Tập 4: Huyền sử đời Hùng – Tiên Dung – Chử Đồng Tử – Sơn Tinh, Thủy Tinh
Vào thời vua Hùng, người trong các làng xóm phần nhiều là bà con họ tộc với nhau. Ven sông Cái (thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có một làng rất đông người họ Chử cùng sống nên có tên là Chử Xá(*). Dân làng giữ nếp sống thuần hậu, lấy việc cày ruộng, cấy lúa làm nghề chính. Ngoài ra còn ra sông thả đăng, giăng lưới, đánh dặm bắt cá tôm. Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng dân làng thương yêu đùm bọc, cùng chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn.
* Xá có nghĩa là làng, xóm.
Ở cuối làng có một căn chòi lụp xụp, đấy là nhà của hai cha con người đánh cá nghèo khổ. Cha là Chử Cù Vân đã già yếu lại hay ốm đau, con là Chử Đồng Tử hãy còn thơ dại. Cả nhà chỉ có mỗi chiếc khố là vật đáng giá, ông Chử Cù Vân cũng ít dám dùng sợ mau rách. Còn cậu bé Chử thì quanh năm trần truồng như phần nhiều các cậu bé khác.
Khi Chử Cù Vân ốm nặng, biết mình không qua khỏi, ông thều thào dặn lại con trai:
– Bố chết, cứ chôn trần, con giữ cái khố lại mà dùng. Con gắng chịu khó làm ăn sinh sống, ở với xóm giềng có thủy có chung…
Cha chết, Chử Đồng Tử vô cùng thương xót. Không nỡ để cha trần truồng, cậu lấy chiếc khố duy nhất quấn cho cha. Cậu còn chia cho cha tất cả những đồ vật mà cha vẫn dùng hàng ngày để ở thế giới bên kia cha khỏi phải thiếu thốn. Còn cậu chỉ giữ lại cho mình chiếc dặm đã rách. Dân làng thương cậu bé hiếu thảo, xúm nhau vào lo đám tang ông Chử Cù Vân rất chu đáo.
Còn lại một mình, Chử Đồng Tử tiếp tục đi đánh dặm và sống nhờ vào sự giúp đỡ của dân làng. Ngày qua ngày, cậu bé lớn khôn dần và bắt đầu cảm thấy ngượng ngập trước sự trần truồng của mình. Cho đến lúc cậu không dám đi ra ngoài và không dám gặp bất kỳ ai trong làng. Bà con họ mạc biết ý, thỉnh thoảng đặt trước cửa cho cậu ít gạo muối, rau củ.
Cuối cùng, cậu nghĩ ra một cách, buổi sáng cậu dậy từ lúc trời còn tối rồi vác dặm ra sông. Cả ngày cậu lội ngập nửa người dưới nước để bắt cá. Được ít nào cậu lại bơi ra các thuyền bè qua lại trên sông để đổi cơm ăn. Sau đó lại tiếp tục bắt cá đến tối mịt mới dám về nhà.
Chử Đồng Tử cứ sống như vậy cho đến lúc đã trở thành một chàng trai thực sự. Mơ ước lớn nhất của chàng là đánh được nhiều cá để đổi lấy một chiếc khố. Có khố, chàng có thể đi thăm bà con, ăn với họ một miếng trầu cay. Có khố chàng sẽ đi dự hội làng để giã cối và hát đối đáp với các cô gái… Nhưng ước mơ bé nhỏ của chàng mới khó thực hiện làm sao…
Cũng vào thời bấy giờ, ở Phong Châu, vua Hùng có nàng Mỵ nương tên là Tiên Dung, nhan sắc xinh đẹp. Nàng đã mười bảy mười tám mùa lúa mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Vua cha rất lo lắng, bởi lẽ theo tục lệ thời đó, con trai mười sáu mùa rẫy, con gái mười ba đã nghĩ đến chuyện lứa đôi, gia đình.
Tiên Dung chỉ thích đi đây đi đó, ngao du sơn thủy, chiêm bái cảnh đẹp non sông đất nước, thăm viếng dân tình. Chiều ý con gái, vua cấp cho nàng một đoàn thuyền với đông đảo thị nữ, tiểu đồng hầu hạ, mặc cho nàng rong ruổi. Vua còn nhờ Lạc hầu em trai mình đi theo chăm sóc Tiên Dung.
Một hôm, Chử Đồng Tử đang đánh dặm bắt cá trên bến sông vắng. Bất ngờ chàng nhìn thấy một đoàn thuyền giăng kín mặt sông. Đoàn thuyền có vẻ đang dần về phía chàng. Chàng sợ quá vội quăng dặm, quăng đụt chạy vội lên phía mấy bụi lau, bới cát vùi mình để trốn.
Đoàn thuyền đông đảo ấy chính là thuyền của Tiên Dung và kẻ hầu người hạ đang trên đường đi thăm phong cảnh đất nước. Gặp khúc sông làng Chử nước xanh cát trắng, làng xóm yên lành như tranh vẽ, nàng chọn chỗ vắng hạ lệnh dừng thuyền, lên bờ ngắm cảnh.
Nàng lên bãi, thấy chiếc dặm và chiếc đụt của ai vứt trên cát, liền lại gần cầm xem và sai người dặm thử để nàng biết cách sử dụng. Cứ thế, vừa dạo chơi, Tiên Dung vừa háo hức tìm hiểu cách thức đánh bắt cá mà lần đầu tiên nàng mới được biết.
Sau khi dạo chơi đã mỏi, nàng quay về thuyền. Thấy bến sông rộng rãi sạch sẽ, nàng sai thị nữ đun nước thơm và chọn nơi râm mát kín đáo vây màn để tắm.
Không ngờ, nơi Tiên Dung quây màn tắm lại đúng nhằm vào chỗ Chử Đồng Tử vùi mình. Nãy giờ chàng vẫn phủ cát nằm im lòng đầy lo sợ, bất chợt thấy nước xối xuống ào ào trôi hẳn lớp cát trên người, chàng hoảng hốt ngồi dậy.
Kinh ngạc vì thấy một chàng trai bất ngờ từ dưới đất chui lên, Tiên Dung hoảng hốt định kêu cứu. Nhưng thấy vẻ mặt chàng trai hiền lành lại cùng đang hoảng hốt khấu đầu xin tha mạng, nàng trấn tĩnh lại. Cảm thấy có gì đó éo le, nàng bèn hỏi rõ sự tình.
Câu chuyện của Chử Đồng Tử khiến Tiên Dung vô cùng thương cảm. Nàng không ngờ trên đất nước cha nàng trị vì lại có người nghèo đến nỗi không có cả chiếc khố che thân. Tin vào sự sắp đặt của Trời Phật, xúc động trước lòng hiếu thảo của chàng trai, nàng nói:
– Ta đã nguyện không lấy chồng, một đời ngao du sơn thủy, nay gặp chàng thế này hẳn là duyên Trời run rủi, xin được cùng chàng kết thành chồng vợ.
Trở về thuyền, Tiên Dung sai người đem khố áo cho Chử Đồng Tử. Nàng lại năn nỉ chú mình đến gặp Bố chính và các bô lão Chử Xá để bàn chuyện hôn nhân. Nàng cũng sai quân hầu, thị nữ kết thuyền trên sông, dựng rạp trên bãi để chuẩn bị cho lễ cưới.
Mặc dù lâu nay nhà vua có lệnh cấm con cái nhà thường dân lấy con cái nhà quyền quí, nhưng thương tình cháu gái, lại thấy nàng xưa nay được vua Hùng yêu chiều nên vị Lạc hầu đành phải chấp nhận. Ông dẫn theo người hầu hạ mang lễ vật đi vào làng.
Trên căn nhà sàn rộng rãi là nơi hội họp của dân làng, vị Bố chính họ Chử cùng các bô lão lắng nghe cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Ai nấy đều rất vui mừng. Bố chính ra lệnh đánh trống đồng tụ tập dân làng để lo chuyện đám cưới cho đôi trai gái.
Đêm đó trên bến sông làng Chử, một đám cưới tưng bừng chưa từng có. Đèn đuốc sáng cả một khoảng sông. Tiếng trống tiếng nhạc vang lừng xen lẫn tiếng cười nói ríu rít của đám trẻ cùng tiếng hò hát của các cô gái chàng trai đang làm bánh, nướng thịt.
Trên khoang thuyền lộng lẫy, Lạc hầu, Bố chính cùng các bô lão ngồi quanh những vò rượu nếp cái tỏa hương thơm ngát. Cạnh đó là Chử Đồng Tử đang sánh vai cùng Tiên Dung để cho dân làng lần lượt buộc vào tay những sợi chỉ đó cầu chúc hạnh phúc. Chàng mặc một chiếc khố có những hoa văn đẹp mắt, chiếc khố đầu tiên trong đời của chàng mà tưởng như mình đang nằm mơ.
Tin Mỵ nương Tiên Dung lấy người trai đánh dặm nghèo khổ lập tức bay về kinh đô. Vua Hùng nổi giận sai người triệu hồi đoàn thuyền của Tiên Dung về triều ngay lập tức. Tiên Dung sợ cha trị tội đành xin ở lại Chử Xá cùng Chử Đồng Tử và bà con dân làng.
Với tài tháo vát và trí thông minh, Tiên Dung nhanh chóng làm quen với cuộc sống nơi thôn quê. Ngày ngày Chử Đồng Tử ra sông bắt cá để nàng đổi gạo muối và các vật dụng khác. Còn thừa, nàng học cách làm mắm(*). Nhờ đã đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm, mắm cá của nàng làm ngon hơn hẳn những người khác.
(*) Đó là món ăn phổ biến của dân Lạc Việt hồi ấy.
Tiếng đồn về nàng Mỵ nương ở lại nhà chồng sống đời dân dã, lại giỏi giang tháo vát hơn người khiến thuyền bè các nơi thường xuyên ghé bến vừa để đổi mắm, vừa để có dịp làm quen với nàng Tiên Dung xinh đẹp.
Tiên Dung bèn lập ngay một khu chợ ở ven sông để dân làng tiện trao đổi các sản vật. Khu chợ đó có tên là chợ Thám (hay còn gọi là chợ Hà Lương, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Chẳng bao lâu sau, Chử Xá trở nên giàu có. Nơi bến sông của làng không chỉ thuyền buôn trong nước mà cả thuyền buôn nước ngoài tấp nập tới lui.
Một hôm có người khách từ phương xa tìm đến viếng thăm Chử Xá và tìm gặp Tiên Dung. Khách hết lời khen ngợi tài trí của nàng và khuyên nàng cho người mang sản vật của làng đi tới những nơi xa trao đổi làm giàu cho dân làng. Nàng nghe theo, để chồng đi cùng các thương khách.
Trên đường ra biển, thuyền dừng lại một nơi phong cảnh núi non tuyệt đẹp để lấy nước ngọt. Chử Đồng Tử chợt nhìn thấy một am nhỏ cổ kính trên vách núi cheo leo. Chàng bèn trèo lên núi viếng am. Nhà sư trụ trì tên là Phật Quang nhận thấy chàng có cốt cách chân thành bèn khuyên chàng ở lại học đạo.
Chử Đồng Tử bỏ dở cuộc hành trình, lưu lại am. Chàng theo Phật Quang học đạo và rèn luyện các phép thần thông nhiệm màu. Sau hơn một năm học hành thông tuệ, chàng xin trở lại quê nhà. Khi chia tay, Phật Quang trao cho chàng một cây gậy và chiếc nón dặn rằng:
– Phép biến hóa là ở cây gậy này. Xin hãy giữ lấy phòng thân.
Trở lại quê nhà, Chử Đồng Tử đem những điều học được truyền lại cho Tiên Dung. Từ đó, hai vợ chồng giao tất cả công việc buôn bán cho dân làng, chỉ mang theo chiếc nón và cây gậy Phật Quang đã tặng, tìm nơi thanh vắng để tĩnh tâm tiếp tục tu luyện. Hai người giã từ Chử Xá ra đi trong niềm lưu luyến thân thương của bà con dân làng.
Trên đường đi, một hôm hai vợ chồng đến một bến sông lạ, cảnh vật hoang vu quạnh quẽ không một bóng người, một mái lá. Thấy trời đã sụp tối, hai vợ chồng đành cắm gậy xuống đất, che nón lên trên rồi tựa lưng nhau ngồi ngủ qua đêm.
Sáng hôm sau, chợt thức giấc, Tiên Dung và Chử Đồng Tử thấy mình đang nằm trong một cung điện lộng lẫy, màn che trướng rủ không khác gì cung điện của vua cha. Xung quanh là các tiểu đồng thị nữ đang cung kính chờ sai bảo hầu hạ.
Bước ra bên ngoài, hai người càng thêm ngạc nhiên vì nơi đây là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, có thành cao hào sâu, điện các, quân lính đi lại canh gác nghiêm mật. Thấy Tiên Dung và Chử Đồng Tử bước ra, tất cả cúi rạp chào mừng, chúc tụng.
Dân trong vùng thấy sự lạ, tòa lâu đài được dựng lên chỉ trong một đêm, bèn nô nức mang lễ vật đến xin hai vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử che chở. Từ đó, hai người ở lại dạy cho dân tìm lá thuốc chữa bệnh.
Ít lâu sau, tiếng đồn về tòa lâu đài đến tai vua Hùng. Nghi ngờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử có ý mưu phản, nhà vua bèn sai quân đi đánh dẹp. Quân lính nhà vua cờ dong trống mở, ngựa xe đông đảo lên đường nhắm hướng lâu đài của vợ chồng Tiên Dung trực chỉ. Bụi bay mù mịt cả một góc trời khiến dân cư hai bên đường hoảng loạn.
Đến gần tòa lâu đài của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, trời đã tối mịt, không sao sang sông được. Quân lính nhà vua đành hạ trại nghỉ lại bên này sông chờ trời sáng.
Trong khi đó, bên lâu đài của Tiên Dung – Chử Đồng Tử mọi sinh hoạt vẫn bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng đến nửa đêm hôm đó trời bỗng nổi giông tố, sấm sét vang lừng, cát bay cây đổ. Rồi một cơn gió mạnh ào qua cuốn cả tòa lâu đài cùng quân lính, người hầu kẻ hạ và Tiên Dung – Chử Đồng Tử bay vút lên trời.