Tập 1: Người cổ Việt Nam
Thời ấy, người Hòa Bình đã có tín ngưỡng. Mỗi một thị tộc đều thờ một vật tổ riêng mà họ xem là rất thiêng liêng, là cội nguồn xuất phát của thị tộc, có quyền lực tối hậu tạo họa phước an nguy cho cả thị tộc mà họ phải thờ phụng dâng lễ thường xuyên. Nơi cúng vật tổ thường ở sâu trong các đáy hang. Vật tổ có thể là loài động vật ăn cỏ như hươu nai… có thể là loài chim lạ, cây quý hay những tảng đá dị hình.
Sau người cổ Hòa Bình và phát triển với trình độ cao hơn, trên đất nước ta đã có nhiều bộ lạc cư trú trong nhiều vùng tự nhiên khác nhau. Ở miền núi có người cổ Bắc Sơn, được phát hiện đầu tiên ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Người cổ sống cách đây từ một vạn đến khoảng 8 nghìn năm, vào giai đoạn đầu của thời đại đá mới.
Tuy công cụ của họ vẫn là đá cuội nhưng tiến bộ hơn người cổ Hòa Bình vì họ đã biết mài đá. Người Bắc Sơn lấy một hòn cuội ghè đẽo chung quanh rồi sau đó một đầu thành lưỡi sắc bén. Kỹ thuật mài đá đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc sống lao động của người Việt cổ. Rìu mài của Văn hóa Bắc Sơn có ý nghĩa rất lớn trong việc săn bắt cũng như chặt cây phá rừng, phát triển nghề nông lên một bước.
Một thành tựu quan trọng nữa là người cổ Bắc Sơn lần đầu tiên đã biết làm gốm. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy tròn. Độ nung của đồ gốm chưa cao. Người cổ Bắc Sơn đã biết nhào đất sét lẫn cát để nung nên đồ gốm, không rạn nứt nhưng còn rất thô. Họ Bắc Sơn tuy đã biết làm đồ gốm nhưng có lẽ chưa dùng nhiều. Họ vẫn dùng ống tre, vỏ bầu để đựng nước và nấu ăn.
Trang sức của cư dân văn hóa Bắc Sơn phong phú và đa dạng hơn của cư dân văn hóa Hòa Bình. Ngoài những vỏ ốc biển xuyên lỗ giữa để đeo, họ còn làm đồ trang sức bằng đá phiến có lỗ đeo và những hạt chuỗi bằng đất nung hình trụ hay hình thoi, giữa có xuyên lỗ. Đồ trang sức có ý nghĩa quan trọng các buổi lễ tế thần, tế trời đất của người cổ.
Cư dân văn hóa Bắc Sơn sống thành từng nhóm gồm những người có quan hệ huyết thống tức là anh em bà con với nhau. Đó là những thị tộc, bộ lạc mẫu hệ. Lúc này vai trò người phụ nữ vẫn quan trọng. Con cái sinh ra chỉ biết có mẹ. Đứng đầu những thị tộc, bộ lạc là những phụ nữ lớn tuổi, khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm.
Người ta cho rằng vào thời kỳ này cư dân văn hóa Bắc Sơn đã biết đến số đếm. Trong một số hang động Bắc Sơn, trên những phiến đá nhỏ, người cổ đã khắc lên những đường rẽ quạt, đường tròn hay vuông, hình chữ nhật gần nhau. Trên những vật bằng đất sét hay bằng đá phiến đã có những đoạn thẳng song song làm thành từng nhóm.
Trong thời gian này, bên cạnh văn hóa Bắc Sơn ở vùng đồi núi, còn có văn hóa Quỳnh Văn phân bố ở vùng ven biển, mà người ta đã tìm thấy dấu tích trên các đồi vỏ điệp ở Quỳnh Văn thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Với họ điệp, sò, ốc, ngao, hàu là những nguồn thức ăn quan trọng. Khác hẳn với cư dân văn hóa Bắc Sơn, rìu đá của họ không làm bằng cuội và không có vết mài. Họ dùng đá thạch anh, đá gốc, ghè đẽo trên cả hai mặt, rìu có đốc dày, lưỡi và hai rìa cạnh được ghè mỏng.
Cư dân văn hóa Quỳnh Văn còn biết mài xương thú thành các mũi dùi, những chiếc đục. Họ còn làm các loại nồi gốm đáy nhọn, trong và ngoài đều có vết chải, được nặn bằng tay. Đặc biệt, người cổ Quỳnh Văn đã biết nấu chín thức ăn. Trong các nơi cư trú của họ, người ta tìm thấy bếp với những đám tro than và các hòn đá ám khói. Trong tro than, thường lẫn lộn xương thú, xương cá và càng cua.
Dấu tích mộ cổ ở di tích cồn Sò Điệp (Đa Bút – Thanh Hóa).
Khoảng 2000 – 3000 năm trước Công nguyên.
Tục chôn người chết của người Quỳnh Văn khá đặc biệt. Người ta đào những huyệt mộ tròn thẳng từ trên xuống dưới, xuyên qua các lớp vỏ điệp. Người chết được chôn vào mộ với tư thế ngồi xổm, hai chân co lại, hai tay duỗi hai bên, đầu tựa vào thành huyệt. Có lẽ người chết đã được cột lại trước khi chôn và thường chôn ở ngay nơi cư trú. Trong các mộ còn có chôn theo đồ trang sức và công cụ lao động. Tục chôn này thể hiện quan niệm gắn bó với người chết, vừa sợ người chết về hại đến gia đình, bộ lạc.
Bên cạnh hoạt động kinh tế chủ yếu là bắt điệp, sò, ốc ở bờ biển và vùng nước lợ, người cổ Quỳnh Văn còn sinh sống bằng nghề đánh cá biển. Trong các đồi vỏ sò điệp, người ta còn tìm thấy các đốt xương sống và vây của các loài cá biển khá lớn. Muốn đánh được loài cá biển như vậy, người cổ Quỳnh Văn phải có thuyền ra biển. Như vậy, có thể nói, bên cạnh việc hái lượm săn bắt, nghề đánh cá biển đã phát triển trong các cư dân cổ ở vùng biển Quỳnh Văn.
Cuối Thời đại đá mới, cách nay khoảng 6-5 năm phần lớn cư dân cổ trên đất nước ta đều đã bước đến giai đoạn nông nghiệp trồng lúa. Đây là một cuộc cách mạng thật sự, làm thay đổi lớn lao đời sống của các cư dân nguyên thủy. Họ đã định cư lâu dài, đã biết tổ chức sản xuất tuy còn rất sơ khai, từng bước học hỏi kinh nghiệm để chế ngự thiên nhiên, chủ động thực phẩm cho cộng đồng.
HIỆN VẬT THUỘC VĂN HÓA HẠ LONG
(Quảng Ninh)
- Rìu mui rùa
- Rìu có vai và vai xuôi
- Bôn
- Cuốc
Ở vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng và trên một số đảo trong vịnh Hạ Long còn phát hiện được những di tích về cư dân cổ Hạ Long. Công cụ đá của người Hạ Long là rìu, bôn và đục. Bôn gần giống rìu nhưng lưỡi được mài vát một bên và có cán lắp như kiểu cán cuốc. Loại công cụ đá tiêu biểu cho văn hóa Hạ Long là loại bôn có vai có nấc với phần chuôi thu nhỏ có thể cắm hay buộc vào cán để lao động. Người Hạ Long để biết kết hợp các kỹ thuật mài, cưa và khoan đá một cách khéo léo để chế tác các công cụ và đồ trang sức rất đẹp.
Một tiến bộ nữa là cư dân văn hóa Hạ Long đã biết làm đồ gốm bằng bàn xoay. Đồ gốm có nhiều loại hơn phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: nồi, niêu, vò, hũ, bát, ấm… Đồ gốm có nhiều hình dạng, có loại miệng hơi loe, có loại miệng loe ngang rồi gãy góc, có loại miệng loe ra rồi có gờ gấp vào trong, có loại miệng hình nhiều cạnh, có chân đế. Hoa văn thì có hoa văn dấu thừng (buộc dây thừng vào bàn dập rồi dập lên khi còn ướt), đường song song cắt nhau bằng ô vuông hay ô trám, hình tam giác hay đắp đất hình chữ S quanh gờ miệng.
Vào cuối Thời đại đá mới, qua các nghiên cứu phát hiện ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ cho biết trên khắp đất nước ta, đã tụ cư nhiều bộ lạc trồng lúa. Thời đó xóm làng đã đông đúc, dân số đã có sự tăng vọt hơn các thời trước. Sự phân công lao động đã bắt đầu xuất hiện để thỏa mãn nhu cầu của bộ lạc và trao đổi với bên ngoài.
Bước sang Sơ kỳ thời đại đồ đồng, cư dân cổ ở nước ta, trong khi vẫn đưa kỹ thuật chế tác đá lên đỉnh cao đã thay thế một số công cụ đá bằng một nguyên liệu mới: đó là đồng. Sự xuất hiện của đồng đã dần dần làm thay đổi mạnh mẽ đời sống xã hội nguyên thủy. Thời đại đồ đồng ở nước ta được biết qua di chỉ văn hóa Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Các bộ lạc Phùng Nguyên đã tập trung thành những khu dân cư đông đúc phân bố cả vùng trung du và một phần đồng bằng Bắc bộ, nhiều nhất là vùng hợp lưu các con sông Hồng, sông Đà, sông La…
DI CHỈ THUỘC VĂN HÓA PHÙNG NGUYÊN DI CHỈ PHONG PHÚ RÌU CÓ VAI
DI CHỈ THUỘC VĂN HÓA GÒ MUN
HIỆN VẬT TÌM THẤY Ở PHÙNG NGUYÊN
- Bàn mài
- Rìu tứ giác
- Rìu có vai
- Mảnh vòng và lõi vòng
- Màn rỉ đồng
Các bộ lạc Phùng Nguyên, cách nay hơn bốn ngàn năm, đã đưa kỹ thuật làm đồ đá lên đến một trình độ cao. Hiện vật đã rất phong phú về loại hình cũng như về số lượng. Công cụ, vũ khí, có đủ các loại: rìu, bôn, đục, dao, lao, mũi tên, mũi nhọn, mũi khoan, chỉ lưới, bàn mài, bàn đập gốm, qua… Trong một số nơi cư trú người ta còn thấy tồn tại những “Công xưởng chế tác đá” chuyên sản xuất công cụ và đồ trang sức.
Thời này, cảm quan về cái đẹp của người cổ đã phát triển thể hiện qua đồ trang sức, đồ gốm và ngay cả trên các công cụ đá. Những vòng trang sức, những hạt chuỗi bằng đá nephrit màu xanh như màu men ngọc hay trắng như ngà được khoan tiện tinh vi, xinh xắn. Đặc biệt, còn có những tượng gà, tượng bò tuy đơn sơ, ước lệ nhưng chứng tỏ sự quan sát tinh tế thế giới bên ngoài và khả năng thể hiện của người cổ.
Rìu, đục, vòng trang sức, lõi vòng bằng đá cách nay khoảng 4000
năm tìm thấy ở Phùng Nguyên.
Các bộ lạc Phùng Nguyên là các cư dân nông nghiệp trồng lúa. Người ta tìm thấy gạo cháy, phấn hoa của các loài lúa nước Oryza trong các di chỉ cư trú của người thời này. Một điểm quan trọng là người Phùng Nguyên biết đến việc chăn nuôi, ít ra là họ đã nuôi chó, lợn, trâu, bò, gà. Do nông nghiệp và chăn nuôi phát triển, nghề săn bắt vẫn còn tồn tại nhưng không còn chiếm vị trí chủ đạo.
Tượng thú tìm thấy ở Phùng Nguyên
Các nghề thủ công như đan lát, se chỉ, dệt vải đều đã phát triển. Cư dân Phùng Nguyên đã biết đan lóng đôi và lóng thúng rất đẹp, rất giống ngày nay. Họ đã se được các loại thừng to và chỉ nhỏ, nhiều đọi se chỉ đã được phát hiện trong các di chỉ văn hóa của thời này.
Đồ gốm thời Phùng Nguyên rất đa dạng và phong cách độc đáo, họ là những thợ gốm có tài. Độ nung chưa cao lắm nhưng đồ gốm đã khá tốt. Kiểu dáng đồ gốm rất đẹp, có nhiều loại như nồi, bình, vò, vại, mâm bồng, cốc chân cao, bát đĩa… Kiểu hoa văn đặc trưng của Phùng Nguyên là giữa hai đường vạch chìm có những đường chấm nhỏ hoặc những hoa văn đường chấm thưa xen giữa những giải hình chữ S hoặc những đường cong uốn lượn phức tạp.
Sự xuất hiện của đồng và thuật luyện kim là điểm đáng chú ý trong đời sống kinh tế của cư dân Phùng Nguyên tuy lúc bấy giờ đồng còn rất hiếm, đồ đá vẫn là phổ biến. Phân tích những cục đồng tìm được ở Gò Bông (xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho thấy người Phùng Nguyên đã biết đến hợp kim đồng thau (gồm đồng và thiếc). Việc tồn tại những xỉ đồng cho thấy đây là kỹ thuật do chính người Phùng Nguyên tạo ra. Nhưng phải đến trước và sau Công nguyên* vài thế kỷ, nghề đúc đồng ở nước ta mới phát triển rực rỡ.
* Công nguyên là mốc thời gian tính theo dương lịch hiện nay, xuất phát từ cách tính lịch của Thiên Chúa giáo. Từ đầu Công nguyên đến nay là 2010 năm.
Xỉ đồng tìm thấy ở Phùng Nguyên
Do những biến đổi trên, vai trò của người đàn ông trong gia đình dần dần trở nên quan trọng và cần thiết bởi các hoạt động kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, thủ công… ngày càng đòi hỏi nhiều công sức và sự khéo léo. Vì vậy trong giai đoạn này ở nước ta, chế độ phụ hệ đã dần được xác lập thay thế cho chế độ mẫu hệ tồn tại từ hàng vạn năm trước. Lúc bấy giờ gia đình đã duy trì một cách ổn định. Con cái được tính theo huyết thống người cha thay vì theo dòng mẹ và đứng đầu các công xã bắt đầu là những người đàn ông lớn tuổi có kinh nghiệm.