua để tâm đến. Nhã Lang từ đấy có dịp dòm ngó cơ binh của Triệu Quang Phục.

Nghĩ rằng Lý Phật Tử đã yên phận, Triệu Quang Phục chú ý đến việc xây dựng đất nước. Nhà vua khuyến khích việc trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ thế dân chúng đủ ăn đủ mặc, cuộc sống an cư lạc nghiệp. Còn Lý Phật Tử lại chú trọng việc thao luyện quân sĩ, tăng cường giáo mác, vũ khí cùng thuyền chiến kín đáo chờ cơ hội tấn công Triệu Quang Phục.

Quả nhiên đến năm 571, Lý Phật Tử nuốt lời thề, đem quân đánh úp Long Biên. Bị đánh bất ngờ, không phòng bị, thành Long Biên thất thủ, Triệu Việt Vương thoát ra được. nhà vua chạy đến cửa bể Đại Nha(*) thì bị quân của Lý Phật Tử đuổi kịp. Cùng đường, Triệu Việt Vương nhảy xuống bể tự tử.

(*) Thuộc địa phận làng Độc Bộ, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.

Dân chúng nhớ ơn vua lập miếu thờ ở cửa biển Đại Nha. Đến năm 1285, vua Trần Nhân Tông sách phong cho ông tước hiệu Minh Đạo Hoàng đế. Ba năm sau, nhà vua lại phong thêm hai chữ “Khai Cơ” với ý nghĩa Triệu Quang Phục là người mở nên cơ nghiệp. Còn vua Trần Anh Tông lại tôn kính thăng ông lên hàng thánh: “Thánh liệt thần vũ” (1313).

Nói về hai anh em Trương Hống, Trương Hát, sau khi bại trận, chạy về trốn ở trong núi, Lý Phật Tử nhiều lần chiêu dụ không được nên muốn giết đi. Hai anh em uống thốc độc tự tử để khỏi sa vào tay đối phương. Sau này Ngô Xương Văn (con của Ngô Quyền) phong cho Trương Hống làm thần vương sông Như Nguyệt (tức là sông Cầu), Trương Hát làm thần vương sông Thương. Hiện nay, tại vùng lân cận sông Cầu và sông Thương có rất nhiều đền thờ hai anh em họ Trương.

Sách sử chép lại rằng, trong trận đánh chống quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1077, Lý Thường Kiệt đã nhờ đến uy linh của anh em họ Trương để uy hiếp tinh thần đối phương đồng thời khích lệ quân sĩ của mình. Lý Thường Kiệt cho người nấp trong đền thờ Trương Hát ở bờ nam sông Như Nguyệt giả làm như hồn người anh hùng xưa hiện về đọc thơ mắng quân Tống khiến chúng vô cùng khiếp sợ.

Còn Lý Phật Tử, sau khi đánh thắng Triệu Việt Vương, lên làm vua, cũng xưng là Lý Nam Đế, còn sách sử thì gọi là Hậu Lý Nam Đế để phân biệt với Lý Bí. Lý Phật Tử dời đô đến Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ). Lý Phật Tử tuy tự xưng là Lý Nam Đế nhưng vẫn phải thần phục nhà Trần ở Trung Quốc.

Nước Trung Quốc lúc bấy giờ lại gặp cảnh chia năm xẻ bảy, thay chúa đổi vua liên tục. Trần Bá Tiên cướp ngôi nhà Lương nhưng chỉ kiểm soát một phần đất phía nam Trung Quốc. Năm 589, nhà Tùy diệt nhà Trần, thống nhất Trung Quốc. Sau một thời gian ổn định được quyền lực, vua Tùy bắt đầu việc xâm chiếm các nước láng giềng ở phía nam.

Năm 602, nhà Tùy đòi Lý Phật Tử phải qua Trung Quốc chầu để tỏ ý hàng phục. Lý Phật Tử thoái thác không đi, rồi cử tướng cắt quân đóng giữ các thành trọng yếu như Long Biên (Hà Nội), Ô Diên (Hà Nội), còn mình thì thân hành cầm quân giữ thành Cổ Loa. Vin cớ là Lý Phật Tử không tuân lệnh, vua Tùy phái tướng Lưu Phương thống suất trên 10 vạn quân, mở cuộc tiến công xâm lược Vạn Xuân.

Các toán quân Vạn Xuân không cản được bước tiến của đại quân Tùy. Lưu Phương nhanh chóng thúc quân tiến vây thành Cổ Loa đồng thời cho người đi chiêu dụ Lý Phật Tử về hàng. Trước sức mạnh của quân Tùy, Lý Phật Tử không chống cự nổi phải ra hàng. Lưu Phương cho giải về Trung Quốc và giam lỏng ở đấy. Đất nước ta lại rơi vào cảnh đô hộ.

Nước Vạn Xuân tồn tại không đầy 60 năm, nhưng đủ để ghi khắc vào tâm khảm của người Việt Nam ý chí quật cường của người xưa. Vũ dũng của Lý Bí, tài trí của Dạ Trạch Vương mãi mãi là tấm gương anh hùng gợi nhớ một thời mà nước ta có tên gọi vô cùng thắm thiết: Đất nước của Vạn Mùa Xuân.

Bàn thờ Lý Nam Đế trong đền thờ làng Giang Xá Hai câu đối hai bên:
“Thiên Đức hồng cơ long tỉnh Bắc
Vạn Xuân cung quyết phượng thành Đông” Nghĩa là:
Người dựng nghiệp đỏ như rồng bay trên đỉnh Bắc là Thiên Đức.
Đất xây triều vàng tựa phượng múa dưới thành Đông nước Vạn Xuân.
(Trích tạo chí Nghiên cứu lịch sử số 1-1991)

Đền thờ Lý Bí (Hà Tây)

Chùa Bảo Phúc làng Giang Xá. Tương truyền nơi Lý Bí đi tu học chữ trước khi khởi nghĩa

Ảnh: Đức Hòa

Lũy đất còn xót lại trong làng Giang Xá tương truyền của Lý Bí đắp từ thời xa xưa.
Vợ chồng Lý Nam Đế. (Tranh sơn quang dầu trên gỗ, Thế kỷ XIX Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam)

Nơi đóng quân của Lý Bí những ngày đầu khởi nghĩa.

Đình Lưu Xá (Tên nôm là làng Rộc).
Đền thờ Lý Phục Man (Cổ Sở, Hoài Đức, Hà Nội)

Đình Xuân Đề (Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thờ tướng Trình Đô và tướng Tam Cô là hai võ tướng của Lý Nam Đế.
Ảnh: Đông Lai

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Lịch sử văn học Việt Nam tập I, Hà Nội, 1980. 2- Lịch sử Việt Nam tập I, Hà Nội, 1971.

3- Ngô Huy Quỳnh, Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, Hà Nội, 1992. 4- Ngô Thời Sỹ, Việt sử tiêu án, bản dịch, Sài Gòn 1960.

5- Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Viện văn học, 1993. 6- Nguyễn Văn Tố, “Đại Nam dật sự” trong Tri Tân, số 131-132, 1944. 7- Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ biên), Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, tp. Hồ Chí Minh, 1993.

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 8

NƯỚC VẠN XUÂN

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT

Biên tập: CÚC HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: BÙI NGHĨA