Tập 17: Ỷ Lan Nguyên Phi

Buồng trò lưu động trong một đợt đi biểu diễn tại Nhật của Nhà hát múa rối Trung Ương.
Ảnh 1: Diễn viên đang dầm mình trong nước của một buồng trò lưu động để điều khiển con rối.

Chỉ có các con rối mới diễn trò trên sân khấu, tức là mặt nước ao. Còn những diễn viên thực thụ thì nấp trong buồng trò, sau tấm mành, dầm cả người trong nước để điều khiển con rối từ xa qua hệ thống sào chìm dưới nước.

Ảnh 2: Ban nhạc đang biểu diễn trong buồng trò. Ảnh 3: Một nghệ nhân đang làm các con rối.

Ban nhạc cũng phải nấp trong buồng trò nhưng họ may mắn hơn vì được ngồi trên bệ gạch khô ráo để đánh trống, gõ mõ, kéo nhị.

Ảnh 4: Cây sung mọc ở bờ ao.

Việc tạc các con rối đòi hỏi các nghệ nhân không chỉ có bàn tay khéo léo mà còn phải biết tính toán kỹ thuật. Gỗ để tạc rối tốt nhất là bằng gỗ sung, vì loại gỗ này nhẹ, mềm, không thấm nước và rẻ do dễ kiếm (cây sung mọc tự nhiên ở khắp các bờ ao vùng đồng bằng).

Mỗi con rối cao từ 30cm-1m, nặng từ 1kg-5kg. Tạc hình rối xong, người ta sơn son thiếp vàng để làm đẹp và cũng để chống thấm nước triệt để hơn.

Con rối được khoét rỗng trong thân để luồn dây điều khiển cho tay cử động. Khi ra biểu diễn người ta ốp tấm gỗ vào sau lưng để che dấu kết cấu này (hình 1).

Do kích thước và hình dáng phức tạp, nhiều con rối không thể làm từ một khúc gỗ mà phải ghép nhiều mảnh lại. Chẳng hạn, rối Tráng sĩ cưỡi ngựa, các bộ phận có thể tháo ra lắp vào (hình 2).

Để con rối có thể cử động linh hoạt, các phần thân thể được làm rời ra và nối với nhau bởi các khớp. Các con rối nhạc công là một ví dụ điển hình (hình 3).

Con rối sư tử có thân được làm bằng ba vòng dây mây có thể vặn mình sang hai bên (hình 4).

Một lão nghệ nhân và con rối “Chú Tễu” của ông.

“Chú Tễu” là nhân vật nổi bật của múa rối nước, đóng vai dẫn dắt, giới thiệu chương trình, bình luận, chế giễu và khen ngợi các nhân vật khác. Khán giả rất thích Tễu vì chú ta thông minh và luôn gây ra tiếng cười sảng khoái.

Các vở rối thường ngắn và chia làm hai loại:

  • Những trò lẻ như: “Bật cờ”, “Trồng cột cờ”, “Cày ruộng”, “Đánh cá”…
  • Những trích đoạn sân khấu hay chuyện lịch sử, cổ tích như: “Từ Thức giã biệt tiên nữ”, “Lê Lợi trả kiếm cho rùa vàng’, “Thị Mầu, thị Kính”, “Tám tiên nữ múa”… Sân khấu rối nước thật tưng bừng, nhịp nhàng, sôi động, đẹp mắt và hồn nhiên.

Dân làng được xem: chọi trâu, cày bừa, đánh cá, đấu vật, tiên múa, rồng phượng lân rùa cùng múa… Mặt ao nổi sóng. Độ hấp dẫn càng tăng khi pháo nổ, cờ bay, rồng phun nước… trong tiếng hát chèo, hát văn hòa cùng tiếng đàn nhị, sáo, mõ, trống cơm, thanh la, chũm chọe, tù và…

Cảnh đánh cá

Bí quyết của múa rối nước nằm ở hệ thống điều khiển (phần chìm dưới nước). Có ba hệ thống điều khiển. Thứ nhất là hệ thống sào điều khiển đơn giản. Sào dài, nghệ nhân cầm một đầu, đầu kia là các khớp nối với chân đế của con rối. Loại rối này đơn giản nhất, chỉ di chuyển vị trí mà không cử động chân tay.

Hệ thống sào điều khiển đơn giản và một con rối (chim cốc) được điều khiển bằng hệ thống này.

Với các con vật có chiều dài, người ta cũng vẫn dùng hệ thống điều khiển đơn giản, nhưng chia khúc, lắp các bản lề nên đã có các chuyển động phức tạp hơn. Do đó con vật có thể vừa lướt tới, vừa lắc mình trông rất sinh động.

Thứ hai là hệ thống sào điều khiển phức hợp, được dùng cho các con rối có cử động đôi tay. Cùng với sào còn có cả dây được nối từ tay người điều khiển, chạy dọc theo sào luồn vào chân đế, qua thân con rối đã đục rỗng nối với hai khớp vai. Do đó, con rối vừa lướt sóng vừa xoay thân lại cử động hai tay. Ở hình bên cạnh, con rối tiên nữ còn có cả khớp bản lề ở khuỷu tay làm tay có thể gấp lại.

Và thứ ba là hệ thống điều khiển phức hợp bằng bộ khung gỗ luồn dây thừng và dây tơ. Dây được tẩm kỹ sáp ong để chống thấm nước. Hệ thống này dùng cho nhóm các con rối giống nhau, đứng thành đội hình cố định và luôn có những cử động thống nhất. Ví dụ như các tiên nữ (ảnh trên) và nhóm bốn người đàn bà khiêng kiệu (ảnh dưới).

Tốp tiên nữ múa (hệ điều khiển bằng bộ khung gỗ luồn dây thừng và dây tơ).

Cảnh trong tích trò “Lê Lợi trả kiếm cho rùa vàng” (cũng là hệ điều khiển phức hợp bằng khung gỗ luồn dây. Ở đây, bộ khung gỗ hiện diện dưới hình thức chiếc thuyền rồng).
Tiết mục pháo hoa

Ngày xưa không có nghệ nhân rối nước chuyên nghiệp. Họ là những nông dân hát hay, khéo léo, đàn giỏi, đi diễn rối nước vào lúc nông nhàn.

Ngày nay, rối nước bắt đầu vươn tới tương lai rực rỡ khi nước ta cử nhiều đoàn đi lưu diễn ở nước ngoài. Rối nước truyền thống Việt Nam được hoan nghênh nhiệt liệt ở Pháp, Ý, Hà Lan, Australia, Nhật, Ấn Độ, Anh, Thụy Điển, Mỹ… Với thế giới, đây là một phát hiện mới mẻ trong lịch sử sân khấu múa rối.

Ngay giữa thủ đô Hà Nội có một nhà hát riêng để biểu diễn rối nước hàng ngày.

Người Pháp gọi môn nghệ thuật cùng với những con rối duyên dáng là “Linh hồn của đồng ruộng Việt Nam” và đánh giá: “Với sáng tạo và khám phá, rối nước đáng được xếp vào những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối” (Trích tờ bướm của Nhà hát Múa Rối Hà Nội).

Nguyễn Đức Hòa biên soạn theo sách “Múa rối nước truyền thống Việt Nam” của Nguyễn Huy Hồng, Trần Trung Chính. Ảnh: Đỗ Nhuận, Kim Hoàn, Vũ Anh Tuấn, NXB Thế Giới, Hà Nội 1996.

LịCH Sử VIỆT NAM BằNG TRANH TậP 17

Ỷ LAN NGUYÊN PHI

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT

Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUậT

Biên tập: CúC HƯơNG

Biên tập tái bản: Tú UYÊN

Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐìNH QUÂN Trình bày: BÙI NGHĩA