Tập 9: Mai Hắc Đế

Thấy sức mình không cự được, lại thêm cảnh chia rẽ trong nội bộ, Phùng An đem thuộc hạ ra quy hàng. Những người tâm huyết của họ Phùng đi tìm anh em Phùng Hải và Phùng Dĩnh, hòng nối lại sự nghiệp lớn, nhưng không thấy đâu, sau rồi họ cũng phân tán hết. Xứ Giao châu lại lệ thuộc vào nhà Đường lần nữa. Đấy là vào năm 791 sau Công nguyên.

Từ đó về sau, dân Việt cùng các dân tộc anh em liên tiếp nổi lên chống nhà Đường, nhưng không thành công. Trong đó, cuộc nổi dậy vào năm 819 của Dương Thanh, một hào trưởng ở châu Hoan là lớn nhất. Dương Thanh cũng đã chiếm được La Thành (thành Tống Bình), nhưng sau thua trận, bị nhà Đường tru di ba họ. Mãi đến đầu thế kỷ thứ 10, cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt mới thành công dưới ngọn cờ của Khúc Thừa Dụ.

Đình Triều Khúc, thờ Phùng Hưng (Kẻ Đơ, Tân Triều, Hà Nội) Ảnh: Nguyễn Huy Khôi

Dân chúng luôn nhớ ơn Bố Cái Đại vương. Ông được thờ không những ở quê hương của mình mà còn ở nơi khác nữa. Đặc biệt ở làng Triều Khúc (tục gọi là Kẻ Đơ, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có ngôi đình Lớn thờ ông làm Thành hoàng của làng. Đình Lớn, dù trải qua nhiều biến cố, nhiều năm tháng, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính và là niềm tự hào của người dân Triều Khúc.

Nằm ở địa điểm sát kinh thành, Triều Khúc đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử, trong đó, Triều Khúc không bao giờ quên trận vây thành Tống Bình của Phùng Hưng. Và hàng năm, dân chúng mở lễ hội (được gọi là lễ hội Triều Khúc) diễn lại chiến thắng ấy. Lễ hội Triều Khúc với nét độc đáo, quyến rũ của riêng mình, đã lôi cuốn rất đông đảo người tham dự.

Lễ hội mở từ ngày mồng 10 đến 12 tháng giêng. Ngày mồng mười là ngày Phùng Hưng khởi binh vây thành, được chọn làm ngày chính hội với buổi lễ rước. Mọi người mặc lễ phục truyền thống làm lễ rước long bào, triều phục của Phùng Hưng từ đình Sắc (một ngôi đình có sắc phong ở trong làng) về đình Lớn. Đoàn rước đi làm hai hàng mặt đối mặt và “đi nghiêng” theo nhịp điệu chứ không đi thẳng bình thường, làm cho lễ hội thêm vẻ độc đáo.

Múa bồng trong đám rước làng Triều Khúc

Tranh “Con đĩ đánh bồng”.

Tranh Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 (Hình bên)

Khi ở trong đình đang làm lễ thì bên ngoài diễn tiết mục múa “cô gái đánh bồng”.

Hai hoặc bốn chàng trai giả gái, áo quần tha thướt đủ màu, nhiều lớp, môi son má phấn, răng đen hạt huyền, mắt lúng liếng, khăn mỏ quạ, trông xinh đẹp chẳng khác

gì các cô thôn nữ. Họ nhí nha nhí nhảnh, vừa vỗ trống bồng (trống cơm) đeo trước bụng vừa nhún nhảy quay cuồng làm cho đám hội càng sinh động.

Sau nghi lễ là đến các trò chơi như múa lân, múa rồng, đốt pháo thi, đấu vật, hát chèo. Múa rồng của Triều Khúc đẹp có tiếng, nhất là tiết mục rồng dựng, đòi hỏi nghệ nhân phải gan dạ và khéo léo. Sới vật của Triều Khúc thu hút nhiều chàng trai đô vật ở các vùng vật nổi tiếng như Bắc Ninh, Mai Động về dự thi. Cuối cùng là làn điệu chèo êm ả, trong trẻo, cuộn vào lòng người, khiến không ai muốn rời đám hội, dù đêm đã khuya, trăng đã mờ.

Ngày 12 là tan hội, được đánh dấu bằng trò múa cờ. Trò múa này kể lại sự tích Phùng Hưng tuyển quân bổ sung để vây thành Tống Bình. Giữa sân đình, một lá cờ đại phần phật lộng gió. Từng chàng trai bận quân phục cổ, tay cầm xà mâu, mã tấu, giáo mác, kiếm gươm, nườm nượp ra mắt Phùng Hưng. Rồi tiếng thanh la, tiếng trống đồng loạt vang lên. Ấy là lúc Phùng Hưng theo kế của Đỗ Anh Hàn, phô trương lực lượng, uy hiếp tinh thần Cao Chính Bình.

Theo hiệu trống, các chàng trai ào ào chạy qua cổng đình, rồi tỏa thành hai toán quân chạy theo đường ruộng, làm thành một vòng tròn khép kín, dài chừng 1000m. Đó là lúc binh sĩ của Phùng Hưng vây thành với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và inh ỏi. Cuộc vây thành chấm dứt trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem.

Trước khi tan hội, một buổi tiệc với cỗ bàn đầy đủ rượu, trầu bầy chật cả ba gian đình để tưởng thưởng cho những người diễn và cả người dự lãm. Mọi người hân hoan nâng chén, chúc tụng nhau và cùng hẹn gặp lại vào kỳ lễ hội năm sau. Chiến tích của Bố Cái Đại vương, người con của xã Đường Lâm, sống mãi trong ký ức của dân tộc.

Phong cảnh Đường Lâm quê hương của Phùng Hưng. Ảnh: Nguyễn Đức Hòa

Cổng đình Triều Khúc

Tượng tại cổng đình Triều Khúc Ảnh: Nguyễn Huy Khôi

Đám rước hội làng Triều Khúc (Ảnh trên)
Thủy đìnhTriều Khúc nơi múa rối nước, cũng là nơi mở đầu và kết thúc đám rước của lễ hội
Ảnh: Nguyễn Đức Hòa

Bàn thờ trong gian ngoài đình Triều Khúc Ảnh: Nguyễn Huy Khôi
Một ngai thờ trong đình Triều Khúc Ảnh: Nguyễn Đức Hòa

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 9

MAI HẮC ĐẾ

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT

Biên tập: TÚ UYÊN

Xử lý bìa: BIÊN THÙY Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: BÙI NGHĨA