Tập 9: Mai Hắc Đế

Đường Lâm còn là nơi sản sinh nhiều anh hùng dân tộc, đó là nơi chôn nhau cắt rốn của hai vị tướng của Hai Bà Trưng là Chiêu Trưng và Đỗ Lý và cũng là quê hương của hai vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là Bố Cái Đại vương và Ngô Quyền. Vùng đất này càng thêm vẻ cổ kính với các kiến trúc bằng đá ong. Đâu đâu cũng thấy đá ong, từ cái giếng cho đến cổng làng, cột đình, ngôi mộ, nhà thờ họ…

Chùa Sùng Nghiêm (chùa Mía) tọa lạc ở xã Đường Lâm, Huyện Ba Vì, Hà Tây Ảnh: Lấy từ sách “NHững ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam”, Võ Văn Tường

Trong không gian tràn ngập màu sắc đá ong ấy lại chứa chất nhiều di tích lịch sử và văn hóa, đem lại cho Đường Lâm một dáng vẻ đặc sắc mà không nơi nào có được. Chẳng hạn như chùa Mèn thờ bà Man Thiện; miếu thờ bà Lê Thị Lan, nữ tướng của Hai Bà Trưng; đình Mông Phụ… Ở thôn Đông Sàng còn có chùa Mía do bà Lê Thị Rong, con gái làng Mía (tên của Đường Lâm thời ấy) và là vợ của chúa Trịnh Tráng tạo dựng.

Đường Lâm còn có Quán Sứ, là một ngôi nhà cổ dùng làm nơi quàn thi hài những người anh hùng, liệt sĩ. Quán Sứ liên quan đến một nhân vật là Thám hoa Giang Văn Minh, người làng Đường Lâm. Ông là một người tiết tháo, khi đi sứ sang nhà Minh, để xin cầu phong cho vua Lê (1637), bị vua Minh làm nhục, đã khẳng khái đối đáp khiến vua Minh tức giận, sai mổ bụng giết chết.

Thi hài ông được đưa về nước và khi rước về qua làng Đường Lâm thì dân làng ra đón xác và xin vua Lê cho được chôn sứ thần tại quê nhà. Vua truy phong cho Thám hoa tước “Công bộ Thị lang Minh Quận công” và chuẩn y thỉnh nguyện của dân làng. Thi hài của Thám hoa được quàn tại ngôi nhà Quán Sứ này trước khi được đem đi chôn cất. Từ đấy nhà Quán Sứ trở thành nơi quàn các chiến sĩ bỏ mình vì nước.

Đường Lâm còn có đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, còn có lăng Ngô Quyền… Nơi thờ hai vị anh hùng dân tộc này nằm không cách xa nhau bao nhiêu, chỉ khoảng 300m, trên vùng đồi nghiêng nghiêng. Đền và lăng đều giữ được vẻ kiến trúc cổ xưa. Hàng năm vẫn có lễ hội tưởng nhớ đến những chiến tích một thời hào hùng của hai người con xã Đường Lâm.

Lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm

Phong cảnh Đường Lâm Ảnh: Đức Hòa

Đường Lâm còn là một vùng trồng mía, làm đường nổi tiếng. Vì thế có những tên gọi liên quan đến các hoạt động này như: Đường Lâm, chùa Mía, phố Mía… Đó là hình ảnh của mía, của mật, của đường qua các câu ví von như sau:

“Lên phố Mía, Gặp cô hàng mật,

Nắm lấy tay, hỏi đường”.

Ở thôn Cam Lâm, một trong bảy thôn của xã Đường Lâm, vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 8, có gia đình họ Phùng, thuộc dòng dõi Quan lang, giàu có và có uy tín lớn. Theo truyền thuyết, bà Phùng sinh ra ba người con trai đĩnh ngộ, thông minh. Đó là Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Khi lớn lên, người anh cả là Phùng Hưng được nối nghiệp cha, làm hào trưởng Đường Lâm.

Cả ba anh em đều có sức khỏe hơn người. Phùng Hưng người cao lớn, mặt mũi khôi ngô, tính tình hòa nhã, có sức mạnh bẻ gãy sừng trâu, tay không bắt hổ. Phùng Hải vác được đá nặng ngàn cân, hoặc vác thuyền nhỏ chở ngàn hộc lúa mà có thể đi xa hơn 10 dặm. Phùng Dĩnh cũng không kém gì hai anh, một mình vật ngã được cả mười chàng thanh niên cường tráng.

Ba anh em rất siêng năng tập luyện võ nghệ. Mỗi ngày, gà vừa gáy sáng là ba anh em đã thức dậy, kẻ cung, người côn, kiếm cùng nhau quần thảo. Họ cũng không quên dùi mài kinh sử.

Sách sử, sách binh thư được họ nghiền ngẫm và cùng nhau thảo luận để hiểu được hết ý nghĩa của người xưa. Ngoài ra, họ còn hay đi chu du để tìm hiểu đất nước và dân tình.

Nhờ đi đây đi đó nhiều, thấy những cảnh cơ cực của dân chúng và sự tham bạo của giặc, họ vô cùng phẫn nộ và nuôi chí lớn. Họ thường tụ tập những người nghĩa khí để bàn chuyện khởi nghĩa và được nhiều người ngưỡng mộ. Lần lần tiếng thơm về ba anh em họ Phùng chiêu hiền trọng nghĩa lan ra khỏi vùng Đường Lâm tỏa đến các vùng lân cận. Ai nấy đều nể trọng.

Bấy giờ vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ 8, tình hình ở Trung Hoa không ổn định. Triều đình nhà Đường ngày càng suy yếu, không còn đủ sức mạnh để kiểm soát mọi miền, nên nơi nơi những người có thế lực nổi lên. Mỗi người xưng hùng xưng bá một cõi.

Xứ Giao châu cũng lâm vào cảnh loạn lạc. Nhân cơ hội đó, nước Chà Bà (tức Java, thuộc Indonesia ngày nay) vào lấn cướp nước ta.

Quan đô hộ nước ta lúc bấy giờ Trương Bá Nghi phải nhờ cậy Đô úy quận Vũ Định Cao Chính Bình giúp sức mới đuổi được quân Chà Bà. Nhờ công lao ấy, Cao Chính Bình được thay Trương Bá Nghi làm An Nam Đô hộ. Từ đấy, cậy công lao, Cao Chính Bình hống hách, không còn kiêng nể ai. Y ra sức bóc lột, vơ vét của dân làm cho trăm họ vô cùng điêu linh.

Trước tình hình ấy, vào khoảng năm 767, anh em họ Phùng phất cờ khởi nghĩa. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, xưng là

Đô Quân; Phùng Hải đổi tên là Cự Lực, xưng là Đô Bảo còn Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng. Họ đặt đại bản doanh tại Đường Lâm rồi đem quân đi thu phục các miền lân cận. Hào kiệt theo về rất đông. Chẳng mấy chốc ba anh em làm chủ cả vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Cao Chính Bình nhiều lần cho quân đến đánh Đường Lâm, nhưng đều bị thua to, phải kéo quân về. Trong khi Cao Chính Bình hốt hoảng tìm mưu kế tiêu diệt quân khởi nghĩa, thì anh em Phùng Hưng dốc sức chuẩn bị lực lượng, ngày đêm thao luyện quân sĩ, chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thực, đợi thời cơ thuận tiện.

Vài năm sau, khi thế lực đã mạnh hơn, lòng dân đang nôn nóng trông chờ, Phùng Hưng liền khởi binh tiến đánh thành Tống Bình. Cao Chính Bình ra sức cố thủ. Thấy sức đề kháng của Cao Chính Bình còn mạnh, đánh hoài không thắng, Phùng Hưng ngày đêm suy nghĩ tìm kế.

Phùng Hưng có một tướng tâm phúc là Đỗ Anh Hàn, cũng là người xã Đường Lâm, đang giữ chức chỉ huy một toán quân người Man. Đỗ Anh Hàn là người có mưu trí. Ông thường đưa ra kế sách tài tình giúp cho Phùng Hưng chiến thắng nhiều trận. Sau nhiều đêm suy nghĩ, một hôm ông đi gặp Phùng Hưng để hiến kế.

  • Thưa chủ tướng, Cao Chính Bình là người đã thắng được quân Toa Oa (tức là Java), hắn còn đang dương dương tự đắc. Đối với trên, hắn được nhà Đường tin dùng. Đối với dưới, hắn được nhiều người theo.
  • Thế hắn mạnh như vậy, ta phải làm thế nào?
  • Thưa muốn thắng hắn, phải làm cho hắn nhụt chí, hoang mang, bất định. Lại phải bao vây đường liên lạc để hắn không báo tin được với nhà Đường. Đồng thời phải đánh cho vây cánh nó tan rã, như vậy mới có cơ thắng được.
  • Hay lắm, mưu của người thật là toàn vẹn. Hãy cùng ta bày thế trận.

Phùng Hưng cùng Đỗ Anh Hàn cấp tốc thực hiện mưu kế. Họ cho quân ngừng công thành và quay sang vây hãm. Hàng đoàn quân lớp lớp trùng điệp bao vây thành Tống Bình, nội bất xuất, ngoại bất nhập, kiểm soát nghiêm ngặt suốt cả ngày lẫn đêm.

Thêm vào đó, để uy hiếp tinh thần đối phương, Phùng Hưng tăng cường cuộc vây thành bằng cách hàng đêm cho quân đốt lửa rồi đánh chiêng, đánh trống vang trời, reo hò không ngớt. Quân của Cao Chính Bình hoang mang, mệt mỏi vì lúc nào cũng phải ở trong tư thế trực chiến, không được ngơi nghỉ phút nào. Riêng Cao Chính Bình thì hoảng sợ tột độ. Những tiếng reo hò cùng tiếng chiêng trống của quân khởi nghĩa làm cho hắn mất ăn mất ngủ.

Đồng thời, Phùng Hưng cho quân đi tuần hành các châu khác và rao lên là sắp lấy được thành Tống Bình rồi. Đi đến đâu người theo đến đấy. Các quan nhà Đường cai trị các châu khác không dám đem quân trợ giúp cho Cao Chính Bình. Oai danh của Phùng Hưng ngày càng tăng, còn Cao Chính Bình thì bị cô lập hoàn toàn.

Thần kinh ngày càng căng chẳng, Cao Chính Bình mơ thấy toàn ác mộng. Những nạn nhân đã từng bị hắn hà hiếp, giết chóc hòa với tiếng chiêng, trống luôn luôn ám ảnh bao vây hỏi tội hắn, khiến hắn không biết trốn vào đâu, cuối cùng phát bệnh mà chết. Thấy chủ tướng không còn, bọn quân sĩ, vốn đã hết tinh thần chiến đấu, vội vàng mở cửa thành quy hàng quân khởi nghĩa.

Phùng Hưng kéo vào chiếm lĩnh thành Tống Bình rồi cho quân đi chiêu an mọi nơi. Đất nước lại được độc lập. Phùng Hưng tổ chức bộ máy Nhà nước, lập Phùng Hải làm thái úy và phân công các người tốt, tướng tài giữ các chức vụ quan trọng. Phùng Hưng chú trọng đến nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích làm ruộng hai mùa, làm cho lương thực đủ chi dùng trong nước.

Trong các tướng của Phùng Hưng, có Bồ Phá Lạc là người có sức khỏe phi thường, chẳng kém ba anh em họ Phùng. Theo truyền thuyết, Bồ Phá Lạc có thể một tay nhấc chiếc vạc đồng nặng ngàn cân, hoặc trong một ngày phá bạt cả ngọn núi. Bồ Phá Lạc lại cũng có nhiều người dưới trướng, đồng lòng phù trợ Phùng Hưng. Nhờ tướng giỏi, anh em đoàn kết, Phùng Hưng trị vì đất nước trong cảnh thanh bình.

Phùng Hưng cai trị 7 năm thì mất. Dân chúng vô cùng thương tiếc. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, mọi người tôn cho ông danh hiệu là Bố Cái Đại vương. “Bố” có nghĩa là cha và “Cái” có nghĩa là mẹ. Ý của dân chúng muốn nói công đức của Phùng Hưng đối với đất nước ví như công ơn của cha mẹ đối với con cái.

Hậu cung đền thờ Phùng Hưng ở Đường Lâm.

Dân chúng lập đền thờ ông ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của ông là thôn Cam Lâm, thuộc xã Đường Lâm. Ngày nay đền thờ Bố Cái Đại vương vẫn còn hiện diện tại vùng đất của mía, của đường và của đá ong ấy. Đền tuy nhỏ nhưng kiến trúc rất tinh xảo và dáng vẻ rất cổ kính.

Sau khi Phùng Hưng mất, bàn đến việc đưa người lên nối nghiệp thì nội bộ thân thuộc của Phùng Hưng lại có sự chia rẽ. Phùng Hải, tức Đô Bảo, người em song sinh của Phùng Hưng, đã cùng anh dấy binh từ buổi đầu và từng vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công. Ông được dân chúng tin yêu không kém gì Phùng Hưng. Vì thế, họ muốn ông lên kế vị.

Khác với ý nguyện của dân chúng, tướng Bồ Phá Lạc lại chủ trương theo truyền thống cha truyền con nối, tức là đưa Phùng An, con của Phùng Hưng lên nối nghiệp. Nội bộ trở nên mất đoàn kết, chia làm hai phe. Một bên ủng hộ Phùng Hải, một bên ủng hộ Phùng An. Bồ Phá Lạc lại có tay chân, bộ hạ đông đảo nên thế lực rất mạnh. Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, Bồ Phá Lạc đem quân đi trấn áp Phùng Hải và hộ tống Phùng An lên ngôi chủ soái.

Phùng Hải là người trọng nghĩa, yêu hòa bình, không muốn gây ra cảnh chia rẽ, ruột thịt tương tàn, nên không đánh lại và cũng không cản trở việc lên ngôi của cháu. Nhưng Bồ Phá Lạc không để yên, muốn đêm quân đánh tiếp. Tránh cảnh chiến tranh, Phùng Hải cùng Phùng Dĩnh lui về Nham Động rồi sau đó đi đâu không ai biết. Từ đấy lòng người ly tán. Mối họa mất nước lại xuất hiện.

Phùng An lên ngôi, không củng cố lại được sự đoàn kết và cũng chưa xây dựng gì lớn lao cho đất nước thì hai năm sau đã phải đối phó với nạn xâm lăng của nhà Đường. Nhà Đường phong cho một viên tướng tên là Triệu Xương làm An Nam Đô hộ, có nhiệm vụ đánh đuổi Phùng An ra khỏi thành Tống Bình, làm chủ lại Giao châu. Triệu Xương hăm hở kéo quân vào đất Giao châu.

Triệu Xương dùng chiến thuật vừa dụ vừa đánh. Hắn cho người đem phẩm vật đến ra mắt Phùng An, chiêu dụ rằng Phùng An sẽ được tha chết nếu quy hàng, còn không sức mạnh của Thiên triều (tức là nhà Đường) sẽ làm cỏ cả xứ Giao châu. Đồng thời, hắn lập một đạo quân lớn và dữ dằn, mang tên là Nhu Viễn quân, cho đi uy hiếp khắp nơi.